LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 3.8.2014

Thế nào là uống rượu?

Hỏi như thế là hỏi khó. Dân Việt Nam hầu hết đều biết uống rượu, thế nhưng đã nâng nó lên một tầm triết lý chưa? Y chưa đọc được quyển sách nào bàn “ra tấm ra miếng” về nghệ thuật uống rượu của tác giả người Việt. Nếu có chăng cũng chỉ vài trang trong Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân. Người Việt biết sáng chế nhiều loại rượu ngon. Ngon đến độ chỉ cần ngửi qua, hương men xộc lên ốc cũng đủ tê tái tâm thần. Thế nhưng vẫn chưa có một ai đủ lịch lãm, từng trải có thể bàn về “ra môn ra khoai” nghệ thuật uống rượu. Mà cũng chưa có loại rượu nào nào tạo nên huyền thoại như rượu Thiệu Hưng (Trung Quốc): Khi đẻ ra con gái, bố mẹ tự tay làm hủ rượu, để dành chừng hai mươi năm sau khi con gái xuất giá thì tặng cho nó như một báu vật. Hủ rượu này, ngoài bình vẽ bức tranh tuyệt đẹp, thường vẽ hoa. Vì sao vẽ hoa? Y suy diễn rằng, do hoa thường sánh đôi với rượu,  “uống rượu thưởng hoa” là thú vui tao nhã chứ chắc chắn không phải đi đôi với… thịt chó! Do hủ rượu có tranh vẽ hoa nên còn gọi “hoa điêu”.

Lâu nay thiên hạ vẫn khen quyển Một quan niệm về sống đẹp của Lâm Ngữ Đường là tinh tế, diệu vời khi bàn về thú chơi, hưởng thụ thiên nhiên, uống trà, tâm tính v.v… của người Trung Hoa. Thế nhưng theo y,  chương hay nhất trong tập sách đó, bàn về uống rượu là hay, tuyệt hay bởi… không phải Lâm Ngữ Đường viết. Nó hay bởi ông biết trích dẫn những đoạn văn hay nhất bàn về nghệ thuật bàn về uống rượu của chính người Trung Hoa. Người viết sách như người đưa đò. Lâm Ngữ Đường, đêm qua đã đưa y quay về với thú uống rượu đã có từ mấy ngàn năm trước. Sở dĩ, Lâm Ngữ Đường không bàn về rượu vì ông thú nhận không biết uống rượu. Y cũng thế. Bèn nghĩ rằng, đọc sách còn có cái thú là những gì đã tâm đắc, đã khoan khoái trong lòng có thể chép ra cho người khác cùng thưởng thức. Ở đây, y chọn trích đoạn theo bản dịch của nhà văn Nguyễn Hiến Lê bởi câu văn trong sáng, khúc chiết:

“Cái thú uống rượu, đặc biệt là cái thú “tiểu ẩm” (uống một li nhỏ) mà trong văn học Trung Hoa người ta thường nhắc tới, trước kia tôi vẫn cho là một bí mật không hiểu nổi, mãi đến khi một nữ sĩ diễm lệ ở Thượng Hải, trong lúc ngà ngà, hăng hái ca tụng mĩ đức của rượu, tôi mới chịu tin rằng lời bà ta có lí. Bà bảo: “Trong lúc nửa say, người ta nói huyên thuyên, nói hoài không ngừng; không có gì thú hơn, sướng hơn nửa”. Người ta có cảm giác hăng hái, dương dương đắc ý, cơ hồ như trở ngại nào cũng thắng nổi, giác quan mẫn nhuệ lên, mà khả năng sáng tác, nó ở giữa ranh giới hiện thực và ảo tưởng, đạt tới một trình độ cao hơn lúc bình thường. Cơ hồ ta có thêm năng lực, thêm lòng tự tin, có ý thoát li qui củ cùng những sự trói buộc của kĩ thuật".

"Có người nói rằng những nhà độc tài ở châu Âu như Franco, Hitler, Mussolini, nguy hại cho nhân loại vì họ không biết uống rượu. Lời đó đáng gọi là có kiến giải. Tôi không ưa các nhà độc tài vì lối sống của họ có cái gì bất cận nhân tình, mà cái gì bất cận nhân tình đều là xấu cả. Một tôn giáo bất cận nhân tình không phải là một tôn giáo, chính trị bất cận nhân tình là một chính trị điên khùng, một nghệ thuật bất cận nhân tình là một nghệ thuật dở, và một lối sống bất cận nhân tình là lối sống của loài vật”.

“Trà như ẩn sĩ, rượu như hào sĩ. Rượu để kết bạn, trà để hưởng tĩnh”. Một tác giả Trung Hoa còn kể ra những tâm trạng và địa điểm hợp với sự uống rượu: “Trong cuộc lễ nên uống khoan thai; trong cuộc họp bàn, uống nên nhã; người đau nên uống từng chút một; người sầu muộn nên uống cho đến say. Mùa xuân nên uống ở sân, mùa hè nên uống ngoại ô một châu thành; mùa thu nên uống ở trong thuyền; mùa đông nên uống ở trong nhà; mà ban đêm nên uống dưới bóng nguyệt”.

“Một tác giả khác viết: “Nên lựa lúc và nơi mà say. Say với hoa thì nên vào ban ngày để hưởng hết màu sắc, ánh sáng; say với tuyết thì nên lựa ban đêm để tâm tư được thanh tĩnh; say lúc đắc ý thì nên ca hát cho lòng được hợp cảnh; say lúc li biệt thì nên hát lúc du dương để nâng đỡ tinh thần; say với văn nhân thì nên cẩn thận, lễ độ để khỏi bị khinh nhờn; say với võ tướng thì nên dùng cái chén bằng sừng, thêm cờ xí cho thêm lẫm liệt; say trên lầu thì nên lựa mùa hè để hưởng gió mát; say trên sông nước thì nên lựa mùa thu cho thêm phóng lãng sảng khoái. Tâm trạng và cảnh phải thích nghi, không vậy thì mất thú”.

“Quan trọng là cái vui chứ không phải rượu. Như vậy thì người tửu lượng kém cũng có thể hưởng thú uống rượu. Có những người không biết chữ mà biết cái thú của thơ; có những người không biết tụng kinh mà biết cái thú của tôn giáo; có những người không biết uống một giọt rượu, mà biết cái thú của rượu; có những người không biết gì về đá, mà biết cái thú của họa”. Những người đó đều là tri kỉ của thi nhân, thánh hiền, ẩm giả và hoạ sĩ”.

Ngẫm thêm về lai rai một chút nữa, theo y:

Từ 10 đến 20 tuổi: Nhậu càng đông càng thích, càng hào sảng. Tưởng như Kinh Kha sang Tần. Một đi không trở lại. Sáng dậy tỉnh queo. Như chưa từng có giọt nào. Quên tuốt luốt những lộng ngôn.

Từ 20 đến 30: Nhậu bất kể thời gian. Bất kể loại bia rượu gì. Có là uống. Ép nhậu đến ngất trên cành quất. Tranh nhau đọc thơ cứ như đang đứng trước quảng trường phục vụ cho hàng triệu công chúng. Tự nhận thơ của thiên tài, dù không tờ báo nào thèm đăng. Nhậu từ sáng hôm nay qua sáng hôm sau, rồi đi làm luôn. Vẫn thơ thới, tỉnh táo.

Từ 30 đến 40: Không thích nhậu quán quen. Quán lạ vẫn thích hơn. Bởi quán lạ có nữ tiếp tân lạ. Tàn cuộc nhậu luôn ngoác mồm hỏi một cách nghiêm túc, đứng đắn: Tăng 2 ở đâu? Quán nào? Dù không còn một xu dính túi.

Từ 40 đến 50: Nhậu cần có thêm siêu mẫu, người mẫu vây quanh. Mới vui. Hay kể bàn chuyện phòng the. Luôn tự nhận là số 1. Bách chiến bách thắng. Tự trấn an cho sức khỏe. Quan tâm đến các loại cường dương bổ thận. Sáng mai, dậy rất sớm, mở mắt ra đã 12 giờ trưa.

Từ 50 đến 60: Kén bạn nhậu lúc chung bàn. Thấy có người không hợp gu, đùng đùng đứng dậy, bỏ về ngay. Uống có chừng mực hơn. Không nhất thiết phải có chân dài chân ngắn Ai muốn đọc thơ, phải đóng tiền vì đã tra tấn bạn nhậu. Thích nhất vẫn là nhậu chỉ có hai người. Một nam một nữ. Người nữ đó không phải vợ mình. Bởi lúc đó có thể tha hồ đọc thơ mà không phải đóng lệ phí!

Mấy đêm nay, hầu như đêm nào cũng đọc quyển sách Một quan niệm về sống đẹp của Lâm Ngữ Đường. Đọc chậm rãi. Đọc tùy hứng. Đọc nhẩn nha. Khi đọc đến dòng cùng mới tặc lưỡi, tiếc: “Sao hết nhanh thế?”.

Sáng nay, thức dậy sớm, còn hào hứng với quyển sách hay nên viết những dòng này.

 

lamnguduongR

Số báo đặc biệt về nhà văn Lâm Ngữ Đường (Tạp chí Văn 1.V.1965 phát hành tại Sài Gòn). Tư liệu L.M.Q

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment