LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 31.7.2014



Đêm qua, mua to gió lớn. Ngồi cùng bạn bè. Sân thượng lộng gió. Sáng dậy sớm. Lại công việc của mỗi ngày. Hôm nay, ngày cuối cùng của tháng 7. Ngày mai, sinh nhật. Ngày ra đời của mỗi người, phải gánh vác biết bao công việc nhọc nhằn của một kiếp đời, lầm lũi đi qua ngày tháng, rồi buông xuôi khép mắt, hà cớ gì phải mừng, phải vui, phải chúc tụng? Thêm một tuổi là đến gần hơn với chặng đường dài kết thúc vòng quay của nghi lễ đời người. Ai cũng đặt chân đến cõi ấy. Một lần. Mãi mãi xa tít ngàn trùng gió bụi trong hỗn mang trời đất. Một dấu chấm lẻ loi. Đơn độc. Và tan biến.

Đôi khi sự ra đời của một con người, như y, vô nghĩa quá. Có cũng thế. Không cũng thế. Chẳng có một ý nghĩa gì trong cộng đồng hàng tỷ con người chen chúc, bon chen trên trái đất. Trái đất rộng lớn. Trái đất chật hẹp. Trái đất của mẹ y chỉ từ nhà đến chợ. Từ sáng đã ra chợ, tối mịt về nhà. Từng ngày. Từng ngày. Chẳng mấy chốc tóc bạc trắng. Mỏi mệt. Cả đời mẹ chưa một lần đi xa. Chỉ quanh quẩn từ Triệu Nữ Vương đến chợ Cồn. Và bây giờ lại vào Sài Gòn. Xa nhất chỉ có thế. Và y, cả một đời, cuối cùng cũng không xa rời khỏi vòng tay mẹ. Biết bao giờ y mới có thể đi đứng trên đôi chân của mình? Người đàn ông bản lĩnh, từng trải và lịch lãm nhất chỉ có thể khi họ đã để lại một hình bóng của họ cho đời sau. Bằng không sự hiện diện ba vạn sáu ngàn ngày chỉ mây nổi, gió thổi, chập chùng sương khói hư không…

Đời người quá dài mà cũng quá ngắn. Nhìn bản đồ, mắt ngó xuống các địa danh, các vùng đất chợt tặc lưỡi, biết bao giờ ta mới có thể đặt chân đến nơi chốn ấy? Nhìn lên trời, ngoài trời còn có trời, biết bao giờ ta mới có thể với tay đến? Chẳng bao giờ. Mỗi ngày, lại công việc mưu sinh của mỗi ngày. Tẻ nhạt. Nhàm chán. Đã lập trình. Cứ thế trôi đi. Kìa, mới mở mắt dậy, chỉ loay hoay một chút đã xế bóng hoàng hôn bóng tối. Thăm thẳm vô cùng. Rồi ngày mai, ngày mai cũng chẳng khác gì. Những cuộc vui huyên náo, ồn ào, chém gió, tào lao xích đế cũng vội tan biến trong mải mê mộng mị. Ngủ là một là một lần thoát xác. Là đã chết. Lại hồi sinh vào ban mai nắng mới.

Vòng quay ấy kéo lê, lê thê từng ngày.

Có bao giờ ngồi yên một chỗ, ngồi yên lắng nghe nhịp thở của chính mình? Lắng nghe thân xác này đang muốn nghỉ ngơi hay đang thôi thúc một điều gì? Chẳng lúc nào y tự hỏi. Mở mắt ra là chạy. Chạy đua với chính mình. Vô nghĩa quá. Chạy đi đâu và về đâu? Chẳng ai tự hỏi. Thì, cứ ngẫm lại đi, tưởng rằng từng ngày đã sống đấy ư? Chẳng phải đâu, chỉ là sự tồn tại. Trên đường dài, đã đi, đã qua, đã quay về thử hỏi trong một ngày đã thấy những gì hay chỉ thấy ngày hôm qua cũng như hôm nay? Quá khứ và Tương lai chỉ là một. Chỉ nháy mắt cả hai đã hòa nhập và tan biến.

Sinh nhật của y?

Sự tồn tại năm tháng ngũ thập tri thiên mệnh đã quá nhiều, quá dài và biết bao giờ mới có thể kết thúc sứ mệnh làm người? Đã có mặt trên đời, ai ai cũng có sứ mệnh đó. Phải sống cho bằng hết phần kiếp đã có. Những câu thơ đã viết, nếu được như gió lướt thướt qua khóm hoa thì đời sống dễ chịu biết bao nhiêu. Hỡi ôi, chỉ là tiếng thở dài khô khốc, nặng nhọc, bẽ bàng. Có phải thế chăng? Bi kịch lớn nhất của con người chẳng phải không hài lòng với thế giới xung quanh mà chính là tự chỉ trích chính mình. Chẳng bao giờ hài lòng. Tự mình chất vấn, dằn vặt, chì chiết. Mà có như thế con người ta mới trưởng thành hơn? Hay trẻ con hơn?

Nhìn qua cửa số. Thấy nắng. Bóng nắng chập chờn. Thoát ra khỏi vòng quay của đời sống hiện tại có được không? Không thể. Con cá sống trong chậu cũng bị tác động, chi phối bởi trăm ngàn ghềnh thác đang ào ào réo gọi. Con người y cũng chẳng khác. Điều tệ hại nhất là năm tháng này, con người ta phải chứng kiến, chung chạ với quá nhiều chất độc bủa vây. “Hãy sống giùm tôi, hãy nói giùm tôi, hãy thở giùm tôi” (T.C.S). Tiếng kêu thảng thốt của sự tuyệt vọng đó chăng? Hay là niềm hoan lạc cuối cùng khi dẫm hai chân trên trái đất? Trong đời sống này, ai đã không từng than thở cùng tiếng nói bi thương ấy? Một kiếp người dù vinh quang, dù tụt xuống vũng lầy thì thân phận ấy cuối cùng là gì? Chỉ là thú hoang trúng đạn. Vinh quang lúc này, tội đồ lúc khác. Những viên đạn khác nhau nhưng đường bay vô cùng chính xác. Chính xác từng milimet. Chính xác vô cùng. Cuối cùng con người ta cả thẩy đều là những kẻ ngã ngựa. Trúng đạn chết tươi. Chết ngọt ngào. Như mơ. Như nhắm mắt. Đi vào một đời sống khác.

Y không tin có kiếp sau.

Thượng đế nhân từ không thử thách sự chịu đựng của con người đến hai lần.

Một kiếp sống đã quá nhiều hệ lụy. Đớn đau. Sung sướng. Hoan lạc. Dẫu hưng phấn hay bệnh hoạn vẫn ý thức rằng sự có mặt của chính mình vô nghĩa quá. Chẳng ai có thể sống trọn vẹn theo bản ngã. Có như thế, đời sống mới thật sự có ý nghĩa. Sống vì kẻ khác. Vì hình bóng nối tiếp. Mà y, có gì? Không có gì ngoài cái tên đã khai sinh từ ngày 1.8.1959. Kỷ hợi. Bình địa mộc. Dấu vết ấy chỉ tựa một dòng chữ mực tím trên trang vở học trò đã dần dần phai nhạt theo nắng sớm mưa chiều từng ngày bóng tối. Mọi dấu vết, dấu vết nào rồi cũng phai đi. Khắc câu thơ lên đá. Nước chảy đá mòn. Nước chảy xiết từng ngày. “Dưới cầu Mirabeau dòng sông Sein chảy”. Dòng sông Hàn quê nhà vẫn chảy. Dòng đời vẫn chảy. Câu thơ của Apollinaire vọng lên điều gì? Chỉ có thể là:

Tiếng dội lưng mây đồng vọng mãi,

Tình hoang mang gợi tứ hoang mang.

(Quách Tấn)

 

son-dau-1.8.2008

Tranh sơn dầu Lê Minh Quốc (2007)

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment