LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 26.9.2014

 

may1chang-trai-the-he-truocmay1chang-trai-the-he-truoc-2

 

Có những ngày, mở mắt dậy, tự nhiên lòng thấy vui. Vui như đứa trẻ ngóng đợi mẹ đi chợ về và biết chắc sẽ có quà. Có những ngày, mở mắt dậy, tự nhiên thấy lòng buồn. Buồn như lúc trời đang mưa lại nhìn những tờ báo nằm trên hênh trên sạp lề đường, mái che từng giọt mưa rơi tong tả.

Tự nhiên ư?

Chẳng phải đâu. Buồn, vui ấy chỉ là kết quả của những gì đã vun vén trước đó. Đi qua 3.254 câu thơ trầm luân khốc liệt số phận của một kiếp người, nàng Kiều có 8 lần gẩy đàn. Thích nhất là lần sau rốt, lúc đã “tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”. Nghe lại đi. Nghe thật kỹ. Im lặng lắng nghe. Nghe thấy gì?

Phím đàn dìu dặt tay tiên

Khói trầm cao thấp, tiếng huyền gần xa

Khúc đâu đàm ấm dương hòa

Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh?

Khúc đâu êm ái xuân tình,

Ấy hồn Thục đế hay mình đỗ quyên?

Trong sao châu nhỏ duềnh quyên,

Ấm sao hạt ngọc Lam điền mới đông

Nghe xong, ngạc nhiên nhất vẫn là Kim Trọng. Gã không thể hiểu vì sao tiếng đàn của nàng lại khác trước? Vì sao trong từng cung bậc dặt dìu không còn tiếng nấc, tiếng nghẹn, tiếng khóc, tiếng buồn, tiếng lòng sầu máu chảy năm đầu ngón tay? Gã bèn hỏi:

Chàng rằng: Phổ ấy tay nào,

Xưa sao sầu thảm nay sao vui vầy?

Gã ngạc nhiên quá. Tại sao tiếng đàn lại khác trước? Có phải do:

Tẻ vui bởi tại lòng này,

Hay là khổ tận đến ngày cam lai?

Nghe hỏi thế, nàng trả lời thế nào?

Nàng rằng: Ví chút nghề chơi,

Đoạn trường tiếng ấy hại người bấy lâu!

Một phen tri kỷ cùng nhau,

Cuốn dây từ đấy về sau cũng chừa

Thế đấy. Văn chương bề bề, âm thanh réo rắt, sắc màu huyền nhiệm… tưởng chơi chỉ là chơi. Chơi cái quái gì. Nó vận, nó ám vào người đấy chứ. “Đoạn trường tiếng ấy” như bóng ma tiền kiếp đã bám lấy Kiều ròng rã 15 năm “thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”. Do đó, nàng mới bảo: “Cuốn dây từ đấy về sau cũng chừa” là không đàn, không nghe lại cung bậc gió thảm mưa sầu một lần nào nữa. Dù chỉ một lần. Một lần nữa cũng không. Nhật ký 14.9.2014, y có biểu dương bài viết “Ngâm thơ đỡ tốn tiền thuốc” của anh bạn BS Lương Lễ Hoàng. Bài đó đọc thú vị, cho thấy rằng khi đọc thơ cũng chẳng khác đang tập dưỡng sinh, hoàn toàn có lợi cho sức khỏe. Về mặt y học là thế. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, tác động đến ý thức suy tư lẫn sức khỏe của người đọc vẫn là đọc thơ gì, nội dung thế nào? Đừng quên kinh nghiệm mà chính Kiều đã trả giá: “Đoạn trường tiếng ấy hại người bấy lâu!”.

Hiểu như thế, biết như thế nên y đã từ chối phải viết cho chuyên mục nọ, tờ báo nọ: mỗi ngày viết chừng hai, ba trăm chữ bàn về một chuyện thời sự nhăng nhố, bắng nhắng, tiêu cực đặng phê phán sâu cay, châm biếm độc địa. Để làm gì? Để mua vui cho bạn đọc. Muốn thế, mỗi ngày, y phải chú ý đọc kỹ các loại tin như tham nhũng, giết người, loạn luân, ma cô, lưu manh, đâm chém, giết người, hối lộ… lấy chất liệu để viết. Mà này, chung chạ hằng ngày với các loại thông tin u ám, tiêu cực đó, vậy thì, sự ngộ độc tâm hồn, cái nhìn bi quan về cuộc sống của y, ai phải gánh lấy? Y chứ còn ai “trồng khoai trên đất này?” nữa. Hiểu như thế, biết như thế nên mỗi ngày y luôn tự ý thức tìm lấy niềm vui, sự trong trẻo, trong sáng cho chính mình.

Sáng nay, vui bởi nhớ lại anh bạn nhà thơ Huy Tưởng, chủ quán Faifo “chuyên trị” món Quảng Nam, nay đã định cư ở Úc. Trước năm 1975, gia đình anh thuộc loại giàu có ở Tam Kỳ - là chủ hãng trà Mai Hạc nổi tiếng một thời. Ba của y ngày ấy luôn mua trà đựng trong hộp thiết có bọc giấy kiếng đỏ tức loại sang, giá bán cao hơn loại trà khác. Trước ngày đi Úc, chừng mươi năm rồi còn gì, anh điện thoại: “Q đến với anh, có chuyện cần trao đổi”. Khi đến, đã thấy anh chống nạng đứng đợi trước cửa. Anh bảo, đại ý, mình đi Úc nhưng không thể mang hết sách đi được. Hơn nữa mình già rồi, sang đó chắc cũng không còn hào hứng biết đọc, nghiên cứu gì nữa; con cái mình chắc gì đã thích sách tiếng Việt? Do đó, anh tặng lại Q một ít sách bởi Q chịu đọc, biết quý sách”. Trước lúc chở sách về, anh dặn thêm, đừng có bán mà hãy giữ giúp anh. Nghe những lời bịn rịn, dặn dò của anh lúc chia tay các quyển sách từng gắn bó lâu dài mà cảm động.

Nhớ lại chuyện này, lòng thấy vui nên sáng nay tặng  người em, bạn đồng nghiệp Ngô Kinh Luân quyển Mấy chàng “trai thế hệ”… trước của Dương Thiệu Thanh in tại Sài Gòn năm 1969. Tặng, vì trong ít ỏi các nhà báo trẻ hiện nay, nó là đứa chịu đọc và nhất là cũng quý sách. Ở Sài Gòn, sách cũ bán nhiều, một phần do tủ sách của những người nổi tiếng đã sưu tập gìn giữ rồi cuối cùng con cháu vì không mê sách, quý sách nên bán sạch! Không gì bùi ngùi cho bằng lúc nhìn thấy sách nằm la liệt, hẫu lốn, lổn ngổn trong vựa ve chai. Nếu những người ve chai biết giá trị của sách ắt có người giàu, có thể đổi đời. Với họ, sách gì cũng là sách, cứ việc cân ký, có ký có tiền. Đôi lúc, mua của họ mà trong lòng cứ áy náy mãi. Ai đời, bộ Lục mạch thần kiếm in trước 1975, mỗi tập chừng 400- 500 trang, vào hiệu sách cũ nếu rờ tới không dưới vài ba triệu đồng nhưng rồi họ chỉ bán cho y với cái giá còn lâu họ mới có thể ung dung bước vào hàng phở bà Dậu mà hiện nay giá bán 1 tô, kèm 1 chén tiết hột gà, 1 ly trà đá, 1 khăn mặt đã 99 ngàn đồng!

Biết thế nào được.

Sáng, đi họp cơ quan. Chiều nay, ngồi với người bạn một chút. Tập sách Trảng Bàng phương chí của anh dày chừng 1 ngàn trang, y viết tựa, NXB Tri Thức vừa in xong. Anh bạn muốn chia sẻ niềm vui khi tận mắt nhìn thấy đứa con tinh thần còn thơm mùi giấy mới.

Đời, thế mà vui.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment