Ghi vài suy nghĩ vụn vặt, thoáng nghĩ đến.
1. Trước đây, gặp nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên - người Huế, bảo rằng, anh nên tìm mua bộ sách Những người bạn cố đô Huế (Bulletin des Amis du Vieux Hué - BAVH), NXB Thuận Hóa ấn hành bản tiếng Việt. Những gì cần tìm hiểu về Huế, đã có đủ trong bộ sách quý này. Đâu riêng gì một người, gặp ai y cũng bảo thế. Đọc quyển sách hay, giới thiệu cho người khác cùng đọc là đức tính tốt. Y đã mua trọn bộ từ năm 1914 đến năm 1944, xếp lên kệ sách, dài mấy gang tay. Những ngày này rảnh rỗi, đọc lai rai mới phát hiện ra người ta dịch quá ẩu, “quá Tây” nên nhiều chỗ khó hiểu được ý của tác giả.
Chẳng hạn, lật ngẫu hứng tập Năm 1917, ngớ người khi đọc bài phát biểu của L.Cadière (nguyên văn): “Chúng tôi chống lại những kẻ vô lương và lũ con nít khát khao phá hoại mà không biết những thu hoạch hiện tại đã phá hết bộ mặt mẹ chúng nó, đã lấy tồn tại cuối cùng của thanh xuân”; hoặc “Cũng nhờ may mắn hay chẳng có gì định trước, không những có thức ăn bới theo hay là người ta đi như một đám học sinh đi tìm châu hoang mà là những cuộc tham quan có mục đích nhất định mà một hội viên có tài liệu nêu lên cho bạn đồng hành các vị trí, các công trình, những con người”; hoặc “Bây giờ nhờ sự hướng dẫn của chúng ta, họ phải hé mở bằng một tay mà phải làm cho kính nể vì sự xúc động cái hộp đựng đồ quý của quá khứ đã ích kỷ che kín và lấy dần từng viên ngọc quý giá trị lớn đã bị vùi bụi bặm và làm mờ đi những kỷ niệm lịch sử qua nhiều thế kỷ” (tr.13). Hoặc tập Năm 1930, “Tuy nhiên, chính vì cái bờ đối diện một lần nhà thám hiểm đã đến được và người này móc vào những gồ ghề đều đặn nơi một chồi thạch nhũ khổng lồ, hai chân đặt trên tảng đá nhọn dưới nước cách mặt nước 40cm, tự hỏi khi đối diện với thành đá thẳng đứng làm thế nào anh ta có thể tiếp tục con đường phía trái, nơi chỉ có con đường sụp thành chỏm nhọn trong ngọn suối cung ứng một lối đi tốt giữa những rủi may…( tr.478) v.v…
Sai sót vô thiên lủng. Đọc đâu cũng thấy gặp những câu văn dịch trời ơi đất hỡi! Sung sướng thay cho những ai biết ngoại ngữ, có thể đọc từ nguyên bản.
2. Không đâu như ở Việt Nam, các nhà chính trị thường là những nhân vật lỗi lạc nhất, tài năng xuất chúng tót vời nhất trong thiên hạ bởi hầu như bất kỳ lãnh vực nào họ cũng đều có thể phát biểu ý kiến chỉ đạo.
4. Sợ hãi là nỗi sợ tự chính mình sợ, dù chẳng ai có lời răn đe nào. Ngày kia nhận được bài của Phan Quang giới thiệu tập sách Tôi nói bằng mồm tôi của Phạm Quốc Toàn. Tác giả bài báo và tác giả sách cùng là nhà báo lão thành, từng giữ trọng trách trong Hội Nhà báo Việt Nam. Bài của ông Quang có câu: “Đọc sâu vào cuốn sách, mới vỡ nhẽ vậy mà không phải vậy. Đâu chỉ chuyện vặt ấy. Đến đại sự quốc gia, quốc tế cũng y chang. Có một vị tướng chóp bu nọ (T hoa), khi bị cật vấn về mưu đồ của Trung Quốc hạ đặt Giàn khoan trái phép tại Biển Đông, ông tướng lớn tiếng tuyên ngôn: “Chúng tôi nói bằng mồm chúng tôi, chuyện của chúng tôi, can hệ chi mà các vị chõ vào?”. Tự dưng giật mình. “T hoa” là ám chỉ ai? Có phải tướng Phùng Quang Thanh không? Nếu vậy, gay go quá. Hỏi kỹ lại “T hoa” là Trung Hoa, thôi thì, cứ biên tập thành “tướng Trung Quốc” cho an toàn, khỏi ai nghĩ ngợi, suy diễn gì dù tác giả có uy tín, sách có giấy phép hẳn hòi. Về nguyên tắc, sách đã được NXB biên tập, duyệt in, cấp giấy phép rồi, do đó nếu có sai sót, là thuộc về NXB. Nhưng vẫn cứ sợ. Sợ là sợ. Vậy thôi.
5. Nguyễn Công Trứ có câu thơ:
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo
Tại sao thiên hạ lấy cây thông, tùng, bách tượng trưng cho người đàn ông? Hôm qua, anh Đ.T.B có cách giải thích, vì loại cây đó khi lên cao nó mới xòe ra tán lớn, che rợp bóng mát mà các cây con cũng không ảnh hưởng gì, vẫn có thể phát triển. Và điều quan trọng là nó càng cao, đón sóng gió dữ dội vẫn càng thẳng, chứ không gẫy đổ. Trong khi đó, lại có những cây khác, dù chỉ còn thấp lè tè đã học đòi xòe tán che khuất các cây con rồi. Cách giải thích ấy ngộ nghĩnh mà cũng có lý đấy chứ?
6. Khi Trung Quốc đưa dàn khoan Hải Dương ((Haiyang Shiyou - 981) xâm phạm trái phép vùng biển Việt Nam, dư luận phản ứng sôi nổi, hừng hực tinh thần yêu nước, khí phách Đại Việt; nay chúng nó vừa xây dựng trái phép trên đạo Gạc Ma lại ít thấy dư luận như trước. Tại sao?
7. Trên tạo chí Bách Khoa thì phải, có lần nhạc sĩ Phạm Duy nói đại ý rằng, trong công tác tuyên truyền, ngoài Bắc thực hiện bài bản, chỉnh chu hơn trong Nam gấp hàng ngàn lần. Ngẫm lại thấy đúng. Chẳng hạn, sự kiện “mùa hè đỏ lửa” năm 1972 tại thành cổ Quảng Trị, đọc thơ văn ngoài Bắc chỉ thấy một quyết tâm cao độ. Trong khi đó, đọc các tập in tại miền Nam như Những đêm dài trên quê hương (NXB Văn nghệ dân tộc 1972) gồm các bài bút ký của nhà văn, ký giả chiến trường như Dương Nghiễm Mậu, Đoàn Kế Tường, Huỳnh Văn Phú, Hồng Phúc, Người Xứ Huế, Phạm Văn Bình, Phan Nhật Nam, Phan Huy, Sao Bắc Đẩu, Vũ Hoàng; tập thơ Đầu gió - tuyển tập những bài thơ thép (NXB Văn nghệ dân tộc 1972) cũng viết về năm tháng đó nhưng lại có gam màu khác hẳn.
8. Báo Văn Học ở Sài Gòn của Phan Kim Thịnh có mục Giải đáp văn học. Ngày nọ, có độc giả ký tên Cái Ấm Đất gửi đến bài thơ Quê hương và hỏi tác giả là ai? Báo in trọn vẹn bài thơ đó, cuối cùng có nhắn nhủ một câu, đọc lâu quá rồi không nhớ rõ nguyên văn, đại khái, người trả lời nhắn nhủ bạn đọc ấy hãy cẩn thận kẻo… vỡ cái ấm đất! Dù sao bài thơ của Giang Nam cũng được in công khai. Còn nhớ tạp chí Đối Diện thỉnh thoảng vẫn in thơ của các tác giả ngoài Bắc như Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Thu Bồn... Việc in thơ của tác giả trong vùng tạm chiếm miền Nam không thể có trên báo chí ngoài Bắc, nếu cũng chỉ là những trích đoạn nhằm phê phán.
9. Tạp chí Đất Nước ở Sài Gòn (chủ nhiệm: Nguyễn Văn Trung, chủ bút: Lý Chánh Trung, Tổng TKTS: Thế Nguyên) đã dành nguyên số tháng 10.1969 viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân cụ vừa qua đời. Đọc lại không hề thấy sự bôi nhọ nào, nếu không muốn không muốn là sự ca tụng người vừa khuất. Cách thức làm báo mỗi thời mỗi khác. Không chỉ khác về phương tiện hành nghề, cái chính là khác từ trong sự nhận thức về nghề. Kiểu làm báo của dân Sài Gòn, nếu không có những ghi chép, hồi ký có lẽ thế hệ sau không thể hình dung ra nổi.
10. Đọc lại tạp chí Tin Văn, ngạc nhiên khi thấy có những số báo để nguyên 1, 2 trang trắng, không có dòng chữ nào, ghi rõ bị “kiểm duyệt”; hoặc vài đoạn bôi đen. Trên nhật báo, thường thấy ghi “tự ý đục bỏ” cũng để trắng một vài đoạn lỗ mỗ đã xóa bỏ. Như thế, người đọc tự biết có những trang, những đoạn bị nhà cầm quyền không cho phép in. Trên mặt báo hiện này, điều này hoàn toàn không thể xẩy ra. Không bao giờ xẩy ra. Bài báo có biên tâp, cắt xén hay không chỉ tác giả và tòa soạn biết với nhau. Chúng ta không có chế độ kiểm duyệt, nhưng bộ máy kiểm duyệt ấy đã chễm chệ trong đầu mỗi người. Đôi khi tự chúng ta “biên tập” ngay từ khi chỉ mới manh nha suy nghĩ trong đầu, chưa tượng hình thành câu chữ.
11. Vừa rồi, đọc tập sách nọ có đoạn viết trước kia ở ngoài Bắc, trên báo chí, giao tiếp hằng ngày đã có nhiều từ bị đánh tráo khái niệm. Chẳng hạn, “lạm phát” được thay thế “thu không đủ chi”; “thất nghiệp” thay bằng “sức lao động không được huy động đúng mức”; khuyết điểm thay bằng “chưa theo kịp yêu cầu”; “sai lầm” thay bằng “chưa nắm bắt đúng quy luật” v.v…
12. Xưa nay đào, kép luôn có ông bầu. Có một thời, giới văn nghệ sĩ nước ta cũng thế. “Ông bầu” của họ chính là các nhà chính trị. Sự nổi danh nhờ quyền lực của các “ông bầu” đó khó ai có thể biết có bền hay không? Có điều chắc chắn sẽ không bền bằng các văn nghệ sĩ có “ông bầu” là chính độc giả của họ.
13. Có lần Lưu Trọng Văn bảo, các nhà báo ở nước ngoài có thể “tự thân vận động” viết những phóng sự, điều tra chấn động dư luận; ở Việt Nam lại khác, muốn như thế phải có cơ quan công quyền, cơ quan nhà nước hỗ trợ phía sau. Có lần hỏi các đồng nghiệp chuyên viết báo chống tiêu cực rằng, bằng nghiệp vụ nào có thể đưa ra ánh sáng nhiều vụ đến vậy? Hầu hết đều bảo, chính người trong cơ quan đó tuồn tài liệu cho nhà báo; hoặc không cũng từ các cơ quan điều tra, đang thụ lý vụ việc…
14. Có lần họa sĩ Chóe tâm sự, trước năm 1975 ông có tình cảm với miền Bắc, yêu Hà Nội chính là do đọc tạp bút, tiểu thuyết, truyện ngắn của Mai Thảo, Duyên Anh, Thanh Tâm Tuyền… tức những cây bút di cư năm 1954. Còn nhớ trong một truyện dài (dường như Đoàn nữ chiến binh mùa thu), nhà văn Nhã Ca viết về gia đình ông giáo nghèo ở đô thị miền Nam. Để cải thiện đời sống, bà giáo cho bọn lính Mỹ thuê nhà. Từ đó, giềng mối gia đình tan nát hết. Bà giáo có tiền đâm ra chê ông giáo cù lần, không thức thời. Các cô con gái học đời theo lối sống Mỹ. Hiện thực xã hội miền Nam, từ khi quân đội Mỹ vào đã khiến đạo nghĩa bị đảo lộn v.v… Vậy mà, thời đó vẫn in được.
15. Một đêm họp đưa ma Phụng là bài viết của Nguyễn Tuân về cái chết Vũ Trọng Phụng. Khi hay tin đó, bạn bè kéo sang Gia Lâm hát ả đào, hút xách, rượu chè, đập pháp một trận ra trò. Sau này, ông cho biết bài viết chia buồn đồng nghiệp kiểu như thế khó có thể xuất hiện trên mặt báo của ta. Lần nọ, có tòa soạn báo nọ nhờ Phan Khôi viết bài về miền Nam, tuy nhiên họ “yêu cầu” thế này, “mục đích” thế nọ bằng một “dàn bài” cụ thể. Ông bực quá kêu toáng lên trong bài Phê bình lãnh đạo văn nghệ: “Cụ Đồ Chiểu ơi! Cụ Đồ Chiểu! Ở thời cụ, cụ đã kêu lên:
Ở đây nào phải trường thi
Ra đề, hạn vận một khi buộc ràng?”
16. Khi gọi tên một địa danh, người ta có khuynh hướng nói gọn lại, bỏ bớt những từ không cần thiết mà vẫn rõ nghĩa. Thí dụ ở Quảng Trị, cửa An Việt: Cửa Việt; ở Đà Nẵng, cửa sông Hàn: cửa Hàn; chợ sông Hàn: chợ Hàn; đèo Hải Vân (hoặc Ải Vân): đèo Ải hoặc chỉ nói gọn là Ải - ca dao Quảng Nam có câu:
Tổ tiên để lại em thờ
Anh ra ngoài Ải cầm cờ theo vua
Ngày xưa, người thi đậu từ đô Huế về Quảng Nam được dân làng đón rước thế nào? Đi đón Cử nhân, người làng lên đến tận Đồn Nhất ở đèo Hải Vân; đón Tú tài chỉ lên tới Nam Ô. Từ Nam Ô lên đến đèo Hải Vân còn xa lắm. Khi đón về làng, các vị tân khoa đi thẳng đến đình chùa, Văn Miếu rồi mới được về nhà.
17. Thời trẻ, cụ Phan Châu Trinh cũng “say nắng” như ai. Cụ mê như điếu đổ một lá ngọc cành vàng ở kinh đô Huế. Là con nhà cưng của quan lớn nên tiểu thư không việc gì phải đụng đến ngón tay. Cụ Phan và tiểu thư làm thơ xướng họa tâm đắc đến độ cụ nghĩ, phải cưới cô. Lần nọ cụ về thăm quê nhà, đang trưa nắng chang chang lại thấy vợ quần ống thấp ống cao, tất tưởi lo cơm nước cho bọn thợ gặt ngoài đồng. Hình ảnh chịu thương chịu khó của vợ khiến cụ cảm động. Cụ nghĩ lại: “Nếu ta đem cô ấy về, cô ấy ở đâu trong nhà?”. Từ đó, cụ đoạn tuyệt hẳn mối tình vừa nhen nhúm.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|