Trưa qua, trả lời phỏng vấn VTV9 về nhà văn Bình Nguyên Lộc. Một nhà văn lớn của miền Nam. Quyển Lột trần Việt ngữ của ông vẫn chưa thấy tái bản. Y rất thích quyển này. Nếu có sách, cầm đọc vẫn sướng hơn căng mắt đọc qua mạng. Chương trình về tác giả Rừng mắm, Nhốt gió sẽ phát sóng vào tháng 10.2014. Vừa mua quyển Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX của TS Lê Thành Khôi, chưa kịp lật trang nào, bạn mình nhìn thấy và tỏ ý thích quá, bèn tặng luôn. Đem đến cho bạn một niềm vui nho nhỏ, tự dưng cảm thấy trong lòng thơ thới. Anh em ngồi cùng nhau một lát. Câu chuyện rôm rả về kết quả cuộc thi Sách hay vừa công bố lúc sáng. Cũng như mọi năm, kết quả năm nay lại rơi vào vết xe đổ của năm trước. Lại trao giải cho những tác phẩm đã được thừa nhận giá trị từ nhiều thập kỷ trước. Chẳng hạn, năm ngoái trao Những giọt mực của Lê Tất Điều, in tại miền Nam từ đời tám hoánh! Năm nay cũng chẳng khác gì. Trao Người đi vắng của nhà thơ Nguyễn Bình Phương, in năm 1999; Bắt trẻ đồng xanh của J.D.Salinger do Phùng Khánh dịch, đã in từ cái thời xa vắng mà nay dịch giả đã thành người thiên cổ! Rồi Miền xanh thẳm của Trần Hoài Dương cũng in từ mấy chục năm về trước, đã từng nhận giải của Hội Nhà văn Việt Nam!
Không rõ tiêu chí giải Sách hay là gì mà năm nào trao giải xong cũng thấy ngao ngán quá! Anh bạn làm sách bảo, trao cho những tác phẩm đã khẳng định chất lượng khác gì “ăn mày dĩ vãng”. Năm sau, nếu in lại Truyện Kiều và dự thi ắt có giải ngay”. Tất nhiên chỉ là câu nói đùa, nhưng rõ ràng phản ánh đúng về cách trao giải của Sách hay. Ở nước ta hiện nay có nhiều giải, hầu hết do Nhà nước chu cấp kinh phí. Có năm trao giải đúng người, đúng tác phẩm; có năm ì sèo dư luận. Thế thì, khi giải Sách hay ra đời do tư nhân vận động tiền và trao giải, tưởng rằng sẽ khách quan hơn nhưng rồi cũng chẳng có sự phát hiện gì đáng kể từ dù sách được gắn thêm cái mác "Sách hay"!
Biết bao giờ, nước ta mới có được cái giải sang trọng của tư nhân như giải Goncourt? Theo Từ điển mở wikipedia: "Goncourt là một giải thưởng văn học Pháp được sáng lập theo di chúc của Edmond de Goncourt vào năm 1896. Hội văn học Goncourt thành lập chính thức năm 1900 và giải đầu tiên được trao ngày 21.12.1903. Giải Goncourt, được sáng lập để trao mỗi năm cho "tác phẩm văn xuôi xuất sắc nhất trong năm", nhưng hầu như chỉ trao cho tiểu thuyết. Nó là giải thưởng văn học Pháp được mong muốn nhất. Mặc dù tiền thưởng của giải chỉ là 10 euro, nhưng sự nổi tiếng mà Goncourt đem lại cho cuốn sách sẽ là một phần thưởng lớn thay thế”. Còn ở ta, quái lạ, năm nào từ trung ương đến địa phương cũng đều có giải thưởng nhưng rồi tác động của nó thế nào với đời sống văn học vẫn chưa có câu trả lời.
Trưa nay, đi làm về, tạt qua nhà sách mua lại quyển Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX của Lê Thành Khôi. Giáo sư Lê Thành Khôi sinh năm 1923 tại Hà Nội, năm 1947 sang Pháp và bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ về Kinh tế học ở Paris. Sau đó, ông còn lấy bằng Tiến sĩ vài lãnh vực khác nữa. Năm 2003, ông được nước Pháp tặng huân chương Chevalier de l'ordre Arts et des Lettres. Năm 2013, ông đoạt giải thưởng Phan Châu Trinh ở hạng mục "Nghiên cứu". Tập sách Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX là sự kết hợp của hai chuyên khảo mang tính kinh điển về lịch sử và văn hóa Việt Nam của Giáo sư Lê Thành Khôi: Le Viet Nam, Histoire et Civilisation (Việt Nam, Lịch sử và Văn minh, NXB Minuit Paris năm 1955) và Histoire du Viet Nam, des origines à 1858 (Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến năm 1858, NXB Sud - Est Asie, Paris, 1982). Hai công trình này được đánh giá là uyên bác và có hệ thống, từ lâu được các nhà nghiên cứu coi như sách tham khảo căn bản khi tìm hiểu về lịch sử Việt Nam. Với bản in của NXB Thế Giới, đây là lần đầu tiên tác phẩm được coi như kiệt tác sử học này được xuất bản bằng tiếng Việt, bản dịch của Nguyễn Nghị, Nguyễn Thừa Hỷ hiệu đính. Tối nay, sẽ đọc kỹ quyển này. Đọc sách của người uyên bác là một cách tự học.
Tuy nhiên, đọc sách của người dù có học hàm, học vị chưa chắc không bực mình. Như mọi ngày, trước lúc ngủ trưa luôn luôn phải đọc một cái gì đó. Trong bề bộn sách báo lăn lóc trên giường, vớ tay cầm lấy quyển Tôi tự hào là người Việt Nam do Nguyễn Mạnh Hùng chủ biên. Lật ngay trang 260 có bài Người Việt cao quý của Hà Minh Hồng. Trang 8 của tập sách này cho biết, tác giả là TS Sử học năm 1991, được phong Phó GS Sử học năm 2009 và bài viết của ông trong tập sách này “đại diện cho giới sử học”. Kinh ngạc quá, không ngờ đến thời điểm này mà vị TS Sử học đáng kính này vẫn còn khẳng định tác giả Người Việt cao quý là A. Pazzi - một người Ý! “Viết về những cao quý của mình không phải để tự khen theo kiểu “tự sướng”, mà là để tự tôn, tự hào một cách tự tin như ngày trước A. Pazzi viết về người Việt cao quý đó thôi” (tr.263). Do nhầm tác giả là “người khác nói về dân tộc mình” nên ông tha hồ bình luận, trích dẫn và nói chắc như đinh đóng cột: “vì thế nhiều người khác vẫn viết về người Việt bằng sự thân thiện và ngưỡng mộ như trước vậy”. Quái đãn chưa? Hàng chục năm trước, giới nghiên cứu đã phát hiện làm gì có cái ông A. Pazzi mắt xanh mũi lõ nào mà tác giả Người Việt cao quý mũi tẹt da vàng chính là nhà văn Vũ Hạnh. Tác giả Con chó hào hùng cũng đã nói rõ điều đó trong lần tái bản vài năm trước đây rồi! Sự việc rõ ràng như ban ngày, y có được quyền nghi ngờ danh xưng TS ấy không?
Có những vấn đề giới nghiên cứu đã giải quyết xong rồi, nhưng có người vẫn không hề hay biết gì cả. Nguyên cớ do đâu? Do không chịu đọc chăng? Hay do gì khác? Chỉ tội nghiệp các em HSSV ngày ngày phải học mãi những vấn đề mà nay người ta nhận thức khác trước. Thời điểm này, phát động chiến dịch Tôi tự hào là người Việt Nam là đúng nhưng chưa đủ. Điều cần thiết vẫn là có tinh thần dũng cảm dám chỉ ra các thói hư tật xấu của người Việt. Có nhìn nhận, nhìn thấy các khiếm khuyết, nhược điểm ấy thì mới có thể chấn chỉnh, xây dựng, phát huy được sức sống trường tồn của một dân tộc. Bằng không, chỉ là những lời nói suông, “tự sướng” rất nguy hiểm bởi tự mình ru ngủ lấy mình bằng những hào quang của quá khứ hoặc tự tưởng tượng tô lục chuốc hồng. Lang thang trên internet, vừa đọc được bài thơ Vì Sao?của tác giả Xuyên Sơn - nguyên văn thế này:
Anh có ở lại đây một trăm năm,
Ăn gà tây, uống coca, cũng không thành Mỹ trắng.
Anh có ở lại đây một ngàn năm,
Cắt cỏ dang nắng, cũng không thành Mỹ đen.
Tiếng Anh tiếng U nay chắc anh nói cũng đã quen,
Nhưng đến bao giờ mới phai mùi nước mắm.
Anh có muốn ở lại suốt đời?
Để mỗi lần đi cày về anh tắm,
Chỉ tắm dưới vòi sen?
Những người đồng hương anh vừa quen hôm qua,
Ngày mai có thể trở thành kẻ lạ.
Những người thường làm mặt lạ,
Lại có thể bá cổ hôn anh,
Nếu anh lên nhanh, nếu anh trúng số.
Ôi cái xứ sở xô bồ,
Lắm người qua hơn hai mươi năm
Vẫn còn bị hố.
Hàng xóm, láng giềng, nhà nhà lố nhố,
Nhưng chẳng ai thèm biết tên ai.
Xe của ai nấy đi,
Nhà của ai nấy đóng kín mít..
Tết tây tết ta, lễ tạ ơn tạ nghĩa,
Chẳng hề qua lại hỏi thăm nhau.
Thỉnh thoảng gặp nhau trên đường đi,
Cũng đặt bày làm người lịch sự,
Mấp máy nói hai nói ba, chào nhau,
Như chào cái cột cờ di động.
Đường phố, phi trường, núi rừng, ruộng đồng quá rộng,
Mà lòng con người đa phần tôi gặp,
Lại nhỏ bé đến li ti,
Nhỏ bé đến dị kỳ,
Nhỏ bé còn hơn những gì nhỏ nhất!
Thế mà từ quê nhà còn lắm người ao ước ra đi,
Thế mà từ quê người vẫn chưa có mấy ai thích trở về... vĩnh viễn!
Vì sao ? Vì sao ?
Thì ai biết vì sao? Trời đã chiều. Đã nghe đâu đó có tiếng gà gáy vọng lại. Thoáng đó, đã cuối tuần. Ngày mai, ngày mốt nữa. Những ngày nghỉ cuối tuần. Những ngày ấy dài lê thê như trang sách đã mở ra mà suốt một đời không thể nào đọc hết. Thèm nghe tiếng gọi í ớ reo vui đâu đó ở bên ngoài cánh cửa. Chẳng ai gọi. Không một âm thanh nào gọi. Y bèn gọi lấy cõi lòng y bằng câu thơ Lửa thiêng Huy Cận dù đang rã rời bởi cần tìm lấy sự an ủi lúc chiều lên đêm xuống trong mờ mờ đơn độc:
Ồ những người ta đi hóng xuân
Cho tôi theo với, kéo tôi gần!
Rộn ràng bước nhịp hương vương gót
Nhựa mạnh tuôn trào tưởng dính chân.
Được thế, sung sướng biết bao nhiêu phải không Q?
Vâng ạ.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|