Cho đến nay, có lẽ TT là tờ báo trước nhất có ý thức “số hóa” toàn bộ các trang báo kể từ số phát hành đầu tiên. Từ ngày 2.9.1975. Công việc này ngốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc… Mà nhờ vậy, qua anh Lưu Đình Triều, y mới có thể biết được số lượng cụ thể tin bài đã in lúc về TT - dù chỉ tên bài báo, in số báo nào, ra ngày tháng năm nào. Nhìn qua, thấy lúc ấy viết cũng khá nhiều. Thời đó ký bút danh Trần Thị Vĩnh Phúc hoặc Vĩnh Phúc. “Trần” là họ của “một nửa” đầu tiên trong đời. “Phúc” là tên cậu em út của cô ấy. “Vĩnh” là muốn gắn với thương hiệu các tiệm bán vàng lừng danh ở chợ Cồn tại Đà Nẵng trước 1997: Vĩnh Châu, Vĩnh Phát, Vĩnh Thái… bên dòng họ mẹ. Thương hiệu ấy, “một nửa” ấy đã thuộc về quá khứ. Bút danh ấy sau này không còn ký nữa. Những bài báo đầu đời ấy, nếu được đọc lại ắt sẽ gợi lên nhiều cảm xúc. May quá, anh Triều có in cho bài phòng vấn Trịnh Công Sơn: “Tại sao tôi vẽ”?, y thực hiện ngày 11.3.1988. Đây là bài trả lời đầu tiên của Trịnh Công Sơn cho biết quan điểm về hội họa, lúc ông triển lãm chung với Đinh Cường và Tôn Thất Văn.
“PV: Tại phòng tranh này có ý kiến cho rằng: Nếu Tôn Thất Văn và Đinh Cường là kỹ thuật, thì anh là bay bổng, đập phá…. Anh có đồng ý?.
TCS: Để trả lời câu hỏi đó mình muốn nhắc lại lời của họa sĩ Lưu Công Nhân - vừa đến thăm phòng tranh sáng nay: “Nếu chỉ thuần túy về kỹ thuật thì chưa chắc đã thành công cho tác phẩm”. Tôi đồng ý như vậy và quan niệm: Trong sáng tạo không thể thuần lý trí hoặc thuần kỹ thuật được mà phải là sự tổng hợp, theo tôi đó là sự kết hợp cái tinh khiết của đời sống. Chính điều này làm xóa tan mọi biên giới để đi thẳng vào điều mình muốn nói mà không phải qua trung gian nào cả. Thử tưởng tượng, trong một buổi sáng có một người khi đứng trước thiên nhiên đẹp đẽ, bỗng dưng hứng khởi cất lên tiếng hát mà chính mình cũng không ngờ trước. Đó là sự đột biến tinh thần mà người này đã sáng tạo. Tôi đến với hội họa như thế”. Cũng trong bài phỏng vấn này, ông còn cho biết: “Có thêm một lý do riêng khi mình nhảy qua hội họa - vì muốn quên đi những giai điệu cũ mà mình đã quá quen thuộc. để khi trở lại với nhạc mình sẽ không trùng lặp lại nữa”. Còn nhớ, bài phỏng vấn này thực hiện ngay tại nhà riêng của ông. Hẻm Duy Tân, phía đầu hẻm có bán cà phê, bây giờ vẫn còn.
Thiết nghĩ, những tờ báo dù in ở thời đại nào cũng cần được lưu trữ, gìn giữ cẩn thận bởi từ các trang báo ấy, đời sau có thể nhìn thấy được hiện trạng xã hội của một thời. Suy nghĩ này không sai, nhưng thật ra không hẳn đã chính xác. Tại Trong quyển Phương pháp sử học (NXB Sao Mai, Sài Gòn - 1974), nhà nghiên cứu Nguyễn Phương cho rằng: “Sử gia nên nhớ rằng, giá trị của một tờ báo thường lệ thuộc vào bầu không khí chính trị trong đó tờ báo ra đời. Nếu đó là một chính thể tôn trọng tự do tư tưởng thì tờ báo sẽ có nhiều bảo đảm về phần tin tức và bình luận. Nhưng nếu chính phủ thi hành chính sách độc tài, thì báo chí tất cả chỉ là những phương tiện tuyên truyền đường lối riêng của chính phủ và bấy giờ sử gia phải phê bình báo chí như phê bình những tờ tuyên truyền.
Rồi, báo chí còn có thể là cơ quan ngôn luận của một phe phái, một đảng phái chính trị, nên dầu ở trong một nước tự do được tôn trọng, vẫn có thể bị đầu óc đảng phái làm cho thiên lệch. Cả những tờ báo không có màu sắc chính trị cũng có thể bị ảnh hưởng khi ít khi nhiều bởi những thành kiến về kinh tế, xã hội hoặc tôn giáo, và nhiều khi uốn nắn tin tức hay dư luận xã hội theo hướng của mình” (tr.138).
Ý kiến này xác đáng lắm. Không bình luận. Không dẫn chứng. Có ai cãi lại lập luận này không?
Dù ai có ý kiến khác, y vẫn yêu thích TCS. Yêu bởi âm nhạc của ông đã có thời gắn bó với tuổi trẻ của mình. Thói đời, đánh giá tài năng một người nghệ sĩ, thiên hạ thường căn cứ… vào đời tư của họ. Thế nhưng dù người đó sống cao đẹp lắm, đàng hoàng lắm nhưng không để lại một tác phẩm nào ra hồn, liệu có đáng nhớ? Vũ Trọng Phụng đáng kính trọng bởi ông cật lực cày từng trang bản thảo kiếm từng xu, moi óc kiếm từng chữ đổi ra tiền nuôi mẹ già, nuôi vợ dại, con thơ đến độ ho lao và cuối đời thốt lên não nùng: “Mỗi ngày được ăn một miếng bít - tết thì đã không đến nổi tàn tạ thế này”. Vẫn biết thế, đáng kính trọng đến thế nhưng nếu không có Giông tố, Số đỏ... ông có là gì không? Dù Vũ Trọng Phụng về cuối đời đã sa vào một thói xấu hạng nhất, đáng khỉnh bỉ nhất là nghiện hút thuốc phiện chỉ vì muốn kéo dài sức khỏe để viết nhưng chẳng ai trách móc, bởi ông đã để lại Giông tố, Số đỏ…Ngôi sao kỳ lạ này, thiên tài này xuất hiện trên vòm trời văn học Việt Nam chỉ chừng 26, 27 năm nhưng đến nay vẫn rạng rỡ chói lòa. Chưa một ai có thể bì kịp.
Nhắc đến người nghệ sĩ, đương thời thiên hạ thường tò mò, soi mói, quan tâm, bình phẩm đến những mối tình gây cấn riêng tư trong đời của họ. Tại sao? Bởi họ có tác phẩm, vai diễn được hàng triệu người mến mộ. Rồi, với thời gian, những tai tiếng ấy của người nghệ sĩ (nếu có) chẳng ai nhắc đến, họ chỉ nhớ tác phẩm của người đó để lại. Vết tích cá nhân riêng tư của con người sáng tạo sẽ nhòa theo năm tháng. Chẳng còn ai truy lại lý lịch khi đánh giá tác phẩm họ. Và tác phẩm, nếu thật sự có giá trị thì lại có lúc sáng ngời hơn cả lúc họ đang sống. Bằng không, cũng chân cầu nước chảy...
Có lẽ chưa nhà thơ hiện đại nào để lại nhiều giai thoại như Bùi Giáng. Trong hội thảo về ông tại trường KHXH & NV, y đã nói cái ý mà nhiều báo trích dẫn lại: “Bùi Giáng làm cái chi, đụng đến cái gì, như chuyện ông làm thơ, yêu ai, đến nhà ai… thì cũng biến thành giai thoại hay huyền thoại cả”. Thậm chí, thiên hạ còn bịa ra thêm rồi gán ghép cho ông. Thế nhưng nếu không có Mưa nguồn, Sa mạc phát tiết v.v… thì ông cũng chẳng là gì. Chế Lan Viên hoàn toàn có lý khi viết: “Cho dù Hàn Mặc Tử có cuộc đời bệnh tật, cuộc đời tình duyên, cuộc đời cách mạng ly kỳ, dữ dội gấp trăm lần, nhưng ba hòn núi cao ấy chụm lại không đẻ ra được một cái cây, một bóng mát thơ nào, ba hòn núi ấy không đẻ ra được con chuột nhắt thơ nào thì việc gì ở đây ta cũng phải dông dài”.
Nhà văn lắm chuyện - tư liệu L.M.Q
Đọc Nhà văn lắm chuyện (2 tập) của Vũ Bằng, thấy rằng hầu hết các văn nghệ sĩ thuở ấy xem chuyện hút xách, cô đầu, sống bạt mạng giang hồ… là lẽ thường tình. Có điều cũng chơi bời, cũng chung chạ, cũng cá mè một lứa, cũng thân mật chung dọc tẩu nhưng có người viết được, có người về cuối đời nhìn lại, xòe hai bàn tay chẳng thấy gì. Nhắc lại chuyện này bởi hôm kia, gặp anh bạn nhà văn của Sài Gòn cũ, anh bảo, thời đó, anh ảo tưởng rất trẻ con. Cũng rượu chè, cũng bù khú thâu đêm, cũng tay ba tay tư tình yêu lăng nhít bởi nghĩ đó là đời sống rất nghệ sĩ, tưởng rằng đó mới là nghệ sĩ. Nhưng vào cuối đời, bây giờ anh xấu hổ bởi chẳng viết được gì ra tấm ra miếng. Nói như ngôn từ thời @, anh tự nhận thuở ấy chỉ có “chém gió” trên bàn nhậu là giỏi. Mà chuyện này đâu đã thuộc về quá khứ. Vẫn sờ sờ trước mắt mỗi ngày.
Trời đất cho ta một cái tài
Giắt lưng dành để tháng ngày chơi.
Ấy là ông Nguyễn Công Trứ và nhiều tài năng khác. Tài năng của họ to bằng trời. Họ có “chơi” đi nữa cũng lẫy lừng tám phương bốn hướng. Có người dù chưa há mồm ra đã lập tức bao nhiêu gái đẹp tự nguyện nhảy xổm tranh giành như thiêu thân lao vào ánh lửa:
Hoa giãi nguyệt, nguyệt in một tấm,
Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông,
Nguyệt hoa, hoa nguyệt trùng trùng,
Trước hoa dưới nguyệt trong lòng xiết đâu!
(Chinh phụ ngâm)
Ngược lại có kẻ lưỡi như thoa mỡ, mồm mép tép nhảy, bao lời tỏ tình hay như chim hót cũng không lọt vào tai giai nhân. Người có số. Thật vậy. Tài của y, ông trời chỉ cho bằng hạt lúa lép. Chỉ có thể “cù bù thông mình”.
- Vậy thì, cố gắng đi cưng.
Y nghe y nói thế, bèn lễ phép thưa:
- Vâng ạ.
Trời đã chiều. Qua chung cư một chút xem sao. Mấy hôm nay mưa gió thất thường, chẳng ra khỏi nhà mỗi chiều...
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|