LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 22.7.2014

 

Thông tin này, chắc chắn sẽ có một vị trí xứng đáng trong biên niên sử Sài Gòn - TP.HCM. Ngày hôm nay, chính thức phân làn giao thông để phục vụ việc triển khai thi công nhà ga metro ngầm ở TP.HCM. Báo TT cho biết: “Dự án gồm 5 gói thầu: Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên dài 19,7km, gồm 17,1km đi trên cao và 2,6km đi ngầm với 14 ga. Trong đó có ba ga ngầm, 11 ga trên cao và depot Long Bình (Q.9). Tổng vốn đầu tư là 2,49 tỉ USD, trong đó vốn vay Nhật là 2,2 tỉ USD, phần còn lại là vốn ngân sách TP”. Nhìn qua hình ảnh, đã thấy nhiều cây cổ thụ phía trước Nhà hát lớn đã đốn bỏ…

Tiếp nhận thông tin này đã mấy hôm nay, chẳng rõ có tay nhiếp ảnh chuyên nghiệp nào chụp lại hình ảnh, trước và ngay trong ngày khởi công? Đây sẽ là những tấm ảnh càng về sau, càng có giá trị tự liệu về sự thay đổi của Sài Gòn. Những hình ảnh này, cũng quý giá tựa như những gì đã thấy trong các card postal ấn hành từ đầu thế kỷ XX.

Chiều qua nhìn nhà văn Lê Văn Nghĩa mặc áo áo montagut, trông ngồ ngộ. Mới nhớ rằng, ngày trước “cớm chìm” thường mặc loại áo này, đeo kính đen. Chi tiết này có lần anh Nam Đồng cho biết. Khi y nói ra, anh Nghĩa phục sát đất: “Đúng quá, nhưng người đó thường đeo kính gì? đi xe gì?”. Chi tiết này, y chịu thua. Anh bảo: “Đeo kính rayban hoặc pilot; đi xe suzuki màu đen hoặc đỏ”. Những chi tiết nhỏ nhặt, lụn vụn biết thêm một chút cũng vui. Làm sao thế hệ trẻ có thể biết ngay sau giải phóng có nghề vá áo mưa, bơm ruột bút bic, cắt cổ chai thủy tinh làm ly uống nước v.v… Ngồi nghĩ tẩn mẩn có thể viết được cái gì đó hết sức thú vị. Chẳng hạn, sau đây một đoạn tản văn Bút mực buồn thiu của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh:

“Nhớ hồi nhỏ, bàn tay suốt ngày lem mực. Đi học, một tay xách cặp, một tay đong đưa lọ mực, đứa nào cũng thế. Chẳng nhớ hồi đó cầm bút kiểu gì mà mựïc cứ dây ra các ngón tay, dây cả vào tập, bị cô giáo nhắc nhở không biết bao nhiêu lần. Cứ mỗi lần dây mực ra tập, tôi lại dùng giấy thấm chấm lên vết mực. Không có giấy thấm thì dùng viên phấn lăn qua lăn lại để hút mực, hút xong còn bôi phấn trắng lên vết ố để đánh lừa cô giáo nhưng lần nào cũng bị cô phát hiện.

Bàn học của học sinh tiểu học hồi đó luôn có một ô tròn trên mặt bàn ngay trước mặt để đặt lọ mực cho khỏi đổ. Nhưng bao giờ cũng vậy, ngồi chồm tới chồm lui, huơ tay qua phải qua trái một hồi thế nào bọn học trò hiếu động cũng huých lọ mực lăn quay khiến mực chảy tràn ra bàn, thấm ướt cả tập vở. Chỉ đến khi bậc thông thái nào đó chế ra chiếc lọ chúc ngược mực vẫn không chảy ra ngoài, chúng tôi mới thôi bị cô giáo la mắng hay trách phạt.

Mực thôi dây ra tập, nhưng vẫn lem đầy các ngón tay. Đó là đặc điểm của bàn tay học trò. Bàn tay mực tím. Tại sao là bàn tay mực tím mà không phải là bàn tay mực xanh? Theo quy định của nhà trường thời đó, học trò tiểu học chỉ được viết bằng mực tím. Muốn viết mực xanh cho ra vẻ người lớn phải đợi lên trung học. Lên trung học, học trò dùng bút máy nên các ngón tay không còn lem mực nữa.

Học trò tiểu học viết bằng mực tím và bắt buộc viết bằng bút mực (tức là bút chấm mực, cán bút bằng gỗ, ngòi bút có hình bầu hoặc hình lá tre) để rèn chữ, vì các ngòi bút này tạo ra nét mảnh và nét đậm. Bút máy bị cấm ngặt với học trò tiểu học. Bút bic, sau này gọi là bút bi, thì tuyệt đối không được dùng, kể cả với học sinh trung học. Các nhà sư phạm cho rằng viết bằng bút bi, nét trơn tuột, học trò dễ sinh thói viết tháu, viết ẩu, chữ sẽ xấu đi. Lúc tôi còn nhỏ, chỉ riêng chuyện bút và mực, nhà trường đã quy định rất chặt chẽ”.

Câu chuyện về bút, mực không chỉ nhắc lại một kỷ niệm êm đềm thời hoa niên mà qua đó, còn cho thấy cả một chiến lược giáo dục hết sức bài bản, chỉnh chu, khoa học trong nghệ thuật “trồng người”. Mà chuyện đi học hồi trước sao dễ dàng quá, chẳng thấy thầy cô giáo nào đặt nặng vấn đề học thêm, dạy thêm. Chẳng rõ học trò bây giờ có còn làm báo tường hay không? Đã lâu rồi không nhìn thấy các loại đặc san của học trò nữa. Ngày nay nếu có, chắc chắn sẽ là kỹ thuật in ấn vi tính thuận lợi hơn, chứ không còn phải quay ronéo như trước. Có lẽ, bây giờ nói ta chẳng ai tin, học trò năm học lớp 8, 9 đã biết thực hiện các tuyển tập thơ văn rồi. Bấy giờ, đang học lớp 8 y đã sinh hoạt trong Gia đình Thiếu Nhi, thỉnh thoảng quay ronéo những tập thơ của anh em trong Bút nhóm Suối Mơ và đi bán cho học trò các trường khác. Dăm ba đứa quần áo chỉnh tề đến trường bạn, xin thầy cô giáo ít phút để vào lớp phát hành tập sách đó. Bạn nào mua, thu tiền ngay, rồi cúi đầu chào thầy cô qua lớp khác. Bây giờ trong tủ sách vẫn còn tập thơ Trái đau chín từ nỗi chết Lữ Tùng Anh. Có lẽ lúc ấy anh là sinh viên, từ Đà Lạt xuống Đà Nẵng phát hành thơ ở các trường học. Còn nhớ câu đề từ cả tập thơ:

Óc tim cô độc hồn thi sĩ

Vắt tặng cho đời mấy giọt thơ

Mấy câu thơ đó, oách quá đi chứ? Hình ảnh ấy, y đã gặp tại trường Tây Hồ những năm 1971. Tưởng chừng như mới hôm qua. Làm sao có thể:

Cho ta xin, ta xin sắc đỏ

Xin màu xanh về tô lại khung đời

Trời ơi, trời ơi, đâu rồi tuổi nhỏ?

Hôm xưa đâu rồi, trời ơi, trời ơi!

(Xuân đầu - Xuân Diệu)

Những ngày này mưa liên miên. Nhức đầu sổ mũi. Chẳng có gì vui. Hôm nọ Vũ ghé nhà, trong lúc tìm sách tặng Vũ, tình cờ lại thấy có tập thơ Người lớn từ biệt trẻ con của Hoàng Trúc Ly (1933 - 1983), in năm 2008. Ông tên thật Đinh Đắc Nghĩa, người Đà Nẵng, tác giả tập thơ Trong cơn yêu dấu (1963), sống lang bạt kỳ hồ, không vợ con. “Sau hai ngày ông qua đời thỉnh thoảng gia đình lại tìm được một hai bài thơ của ông trong một góc kẹt xó xỉnh nào đó trong nhà, trong một chồng sách báo cũ, hoặc trong ngăn tủ chưa dọn dẹp” (Lời ngỏ). Người đứng ra in là “bào đệ Đinh Đắc Phúc”. Cầm tập thơ tự nhiên cảm động. Nếu không yêu quý, không yêu, không thương anh ruột mình, làm sao tập thơ này có thể ra đời trong thời buổi thiên hạ có mấy ai đọc thơ nữa? Quý là ở cái tình của anh em họ. Do đó, trích lại vài câu thơ hay. Chọn ngẫu nhiên:

 

tho-hoag-truc-ly

 

Tôi đứng bên này bờ dĩ vãng

Thương về con nước ngại ngùng xuôi

Những người em nhỏ bên kia ấy

Ai biết chiều nay có nhớ tôi


Tôi muốn hôn bằng môi của em

Mùa xưa thê thiết nắng hoe thèm

Lòng trong đã trắng tình nguyên thủy

Nghe bước xuân về êm quá êm

(Dĩ vãng)

Đời lê thê quá tôi về muộn

Em ngủ một mình đêm gió mưa.

(Em có là em)

Buổi chiều rét mướt vào chăn gối

Xót thương nhau tiếng khóc âm thầm

Mai kia tôi chết mồ hoang lạnh

Em có kìa em có ghé thăm?

(Đau)

Từ em tiếng hát lên trời

Tay xao dòng tóc, tay mời âm thanh

Sợi buồn chẻ xuống lòng anh

Lắng nghe da thịt tan thành xưa sau.

(Ca sĩ I)

Ta từ giấc mộng bước gần em

Ðường phố đầy trăng hay mặt trời chìm

Ô hay con gái bay nhiều quá

Hai cánh tay mềm như cánh chim

(Nằm mộng thấy nữ sinh)

Đường xa như từ tay lên môi

Xa hơn chân mây hơn mặt trời

Áo hoa thấp thoáng người thiên hạ

Ngày sẽ đêm đen lửa tắt rồi

(Áo hoa phơi)

 Đã lâu lắm rồi anh B bảo đại ý rằng, hai câu thơ của Hoàng Trúc Ly:

Đời lê thê quá tôi về muộn

Em ngủ một mình đêm gió mưa

Phạm Công Thiện đã thay đổi vài chữ để trở nên một sắc thái khác, hay hơn:

Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn

Cây khế đồi cao trổ hết bông

Chẳng biết có đúng không? Có những câu thơ hay. Đọc một lần từng con chữ ám vào óc. Không thể rơi tuột khỏi trí nhớ:

Ngực trắng dòn như một trái rừng

Mắt thì bằng rượu, tóc bằng hương

Miệng cười bừng nở hàm răng lựu

Sáng cả trời xanh mấy dặm trường...

(Hồn xuân - Huy Cận)

Chép lại 4 câu thơ này, bởi chiều này đã gặp một người, qua điện thoại. Thỉnh thoảng mỗi ngày lại gọi.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment