LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 30.8.2014

“Các con, Bằng, Tâm, Ngân. Các con đừng trách mẹ, mẹ đã rất khổ rồi. Mẹ vay tiền cho các con ăn học, bây giờ nợ rất nhiều. Tiền hụi mỗi tháng phải đóng cho dì Ánh một triệu đồng. Mẹ đã đi van xin được cấp sổ hộ nghèo để vay tiền đóng học phí cho các con. Nhưng không ai cho rằng, gia đình mình nghèo. Mẹ chết để giảm gánh nặng cho cha con, để chính quyền biết mà cấp sổ hộ nghèo. Có như vậy, cha mới vay được tiền đóng học phí cho các con”. Thư tuyệt mệnh này, trích từ tiểu thuyết nào? Sực nhớ trong Tắt Đèn của Ngô Tất Tố, có tình huống chị Dậu phải bán cái Tý để đủ tiền đóng thuế thân cho chồng. Mười lần như một, hễ đọc đến đoạn này, lại rưng rưng nước mắt. Sống làm người khổ quá:

Cái Tý nghe nói giẫy nẩy, giống như sét đánh bên tai, nó liệng củ khoai vào rổ và òa lên khóc:

- U bán con thật đấy ư? Con van u, con lạy u, con còn bé bỏng, u đừng đem bán con đi, tội nghiệp. U để cho con ở nhà chơi với em con.

Thằng Dần cũng khóc tru tréo, bỏ luôn rổ khoai đứng dậy, ngoay ngoảy lắc cái mông đít, nó nhắc lại câu đã nói sáng ngày:

- Em không! Nào! Em không cho bán chị Tý! Nào! Nào! Có bán thì bán cái Tỉu này này!

Chị Dậu chỉ thổn thổn thức thức không nói thêm được câu gì. Bộ mặt sầu thảm dần dần ngã xuống, đối thẳng với mặt con bé đương bú”.

Rồi lúc mẹ con cái Tý sang nhà Nghị Quế, chị về:

“Cái Tý ôm chầm lấy mẹ và khóc như mưa như gió:

- U đừng về vội! U hãy ngồi đây với con lúc nữa.

Nghị Quế đùng đùng đứng dậy, giơ cái bàn tay hộ pháp tát cho con bé một cái đánh đốp, và hắn hét lên như ông đại tướng trong rạp tuồng:

- Thằng nhỏ lôi cổ nó xuống nhà bếp kia...

Tức thì cái Tý liền phải lìa mẹ ra xềnh xệch theo tay cậu hầu cận của ông Dân biểu xuống thềm. Bộ mặt bồ nhếch bồ nhác ngảnh lại với cái miệng mếu xệch, nó nhìn theo mẹ và nói bằng giọng nức nở:

- Ngày mai u đem thằng Dần sang đây chơi với con nhé, con nhớ em lắm”.

Buồn quá là buồn. Muốn hiểu đời sống cùng cực của nông dân Việt Nam trước 1945 phải đọc Ngô Tất Tố. Đó là một điều chắc chắn, không nhà văn nào đề cập dến mọi ngóc ngách “lệ làng” nhiều bằng ông. Bây giờ, muốn hiểu về thực trang nông thôn Việt Nam có thể tìm đọc tiểu thuyết nào? Hầu như không có gì đáng kể. Trở lại với lá thư tuyệt mệnh ở đoạn trên, xin hỏi, trích từ tiểu thuyết nào?

 

nhatky-30.8

 

Chẳng phải hư cấu, tưởng tượng trầm uất, bi thảm, bôi đen hiện thực của nhà văn. Người thật việc thật. Trưa nay, bữa cơm đắng họng khi biết đó là tình cảnh đáng thương của chị Mỹ Nhân - ngụ tại ấp 5, xã An Xuyên, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Báo Gia đình & xã hội cuối tuần số 35 (2447) phát hành ngày ngày 30.8.2014 đã in bài “Bức thư tuyệt mệnh nghẹn đắng của người mẹ nghèo lo cho con đến hơi thở cuối cùng”. Bài báo còn cho biết thêm: “Được biết, trước khi tự tử một tháng, chị từng nói hàm ý với chồng về ý định ra đi của mình. Bởi chị nghĩ, chị chết đi, mọi người đến phúng điếu mới có tiền đóng học phí cho con, giảm gánh nặng cho chồng, lấy linh hồn phù hộ cho chồng con trúng số độc đắc”. Đọc mà ứa nước mắt với chi tiết đau lòng ấy. Không thể tưởng tượng nổi tại sao dưới gầm trời này vẫn còn có những số phận đáng thương, bi đát đến thế? Lý giải như thế nào đây? “Một câu hỏi lớn không lời đáp / Cho đến bây giờ mặt vẫn chau” (Huy Cận). Ấy là tâm trạng các vị La Hán chùa Tây Phương của nhiều thế kỷ trước. Các ngài xót thương cuộc sống trầm luân, khổ đau, bất hạnh dằng dặc của từng kiếp người và không có lời đáp. Sự việc cụ thể của chị Mỹ Nhân đã có lời đáp chưa? Sực nhớ, ngày tháng chiến đấu ở Kampuchia, lúc hành quân đi vào một đền thờ cổ thấy có khắc dòng chữ dưới chân tượng. Chẳng biết nội dung ra sao, may quá, ông trưởng phum đọc giúp: “Nỗi thống khổ của thần dân là nỗi đau của đấng quân vương”. Do suy nghĩ sâu sắc và có niệm tiến bộ về Dân, quân vương Jayavaraman VII- người nói câu đó - đã xây dựng được một triều đại thịnh trị, gắn liền với các công trình bất tử như kinh thành Angkor Thom, đền Bayon v.v…

Không rõ, hiện nay các quan chức đọc những thông tin như trường hợp chị Mỹ Nhân có suy nghĩ gì?

Sau khi báo chí lên tiếng về tượng “sư tử lạ” hiện đang chễm chệ tại các đình chùa miếu mạo, kể cả tư gia, trên trang web của Bộ Văn hóa, thông tin truyền thông vừa có bài “Nâng cao nhận thức, góp phần giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam”. Qua đó, biết rằng, Bộ VHTTDL đã có công văn số 2662/ BVHTTDL-MTNATL ngày 08.8.2014 gửi các Ban, Bộ, ngành, các địa phương trên cả nước về việc đề nghị không sử dụng linh vật, sản phẩm, biểu tượng không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Tiếp đó, ngày 19.8.2014, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có công văn số 352/MTNATL về việc giới thiệu các mẫu tượng linh vật của Việt Nam. Không phải là nhà nghiên cứu chuyên sau nên sau khi đọc kỹ bài báo trên, ghi lại mấy nét chính, như một cách tự học:

- Do gắn bó và có mối quan hệ mật thiết với Phật giáo nên sư tử Việt hầu như chỉ xuất hiện ở thời Lý - Trần mà ít thấy ở các triều đại sau đó, kể cả trong thời Lê sơ và thời Nguyễn - giai đoạn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của văn hóa cung đình Trung Hoa.

- Về phần đầu sư tử, dấu hiệu đầu tiên để nhận biết và phân biệt sư tử Việt với sư tử ngoại lai là chữ “Vương” trên trán. Đây là dấu hiệu đặc biệt không thể lẫn được với rồng. Có nhiều trường hợp khác còn được thêm chiếc miện báu trước trán như trường hợp các sư tử đội tòa sen càng làm tăng thêm tướng sang quý, tôn kính của sư tử Việt.

- Một điểm nhấn trong tạo hình của sư tử Đại Việt là miệng thường ngậm ngọc.

- Hàm răng với số lượng lớn nhưng không nhọn sắc, bề mặt răng bằng phẳng, thậm chí có cả hoa văn bên trong và thường thiếu hai chiếc răng nhọn từ hàm dưới đâm lên.

- Phần lông mày, tai, viền mép đều xuất hiện những hoa văn uốn lượn, mềm mại.

- Phần bờm, "hầu hết các con sư tử thời Lý bờm rất mỏng, ép sát vào cơ thể và được tạo hình một cách hoa mỹ, đôi lúc cũng được thấy dựng ngược lên như của rồng. Hiện vật đầu sư tử đất nung trang trí kiến trúc trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia bị chú thích nhầm là rồng. Các con sư tử thời Lý thường có chữ Vương trên trán - hàm ý sư tử là vua của muôn loài. Chiếc đầu sư tử này cũng có chữ Vương” (Trần Hậu Yên Thế - Nhà nghiên cứu Mỹ thuật).

Sư tử đá trong mỹ thuật Trung Hoa thế nào?

- Tạo hình của sư tử đá Trung Hoa là đầu to, thân vạm vỡ, tỷ lệ ước 1:3, ngực nở, chân mập, móng có vuốt sắc nhọn, lông đỉnh đầu nổi khối, mắt tròn miệng vuông, mũi cao răng sắc, tai nhỏ xếch ngược như chiếc lá, ức có lông, hàm có râu, con đực đầu có bờm. Lưng có dải băng hoặc lông dài phủ kín, đuôi cũng có nhiều dạng hoặc hình chiếc lá, hình như bàn tay hoặc như búi sợi tơ, lông trước cổ xoăn, giữa ức đeo lục lạc, điểm xuyết sợi anh lạc, có đai gấm. Sư tử đực đạp cầu, sư tử cái nô đùa với con” (Lý Chi Cương - Nhà nghiên cứu Mỹ thuật về sư tử đá trong mỹ thuật Trung Hoa).

Không rõ, sau các văn bản của Bộ, đến nay các tượng sư tử ngoại lai đã được sử lý ra sao?

Ghi thêm một thông tin khác, thiên hạ cũng đang bàn cãi chán? Có phải vụ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Đồng ý cho Khánh Ly xử dụng những bài hát của tôi. Tiền tác quyền là: 5.000 USD"? Không. Vậy, có phải vụ Bộ Thông tin - truyền thông phạt 3 tờ báo điện tử Kiến thức, điện tử Đất Việt  và Tiền Phong - báo mỗi báo 60 triệu đồng vì đã đăng tải lá thư của con gửi bố ngoài đảo? Theo nội dung thư, có cô con gái nhỏ, vì bố đi công tác lâu ngày nên đã... quên bố, không còn buồn nữa vì rằng chú công an phường ngày nào cũng đến nhà ăn cơm, chở bé gái đi học, ru bé ngủ. Tác bài báo đó đểu cáng thật. Phạt là đúng quá. Mà cũng phải không phải vụ này.

Vậy vụ gì?

À, đó là vụ Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường ban hành công văn yêu cầu mọi người mọi giới hãy chung tay góp sức hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ các sản phẩm bia sản xuất trên địa bàn tỉnh như bia Sài Gòn, bia Hà Nội, bia Vida. Báo PL TP.HCM sáng nay có nêu ý kiến của Luật sư Phạm Thành Long (Giám đốc Công ty Luật gia Phạm - Hà Nội). Ông Long cho rằng: "Tôi chưa tìm được căn cứ để cho rằng Công văn này trái pháp luật". Tuy nhiên: “Nếu 63 tỉnh thành trên cả nước đều ra công văn tương tự UBND tỉnh Nghệ An, điều gì sẽ xảy ra? Ví dụ: Hà Nội khuyến khích chọn uống bia Trúc Bạch, Nam Định vận động dùng bia Nada, Thừa Thiên Huế ưu tiên Huda, Đà Nẵng thích Larue,... Người dân mỗi tỉnh thành chỉ ưu tiên sử dụng hàng hóa của tỉnh mình sản xuất, điều có tạo ra sự phân biệt, kỳ thị hàng hóa giữa người dân các tỉnh thành hay không? Đây có phải là khởi nguồn cho tính cục bộ địa phương?”.    

Câu cuối cùng, rất đáng suy nghĩ. Bởi tính cục bộ địa phương, hội đồng hương v.v… và những tư duy có tính chất phân biệt vùng miền cần thiết xóa bỏ đi thôi. Vấn đề này còn bàn luận dài dài.

Tuy nhiên không viết nữa.

Chiều rồi.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment