LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 2.8.2014

13842337421tuduienbahc-khoa-lich-suR

Bộ Từ điển bách khoa lịch sử thế giới đã lấy "nguyên si tới 90% các phần trong bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam" (báo Thể thao & Văn hóa ngày 7.5.2004)

 

Từ đây đến năm 2023, công trình văn hóa nào sẽ là sự kiện quan trọng nhất của giới học thuật Việt Nam?

Đó là bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam - gồm có 35 quyển đề cập đến các lãnh vực như sau: Toán học, Cơ học; Vật lý học, Thiên văn học; Hóa học, Công nghệ hóa học; Sinh học, Công nghệ sinh học; Địa chất học, Môi trường; Địa lý học, Địa lý thế giới; Địa lý Việt Nam, Địa chính; Công nghệ thông tin; Nông nghiệp, Thủy lợi; Lâm nghiệp, Ngư nghiệp; Hải dương học, Khí tượng thủy văn; Y học, Dược học; Điện, Điện tử, Tự động hóa; Xây dựng, Công nghệ vật liệu; Giao thông, Vận tải; Cơ khí, Mỏ, Luyện kim; Dệt, May, Giấy, Thực phẩm; Văn học; Ngôn ngữ học, Hán Nôm; Văn hóa dân gian, Ngành nghề thủ công; Lịch sử Việt Nam; Lịch sử thế giới; - Khảo cổ học, Dân tộc học - Nhân học; Kinh tế học; Tài chính, Ngân hàng, Tiền tệ; Triết học; Tôn giáo, Xã hội học; Chính trị, Ngoại giao, Tổ chức; Quốc phòng, An ninh; Luật học; Tâm lý học, Giáo dục học; Thông tin, Báo chí, Xuất bản, Thư viện, Bảo tàng, Lưu trữ; Âm nhạc, Nghệ thuật múa, Sân khấu, Điện ảnh, Nhiếp ảnh; Mỹ thuật, Kiến trúc; - Du lịch, Thể dục thể thao, Ẩm thực, Trang phục; và quyển thứ 36 là sách dẫn (Index, dành cho bộ tổng hợp).

Thông tin này vừa được công bố trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Theo đó, “Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng kế hoạch biên soạn bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam và tổ chức thực hiện theo quy định hiện hành.

Việc biên soạn phải phản ánh những tri thức cơ bản về đất nước, con người Việt Nam và thế giới, trong đó chú trọng những tri thức cần thiết đối với Việt Nam; bảo đảm tính khoa học, tính dân tộc, tính hiện đại; bảo đảm tính chuẩn mực và tính hệ thống; quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước”.

Nói thật, nhờ thông tin này mới biết hiện nay ở nước ta đã có Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Trên trang web của tổ chức này cho biết: “Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - tên giao dịch quốc tế là Vietnam Academy of Social Sciences - có tiền thân từ Ban nghiên cứu Lịch sử, Địa lý và Văn học (gọi tắt là Ban nghiên cứu Sử - Địa - Văn) được thành lập ngày 2 tháng 12 năm 1953, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là cơ quan khoa học thuộc Chính phủ, có chức năng nghiên cứu cơ bản về khoa học xã hội, cung cấp các luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển nhanh và bền vững của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện tư vấn về chính sách phát triển; đào tạo sau đại học về khoa học xã hội; tham gia phát triển tiềm lực khoa học xã hội của cả nước”.

Kết quả công trình Bách khoa toàn thư Việt Nam do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì sẽ như thế nào?

Khó có thể nói trước một điều gì. Dù gì cũng đặt nhiều kỳ vọng bởi đây là công trình đầu tiên của nước nhà đề cập toàn diện đến nhiều vấn đề, nhiều lãnh vực mà “Mục tiêu của việc biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam nhằm góp phần nâng cao trình độ dân trí, phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước; trở thành công cụ học tập, tra cứu chính thức, chuẩn mực, thiết yếu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam”.

Sực nhớ đến bộ Từ điển bách khoa Việt Nam (4 tập - Trung tâm từ điển bách khoa Việt Nam ấn hành). “Mỗi tập trên dưới một vạn mục từ” (tr.5). Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam đã quy tụ trên 1.200 nhà khoa học, làm việc miệt mài trong vòng 6 năm, từ năm 1988 đến 1995 để có được “công trình khoa học văn hóa lớn của Việt Nam trong điều kiện hiện nay” (tr.6). Lúc đó, thiên hạ hò reo, tán thưởng, kỳ vọng, đón mừng bởi ít ra người mình cũng có thể làm được những công trình văn hóa “để đời”, chứ nào kém ai.

Tuy nhiên, sau đó đã có nhiều bài báo phân tích những sai sót trong đó. Có thể nêu vài thí dụ: núi Chứa Chan (Đồng Nai) bị gọi là Chùa Chàn (tr.522); nhà thơ Đoàn Như Khuê, tác giả tập thơ Một tấm lòng in năm 1917, bút danh Hải Nam, lại bị đổi thành Nam Hải (tr.833); nhà thơ Đông Hồ tên thật Lâm Tấn Phác lại ghi nhầm Lâm Tấn Phát…; về tên nước Đại Nam, từ điển giải thích: “Quốc hiệu Việt Nam từ năm 1820, dưới đời Minh Mạng” (tr.718), thật ra, tên nước Việt Nam có từ thời vua Gia Long, năm 1802; sau đó, năm 1838, vua Minh Mạng đổi là Đại Nam.

Giải thích về thế chiến lần thứ nhất, ở tập I, tr.465 Từ điển Bách khoa Việt Nam cho biết: “Chiến tranh giữa hai khối ở châu Âu (khối Đức, Áo - Hung và khối đồng minh Pháp, Nga, Bỉ, Xecbi, Môngtênêgrô”. Thế nhưng ở mục từ Hoa Kỳ của tập 2, tr.313 lại viết: “Trong chiến tranh thế giới I và II, Hoa Kỳ luôn đứng về phe đồng minh Anh - Pháp chống lại Đức - Ý - Nhật Bản”. Giải thích như thế là không đúng, vì thế chiến thứ nhất làm gì có trục Đức- Ý- Nhật mà chỉ có Đức - Áo - Hung như tập I đã giải thích. Sự thiếu nhất quán này còn xuất hiện trong phần phiên âm. Chẳng hạn, tập 1, tr.100 phiên âm nhà xã hội không tưởng Robert Owen (1771-1858) là Âuin R; nhưng ở tập 2, tr.358 lại phiên âm thành Ôen R; tập 1, tr.509 phiên âm tên nhà kinh tế học, mục sư Thomas Robert MalthusMantuýt, nhưng tập 4, tr.318 lại phiên âm là Manthơt v.v…

Thời nhỏ đi học, y nghe thầy giáo “tuyên truyền” rằng, sở dĩ bộ Tự điển Bách khoa Larousse của Pháp - biên soạn từ năm 1866 đến năm 1877 gồm có 17 cuốn, mỗi cuốn bao gồm 1500 trang - được người sử dụng tin cậy tuyệt đối, một công cụ tra cứu mẫu mực vì dù sách đã in, nhưng chỉ phát hiện ra một lỗi sai là họ hủy toàn bộ, in lại. Không những thế,sau mỗi lần tái bàn họ lại cập nhật thêm những thông tin mới. Nếu đúng thế, đáng nể quá.

Còn ở mình nếu có sai sót cứ tặc lưỡi bảo, chẳng ai tài thánh gì, “có sai thì sửa, có chửa thì đẻ”. Cũng “bình thường như cân đường hộp sữa”, làm lớn chuyện làm gì? Đành rằng là thế, nhưng vấn đề đặt ra một cách nghiêm túc là không thể chấp nhận được chuyện lèm nhèm tiền bạc, chia chác gì gì đó ầm ĩ một thời mà báo chí đã phản ánh. Chưa hết, chắc ít ai còn nhớ đến vụ “đắng lòng” khác cũng liên quan đến bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam. Đó là ông Tiến sĩ Phan Xuân Chúc - nguyên chánh văn phòng và cũng là ủy viên trong hội đồng biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam đã lấy nguyên si đến 90% nội dung của bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam để in thành tập Từ điển bách khoa lịch sử thế giới (NXB Từ điển Bách khoa) dày 900 trang khổ lớn và đứng tên mình ngon ơ!

Thời buổi này, viết tin trên facebook, blog, trang web cá nhân, nếu bịa chuyện nhằm bôi nhọ ai thì cũng có thể bị kiện ra tòa như chơi. Vì thế, phải “nói có sách, mách có chứng”. Chuyện kỳ cục khả ố trên, nếu ai đó không tin, xin cứ xem lại báo Thể thao & văn hóa số ra ngày 7.5.2004 có bài “Đạo” cả một bộ từ điển  - về vụ vi phạm bản quyền nghiêm trọng”. Rất tiếc dù lúc đó báo chí lên tiếng, phỏng vấn GS Hà Học Trạc - chủ tịch Hội đồng biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam nhưng vẫn không thể xử lý được. Lý do, ông Trạc cho biết hội đồng kỷ luật không thể xét tội ông Tiến sĩ Phan Xuân Chúc vì ông này nằm viện “đã về nhà và tình trạng rất nguy kịch”. Vậy NXB đứng ra in bộ sách mà ông Chúc “đạo” trắng trợn thì sao? Ông Trạc cho biết: “chưa kịp khiển trách thì ông (ấy) đã chuyển sang bên Hội Nhà văn và có một giám đốc khác rồi”.

Vậy coi như huề cả làng.

Đã chiều. Tự dưng nghe vọng về câu thơ của Thế Lữ: "Tiếng đưa hiu hắt bên lòng / Buồn ơi xa vắng mênh mông là buồn"


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment