Chiều, u ám. Khoảng khắc thời gian của chiều đã nhầu nhẽo. Đã héo. Mây xám xịt như chờ chực sẽ đổ xuống những giọt nước mưa lênh loáng phố xá. Nhìn quanh bốn bề, vẫn thế. Vẫn những chồng sách cũ. Vẫn máy vi tính đã quen. Vẫn tiếng chuông chùa tụng kinh gõ mõ rầu rĩ mỗi chiều. Tự dưng, ớn lạnh. Một cảm giác đơn độc có cảm giác như có chiếc lưỡi rắn chậm chạm, từ từ liếm lấy cái linh hồn đang trơ vơ, trống trọi. Bèn, đứng phắt dậy. Tắt máy. Bước nhanh ra khỏi nhà. Vẫn con đường đó. Góc phố đó. Vẫn tiếng xe gào rú mỗi ngày. Vẫn đèn đường xanh vàng đỏ nhấp nháy liên tục, vô hồn. Vẫn con người của y đã cũ như từng ngày đã cũ. Đi đâu? Tự dưng, thèm nhìn thấy những gương mặt người. Những đồng nghiệp đã từng cười nói mỗi ngày thân thiện. Nghĩ vẩn vơ, chỉ chừng dăm năm nữa nghỉ hưu. Nếu lúc ấy vẫn đơn thân độc mã, y sẽ bằng cách nào để nhai ngấu hết 24 giờ trong một ngày? Chỉ thoáng nghĩ, đã rùng mình. Đôi khi, chìm đắm trong một cõi im lặng là một thú vị êm đềm; nhưng đôi lúc, lại cảm thấy trống rỗng ghê gớm. Thèm nghe đâu đó những tiếng cười nói thân tình. Chiều này, vào cơ quan đã nghe và đã thấy. Rủ đồng nghiệp cùng đi ăn cháo Tiều. Đi ăn chung cho vui. Đã quá ngán ngẫm sáng trưa chiều tối ngồi ăn một mình.
Lúc ngồi ăn, nghĩ lan man. Nghĩ rằng, ăn theo thuở ở theo thời: Thời buổi này, không còn là thời của nhà văn nữa. Nói như thế, bởi những ngày này đọc linh tinh và cảm nhận rằng, trước kia uy tín nhà văn trong cộng đồng sáng giá lắm. Bây giờ, đã khác. Thử hỏi, nếu hiện nay một hãng sản xuất nọ, khi tung ra sản phẩm mới thì họ sẽ mời hạng người nào quảng bá ầm ĩ cho làng trên xuống dưới cùng biết? Mời nhà văn chăng? Đừng hòng. Chỉ có thể là những ca sĩ, người mẫu, hoa khôi, hoa hậu, diễn viên điện ảnh… Thời trước chính nhà văn đóng vai trò này. Bằng chứng, nửa cuối thế kỷ XX, hãng rượu Văn Điển nổi tiếng nhất miền Bắc đã mời “đệ nhất tửu lượng” thi sĩ Tản Đà viết giúp cho bài hát nói như một sự “bảo chứng” chất lượng. Hiện nay, tuyển tập thơ Tản Đà không có in lại (vì thiếu tư liệu), do đó, y chép lại trọn vẹn giúp các nhà nghiên cứu văn học:
Ta về ta tắm ao ta
Ao ta uống mát rượu nhà uống ngon
Nghĩ thôi sông cạn đá mòn
Ai hay quốc túy lại còn có nay
Nam nhân Nam tửu
Người Annam uống rượu Annam
Bõ nhớ thương vụng thầm bao những lúc
Chất gạo có say không nhức óc
Hơi men cùng nhấp lại mềm môi
Trải tang thương non nước có đầy vơi
Còn chút đó cuộc đời chưa đáng chán
Rót đầy chén, uống chơi cho cạn
Họ nhà Tiên, nào những bạn Lưu Linh
Yêu nhau một hớp cũng tình…
Tương tự ở trong Nam, hiệu thuốc Nam của thầy thuốc Nguyễn An Cư rất nổi tiếng. Ông Cư là em ruột nhà văn, dịch giả Nguyễn An Khương; chú ruột của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh. Sở dĩ, thuốc của ông Cư bán chạy, được nhiều người tin cậy vì cụ Phan Bội Châu đã có thơ khen. Lời khen của một bậc chí sĩ, một nhà thơ ái quốc có giá trị gấp triệu lần phát ngôn của chân dài váy ngắn. Dù cụ Phan khen từ những năm 1930, nhưng mãi đến năm 1960, quảng cáo in tạp chí Phổ Thông số xuân Canh Tý vẫn còn rành rành dòng chữ:
“Cụ Phan Bội Châu khen:
Phương thánh đã đành nhờ sách vở;
Tay thần há dễ nhẹ công phu.
Đó là 3 câu thơ cụ Phan Bội Châu đề tặng Thuốc Rượu 39 của cụ Nguyễn An Cư. Cụ Phan Bội Châu khen là thuốc thánh. Mà quả thật là vậy. Thuốc 39 là phương thuốc trị bệnh tê bại nhức mỏi, tê thấp hay vô cùng”.
Sở dĩ, thời đó các nhà kinh doanh sử dụng tên tuổi Phan Bội Châu, Tản Đà và nhiều nhà văn khác là do uy tín của họ đối với cộng đồng. Mới vài năm trước, một nữ doanh nhân nọ ở xứ Nghệ đã chơi sang bằng cách bỏ tiền thuê một dàn ca sĩ ngôi sao từ Nam ra Bắc hát phục vụ dám cưới! Tất nhiên, phải trả một số tiền rất khủng mà thiên hạ lại đàm tiếu ì sèo. Nếu đám cưới đó diễn ra khoảng thập niên 1930, chưa chắc xẩy ra chuyện mời ca sĩ. Thời đó, dù bỉu môi: “Nhà văn nói láo, nhà báo nói thêm” nhưng công chúng vẫn dành cho người cầm bút sự nể trọng. Đọc lại nhiều hồi ký, biết rằng, đám cưới của ông nhà văn nghèo nhất xứ Annam, nghèo đến độ ho lao vì lao lực kiếm sống nhưng lại là sự vẻ vang cho cả làng: đám cưới Vũ Trọng Phụng. Không vẻ vang sao được khi có hàng chục nhà văn tăm tiếng nhất Hà Nội về tham dự. Thời trước, khi nhà trai đem sính lễ đến nhà gái, lúc bước vào cổng làng thường có sợi dây điều do trẻ con chắn ngang, không cho đi tiếp. Nhà trai phải vui vẻ, biết điều cho bọn trẻ con vài hào, vài đồng để chúng tháo dây ra. Tục lệ là vậy. Nhưng đám cưới Vũ Trọng Phụng, các cụ không cho phép bởi biết đâu các ông nhà văn đưa lên nhật trình thì xấu mặt cả làng.
Tưởng cũng nên nhắc lại chi tiết mà y đã viết Nhật ký 18.9.2013: “Đọc tạp chí Văn số cuối cùng có chi tiết, khi trường Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) tổ chức húy nhật cụ, ban tổ chức đã cất công vào Sài Gòn mời nhà văn ra tham dự. Thời đó, một giọng ca, một gương mặt diễn viên càng trở nên “sang trọng” hơn khi có bài nhận định của nhà văn, nhà thơ”. Bây giờ, thế nào? Cũng nhà văn ư? Đừng hòng. Người ta không cần “làm sang” bằng tên tuổi của nhà văn nữa. Mà, phải là ca sĩ, người mẫu thời trang gì gì đó. Xem qua các clip trên Yotube, còn thấy mồn một hình ảnh nam ca sĩ nọ lúc trình diễn cao hứng tháo nón, cởi áo, quăng giày xuống là cả hàng ngàn sinh viên đúng dưới bâu lại cấu xé, tranh giành như phải cướp cho bằng được “ân huệ” của “thần tượng”! Náo loạn, nhốn nháo cả lên. Đau quá. Sinh viên đó ư? Ai làm hư các em SVHS, nói chính xác hơn là điều gì đã khiến dẫn đến sự “lệch chuẩn” ở lứa tuổi này?
Tuyên ngôn giáo dục của các nhà nho Việt Nam thời Pháp thuộc - ảnh tư liệu
Mùa khai trường năm nay, tại phân hiệu Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm - thuộc Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp Lê Thị Hồng Gấm, Q.3, TP.HCM đã chào mừng bằng cách nào? Bằng cách... "múa cột" hở hang! Báo điện tử TNO ngày 6.9.2014 cho biết: “Clip này nhanh chóng lan rộng trong cộng đồng mạng với nhiều ý kiến phê phán “vũ điệu” phản cảm này không nên xuất hiện tại một buổi lễ trang trọng như lễ khai giảng. Đáng nói trong suốt chiều dài clip “nhân vật chính” hầu như chỉ thể hiện động tác chính là uốn người, lắc mông. Và các bộ phận được phô diễn là mông, ngực, bụng và đùi; đạo cụ chủ yếu là cột và ghế.Thậm chí có thời điểm, người này còn đứng “trung bình tấn” để “diễn hình thể”. Màn “múa cột” nói trên được đông đảo học sinh theo dõi vỗ tay tán dương. Nhiều người còn dùng điện thoại để quay lại”. Đau đớn chưa? Bẽ bàng chưa? Hay chẳng có gì đáng bận tâm? Đúng thế, có gì đáng bận tâm khi mà từ chất liệu có thật nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã từng viết nên tiểu thuyết Gạ tình lấy điểm. Từ “gạ” trong trường hợp này rất lưu manh. Lưu manh đã gạ gẫm nhau à? Không, thầy giáo đã “gạ” nữ sinh. Chắc chắn, cái tên “thầy giáo” Đỗ Tư Đông sẽ mãi mãi “ngàn năm bia miệng”…
Ăn thịt chó là quyền mỗi người, nhưng quyết không thể xẩy ra ở nơi chùa chiền. Muốn kiếm tiền nhanh chóng, muồn đầu tư kiếm lợi bằng mọi giá, mọi cách là quyền mỗi người, nhưng quyết không thể chấp nhận ai đó trục lợi từ lãnh vực giáo dục. Ngay cả tờ báo dành cho học trò cũng đáng phàn nàn. Báo PN TP.HCM số vừa rồi in bài Phát hoảng với báo dành cho học trò có đoạn: “Với các nội dung như “dạy” cho học trò cách ăn mặc, trang điểm để trở thành “sao”; bí quyết ăn mặc quyến rũ thu hút “đối phương”; giới thiệu địa chỉ mua sắm hàng hiệu, vui chơi, ăn uống… dường như là “tiêu chí” mà nhiều tờ báo hướng đến. Như trong chuyên mục thời trang trên báo 2! (số chuyên đề của báo Sinh viên Việt Nam) có hướng dẫn cách tận dụng bikini sau mùa hè, ở chuyên mục này, phụ huynh sẽ không khỏi “mắt tròn, mắt dẹt” với những bộ trang phục “mát mẻ” có phần phản cảm của các người mẫu”. Đau đớn chưa? Bẽ bàng chưa? Hay chẳng có gì đáng bận tâm? Thiết nghĩ, muốn giải quyết dứt điểm một vụ việc nào đó không thể tách rời nó khỏi một hệ thống chung. Nếu tách rời khỏi khỏi hệ thống chung chỉ là giải quyết phần ngọn. Chỉ chăm bẳm chấn chỉnh cái cụ thể này mà không nhìn thấy toàn cục sẽ tiếp tục nẩy sinh cái cụ thể khác.
Đã chiều tối. Nhật ký hằng ngày cũng là cách giết thời gian đó thôi. Ước gì, có những chiều rong chơi, bia bọt nhì nhằng vẫn hơn. Viết mỗi ngày để làm gì? Lại đôi khi nghĩ ngợi mệt đầu. Chi bằng cứ nốc cho say bí tỉ, về ngủ vùi một giấc có phải hơn không? Nói thì nói thế, nhưng rồi, mỗi chiều vẫn quẩn quanh trong bốn bức tường để vùi đầu, cắm mắt vào những trang sách nát. Ngốc nghếch quá đi mất. Trải nghiệm qua cảm nhận từng ngày, va chạm từng ngày, chung chạ từng ngày, đồng hành từng ngày với đời sống bao giờ cũng thú vị gấp hàng trăm, hàng triệu lần. Bởi đó mới chính là sống.
Nhớ chưa Q?
Dạ.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|