LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 27.7.2014

 

Ngao du với người già, nếu họ uyên bác, sâu sắc, ta được học nhiều điều thú vị. Bằng sự lịch lãm, từng trải, kinh nghiệm sống họ sẽ cho ta nhiều bài học khôn ngoan ở đời. Những ngày tháng mới vào nghề, nhiều lần cà phê, cà pháo với ông già Sơn Nam. Có lần ông bảo, “những người viết trẻ chẳng ai có thể giết được họ ngoại trừ thế hệ cùng trang lứa ghen ăn tức ở”. Đọc Phan Thị Vàng Anh biết nhà thơ Chế Lan Viên dặn dò con mình, “học để không ai có thể giết được mình”. Đâu đó, có lần ông Nguyễn Khải bảo, “cách giết một người dễ dàng nhất là hãy khen họ lên tít chín tầng mây xanh”.

Sống trong đời không dễ. Nào ai có thể biết “tai bay vạ gió” từ đâu đến. lúc nào sẽ đến. Tự nhiên một ngày mở mắt dậy, bỗng thấy nháo nhào một lũ đứng ngay trước ngõ mắng xa xả vào mặt. Điên tiết quá. Dò hỏi dần, mới biết có ai đó vu khống, bịa ra hoặc xuyên tạc những gì người ta đã nói rồi lái qua một nghĩa khác. Thiên hạ chẳng biết ất giáp kỷ canh tân nhâm quý quái quỷ gì, cứ thế hùa vào “đánh hôi”. Tra lại Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của, bản in 1895, không có từ “đánh hôi”, chỉ có “đánh hơi: “Theo hơi, nghe hơi cho biết ở đâu”; tra thêm Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức khởi thảo, bản in 1931, không có “đánh hôi” lẫn “đánh hơi”. Rõ ràng “đánh hôi” chỉ mới xuất hiện hiện sau này, bằng chứng Từ điển Tiếng Việt của Hội ngôn ngữ học Việt Nam, bản in 1988 có giải thích: “đánh hôi”: “Lợi dụng đánh người vốn mình không ưa nhân lúc có vụ đánh nhau”; “đánh hơi”, giải thích như Đại Nam quấc âm tự vị, nhưng lại thòng thêm nghĩa “Nhận thức một số dấu hiệu mà đoán ra đại khái đang có dấu hiệu gì hoặc việc gì (thường hàm ý khinh)”.

Thế thì, đã rõ nghĩa “đánh hôi” rồi chứ?

Bao nhiêu kẻ ùa vào “đánh hôi”, rồi cuối cùng họ tẽn tò nhận ra là do nghe thông tin bịa đặt từ một phía. Cái trò lưu manh này, thời nào cũng có. Trước 1975, có cụm từ dù chỉ hành động khác nhưng ý nghĩa vẫn na ná "đánh hôi"“bề hội đồng” - nhiều người cùng hùa vào "làm thịt" một người. Từ này hầu như nay đã biến mất chăng? Đọc Tiếng lóng Việt Nam (NXB KHXH - 2001) của Nguyễn Văn Khang không thấy ghi nhận. Những trò ểnh ương đó, chẳng ngại gì, chỉ khiến bực bội. Sống trên đời né tránh đi những chuyện có thể gây ra bực bội vẫn là lựa chọn của nhiều người.

Còn nhớ, đã đọc đâu đó từ thời trung học, đọc lâu quá rồi không nhớ cụ thể, chỉ nhớ nhà văn Doãn Quốc Sỹ có viết truyện ngắn về bọn “chim mồi”. Đây là từ “tiếng lóng” nhằm chỉ một bọn bản chất  A đóng vai trò B để dụ khị,lôi kéo loại người B tưởng thật mà sập bẫy. Ngày trước, những người đi săn chim láu cá cho con “chim mồi” đứng sẵn trong bẫy. Con "chim mồi" hót véo von, những con chim khác nghe khoái quá bay vào, hùa vào theo, cùng đồng ca hợp xướng. Nào ngờ, lúc ấy, người bẫy chim chỉ việc giật, lưới đổ xuống, tóm cả bầy. Chết oan mạng.

Thời buổi này, đọc ý kiến, notes trên các mạng xã hội chẳng biết đâu “chim mồi”; đọc các comment chẳng biết đâu “đánh hôi”. Đâu chỉ có thế. Khi đi ngoài phố, bất kỳ trong các cuộc va chạm nào, giữa lúc đôi bên đang thương lượng, tranh cãi, giằng co thì lập tức có một lũ khác ùa đến “day máu ăn phần”. Hoặc ngang nhiên đứng về phía này, bênh vực phía này đặng mắng té tát, ra uy với phía kia, rồi moi tiền phía kia cho bằng được dù chúng chẳng dính dáng gì; hoặc làm như cao đạo, khách quan đứng ra can thiệp đôi bên, tuôn ra lời hay lẽ phải nhưng lợi dụng sơ hở của đôi bên để móc túi, cướp giật, thủ lợi gì đó rồi biến! Loại này, gọi là gì? Đi ra đường, khi gặp sự cố đó nhiều chàng Lục Vân Tiên muốn tỏ thái độ, hành động nghĩ hiệp “giữa đàng thấy chuyện bất bình chẳng tha” cũng thấy khó quá bởi chúng tung hỏa mù đến rối bòng bong!

Chà, ngày chủ nhật, ngẫm nghĩ lăng nhăng chuyện này làm gì?

Nói chuyện thơ thẩn có hay hơn không? Hay thế nào thì chưa biết nhưng rõ ràng, trên báo TT&VH 25.7.2014, bài viết của Trần Hoàng Nhân có ghi câu y phát biểu: “Bản thân tôi và rất nhiều bạn bè làm thơ nhưng không dám in. Vì thơ in không có ai tìm mua, chỉ dành tặng cho nhau thì chán thật”. Không chỉ với người làm thơ như Lê Minh Quốc chua xót nói như trên, tôi quen một vị giám đốc một nhà xuất bản đang ăn nên làm ra, vị này có lần nói chân tình: “In gì chứ in thơ thì mình không dám. Nên thấy ai in thơ là mình phục cái đã”. Ôi, thơ ơi là thơ! Nói như Bùi Giáng, trong Ngày tháng ngao du, ông có viết câu: “Chán chường thi ca mà vẫn cứ làm thơ hoài là đạo vậy”.

Những ngày này, không một ngày nào y không nhận được các email mới đọc… thơ. Thơ của anh em cộng đồng Thơ Đường xướng họa. Họ có cho đường link vào đọc. Mà làm gì có thời gian. Loại thơ này, nhiều người làm quá nhưng chẳng phải ai cũng nắm rõ luật lệ, niêm luật khắc khe. Chính vì thế, không chỉ ngốn thời gian sàng lọc từng chữ, từng từ mà còn trói buộc cách thể hiện tâm tư tình cảm của người viết nữa. Người tiên phong mở ra lối Thơ mới ở Việt Nam là nhà văn hóa Phan Khôi. Ông cho rằng: "Cái nghề thơ Đường luật khó đến như thế, khó cho đến đỗi kẻ muốn làm thơ, mỗi khi có nhiều tư tưởng mới lạ muốn phát ra lời, song vì khó tìm chữ đối, khó chọn vần gieo, nên ý tưởng dầu hay cũng đành bỏ bớt. Cái phạm vi của thơ Đường luật thật là hẹp hòi, cái qui củ của thơ Đường luật thật là tẩn mẩn. Ta nếu còn ưa chuộng mà theo lối thơ này mãi, thì nghề thơ văn của ta chắc không có bao giờ mong phát đạt được vậy". Suy nghĩ này được nhiều người tán thành. Nhớ lại rằng, đã đọc đâu dó câu chuyện của một nhà nho làm cách mạng bị đày Côn Đảo. Lúc về quê quán, ông mở hàng nước trên đê làng nhưng cứ bị bọn lý trưởng, Bá Kiến, Nghị Quế… làm khó dễ hoài.Chúng không cho cố định một chỗ, nại ra nhiều lý do dẹp quán, khỏi ai lui tới bàn chuyện “quốc sự” nữa. Một bạn đồng tâm hay tin có thơ an ủi:

Bên đường bác mới dựng lều tranh,

Được lệnh truyền đi, thế cũng đành.

Những tưởng chân đê là vững chãi,

Nào ngờ mặt đất cũng lênh đênh.

Sự đời đã trải mùi cay đắng,

Thân thế còn thêm nỗi bấp bênh.

Dỡ lớp ấy đi, làm lớp khác,

Riêng lòng, lòng vẫn rộng thênh thênh…

Nhận được thơ an ủi của bạn phải mừng chứ? Thế nhưng ông hằng ngày vẫn cứ ưu tư. Mặt mày bí rị. Thở dài bực dọc. Tại sao thế? Thú vui tao nhã ngày trước của lớp người có học là khi nhận thơ của bạn, họ thường họa lại nguyên vận. Tuy nhiên, vần “đênh” của bài thơ này khó xơi quá! Cuối cùng, ông đành viết vỏn vẹn chỉ hai câu:

Nó mà cứ đuổi thì ông… xéo.

Chỉ ức thơ mày hạ vận “đênh”.

Trong tiếng Việt ngoài “lênh đênh” còn có gì “đênh” nữa không?  Nhà thơ Nguyễn Công Hoan và Tú Mỡ vốn chí thân. Năm 1976, cả hai cùng nằm bệnh ở Bệnh viện Việt - Xô. Ngày 22.6.1976, tác giả Dòng nước ngược có bài thơ Bác Hoan:

Bác nằm khoa ngoại ở tầng cao

Ta muốn thăm nhau chả dễ nào!

Gối hạc thằng tôi còn lỏng lẻo

Mình vân của bác cũng lao đao.

Tôi sai cháu gái lên thăm hỏi,

Nó bảo: "Ông Hoan đã bảnh bao".

Tốt lắm! Cái già tai ác thật,

Nó không nể bác, chẳng từ... tao!

Sau đó, tác giả Lá ngọc cành vàng họa lại:

Bài này hóc nhất cái vần "cao",

Khi đến câu sau hóc tiếng "nào".

Tưởng đã thông kia, gì dám bỏ,

Ngờ đâu suốt ấy, chữ cần đao!

Nghe lời cháu đọc, mừng khôn tả,

Thấy giấy tôi mong, sướng xiết bao.

Muốn đánh trống liều qua cửa bác,

Buồn cho câu cuối vướng thằng ... tao.

Đọc mấy bài thơ giàu tình cảm, tinh nghịch bè bạn, tự nhiên thấy lòng vui. Chiều rồi. Đã một chủ nhật.

- Vậy đã giết thời gian bằng cách nào hả cưng?

- Rằng thưa:

Giết tôi, tôi giết thời gian

Nắng lên mái phố mơn man bóng chiều

Giết ngày cô độc quạnh hiu

Tiếng cười khô khốc liêu xiêu ngõ về

Giết hồn thơ của đam mê

Giết sông giết suối đi về phố đêm

Giết mùa mây trắng bay lên

Ngày sương đêm mộng cỏ mềm dưới chân

Mở lòng ra nhé tình nhân

Dỗ dành nhau bóng thiên thần chưa phai

Giết ngọn gió của sớm mai

Tiếng cười trong trẻo chia hai tâm hồn

Giết hoa của mộng xanh non

Một lần choáng váng môi ngon một lần

 

leminhquoc--Bui-giangRR

Lê Minh Quốc & Bùi Giáng tiên sinh (ảnh chụp tại tòa soạn báo PN - thời còn ở 188 Lý Chính Thắng, Q.3)


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment