LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 1.8.2014


Sinh nhật, 1.8.1959.

Trong đời sống, cuối cùng con người ta bấu víu gì để sống? Thông điệp cuối cùng chỉ có thể Tình yêu. Những cuộc tình ma mị. Những ánh sáng chói lòa. Những mù tăm hun hút. Đôi khi, muốn hình dung lại thịt xương đã chìm khuất trong quá khứ xa vời. Nhưng rồi, cũng không thể. Những dấu chân đã tan trong gió bụi. Những dấu chân đã dẫm lên những dấu chân. Không còn gì trong tâm tưởng nữa. Người ta thường lưu luyến tình đầu. Không phải thời gian của trước hoặc sau mà chính là thời điểm nào. Mối tình cuối cùng mới là tình đầu. Bởi lẽ đang hiện hữu trong nhau. Những tình cũ, tình xưa, tình trăm năm mờ mịt cuối cùng chỉ là tiếng thở dài. Tiếng gió rít ngoài đồng nội. Mãi mãi xa tít. Nào có ai giữ lại được trên bàn tay tiếng thở dài đi qua năm tháng? Nào có ai níu được mùi hương đã xa khuất trong bộn bề ký ức? Thế thì, hãy giữ lấy những gì đang hiện hữu. Đang có. Đang hiện diện. Những ám ảnh quá khứ hãy để lụi tàn. Tro tàn khép lại. Đời sống đã lật qua một trang giấy mới. Chồi đang biếc. Lá đang nõn. Một hẹn hò vừa đến. Đã đến. Và gọi là “Nàng”.

Nàng đã đến tự lúc nào?

Chắc hẳn không  trong ngày sinh nhật. Chỉ nhớ tối hôm ấy, quán đông đúc những ngợm là người. Những bia là rượu. Những khói thuốc là men. Men say của tuổi trẻ. Men ngây ngất của một đêm mưa bão trút. Cảm tưởng như từ thuở khai thiên lập địa đến nay, bao nhiêu sông, suối, biển, hồ, suối, khe hội ngộ về trời và từ trên trời cao trút hết nước xuống cõi trần u ám. Một trận mưa kinh khiếp. Trời đất sạch sẽ. Lòng người hân hoan. Một người đã đến. Và từ đó, bắt đầu một câu chuyện mới. “Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm ?/ Nàng là hương hay nhan sắc lên hương ?”.

Lúc ấy, có ai đọc thơ Bích Khê không?

Chẳng nhớ nữa.

Chỉ nhớ ngoài trời tiếng gió, tiếng sấm sét gào rú vang động, rúng động từ địa ngục đến cõi địa đàng. Trong ngày sinh nhật, tại sao trí nhớ lại quay về năm tháng ấy? Đôi khi chán chê, chán ngán với cõi đời thực con người ta đi tìm một cõi khác. Cõi ái tình của bông hoa đầu mùa mới chớm. Cõi gió heo may hiền lành như câu văn Thanh Tịnh: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường”. Lạ kỳ chưa? Một câu văn xuôi trong sáng, đơn giản lại đi vào nỗi niềm nhiều thế hệ học trò. Thuộc nằm lòng. Nhớ từng câu. Nhớ từng chữ. Từng dấu phết. Từng dấu chấm. Những lời ái tình chân thật bất kỳ thời đại nào, chủng tộc nào cũng thế. Cũng trong sáng và giản đơn. Không cần gì phải trăng mây hoa gió du dương biền ngẫu niêm luật đối xứng. Chỉ một lời. Chỉ một chữ. Có thể ngàn đời sau, muôn trùng kiếp khác vẫn nhớ vết hằn đau trong óc. Vết máu lặn trên da. Vết xâm sâu tiềm thức. Nỗi nhớ ấy, nồng nàn chăn gối.

Sinh nhật, 1.8.1959.

Hôm kia, Haani đã chuyển đôi giày của nàng gửi tặng. “Quà sinh nhật cho anh”. Đường còn xa. Giày còn bền. Cứ thế, thời gian lại lao về phía trước. “Ngày đó có em đi nhẹ vào đời” (P.D). Đã “ngày đó” là thuộc về dĩ vãng. Còn đây của Hiện tại. Hiện tại không thể nhú lên mầm rêu úa của Quá khứ xa vời: “hương em thơm lộng lẫy trên môi / anh gọi lên sóng biếc vỗ trùng khơi”. Thói thường, khi cuộc tình đã xa, đã mất lại gợn lên trong trí nhớ những ám ảnh không nguôi để bật ra những câu thơ mới. Cần gì phải thế, hãy cứ là những câu thơ của Ngày Vui đang có. Mỗi câu thơ là một Tin Mừng. Mỗi câu thơ là nồng nàn ve vuốt trong hư thật của từng ngày đang sống. Mỗi ngày sống là một ngày Hồi sinh từ tàn tro của bụi bặm nhân sinh ê chề mỏi mệt. Mỗi ngày yêu là một ngày quay về với tuổi thơ trong sáng và hiền lành. Như câu văn Thanh Tịnh: “Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh”. Có như thế, bằng Tình yêu đang có thì con người ta mới có thể vác cây thập tự của số phận đời mình đi hết một kiếp đời gian nan, bất trắc.

Sinh nhật, 1.8.1959.

Sao không đọc lại những bài thơ đã viết tặng nàng?

Ngày nào, lúc nào có thể in tập thơ này? Đánh dấu một Mùa Tình đôi lứa. Một Mùa Xanh hẹn hò. Một Mùa Thơm ngấy ngây trên từng phiến da non. Một Mùa Vàng của bắt đầu và không kết thúc. Có thể những câu thơ còn đọng lại như giọt rượu đỏ chìm sâu dưới dấy ly pha lê trong suốt. Có thể chỉ là tiếng gió lướt ngoài hiên vắng những chiều ngồi đâu đó thả cái nhìn vào dòng đời náo nhiệt. Lúc ấy và bây giờ, chẳng bận tâm điều gì. Chỉ biết rằng, một mối tình đang có là lúc hai người một bóng. Một bóng nắng, một bóng mưa, một bóng mây, một bóng thời gian của ngày đang có: “lạc nhau trong cõi ta bà / ngoài năm mươi mới biết là của nhau / tình sâu chót mới tình đầu / là ngày giọt máu cúi chào trăm năm”. Sao lại quy ước “trăm năm” là một đời? Khoảnh khắc ấy ngắn hay dài? Mộng hay thực? Làm sao có thể biết? Làm sao có thể tách bạch rạch ròi giữa Mộng và Thực? Trong mộng có thực. Và ngược lại. Trăm năm trước, Nguyễn Huy Hổ (1783 -1841) viết Mai Đình mộng ký có lẽ đây là tác phẩm đầu tiên của văn học Việt Nam nêu lên khái niệm giữa Mộng và Thực: “Ta nghe nói: người giác lớn có mộng lớn. Lời nói mầu nhiệm thay! Lời nói mầu nhiệm thay! Ôi! Việc lớn như chung thủy của trời đất, bé như sinh tử của nhân vật, xa như thế biến của xưa nay, đều là giác trong mộng cả. Như thế thì, những kẻ gọi là mộng ảo, gọi là trần giới, gọi là nghịch lữ, gọi là hành khách, mới có thể nói chuyện mộng được mà thôi”. Cuối bài Tựa này, Nguyễn Huy Hổ viết nốt: “Đó là mộng chăng? Đó không là mộng chăng? Duy chỉ người đại giác mới đoán được”. Ngờ rằng những tác phẩm Giấc mộng lớn, Giấc mộng con của Tản Đà có được cũng từ ảnh hưởng này chăng?

Sinh nhật, 1.8.1959.

Chép lại những câu cuối trong Mai Đình mộng ký. Đọc ngân nga như đứa trẻ học bài trơn như cháo chảy:

Tài tình xem lại xưa nay,

Kiếp người may với chẳng may cũng nhiều.

Cuộc đời mây nổi, nước triều,

Tình bao nhiêu, nợ bấy nhiêu, hay gì.

Lấy điều mộng ảo mà suy,

Một thì là giác, hai thì là mê.

Mê chăng một lúc đi về,

Giác thì duyên ấy còn ghê sau này.

Quái quỷ thật, những ngày tháng thản nhiên đi qua cuộc đời này, bỗng dưng hằng năm cứ đến một ngày, ai cũng có ngày đó để giật mình sực nhớ. Ngồi xuống. Ngồi lại tự vấn. Nghĩ về năm tháng đã gánh lấy bụi bặm của cõi trần nặng nợ. Nghĩ về những buồn vui từ thuở cất tiếng khóc oa oa đến giây phút chạm vào Hiện tại. Rồi đứng dậy. Và đi nữa. Tiếp tục đi. Đi mãi. Đi về một cõi khác. Mơ hồ. Hun hút. Thẳm sâu. Ngoài 50 xuân xanh tóc trắng mới nghiệm ra câu thơ của Trần Tử Ngang (661 - 702) thần sầu quỷ khốc bởi thấu hiểu lẽ vô vi không cùng của trời đất:

Ngưòi trước chẳng thấy ai

Người sau thì chưa thấy

Gẫm trời đất thật vô cùng

Riêng lòng đau lệ chảy

Thế thì, ngày tự vấn ấy, hôm qua, Nhật ký 31.7.2014, y tự nhủ: “Ngày ra đời của mỗi người, phải gánh vác biết bao công việc nhọc nhằn của một kiếp đời, lầm lũi đi qua ngày tháng, rồi buông xuôi khép mắt, hà cớ gì phải mừng, phải vui, phải chúc tụng? Thêm một tuổi là đến gần hơn với chặng đường dài kết thúc vòng quay của nghi lễ đời người. Ai cũng đặt chân đến cõi ấy. Một lần. Mãi mãi xa tít ngàn trùng gió bụi trong hỗn mang trời đất. Một dấu chấm lẻ loi. Đơn độc. Và tan biến”. Tuy thế, vẫn nhận được nhiều lời chúc mừng sinh nhật. Vì lẽ gì? Vì cái tình dành cho nhau đấy thôi. "Nặng lắm ai ơi một gánh tình" (Tản Đà).  Cảm động quá.

Sinh nhật, 1.8.1959.

Đã nhận được những lời chúc mừng từ chữ đến hình ảnh của bè bạn xa gần. Nhận từ facebook. Từ tin nhắn. Từ inbox.  Từ nhiều nguồn khác nhau. Xin cám ơn. Gió vẫn con thổi mãi. Ngày đang gần. Ngày đang xa. Cứ thế, cuộc hành trình của một kiếp người lại bắt đầu những bước chân đi…

 

Wine-birthday-cardRR

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment