LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 1.10.2014

 

toiyeu-dat-nuoc-toi

"Tôi yêu đất nước tôi, từ khi mới ra đời..." (P.D)

 

Khi không thể nói thành lời, hãy viết. Bằng không, chỉ là những con chữ khô khan, không hồn vía lần lượt xếp hàng theo đường ngang lối dọc, tự nó chẳng hề bừng lên một sức sống nào. Tự nó, đã nhàn nhạt. Tự nó, nhạt hơn nước ốc. Tự nó, đã là những câu văn không cảm xúc. Y dặn dò y mỗi ngày. Nhưng rồi lại viết. Lại đọc. Sợ nhất vẫn là đọc, nghe những câu văn trong bài diễn văn bởi chỉ cần thay đổi thời gian cụ thể là có thể sử dụng được nhiều lần. Sử dụng lần này, lần sau, lần nữa cũng thế thôi. Không có một thông tin gì mới.

Ừ, không thể nói, hãy viết. Nếu không viết, hãy nói chăng? Cứ cho là thế, nhưng nếu không thể nói, không thể thốt thành lời thì sao? Chị Nhất Chi Mai đã tìm được lối thoát: “Sống, mình không thể nói / Chết, mới được ra lời”! Một trong những câu Tâm thư của chị Mai để lại đời sau, nào ngờ, có ca từ của Phạm Duy: “Tôi yêu đất nước tôi, từ khi mới ra đời”. Cái chết của chị không chỉ giới Phật tử mà ngay cả người Công giáo cũng ngậm ngùi rơi lệ. Ngọn lửa tự thiêu của chị đã tượng hình Bồ câu trắng. Nhìn di ảnh chị Mai nền nã trong áo dài trắng lại thấy hiện lên chân dung Đức Mẹ. Một trong những bài thơ viết về đất nước hay nhất, xếp đầu bảng phải kể đến Bài thơ của một người yêu nước mình của Trần Vàng Sao. Đọc từng đoạn, từng câu là xốn xang trong lòng:

tôi yêu đất nước này cay đắng

những đêm dài thắp đuốc đi đêm

quen thân rồi không ai còn nhớ tên

dĩ vãng đè trên lưng thấm nặng

áo mồ hôi những buổi chợ về

đời cúi thấp

giành từng lon gạo mốc

từng cọng rau, hột muối

vui sao khi còn bữa đói bữa no

mẹ thương con nên cách trở sông đò

hàng gánh nặng phải qua cầu xuống dốc

đêm nào mẹ cũng khóc

đêm nào mẹ cũng khấn thầm

mong con khôn lớn cất mặt với đời

tôi yêu đất nước này khôn nguôi

tôi yêu mẹ tôi áo rách

Nhũng câu thơ buồn như nhang tàn thắp khuya. Ngọn khói tỏa lên lặng lẽ. Tưởng chừng như ngọn khói ấy vẫn lẫn quẫn đâu đó trong ký ức, không thể bay đi mà nằng nặng trĩu xuống linh hồn. Thi sĩ Phạm Hầu mất lúc mới ngoài đôi mươi có viết câu thơ ám ảnh dị thường: “Chân em trắng mà lòng anh lạnh”. Đọc những câu thơ của Trần Vàng Sao, có ai nghĩ, đất nước đẹp mà phận người buồn quá?

tôi yêu đất nước này rau cháo

bốn ngàn năm cuốc bẫm cày sâu

áo đứt nút qua cầu gió bay

tuổi thơ em hãy giữ cho ngoan

tôi yêu đất nước này lầm than

mẹ đốt củi trên rừng và cha làm cá ngoài biển

ăn rau rìu, rau éo, rau trai

nuôi lớn người từ ngày mở đất

bốn ngàn năm nằm gai nếm mật

một tấc lòng cũng trứng Âu Cơ

một tiếng nói cũng đầy hồn Thánh Gióng

Những câu thơ này được viết từ tâm thức “thi sĩ thứ thiệt”. Vài năm trước, ra Huế giao lưu với anh em làm thơ nhân phát hành tập Thơ tình xứ Huế, tối đó, ngồi cạnh Trần Vàng Sao nghe anh kể chuyện đời. Chua xót và cay đắng. Lúc đó, dù đã hom hem, lọm khọm, móm mém nhưng anh vẫn còn phải đi đạp, hút thuốc lá rẻ tiền vì nghèo. Anh cho biết đã có thể kiếm sống bằng cách vẽ tranh Bồ Đề Đạt Ma. Vẽ bằng mực Tàu trên giấy dó. Anh vẽ rất đẹp. Y đã mua một bức kỷ niệm. Lặng lẽ nhét tiền vào túi quần rỗng của anh, chỉ nói nhỏ: “Anh  giữ lấy đi, anh em mà, đừng ngại”. Rồi tiếp tục cụng ly. Rồi bia bọt. Rồi  lan man chuyện thơ. Rồi giật mình khi thấy pháo hoa rợp trời báo hiệu khai mạc Lễ hội Festival Huế. Lúc ấy, y nghĩ rằng, nếu muốn nhìn rõ, tìm lại suy nghĩ, cảm xúc của một thế hệ thanh niên thời chiến tranh, thời đất nước chia cắt, có lẽ ngoài Nhật ký Đặng Thùy Trâm, ngoài những gì đã in, đã tuyên tuyền còn phải kể đến Hồi ký Trần Vàng Sao Nhật ký Tiếng vạc trong sương của Thiếu Úy Nam (đã đăng từng kỳ trên tạp chí Đối Diện). Mỗi người một thế đứng, một góc nhìn mà qua đó có thể khắc họa rõ nét hơn, chính xác hơn chân dung một thế hệ.

Hôm qua đã viết vài chi tiết về sản phẩm hàng hiệu Hermes: “Giá của một bộ bốn chiếc túi này là 140.000 USD, và người ta chỉ bán bộ chứ không bán lẻ”! Tính nhẫm ra tiền Việt, số tiền này bao nhiêu? Ai là người có thể bỏ tiền ra mua?

Sở dĩ hỏi thế, bởi trưa nay nằm đọc vài tờ báo, chợt choáng với cái tít: “Đau xót chưa, thời nay còn cảnh “Chị Dậu” vật vã khóc con chết đói” (ấn phẩm Công lý trái tim của báo Đời sống pháp luật số 40 ngày 30.9-6.10.2014). Đó là câu  chuyện của bé Nhung 10 tuổi, học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Đức Bồng, xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh do bị cái đói cộng với bệnh tim đã khiến em ngã xuống sông tử nạn trên đường đi học về. Câu chuyện này lạ lùng quá. Lạ lùng như thế trước đây, y đã ghi nhận trong Nhật ký 30.8.2014, chị Mỹ Nhân - ngụ tại ấp 5, xã An Xuyên, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau tự tử chết vì nghèo với suy nghĩ lạ lùng: “mọi người đến phúng điếu mới có tiền đóng học phí cho con, giảm gánh nặng cho chồng”. Lạ lùng hơn với cái chết của bé Nhung là ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch UBND xã Đức Bồng thừa nhận trên báo Pháp luật TP.HCM sáng nay: “Cả xã Đức Bồng có 144 hộ nghèo. Gia đình anh Vân (tức gia đình bé Nhung) cũng rất khó khăn, xã có sơ suất là đưa gia đình này thoát nghèo để lên hộ cận nghèo. Giờ muốn hay không muốn thì lần sau (tức năm 2015) sẽ đưa gia đình anh Vân vào diện hộ nghèo”.

Đôi khi tự hỏi, những câu thơ của một đất nước có quyền tự hào “bước ra ngõ gặp nhà thơ” đang đứng ở đâu trong cõi nhân sinh?

Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi,

Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu

Tôi sống với cuộc đời chiến đấu

Của triệu người yêu dấu gian lao

Nhớ đến câu thơ của Xuân Diệu mà lòng y thấy thẹn.


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment