LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 20.7.2014


Ngày chủ nhật. Ngày của sự náo nức. Cắm cúi viết bài, càng nhanh, càng tốt. Khép lại mọi việc. Tất thẩy bỏ lại đàng sau. Không vướng bận gì. Phóng xe ra khỏi nhà. Một chỗ ngồi. Rượu đỏ. Thời gian trôi qua. Không bận tâm đến. Ngấu nghiến từng giây phút. Một ngày. Hoan lạc. Mê đắm. Rã rời. Rồi chìm vào mộng mị tan hoang như lạc bến xa bờ mưa nguồn trút gió. Mấy chủ nhật rồi? Đã không còn cảm giác ấy. Từng ngày lầm lũi với con chữ. Không một thúc giục gì. Không một náo nức gì.

Sáng nay, nhận điện thoại của anh Trần Thanh Phương - nhà sưu tập lớn nhất của Việt Nam về nhiều thể loại báo chí. Các bài báo, vợ chồng anh cắt, dán và lưu trữ theo từng chủ đề. Cả hàng trăm tập chất đầy trong nhà. Kho tài liệu này, nếu có người biết khai thác sẽ hữu ích biết bao nhiêu. Ròng rã mấy chục năm trời, từ năm 1973, vợ chồng anh bền bĩ với công việc lặng lẽ. Nhà thơ Chế Lan Viên khen anh: “Trên đời mình thích nhất hai loại người: người có tài và người có tài liệu. Phương có tài hay không mình chưa biết nhưng Phương có tài liệu”. Từ khi tư liệu này, anh đã nghiên cứu viết nhiều tập sách, đáng lưu ý nhất là bộ bút tích, chữ ký, chân dung các nhà văn Việt Nam.

Chân dung các nhà văn? Có ai thực hiện bộ ảnh đó không?

Trước năm 1975, ở miền Nam có nhà nhiếp ảnh Cao Lĩnh. Nhiều bức chân dung do ông chụp đã in bìa tạp chí Văn; in trong tập Những truyện ngắn hay nhất trên quê hương chúng ta (in năm 1974 tại miền Nam). Tủ sách nhà y có quyển này. Nhìn hình ảnh nhà văn, tự nó đã là một tác phẩm. Làm nên diện mạo ấy, đàng sau còn là bề dày tác phẩm của họ chứ không chỉ đơn thuần một gương mặt. Mỗi thời mỗi khác. Các tay nhiếp ảnh hàng đầu quan tâm đến hình ảnh khác hơn là gương mặt nhà văn. Nghĩ cũng đáng tiếc.

Có những người bạn, có khi vài năm trời chẳng gặp nhau, chỉ thỉnh thoảng điện thoại lúc cần thiết. Trong số đó có anh Trần Thanh Phương. Anh bảo: “Sáng nay, anh Phương đã đọc bài thơ Ngày mới An May của Q trên TN. Anh Phương thích lắm. Cho anh Phương hỏi, An May là Q lấy từ điển tích, điển cố gì?”. Ủa, tại sao anh nghĩ vậy nhỉ? “Thì Q hay nghiên cứu nên anh nghĩ thế?”. Bèn cười xòa: “Chẳng phải đâu anh, đó là tên đứa cháu. Viết cho nó, mong muốn nó giữ niềm đam mê vẽ vời”. Anh cười ha hả và lại nói lắp như mọi lần: "Vậy à! Vậy à!".

Trong sáng tạo nghệ thuật, khi xây dựng hình tượng nhân vật, dù vẽ về ai, viết về ai thì cuối cùng sâu thẳm nhất trong tâm hồn vẫn là sự gửi gắm nỗi niềm của chính mình. Nguyễn Du bùi ngùi xót thương thân phận nàng Kiều: “Khi sao phong gấm rũ là / Giờ sao tan tác như hoa giữa đường” cũng chính nói về mình. Nghệ thuật có sức hấp dẫn, ma mị, quyến rũ bởi ở đó dấu ấn cá nhân để lại nhiều nhất. Hầu hết con người ta khi sinh ra đời không đi trọn vẹn con đường trên mặt đất. Chỉ là một bóng mờ nhạt, Không tăm tích. Không dấu vết. Sự có mặt của đám đông, về sau, chẳng có một ý nghĩa gì. Chúng ta lẫn lộn, mờ nhạt, heo hút trong đám đông đó. Ngược lại, có những con người ngay từ lúc đồng hành, hiện diện trong cõi người, họ đã hoàn thành sứ mệnh đời người. Trịnh Công Sơn chẳng hạn. Và nhiều tài năng khác nữa. Vì lẽ đó, họ không mất đi. Vẫn còn hiện diện mãi trong cõi Vô Danh này.

Ngày chủ nhật. Ngoài trời nắng đẹp quá. Mà trong lòng lại trống rỗng như tiếng kèn đồng đã chấm dứt tiếng reo vui. Chẳng còn một náo nức gì để chạy đua với thời gian. Rồi một hẹn hò sẽ mở ra thăm thẳm một con đường hoa trái hoan lạc. Vì lẽ đó, đôi lúc y cảm thấy đời sống tẻ nhạt quá. Sự tẻ nhạt lớn nhất là lúc con người ta không tha thiết chờ đợi một điều gì. Ấy thế mà lúc nào cũng tự thấy chẳng có thời gian dành cho bạn bè, cho chính mình? Vô lý quá. Đạo diễn Trần Tuấn Hiệp từ Hà Nội vào, đã hẹn một cuộc gặp mặt nhưng rồi cũng không thể. Lúc anh rảnh, y bận và ngược lại. Ngay với Đoàn Tuấn cũng thế, chỉ là buổi cà phê sáng. Ai cũng vội. Mà chẳng rõ vội vì cái lẽ gì nữa. Phải chăng nhịp sống hiện đại, tự nó đã cuốn người ta trôi đi, trôi đi không gì cưỡng lại được?

Có lẽ, Trần Tuấn Hiệp là người trước nhất (?) và cũng thành công nhất khi thực hiện lối làm phim: đạo diễn xuất hiện cùng nhân vật với tư cách là người dẫn chuyện. Hầu hết phim của Hiệp không có kịch bản trước, anh thể hiện như sự việc đang diễn ra, không sắp xếp, chuẩn bị trước mà lúc xem cực kỳ hấp dẫn. Anh đã làm Ký sự Đăk Lăk (12 tập), Sài Gòn du ký (20 tập), Ký sự biên phòng (25 tập), Đà Lạt ký… Lúc sang Kampuchia, y đã là nhân vật của Hiệp. Lúc ấy, anh tỉ tê tâm sự: “Nếu kịch bản phim truyện đòi hỏi phải rành mạch cụ thể, rõ ràng tới từng chi tiết, từng cảnh quay, thì làm phim tài liệu là một quá trình sáng tạo liên tục. Bọn tớ thường làm một bộ phim tài liệu như thế này: Đầu tiên là một kịch bản ý tưởng. Sau đó, ý tưởng được phát triển trong quá trình quay. Dựa trên những gì đã quay được, mới bắt đầu làm kịch bản dựng - đây mới là kịch bản chi tiết. Chưa hết, quá trình sáng tạo còn được tiếp tục trên bàn dựng phim. Nếu kịch bản phim tài liệu được xây dựng chi tiết ngay từ đầu sẽ khiến quá trình đi quay bị lệ thuộc vào những gì đã định sẵn. Như vậy, bộ phim sẽ mất đi sức sống và sự chân thực”.

Cũng là một quan điểm về cách làm phim tài liệu.

Chừng vài năm trước, anh khoe đang làm bộ phim nhựa về vua Đinh Tiên Hoàng. Không rõ bộ phim đến đâu rồi Hiệp ơi? Mà phim làm về lịch sử, chắc chắn không dễ dàng gì. Cái chính là tư liệu thiếu sót nhiều quá. Rồi phục trang, rồi hàng ngàn, hàng ngàn chi tiết khác. Kịch bản của anh Nguyễn Đông Thức chuyển thể từ tiểu thuyết Không có gì và không một ai của anh đã xong. Mỹ Hà đạo diễn. Chẳng rõ, những cảnh vật, không gian Sài Gòn trước 1975 sẽ tái hiện thế nào, khi mà dòng xoáy thời cuộc đang thay đổi từng ngày? Vừa nhận điện thoại của Trần Tuấn Hiệp. Cả hai cùng tuổi Kỷ Hợi. Cái tuổi cực kỳ mê gái. Rất mê gái. Có lần anh tâm sự: “Một phụ nữ đẹp là phải... rất đẹp. “Cái nết đánh chết cái đẹp” là câu nói an ủi, động viên thôi. Còn thực tế thì chả cái nào đánh chết cái nào cả. Giống như mọi người đàn ông, tôi cũng rất thích phụ nữ đẹp. Nhưng còn chuyện đưa họ vào phim, phải xem thế nào đã. Chẳng lẽ để lấy lòng người đẹp, chỉ có mỗi một cách là đưa họ vào phim thôi sao?”.

Ơ hay, nghe cũng được đấy chứ?

Lại hỏi, chẳng lẽ, trong ngảy chủ nhật lại vùi đầu đọc sách nữa chăng? Thì phải thế. Chứ biết làm gì? Đưa vào Nhật ký câu này, chắc ít ai biết đến. Ghi lại để thấy lối viết sử ngày trước. Sự cẩn trọng ấy, có còn không? Trong quyển Nho giáo (Bộ Giáo dục - Trung tâm học liệu miền Nam in năm 1971), nhà sử học Trần Trọng Kim viết: “Xem kinh Xuân Thu thì phải biết cái ý nghĩa và vị trí của từng chữ. Mỗi chữ là để định rõ người tà người chánh, như Thiên tử chết thì chép là băng, vua Chư hầu chết thì chép là hoăng, ông vua đã cướp ngôi làm sự tiếm đoạt mà chết thì chép là tồ, người làm quan ngay chánh chết thì chép chữ tốt, làm quan gian nịnh chết thì chép chữ tử.

Người nào có danh phận chánh đáng thì chép rõ chức phẩm và tên tự, người nào mà danh phận không chánh đáng thì dầu có chức phẩm gì cũng chỉ chép có một tên tục mà thôi.

Sự khen chê của Ngài (Khổng Tử) cốt ở những chữ Ngài dùng. Có khi chỉ vì một chữ chê mà thành ra tiếng xấu muôn đời, một chữ khen mà được tiếng thơm thiên cổ. Bởi thế, người đời sau bàn kinh Xuân Thu nói rằng: "Nhứt tự chi bao, vinh ư hoa cổn; nhứt tự chi biếm, nhục ư phủ việt”: “Một chữ khen thì vinh như cái áo hoa cổn của vua ban cho, một chữ chê thì nhục như bị tội rìu búa” (tr.160 - 162).

Nghĩ gì về điều này?

 

DSCN1582cungh-cc-than-huu

Ảnh chụp sáng chủ nhật tuần trước 13.7.2014 tại Hội Nhà báo TP.HCM nhân ra mắt tập sách mới của bác sĩ, nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment