LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 13.9.2014

 

Thế kỷ XXI này, nếu chọn lấy một người đàn ông lãng mạn nhất, hạnh phúc nhất, y sẽ chọn Mel - một người đàn ông đã khuất, một người bình thường như hàng tỷ con người khác trên trái đất. Ngày kia, biết mình sắp về cõi trên, ông viết lại lời trăn trối, bỏ vào chai và ném xuống biển. Nội dung như sau: “Tên tôi là Mel. Tôi có 3 đứa con tuyệt vời và người vợ xinh đẹp đầu ấp tay gối với tôi suốt 54 năm. Tôi yêu biển, thích câu cá trên đại dương và đi săn với 2 đứa con trai yêu dấu, ngắm thủy triều lên cùng cả gia đình. Hôm nay, gia đình tôi đưa tôi về nghỉ ngơi ở nơi tôi yêu quý nhất. Đó là hành trình mới của tôi. Nếu bạn tìm thấy lá thư này trong chai, xin hãy truy cập trang Facebook của tôi và đăng tải bức hình của mình cũng như nơi bạn tìm thấy chiếc chai, rồi trả tôi lại với hành trình biển xanh". Lá thư viết ngày 17.8.2014. Ít lâu sau, thiên hạ tìm thấy lá thư trong chiếc chai lênh đênh trên biển gần California (Mỹ). Theo lời trăng trối ấy, chiếc chai lại ném trả về biển xanh.

Mấy hôm nay, vài bạn bè báo tin vui sắp dựng vợ gả chồng cho con. “Q có thể tham dự không?”. Chưa thể trả lời cho La Thanh Hiền, Trần Tuấn Bảo ở Đà Nẵng; Hà Đình Nguyên ở Sài Gòn. Chỉ nói “chúc mừng”, còn để xem công việc cụ thể tháng 10.2014 này thế nào. Niềm vui đôi khi đến nhẹ nhàng và tình cờ. Chiều qua, sau khi post Nhật ký 12.9.2014, chỉ tích tắc trong một giây, bạn thơ Cao Xuân Sơn đã gọi điện thoại: “Đọc đoạn kết thương Q quá. Nào, dũng cảm lên, ra quán làm một chai rượu đỏ nhá?”. Nghe cảm động quá. Ngoài trời đang mưa tầm tã. Sá gì mưa. Đến nơi, chọn một quán ngồi sát mé hiên. Ngắm nhìn mưa. Uống rượu vang đỏ Chi Lê. Còn gì lý thú hơn? Những chai rượu hiên ngang xếp ngang dọc trên bàn. Rượu đem lại men say ngất dịu nhẹ. Nghe mưa và nghe đọc thơ cho nhau nghe.

 

anh-Cao-Xuan-SonRR

Nhà thơ Cao Xuân Sơn

 

Lan man thế nào lại nhắc đến nhà văn Hoài Anh. Một người đi bộ thuộc loại kiên cường nhất Sài Gòn, chỉ đơn giản do không biết đi xe máy, không đi xem ôm vì phải dành tặn tiện từng đồng nhuận bút nuôi con. Con người này đáng nể ở chỗ tự học. Sơn bảo: “Sau này, người ta có thể quên những gì Hoài Anh đã viết, nhưng không thể quên bài thơ Nhớ ngày thủ đô kháng chiến, trong đó có mấy câu cực kỳ ấn tượng:

Một người bạn tôi gặp trong đêm ấy

Ra phố mua một bao thuốc lá

Chín năm sau anh mới trở về nhà

Ta mang ba mươi sáu phố phường đi kháng chiến

Chín năm rừng lòng vẫn Thủ đô

Sơn nói đúng. Chừng hai mươi năm trước, đọc mấy câu thơ này cũng của Hoài Anh, y nhớ mãi:

Cánh cửa mở ra

Cánh cửa khép lại

Cái kẹt nửa chừng

Là tình thơ dại


Cánh cửa khoá được

Cả trong lẫn ngoài

Mặt trong quá khứ

Mặt ngoài tương lai


Riêng còn hiện tại

Chìa khoá giấu chờ

Chỉ cánh cửa biết

Nhưng còn đứng trơ

Hoài Anh là mẫu người tiêu biểu của văn nghệ sĩ “chính hiệu con nai vàng” từ Bắc vào Sài Gòn làm báo. Chỉ sống bằng nghề viết. Chứ không lăn tăn với bất kỳ gì khác. Do ly thân với vợ, anh ăn ngủ luôn tại báo Văn Nghệ TP.HCM, thời tòa soạn ở trên đường Nguyễn Thị Minh Khai. Lúc đó, y mới ra trường, thỉnh thoảng đến gửi bài cộng tác nên gặp nhau luôn. Cứ mỗi chiều, sau khi nhân viên của báo đã về, anh lại ngồi một mình trong phòng gõ máy chữ. Sức viết ấy ghê gớm lắm. Hầu như thể loại nào, anh cũng viết. Từ thơ, tiểu thuyết, kịch đến lý luận văn học, dịch thơ chữ Hán v.v… anh viết cả. Hễ ai đặt bài là viết. Không câu nệ gì. Miễn trả nhuận bút sòng phẳng. Cũng cái bàn viết ấy, ban đêm lại trở thành chỗ ngã lưng. Lúc chưa có rượu, anh tỉnh táo, có trí nhớ đáng khâm phục, xứng đáng gọi “tự điển sống” nhưng khi rượu vào lại gàn dở hết chỗ nói.

Ngày đó, quán nhậu 81 Trần Quốc Thảo là “đại bản doanh” của giới văn nghệ. Hoài Anh mê cô D phục vụ nên hầu như trưa nào cũng có mặt. Anh mê đến độ hễ ai gọi cô D mau mau phục vụ bia, nước đá là anh sang tận bàn gây sự ngay! Riết rồi cô D đâm hoảng, không khéo mất việc như chơi nên cô về méc với chồng. Anh chồng ghen quá nên đến quán. Sau khi chứng kiến cảnh trái mắt đó, anh ta cãi cọ Hoài Anh rồi cả hai đánh nhau một trận ra trò! Tất nhiên, nhà văn trói gà không chặt làm sao đọ lại sức trai lực lưỡng?  Viết đến đây sực nhớ vài năm trước, lúc đi dự đại hội nhà văn ngoài Hà Nội. Lần nọ, có một độc giả vào đến tận cửa hội trường đang họp, nhờ mọi người tìm giúp nhà văn nọ. Tưởng độc giả ái mộ, nhà văn lừng danh của chúng ta hào hứng bước ra ngoài. Sau vài câu xã giao, người khách lạ bảo, tôi quý văn chương anh nên tặng anh chai rượu này. Nhà văn vừa đưa tay cầm chai rượu, lập tức nhận luôn một cú đấm ngay giữa mặt. Khách lạ gằn giọng: “Lần sau, anh đừng “lên báo” kể chuyện yêu đương gì của anh với cô X nữa. Cô ta hiện nay đã là vợ tôi!”. Nhớ đến nhà văn vẫn là những gì họ đã viết, chẳng việc gì phải nhớ đến những chuyện vặt vãnh ấy. Với nhà văn Hoài Anh, ông trời cũng lạ, anh đã có những đóng góp cho nền văn học nhưng nay ít ai nhắc đến. Trong khi đó, nhiều người khác dù tài năng kém hơn anh nhưng lại “nổi” hơn bội phần.

Nghĩ lại thấy may cho Bùi Giáng, những giai nhân mà ông yêu do chưa có chồng hoặc ly dị chồng nên không xẩy ra những sự cố tương tự. Trong hồi ký của Thu Trang - hoa hậu đầu tiên của miền Nam (1955), sau này là Tiến sĩ sử học, bà có kể lại chi tiết: Năm 1961, trước ngày bà sang Pháp du học, Bùi Giáng có ghé thăm nhà, tình cờ biết tin đó. Chiều hôm ấy, trời mưa tầm tã. “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Cả hai im lặng, không ai nói với nhau câu gì. Nói gì trước nữa với mối tình đơn phương mà Bùi Giáng đã dành cho hoa hậu? Đột ngột, ông cúi xuống nền nhà nhặt đôi dép màu xanh lá mạ mà Thu Trang thường mang đi trong nhà. Ông lẳng lặng mở tờ báo gói lại đôi dép, kẹp vào nách đứng lên và chỉ nói mỗi một câu: “Tôi về!”. Đọc kỹ trong Mưa nguồn, thấy thấp thoáng hình bóng của Thu Trang. Thậm chí, câu thơ “Còn hai con mắt mắt khóc người một con” được cho là Bùi Giáng viết sau khi hay tin bà có con. Đại khái thế, những giai thoại văn học hư thực khiến bạn đọc cảm thấy nhà văn gần hơn trong đời thường.

Đêm qua, câu chuyện của hai anh em làm thơ cũng vòng vèo qua một vài giai thoại ấy. Sơn bảo, Xuân Sách bắt đầu viết Chân dung nhà văn - tập thơ nổi tiếng nhất của ông là do nguyên cớ thế này: Ngày nọ, khoảng năm 1962, nhà thơ Nguyễn Trọng Oánh - bố của Giáng Vân - lấy vỏ bao thuốc lá Tam Đảo viết bài thơ Vịnh Xuân Thiều đưa Xuân Sách và bảo dịch. Vừa uống một ngụm rượu, Sơn hào hứng đọc bài thơ đó:

Văn nghiệp tiền trình khả điếu quân

Mao đầu tận lạc tự mao luân

Lưỡng kiên mai liễu phong trần lý

Chuyển địa hà thời chuyển đắc ngân

Trí nhớ của bạn mình tốt quá. Nghe thơ chữ Hán lúc đang mưa. Tiếng thơ lẫn tiếng mưa. Hào hứng thật. Giây lát sau, Sơn đọc luôn bản dịch của Xuân Sách:

Con đường văn nghiệp thương ông

Lông đầu rụng hết như "lông cái đầu..."

Đôi vai gánh nặng càng đau

Chuyển vùng nào nữa làm sao thành tiền?

Bản dịch quá xuất sắc. Cả hai cười phá lên bởi câu dịch thứ 2. Theo Sơn, ngoài bài thơ Tự họa đã in trong tập Chân dung nhà văn, Xuân Sách còn tự họa khác:

Chú du kích thiếu niên Đình Bảng

Lại cả gan đi bộ đường dài

Thử soi gương mặt vào con suối

Sẽ biết bên kia núi là ai?

Trong khổ thơ này, có vài tựa tác phẩm của Xuân Sách như Đội du kích thiếu niên Đình Bảng (tiểu thuyết); bài thơ Cùng anh tiến quân trên đường dài (Huy Du phổ nhạc), Con suối mặt gương (thơ), Phía núi bên kia (tiểu thuyết). Tuy nhiên, khi chọn in vào tập, Xuân Sách lại chọn bài này:

Bài 100:

Cô giáo làng tôi đã chết rồi

Một đêm ra trận đất bom vùi

Xót xa Đình Bảng người du kích

Đau đớn Bạch Đằng lũ trẻ côi

Đường tới chiến công gân cốt mỏi

Lối vào lửa đạn tóc da mồi

Mặt trời ảm đạm quê hương cũ

Ở một cung đường rách tả tơi.

Bài thơ còn nhắc thêm vài tác phẩm của ông như Cô giáo làng, Đêm ra trận… Ngày trước, Xuân Sách là cộng tác viên của báo PN TP.HCM, do đó, mỗi lần ông từ Vũng Tàu lên Sài Gòn là đến báo ký nhận nhuận bút. Nhờ thế, có tâm sự với ông nhiều. Lúc đó, ông có tặng cho tập thơ Chân dung nhà văn và tự tay ghi cụ thể tên từng người trên từng bài thơ. Đúng như Sơn nói, còn có nhiều bài thơ vịnh chân dung nữa nhưng ông không đưa vào tập. Lật lại tập thơ Xuận Sách đã tặng thấy ngày đó, y có ghi vài thơ khác như:

Bài 101:

Làm thơ có gì khó

Ta viết đủ trăm bài

Sóng Hồng một chưa đủ

Đã có Sóng Hồng hai


Mỗi bài thơ Đi họp

Trăm thằng xúm vào khen

Một bậc lương cũng đủ

Trả công nhà phê bình


Bài 102:

Ai thiếu cái gì thì viết về cái đó

Nên ông viết nhiều về tính Đảng, tính nhân dân

Ông hay trích dẫn lời anh Ba, anh Tư, anh Năm…

Để người đọc không thể nào bắt bẻ

Suốt ngày ông lắng nghe ngọn gió xoay chiều

Nên đôi tai mới dài đến thế

(XS đọc cho LMQ nghe 26.8.1993)"

Đại khái, câu chuyện của hai nhà thơ đã ngũ thập chỉ xoay quanh chuyện thơ thẩn của vài ông bạn thơ đã khuất. Nhắc lại bởi lúc sống, họ là chỗ thân tình. Nếu ai đó, mình không thích, không có kỷ niệm gắn bó thì nhắc lại làm chi? Còn nhớ đêm qua, Sơn có buột miệng đọc câu thơ này:

Cách tường hoa ảnh động

Nghi thị ngọc nhân lai

Và anh dịch luôn:

Bóng hoa lay động bên tường

Ngỡ là người ngọc tìm đường sang chơi

Thơ của ai? Có những câu thơ nghe thoáng một lần, đã nhớ. Có những cuộc bia bọt lai rai, chỉ hai người lại nhớ, lại tâm sự với nhau được bao điều. Đã chiều. Ngồi chờ email hay đi ăn một chút gì đó? Lại phở chăng?

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment