LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 28.9.2014

 

Chiều. Ngoài trời mưa rỉ rả. Thèm đi xuống phố. Ngồi ở phía lan can tầng 1 của một nhà hàng trên đường Đồng Khởi. Uống một cái gì. Nói một cái gì. Nhìn một cái gì. Nghe một cái gì. Ngày chủ nhật. Ở nhà, không một tiếng nói. Sáng, ngồi gõ bàn phím như mọi ngày. Chiều, mưa. Chẳng lẽ cứ ngồi đối diện với màn hình? Biết thế nào được. Trang nhật ký lại mở ra. Viết gì? Chẳng lẽ lại bàn chuyện thời sự mỗi ngày? Chẳng lẽ, lại khai thác lấy tâm trạng của chính mình? Chẳng lẽ, lúc nào cũng chạy theo những bài báo kiếm cơm? Chẳng lẽ, lại đọc sách rồi lại suy ngẫm đôi điều gì đó? Chán. Đôi khi con người ta chán lấy chính mình bởi đời sống nhạt nhẽo quá, tầm thường quá, bình lặng quá. Từng ngày, mỗi ngày đã lập trình từ Chủ nhật đến thứ Hai? Cứ thế, bước tới. Không thay đổi. Không chệch hướng. Vậy y có niềm vui gì khác không? Biết thế nào vui, thế nào buồn?

Đôi khi muốn thu xếp mọi công việc lang thang đâu đó nhưng rồi lại ngại. Ngại ra khỏi nhà. Ngại va chạm đám đông. Cứ như thế, như một con ốc nằm sâu trong vỏ. Chẳng tiếp nhận lấy hơi thở của đời, nhịp điệu của đời đang diễn ra vậy thì viết cái gì? Không viết được thì nói. Có nhiều người nói quá nhiều trên bàn nhậu, trên diễn đàn. Nói ròng rã từ ngày này qua tháng nọ rồi đến một lúc chẳng thể viết được nữa. Nói hào hứng nhất vẫn là lúc đang say, trong đầu lóe sáng biết bao ý tưởng cần phải viết, than ôi, lúc tỉnh táo lại quên ráo trọi. Y cũng thế thôi.

Ngày kia, đọc bài 1.001 kiểu PR sách trên báo PN, thích câu phát biểu của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: “Sứ mệnh của nhà văn là trên bàn viết chứ không phải là liên tục xuất hiện và nói trước công chúng”. Trên bàn viết của y có gì? Y chẳng biết nữa. Chỉ biết mỗi ngày, y vẫn như gã nông dân cày sâu cuốc bẫm trên thửa ruộng của chính mình. Sẽ gặt về mùa vàng? Sẽ đem về như hạt thóc lép? Sẽ không có gì ngoài ngọn gió hư vô thổi rênh qua ngày tháng? Chẳng biết nữa. Như một kẻ lữ hành trên sa mạc, thôi thì, cứ đi. Đi mãi cũng chán. Viết mãi cũng chán. Chỉ có yêu. Tình yêu như ngọn lửa sẽ không tắt bởi sự chán chường, ngao ngán chăng?

Tối qua, ngồi với anh bạn nhà thơ từ Hà Nội vào. Có thông tin anh sẽ làm Tổng biên tập tờ báo nọ. Có đúng vậy chăng? Anh cười và bảo, tôi thích câu nói của một thi sĩ Nga, đại khái có 4 chữ B, tạm dịch sang tiếng Việt: "Nếu một người bất tài, bệnh thập tử nhất sinh, nghèo đói, vợ / bồ xấu xí thì chẳng ai thèm ganh tỵ, ganh ghét cả". Ngẫm lại, thấy đúng. Sáng nay, dù đã gần hơn 11g30 nhưng vẫn rời nhà ghé đến quán phở bà Dậu. Y chính hiệu người Việt gốc phở. Có thể ăn phở trừ cơm, từ ngày này qua tháng nọ. Người Việt thích phở nhưng hầu như chưa có bài thơ nào tuyệt hay viết về phở, trừ bài Phở đức tụng của Tú Mỡ. Sáng ngồi ăn phở và đọc báo. Ngồi ăn một mình mới có cái thú đó, khỏi phải trò chuyện với ai. Cũng là cái thú. Sáng nay, ăn phở và ghi nhận vài thời sự từ báo TN:

+ Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Trọng Đàm, đến cuối tháng 8.2014, cả nước có gần 185.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Ba năm trở lại đây, số người nghiện đều tăng qua các năm. Năm 2011 là 158.414 người; năm 2012: 172.000 (tăng 8,57%); năm 2013: 181.396 người (tăng 5,46%); 8 tháng đầu năm 2014, tăng 0,8%. Trong số người nghiện có 96% nam giới, 50% ở độ tuổi 16 - 30, 0,02% dưới 16 tuổi. Tất cả các tỉnh, TP đều có người nghiện; gần 90% quận, huyện và khoảng 60% xã phường, thị trấn đã có người nghiện ma túy.Còn theo số liệu mới nhất được Bộ Công an khảo sát trên toàn quốc, tổng số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý là 204.377. Số có việc làm không ổn định là 41%, không việc làm 44%. Thành phần nghiện hút nhiều nhất là nông dân 49,57%, các thành phần tiểu thương, ngành nghề khác 42,8%, công nhân 6,71%. Cả nước có 142 trung tâm cai nghiện và mới chỉ quản lý 32.200 người".

+ "Ngày 27.9.2014, Viện Âm nhạc - Học viện Âm nhạc quốc gia VN phối hợp Sở VH-TT-DL Bình Định tổ chức hội thảo khoa học Nghệ thuật bài chòi miền Trung VN, hiện trạng và vấn đề bảo tồn. Đây là hoạt động chuẩn bị cho việc xây dựng hồ sơ quốc gia “Nghệ thuật bài chòi miền Trung VN” trình UNESCO, đề nghị ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tại hội thảo, PGS-TS Từ Thị Loan, Viện trưởng Viện Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia VN và nhiều đại biểu khác cho rằng bài chòi xuất hiện chính xác lúc nào, cái nôi của nó ở đâu rất khó xác định. Tuy nhiên, có thể khẳng định bài chòi là một loại hình nghệ thuật dân ca và trò chơi dân gian ra đời, phát triển tại các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ từ thế kỷ 19 - 20. Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Đặng Thị Bích Liên chỉ đạo Viện Âm nhạc và các tỉnh, thành phố có di sản nghệ thuật bài chòi dân gian cần tích cực triển khai các công tác liên quan đến việc lập hồ sơ quốc gia “Nghệ thuật bài chòi miền Trung VN” và phải hoàn thành, nộp lên Bộ VH-TT-DL vào cuối tháng 12.2014".

+ "Sáng 27.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nghe và thảo luận về dự thảo Nghị quyết đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT-SGK) sau năm 2015. Về số tiền phục vụ Đề án đổi mới sách giáo khoa, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề có nên đưa vào nghị quyết gần 800 tỉ đồng không, hay chỉ phân ra từng hạng mục để Chính phủ duyệt. “Ta chốt 800 tỉ đồng sau này thành vài ngàn tỉ đồng thì tính sao? Từ hơn 30.000 tỉ đồng xuống còn 800 tỉ đồng. Tôi sợ quá. Vì thế, có cần chốt con số không hay đưa ra hạng mục và hằng năm Chính phủ duyệt để làm”, Chủ tịch QH đề xuất".

Lúc đọc báo, nếu thấy vài thông tin đáng chú ý thì nên ghi lại. Ghi lại, bởi nhật ký của một người chẳng có ý nghĩa gì nếu nó đứng ngoài mép rìa của thời sự đang diễn ra. Hơn nữa, ghi lại để sau này, đọc lại Nhật ký có thể hình dung ra ký ức của một thời. Nhà văn Nam Cao có viết Nhật ký ở rừng, tiếc là ông mất sớm quá. Đọc lại, có thể hình ra ra một giai đoạn của tình dân quân những năm 1947. Đọc lại gặp nhiều chi tiết thú vị, chẳng hạn:

“Cơm xong, cả bọn lăn quay ra đất, chung quanh bếp lửa. Ông già nhường cái giường độc nhất của nhà ông cho chúng tôi, nhưng chúng tôi không chịu nhận. Ông già bèn lẳng lặng đi lấy củi chất thêm vào bếp, lại đốt thêm một đống lửa nữa ở phía ngoài. Ấm cúng chán rồi. Hơi khói át hết cả những mùi xú uế đi. Vì vậy, tuy rải cái áo đi mưa nằm ngay dưới đất, đắp sơ sài bằng chiếc áo vét-tông, đầu ghé ngay gần cái chuồng gà, tôi vẫn ngủ ngon lành lắm. Luôn mấy đêm lạnh và chập chờn rồi. Lại đến cả ngày lên dốc, ba-lô, bị gạo nặng ê vai. Nằm một lúc, ngủ ngay. Nửa đêm, tỉnh dậy vẫn thấy lửa cháy đều. Bên đống lửa, một thiếu phụ ngồi. Người đàn bà còn xuân mà lúc mới đến chúng tôi đoán là vợ kế ông già. Nhà chỉ có hai người, một đàn ông, một đàn bà, thì tất nhiên là vợ với chồng. Nhưng hai tuổi chênh lệch nhau một cách đáng băn khoăn. Chúng tôi đã trao đổi với nhau đôi ý chế nhạo. Lúc đi ngủ, tôi thấy ông già vào buồng, còn người thiếu phụ nằm còng queo một mình ở trên giường. Lửa xa mà chăn chiếu cũng không. Bây giờ người đàn bà lại ngồi đây. Ánh lửa hồng hắt lên khuôn mặt trái xoan điểm một cái miệng nhỏ rất thanh và đôi mắt lá răm hơi xếch. Người ta nghĩ đến những nàng công chúa Đông phương, đẹp lặng lẽ và bí mật. Đêm khuya vắng lặng, giữa những người mệt ngủ ngáy khò khò người đàn bà thức một mình, ngồi coi đống lửa. Lạnh quá không ngủ được hay là ý muốn săn sóc đến giấc ngủ ấm áp của những người khách lạ? Lửa chập chờn. Ánh lửa đỏ vờn nhau với những miếng tối lung linh. Tôi thấy buồn, nhơ nhớ, chẳng hiểu nhớ ai và buồn vì sao”.

Đọc đoạn văn này, lúc nào y cũng gợi nhớ về năm 18 tuổi, lần đầu tiên xa nhà, vào bộ đội. Y thương lấy tuổi trẻ của y lắm. Lúc đó, đơn vị chuyển lên xa xít tận Dak Lak, gần biên giới K. Bộ đội đóng quân ngay trong buôn làng, sinh hoạt chung với người dân tộc. Có một lần, chỉ một lần, nửa khuya đổi phiên gác. Trời rét căm căm. Gió thổi rít từng cơn. Rừng tối đen. Lạnh lẽo buốt xương. Lúc đứng gác, nhìn thấy nơi nào có ánh lửa là đi đến đó. Y đến đó và lặng lẽ nhìn qua phên vách nứa. Nhìn thấy bên trong  nhà có thiếu nữ đang xoan đang giã gạo giữa khuya tĩnh mịch. Ánh lửa ấm cháy sáng bập bùng. Cô chỉ vận xà rông, hai bầu vú thổn thển căng tròn đang nhịp nhàng theo nhịp chày. Đêm đã khuya. Cô hoàn toàn không biết phía bên ngoài có người lính trẻ đang căng mắt quan sát từng động tác. Chao ơi, 18 tuổi đã xa lắc xa lơ muôn trùng nhưng rồi hình ảnh ấy như một thứ ánh sáng thơ dại kỳ diệu vẫn ám ảnh mãi… Rồi sau này, y đã viết những câu thơ tặng tuổi trẻ của mình:
 

trang nhật ký những câu thơ muộn phiền ủ dột

ám ảnh em ngày tháng tươi xanh

bước chân hành quân

mơ con đường không mìn vướng dưới chân

đạn bắn lén không xuyên qua giấc ngủ

mơ bầu vú đá rỉ ra từng giọt sữa

nuôi sống rông rênh mười tám mới dậy thì


toigoithamtuoi-18-toi-oi


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment