Lê Minh Quốc trong chương trình Giai điệu hào hùng, VTV 3 phát sóng lúc 14 g 20 ngày 31.7.2014
Đừng nói gì lớn lao, to tát đôi khi chỉ một bức tranh biếm họa cũng có thể thay đổi suy nghĩ, quan niệm sống của một con người.
Chiều qua, lướt facebook bạn Trần Thị Nhung có thấy bức tranh biếm vẽ người phụ nữ nằm bệnh, đang cấp cứu, đứng bên cạnh là các bác sĩ và chồng. Ông chồng hỏi: "Lúc này em đang nghĩ đến gì?". Người vợ đáp ngay :"Anh xem bức ảnh em nhập viện vừa post lên facebook đã có bao nhiêu người like rồi?". Tự nhiên giật mình! Tại sao như thế? Dường như y cũng đang có sống tâm trạng ngớ ngẩn như người phụ nữ đó chăng? Ban đầu, y sử dụng facebook chỉ nhằm paste đường link như một cách quảng bá trang web cá nhân. Rồi thoát ra ngoài làm việc, không quan tâm đến những gì đang diễn ra ở đó. Vậy mà dần dần có tâm trạng tò mò, tự hỏi không biết bài viết đó được bao nhiêu like? Vì sao nhiều like, vì lý do gì và ngược lại? Rõ ràng, tính cách đang dần thay đổi mà y không nhận ra.
Xem bức tranh biếm, y mới giật mình nhìn lại.
Trước kia, mỗi sáng, lúc ngồi vào bàn làm việc bao giờ cũng thao tác: check mail, lướt web rồi bắt đầu làm việc. Từ khi chơi facebook lại khác. Không dễ dàng thoát ra như lướt web. Cộng đồng mạng đủ các loại thông tin của mọi đối tượng. Đang xem chuyện A, vừa kéo rê “con trỏ” đã nhảy sang chuyện B. Từ chuyện chính trị chính em bỗng nhảy qua chuyện khoe món ăn, ảnh “tự sướng”; từ cái này nhảy vọt sang cái nọ v.v… Trang facebook phong phú vô cùng, đa dạng vô tận vì thế nó đủ sức lôi cuốn mắt nhìn. Đang xem, tiện tay like; cao hứng viết vài câu comment. Nó hiện lên mồn một ngay trước mắt, chứ không cần phải qua “bộ lọc” nào, chẳng sợ người khác biên tập như lúc comment ở trang web. Chưa hết, đang đọc lại có người nhảy vào “chat”, chẳng lẽ ngó lơ? Cái notes trên facebook mình vừa có người comment chẳng lẽ mình không trả lời? Cái nọ xọ cái kia. Không dứt ra được. Rồi cứ thế, thời gian một buổi sáng mất sạch! Ấy là chưa kể, dù không vào facebook nhưng các thông tin ở đó cũng đổ ào ạt xuống inbox. Có lúc xóa muốn khùng luôn. Nếu không nó cũng gợi tò mò muốn vào xem sao.. Chà, biết bao là phiền toái.
Mà những chuyện đó chỉ chuyện nhỏ, y phát hiện ra từ lúc mê facebook với những thông tin ngắn kèm theo nhiều hình ảnh đã ảnh hưởng ít nhiều đến thói quen đọc sách. Cầm quyển sách dày, thấy chữ là chữ bỗng nhiên ái ngại. Tại sao bây gời lại xuất hiện tâm trạng này? Đây mới chính là điều y lo lắng nhất. Xem bức tranh biếm, y mới giật mình nhìn lại.
Thế là chiều hôm qua, y đã gọi điện thoại cầu cứu bạn bè hướng dẫn thủ thuật khóa facebook. Phải thoát ra khỏi thế giới ảo ấy. Càng nhanh càng tốt. Vài cuộc điện thoại trao đổi qua lại nhưng rồi bó tay. Cuối cùng, y cầu cứu goolge. Do y thông minh nên chỉ làm theo vài thao tác hướng dẫn là xong! Việc này kết thúc vào lúc 20 g tối qua. Khỏe cái thân. Sáng nay, đã trở về tâm trạng làm việc bình thường. Không còn phải lăn tăn mất thời gian với facebook như trước kia nữa. À, có người bạn vừa mail cho bài vè so sánh tiếng nói hai miền Nam - Bắc. Không rõ tác giả là ai. Đọc thấy lý thú quá:
Bắc bảo: kỳ, Nam kêu: cọ (kỳ cọ)
Bắc gọi: lọ, Nam kêu: chai
Bắc: mang thai, Nam: có chửa
Nam: xẻ nửa, Bắc: bổ đôi
Bắc quở: gầy, Nam than: ốm
Bắc cáo: ốm, Nam khai: bịnh
Bắc định: đến muộn, Nam liền: la trễ
Nam mần: sơ sơ, Bắc “nàm”: nấy nệ
Bắc: lệ tuôn trào, Nam: chảy nước mắt
Nam bắc: vạc tre, Bắc kê: lều chõng
Bắc nói trổng: thế thôi, Nam bâng quơ: vậy đó
Bắc đan: cái rọ, Nam làm: giỏ tre
Nam không nghe: nói dai, Bắc chẳng mê: lải nhải
Nam: cãi bai bãi, Bắc: lý sự ào ào
Bắc: vào ô tô, Nam: vô xế hộp
Hồi hộp Bắc: hãm phanh, trợn tròng Nam: đạp thắng
Khi nắng, Nam: mở dù thì Bắc lại xoè ô
Điên rồ Nam: đi trốn, nguy khốn: Bắc lánh mặt
Chưa chắc Nam nhắc: từ từ, Bắc thì khuyên: gượm lại
Bắc gọi là: quá dại, Nam thì kêu: ngu ghê
Nam: sợ ghê, Bắc: hãi quá
Nam thưa: Tía Má, Bắc bẩm: Thầy U
Nam nhủ: ưng ghê, Bắc mê: hài lòng
Nam chối: lòng vòng, Bắc bảo: dối quanh
Nhanh nhanh Nam: bẻ bắp, hấp tấp Bắc: vặt ngô
Bắc thích cứ: vồ, Nam ưng là: chụp
Nam rờ: bông bụp, Bắc vuốt: tường vi
Nam nói: biến đi! Bắc hô: cút xéo
Bắc bảo: cứ véo! Nam: ngắt nó đi
Bắc gửi: phong bì, bao thơ: Nam gói
Nam kêu: muốn ói, Bắc bảo: buồn nôn!
Bắc gọi: tiền đồn, Nam kêu: chòi gác
Bắc chê: khoác lác, Nam bảo: xạo ke
Mưa đến, Nam: che, gió ngang, Bắc: chắn
Bắc khen: giỏi mắng, Nam nói: chửi hay
Bắc nấu: thịt cầy, Nam thui: thịt chó
Bắc vén: búi tó, Nam bới: tóc lên
Anh Cả, Bắc: quên; anh Hai, Nam: lú
Nam: ăn đi chú, Bắc: mời anh xơi
Bắc mới: tập bơi, Nam thời: đi lội
Bắc đi: phó hội, Nam tới: chia vui
Thui thủi, Bắc: kéo xe lôi; một mình, xích lô: Nam đạp
Nam thời: mập mạp, Bắc cho là: béo
Khi Nam khen: béo, Bắc bảo là: ngậy
Bắc quậy: sướng phê, Nam rên: đã quá
Bắc khoái: đi phà, Nam thường: qua bắc
Bắc nhắc: môi giới, Nam liền: giới thiệu
Nam ít khi: điệu, Bắc hay: làm dáng
Tán mà không thật, Bắc bảo là: điêu
Giỡn hớt hơi nhiều, Nam kêu là: xạo
Bắc nạo bằng: gươm, Nam thọt bằng: kiếm
Nam mê: phiếm, Bắc thích: đùa
Bắc: vua bia bọt, Nam: chúa La-de
Bắc khoe: bùi bùi lạc rang, Nam: thơm thơm đậu phọng
Bắc: xơi na vướng họng, Nam: ăn mãng cầu mắc cổ
Khi khổ Nam: tròm trèm ăn vụng, Bắc: len lén ăn vèn
Nam toe toét: “hổng chịu đèn”, Bắc vặn mình: “em chả”
Bắc giấm chua: “cái ả”, Nam bặm trợn: “con kia”
Nam mỉa: “tên cà chua”, Bắc rủa: “đồ phải gió”
Nam: nhậu nhẹt thịt chó, Bắc: đánh chén cầy tơ
Bắc: vờ vịt lá mơ, Nam: thẳng thừng lá thúi địt
Khi thấm, Nam: xách thùng thì Bắc gọi: bê sô
Nam: bỏ trong rương, Bắc: tuôn vào hòm
Nam: lết vô hòm, Bắc: mặc áo quan
Bắc xuýt xoa: “Cái Trang xinh cực!”
Nam trầm trồ: “Con Trang đẹp hết xẩy!”
Phủ phê, Bắc: trùm chăn; no đủ, Nam: đắp mền
Tình Nam duyên Bắc có thế mới bền mới lâu
Có những câu đọc là tủm tỉm cười. Ôi! Tiếng Việt ngàn đời yêu dấu. Bắc Nam một nhà đời đời yêu dấu. Trong sách giáo khoa dành cho học sinh trung học ở miền Nam có bài thơ Tôi yêu tiếng Việt miền Nam của nhà thơ Bàng Bá Lân, người Bắc:
Tôi yêu tiếng Việt miền Nam,
Yêu con sông rộng, yêu hàng dừa cao.
Yêu xe thổ mộ xôn xao
Trên đường khúc khuỷu đi vào miền quê.
Tôi yêu đồng cỏ nắng se,
Nhà rơm trống trải, chiếc ghe dập dềnh.
Tôi yêu nắng lóa châu thành,
Trận mưa ngắn ngủi, gió lành hiu hiu.
Nơi đây tôi mến thương nhiều,
Miền Nam nước Việt mỹ miều làm sao!
Xa xôi hằng vẫn ước ao
Vào thăm vựa lúa xem sao, hỡi mình!
Chừ đây tình đã gặp tình,
Tưởng như trong đại gia đình đâu xa.
Người xem tôi tựa người nhà,
Người kêu thân mật tôi là: Thầy Hai!
Ðồng bào Nam Việt ta ơi!
Tôi yêu cặp mắt làn môi thiệt thà.
Nước non vẫn nước non nhà,
Bắc Nam xa mấy vẫn là anh em!
Bài thơ này, tác giả viết năm 1954, chắc nay ít ai còn nhớ. Ông là tác giả hai câu thơ mà nhiều người nhầm tưởng ca dao:
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?
Chiều vào cơ quan họp, trên đường về nhà, bạn thơ Cao Xuân Sơn gọi điện thoại. Có chuyện gì không? Do biết y mê sách nên bạn tặng cho đúng 83 cuốn sách mỏng viết về các danh họa, trào lưu hội họa thế giới do NXB Kim Đồng in từ những năm trước. Quý quá. Mừng quá. Tự nhiên, thấy phơi phới thơi thới trong lòng dù chiều nay vẫn kẹt xe, khói xe mờ mịt như mọi ngày mà vẫn huýt sáo thong dong một cách sung sướng như vừa trúng số độc đắc. Cám ơn bạn mình.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|