Tiểu thuyết Lá thơ rơi của nhà văn Hồng Tiêu Nguyễn Đức Nhuận in tại Sài Gòn năm 1928
Chiều qua từ Hà Nội, Thơ báo tin nhà thơ Lưu Trùng Dương qua đời. Thơ gọi bằng chú ruột. Sinh thời hễ có sách mới, ông Dương lại đến báo PN tặng y. Ông hiền lành, ít nói, có nói cũng nhỏ nhẹ, chỉ vừa đủ nghe, là em ruột soạn giả Lưu Quang Thuận, chú ruột nhà thơ Lưu Quang Vũ. Cũng dân Đà Nẵng, cùng quê quán Hải Châu. Vùng đất này là nơi cư dân Đàng Ngoài vào lập nghiệp sớm nhất, đã hơn 500 năm, hiện nay vẫn còn di tích đình làng Hải Châu đã được Bộ công nhận di tích văn hóa - lịch sử cấp Quốc gia. Ngày còn nhỏ, khi đi học thường ngang qua nơi này, đi tắt từ đường Phan Châu Trinh sang Trần Bình Trọng, về nhà cho gần. Còn nhớ phía trước đình là hồ bán nguyệt, có hòn non bộ, cây si cổ thụ, nước sẫm rêu xanh. Những hình ảnh êm đềm ấy vẫn còn nguyên trong ký ức. Thì ra, những gì đã cảm nhận tử thời tuổi nhỏ thường khó phai theo năm tháng.
Nói như thế, để đừng ai trách vì sao vụ Thương xá Tax vừa qua báo chí lên tiếng ầm ĩ, nhiều bài báo xót thương di tích thuộc loại "hồn vía" của Sài Gòn xưa mất dần nhưng rồi, lòng y vẫn lạnh tanh, đứng ngoài cuộc, không hề ghi nhận một dòng nào trong Nhật ký. Nhiều người khác cũng thế, bởi họ không hề có một kỷ niệm tuổi thơ đáng nhớ với vùng đất này. Nói như thế mà được à? Sài Gòn đã là nơi cưu mang, thay đổi nhiều số phận từ nơi khác đến. Nơi đó, có những tính cách, thói quen, mối quan hệ… tự nó phải bào mòn; hoặc phát huy để có thể “hội nhập” chung với cộng đồng, không phân biệt vùng miền. Nhưng rồi, Sài Gòn có là máu thịt không? Có viết những gì về Sài Gòn? Nghĩ thế, lòng có thẹn?
Hôm kia ngồi với thầy Trần Hữu Tá, đã ngoài 78 xuân nhưng ông vẫn còn khỏe khoắn. Ông kể: “Bà vợ mình cũng thích văn chương lắm, có lần bất ngờ bà bảo mình đọc cho nghe Vè nói ngược”. “Thế thầy có thuộc không?”. Nghe hỏi, lập tức ông đọc ro ro:
Bao giờ cho đến tháng ba
Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng
Hùm nằm cho lợn liếm lông
Một chục quả hồng nuốt lão tám mươi
Nắm xôi nuốt trẻ lên mười
Con gà, nậm rượu nuốt người lao đao
Lươn nằm cho trúm bò vào
Một đàn cào cào đuổi bắt cá rô
Thóc giống đuổi chuột trong bồ
Một trăm lá mạ đuổi vồ con trâu
Chim chích cắn cổ diều hâu
Gà con tha quạ biết đâu mà tìm
Gà con đuổi đánh diều hâu
Chim ry đuổi đánh vỡ đầu bồ nông
Thóc gạo đuổi chuột trong bồ
Đòng đong cân cấn đuổi cò ngoài ao
Nghe giọng đọc trầm tĩnh của người già, tự nhiên cảm thấy xao xuyến quá. Liệu chừng khi đến tuổi đó, y có còn lạc quan, mẫn tiệp? Có còn đủ sức cùng các cộng sự biên tập, thực hiện được Tạp chí Đại học Sài Gòn như ông đang làm không? Thích ấn phẩm này, vì có những bài nghiên cứu về nhà văn Nguyễn Chánh Sắt. Bạn đọc đọc ngày nay có lẽ ít ai biết đến vai trò, vị trí của nhiều nhà văn tiên phong đất Nam bộ, trong đó có Nguyễn Chánh Sắt. Người miền Nam chắc chắn không chú trọng nhiều về nghiên cứu, hệ thống lớp lang các vấn đề thuộc văn học sử. Vì lẽ đó, đã có nhiều nhà văn dù còn để lại tác phẩm nhưng hầu như không ai biết gì về tiểu sử, sự nghiệp sáng tác của họ. Đến nay văn học sử đã xác định, Tố Tâm in năm 1925 tại Hà Nội là tiểu thuyết đầu tiên của Việt Nam, trong khi đó truyện ngắn quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam Truyện thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quảng in năm 1887 tại Sài Gon hầu như ít ai để ý đến.
Đôi lúc nghĩ nghiêm túc, nếu Nhà văn hiện đại của Vũ ngọc Phan chọn thêm những nhà văn miền Nam thời Hồ Biểu Chánh, Đông Hồ, Nguyễn Vỹ… có lẽ sự ghi nhận của hậu thế về nhà văn lớp trước đã khác. Xin đơn cử một trường hợp: Nhà văn Nguyễn Đức Huy tự Hồng Tiêu - thân phụ nhà văn Nguyễn Đông Thức, ông viết nhiều tác phẩm, trong đó có tiểu thuyết Lá thơ rơi. Theo tài liệu của Thư viện Quốc Gia (Hà Nội), ngoài bìa có đóng dấu nộp lưu chiểu ngày 13.2.1928. Rõ ràng điểm xuất hiện của ông trong tiến trình văn học khá sớm, cùng thời với Hồ Biểu Chánh hoặc chỉ sau vài năm mà Vũ Ngọc Phan xếp vào “Các nhà văn tiên phong”. Nhân đây, thử hỏi “Thơ rơi” là gì? Chỉ xin vắn tắt là một thể hoại văn học dân gian rất đặc thù của người miền Nam. Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu ở An Giang đã phân tích chu đáo rồi. Không nhắc lại.
Khi viết Người Quảng Nam, trong chương 12, y đã viết: “Cứ nhìn trong lãnh vực nghiên cứu, phê bình văn học trong nửa đầu thế kỷ XX thì rõ. Những bộ sách có tính chất tổng kết cả một phong trào, một giai đoạn hầu hết đều thuộc về những nhà nghiên cứu ở phía Bắc, chẳng hạn bộ Nhà văn hiện đại (Vũ Ngọc Phan), Thi nhân Việt Nam (Hoài Thanh - Hoài Chân)… Họ ý thức công việc một cách chu đáo, quy củ và có hệ thống. Cho dù, nó chưa hẳn là “khuôn vàng thước ngọc”, nhưng về sau, những người “sinh sau đẻ muộn” vì nhiều lẽ nếu muốn tìm hiểu, ít nhiều đều phải căn cứ vào đó. Trong khi đó, ở miền Nam, dù sự phát triển văn xuôi rất sớm, có nhiều đóng góp trong tiến trình văn học Việt Nam nói chung, nhưng có được bộ sách nào ghi nhận, sắp xếp và tổng kết có tính chất hệ thống? Theo báo Tuổi Trẻ số ra ngày 3.3.2006, hiện nay, các nhà nghiên cứu văn học khi thực hiện một công trình “Khảo sát, đánh giá, bảo tồn văn học quốc ngữ Nam bộ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20” thì họ “vấp” phải gặp khó khăn: 40/65 tác giả đang “trống trơn” về tiểu sử, cho dù họ có để lại tác phẩm sờ sờ ra đó”.
À, đọc lâu lắm rồi, không nhớ tư liệu cụ thể nào, rằng: Đã có lần ông Phan Khôi viết bài “phê bình” cái tên Nguyễn Chánh Sắt, theo ông, viết như thế là sai chính tả. Phải “Sắc” chứ không thể là “Sắt” (!?). Quái lạ, tên cha mẹ đẻ thế nào thì mặc, chứ làm sao can thiệp được? Ấy cũng cho thấy tính cách “Quảng Nam hay cãi” của một người rặt Quảng là Phan Khôi. Hôm trước có đọc tài liệu về vụ “cãi cọ” giữa nhà báo, nhà thơ Hồng Tiêu với ông Phan Khôi cũng về chính tả. Có lẽ, người cầm bút miền Nam ý thức nhất về vấn đề chính tả vẫn là nhà thơ Đông Hồ và Bình Nguyên Lộc: Năm 1934, Đông Hồ ra tờ báo Sống - lấy theo câu trên báo Nam Phong: “Con cá nó sống vì nước, ta sống vì tiếng ta đó” - cần giải thích “tiếng ta” tức “tiếng mẹ đẻ”; rồi sau này, nhà văn Bình Nguyên Lộc làm tờ Vui Sống. Cả hai tờ báo này có chủ trương rõ rệt là phải viết đúng chính tả.
Tiếng Việt ngày một nhiều vốn từ hơn, lẽ tất nhiên. Lâu nay đã có nhiều cuộc hội thảo, nhiều ý kiến đòi cải cách chữ Quốc ngữ. Không thể. Mỗi con chữ không là xác chữ bởi tự nó đã gắn liền với cảm xúc, linh hồn một dân tộc. Thấy bất cập là thế nhưng bất kỳ mọi sự thay đổi nào, dẫu hợp lý đến đâu đi nữa thì ngay từ trong tiềm thức con người ta cũng không thể chấp nhận. Có một điều thú vị, tiếng Việt ngày càng có nhiều cụm từ mới ra lò.Có thể tham khảo từ Sát thủ đầu mưng mủ, ít ra đó cũng cần ghi nhận sự phong phú, đa dạng, lắt léo cách sử dụng tiếng Việt của người Việt hiện đại ở thế kỷ XXI.
Trưa qua, bất ngờ khi đọc thấy cụm từ mới “Bò lai sim”! “Sim” là từ mới du nhập, từ khi có điện thoại di động. Thế thì, tại sao “bò” lại có thể lai với “sim”? Vô lý quá, phải không?
Thì đây, dư luận đang quan tâm đến “sự kiện” UBND Quảng Ninh đồng tình với chương trình “Chung tay vì cộng đồng - Bò giống giúp người nghèo biên giới” của “Mạnh Thường Quân” Viettel. Theo đó, “Điều kiện cần để Viettel ủng hộ bò giống cho người nghèo là phải mua SIM thuê bao mới. Điều kiện đủ để nhận 1.334 con bò là 20.010 SIM này phải ký hợp đồng dài hạn trong 36 tháng, với phí thuê bao tối thiểu 100 ngàn đồng/ tháng” (báo Pháp luật Việt Nam của Bộ Tư pháp ngày 9.10.2014). Các đồng nghiệp nhà báo đã phân tích UBND Quảng Ninh và Viettel đã làm sai Luật Doanh nghiệp; và người nghèo không hề có lợi trong vụ “từ thiện” này. Do đó, mới xuất hiện cụm từ mỉa mai “Bò lai sim”. “Thành ngữ” này, nghĩa bóng là “núp bóng từ thiện để kinh doanh”, nếu tồn tại, có lẽ sau này, không phải ai cũng có thể truy ra điểm xuất phát của nó. Trước đây đã có các từ “sến”, “mari sến”, “bà tám” “bà xã”, “bỏ qua đi tám”, “chảnh”, “tàu lạ”, “linh vật lạ” v.v… nay còn tranh luận chán. Có lẽ, thời buổi có những từ bị lạm dụng vô tội vạ. Rằng, những chuyện ấm ớ chẳng ai thèm quan tâm đến nhưng rồi nhằm câu khách lại nghe rổn rảng “tôn vinh”, “rúng động”, “đắng lòng”… cứ như đang đề cập đến sự kiện tầm cỡ quốc tế! Nhảm thật.
Chiều nay, cùng bạn thơ Trương Nam Hương đi thắp cho nhà thơ Lưu Trùng Dương cây nhang. Vĩnh biệt một đồng nghiệp lão thành.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|