LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 6.10.2014

2RRdoan-vi-thuongR

 Từ trái qua phải: Đoàn Vị Thượng, Lê Minh Quốc, Trương Nam Hương (2012)


 “Sao mấy hôm nay không có Nhật ký, hở anh?”. Biết trả lời thế nào? Chẳng trả lời gì. Viết cái gì? Viết thế nào? Tưởng dễ. Nhưng rồi, không dễ chút nào. Có những điều muốn viết “ra ngô ra khoai”, vậy mà, cuối cùng, chỉ một đôi dòng. Có “mắt xanh” thấu hiểu giữa một hai dòng chữ ấy, y gửi gắm điều gì? Cũng chẳng cần thiết. Đôi khi chính y tự hỏi, ủa, sao chuyện này, chuyện nọ lại không ghi nhận trong Nhật ký? Thế đấy. Có cảm nhận nhiều vấn đề mà ghi nhận là chuyện khác. Ghi nhận nhưng không bày tỏ quan điểm, thái độ cá nhân thì chẳng ra làm sao. Biết thế. Thôi thì, cứ thế. Cứ là những câu chuyện linh tinh lang tang trên trời dưới đất, đầu non cuối bể xa khuất chân mây…

Mấy hôm nay, đọc kỹ lại những thông tin về Joshua Wong - nhân vật thủ lĩnh xuất hiện trong cuộc biểu tình ở Hong Kong. Không nói ra nhưng tự đáy lòng y khâm phục quá. Khâm phục Joshua Wong là khâm phục một thế hệ tuổi trẻ chưa bị đầu độc. Cầu mong rằng, việc làm vừa qua xuất phát từ suy nghĩ của một thế hệ. Không bị giật dây. Không bị lợi dụng. Không là cừu non. Tuổi trẻ bất kỳ thời buổi nào cũng là miếng mồi ngon của sự lợi dụng. Có những người bạn già của y, đã từng vào tù ra khám vì lý do đấu tranh chính trị, biểu tình xuống đường... đôi khi than thở, đã đánh mất tuổi trẻ một cách vô nghĩa quá. Hỏi thêm, chỉ nghe tiếng thở dài...

Sáng qua, tìm đọc lại bài thơ Giọng Huế của mạ. Bài thơ của Đoàn Vị Thượng. Đọc xong, có cảm tình với người bạn đồng tuế, đồng nghiệp thêm một chút. Có những người bạn thân, bẳng đi thời gian dài, sực nhớ, mới giật mình nhận thấy đã lâu, lâu lắm rồi không có dịp ngồi cùng nhau. Đến một độ tuổi nào đó, con người ta chẳng thiết ra khỏi nhà nữa, bởi bạn bè cũ không còn mấy ai. Ngày kia, y hỏi: “Mẹ có về quê không?”. Bà cụ lắc đầu cho biết về “ngoài nớ” chẳng còn bầu bạn, anh chị em thì cũng đã chết cả rồi.  Nghe nghèn nghẹn. Tuổi già của mỗi người khác. Nhưng chắc chắc sẽ là sự cô độc bởi có những tâm tình, những câu chuyện không thể chia sẻ với ai khác. Con cái đôi khi ngồi nghe, thì thầm nhưng rồi cũng chỉ trong chốc lát. Nó còn công việc mỗi ngày, đời sống riêng, những bận rộn, lo toan... Thích bài thơ của Đoàn Vị Thượng ở chỗ, dù xa quê, lưu lạc phương trời nào thì người mẹ vẫn còn giữ được giọng nói quê kiểng:

Tuổi con gái, Mạ từng uống nước sông

Đến bây giờ giọng Huế nghe còn ướt

Giọng Huế nghe còn một chút gì trong

Bao cay đắng pha vào chưa đục được


Sông Hương chảy xuôi dòng, Mạ có thời chảy ngược

Vào miền Nam trắc trở đến giờ

Có phải vậy, Mạ chóng già hơn trước

Mà dòng sông thì vẫn cứ trẻ thơ


Dẫu gì sông cũng có đôi bờ

Trong khi Mạ nổi trôi vào Chu Lai, Quảng Ngãi

Mạ trôi tít vào miền Nam xa ngái

Giọng nói có là bờ để giữ Mạ được đâu


Giọng nói cũng trôi qua mấy chân cầu

Va chạm đủ các âm thanh xa lạ

Đã nhiều lần làm lưỡi Mạ đớn đau

Để giữ lại chút gì đừng tan rã

“Chút gì” là chút gì? Có phải là ngữ âm, lời ăn tiếng nói của quê mẹ đấy không? Chắc chắn là thế. Hơn cả thế, giọng nói của người mẹ đã trở thành biểu tượng của nguồn cội. Có những người, dù gặp nhau lần thứ nhất, tự nhiên có cảm tình, đơn giản chỉ vì nghe được âm vang hơi thở của cỏ nội hương đồng quen thuộc của thuở ấu thời. Nghe thương thương. Nghe nhơ nhớ những người thân yêu ở quê nhà và chính mình từng thể hiện giọng nói sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng ấy cũng rất “nhà quê”. Quái lạ, có những người chỉ xa quê một thời gia ngắn nhưng lại hoàn toàn đổi giọng theo vùng đất mình đang sinh sống? Để làm gì? Chẳng hiểu nữa. Thích giọng nói người cùng quê là một lẽ nhưng y quyết liệt chống lại cái gọi là hội đồng hương, tình đồng hương. Vô lý quá, cả một dân tộc thống nhất từ Nam chí Bắc, Nam bắc một nhà, hà cớ gì phải phân biệt vùng này miền nọ?

Có lẽ do vết hằn đớn đau của từ thời Thập nhị sứ quân? Từ sự chia cắt đất nước chăng? Những tên gọi Đàng Trong, Đàng Ngoài; Nam Hà, Bắc Hà; miền Nam, miền Bắc của một giai đoạn thăng trầm  lịch sử da vàng máu đỏ đã gắn chặt trong máu thịt của người Việt rồi chăng? Lật lại sử một chút: Từ ngày 17.10.1887, Tổng thống Pháp ký Sắc lệnh Thành lập Liên bang Đông Dương, gồm: Cao Miên, Việt Nam bị chia thành 3 “xứ”: Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ. Theo đó, Nam Kỳ là “xứ thuộc địa”; Trung Kỳ, Bắc Kỳ là “xứ bảo hộ”. Rồi ngày 19.4.1899, Lào cũng bị sát nhập vào Liên bang Đông Dương. Sự chia cắt nước Việt thành 3 "xứ" đã liền da liền thịt, nhưng rồi sự cát cứ vùng miền vẫn còn tồn tại từ trong suy nghĩ của những ai chăng?

Có những bậc hào kiệt đã đứng ngoài suy nghĩ hạn hẹp đó. Chẳng hạn tờ Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng, trong bộ biên tập có Phan Bội Châu, Đào Duy Anh, Trần Đình Phiên, Nguyễn Xương Thái, Lê Nhiếp, Vương Đình Quang… Có thể thấy ê kíp làm việc của các cụ là đồng chí - cùng chí hướng chứ không chỉ do đồng hương. Phải vượt ra khỏi cái suy nghĩ hạn hẹp của cái gọi là hội đồng hương. Nó chẳng khác gì lũy tre làng vây kín cả tầm nhìn. Mà quả thật đã có những con người sinh ra, dù bất kỳ vùng miền nào nhưng tự họ đã thoát khỏi phạm vi địa lý cụ thể. Lại có những con người dù không cùng quê quán nhưng rồi, y lại ngưỡng mộ, cảm thấy thân thiết như người đã cùng chung một làng, chung cây đa, chung bến nước...

Tại sao? Bởi họ biết làm việc nghĩa.

Làm việc nghĩa khó lắm. Phải biết quên mình đi. Thấy việc đó cần làm là tự nguyện làm chứ không vì lý do gì khác. Thế nhưng, đời sau lại ít ai nhắc nhở, nhớ đến bởi hình ảnh họ quá nhỏ bé, bình thường như hằng triệu con người bình thường khác. Một xã hội lành mạnh bao giờ cũng cần những con người bình thường ấy. Nói như thế vẫn chưa đủ. Ước mong là ảo tưởng. Cần phải có một “cơ chế” giáo dục, một thể chế chính trị, một môi trường văn hóa như thế nào để hình thành và phát huy tính cách ấy? Do đâu, tính cách như Tú tài Nguyễn Khắc Doanh (Tú Khắc) hình thành? Nhắc đến cụ Phan Bội Châu, nay mấy ai nhớ đến Tú Khắc người Nam Định? Lúc Pháp xử án cụ Phan tại Hà Nội, chính ông đã làm náo động cả phiên tòa khi cả gan chạy ù lên đưa đơn xin chịu án chết cho cụ Phan. Hành động này gàn ư? Chẳng phải đâu, một hành động nghĩa hiệp xứng đáng ca ngợi lắm chứ. Đêm qua, nằm đọc lại tập Những người bạn cố đô Huế, biết thêm chi tiết này, lâu nay chẳng thấy ai chép. Sau một thời gian dài bị quân Tây Sơn bao vây, lương thực đã cạn, binh sĩ mỏi mệt nản chí nên Võ Tánh quyết định đầu hàng. Võ Tánh hơn người ở chỗ, ông tự chọn cách kết thúc đời mình thật oanh liệt. Tuy nhiên còn có chi tiết này nữa, khi ngọn lửa đỏ rực một góc thành Bình Định, quan Tổng binh Nguyễn Tấn Huyên đã lao vào dàn thiêu la to lên: “Quan tướng, tôi muốn đi theo ngài”. Do đâu, tính cách như Nguyễn Tấn Huyên hình thành? Thời buổi này còn có những con người bình thường mà nghĩa hiệp ấy không?

Suy nghĩ ắt có câu trả lời.

Lại nghĩ, cuộc đời luôn cần những con người nghĩa hiệp. Nếu không có tâm lực, hành động quên mình của cử nhân Dương Bá Cung thì liệu thơ văn Nguyễn Trãi có còn được biết đến như ngày nay? Sau khi Nguyễn Trãi được minh oan, ông Cung dành cả cuộc đời đi Nam về Bắc sưu tập, nhặt nhạnh lại toàn bộ thơ văn của Ức Trai còn sót lại. Nhờ vậy, tác phẩm của một thiên tài đất Việt mới còn lưu hành đến nay. Đóng góp ấy, to lớn quá đi chứ? Rồi khi nhắc đến ông Vương Đình Quang -  một cộng sự thân tín bên cụ Huỳnh thời cùng làm Tiếng Dân, nay chắc ít ai biết. Lúc về già, ông Quang hoàn toàn có điều kiện “đánh bóng” tuổi tên mình qua các trang hồi ký chẳng hạn, nhưng không, tài sản quý nhất đời ông vẫn là tập sách nhằm giúp đời sau có thể hiểu thêm về cụ Phan Bội Châu, cụ Huỳnh Thúc Kháng. Thời buổi này còn có những con người bình thường mà nghĩa hiệp ấy không?

Suy nghĩ ắt có câu trả lời.

Nhân đây nói luôn mà chẳng ngại lạc đề. Lạc thì lạc. Cũng chẳng sao. Theo ông Quang, hằng ngày cụ Huỳnh ăn uống rất kham khổ, đạm bạc nên nhiều người khuyên cụ không việc gì phải thế, nhất là lúc cụ đang điều hành tờ báo lớn nhất Trung Kỳ. Có ai biết, nghe những lời can ngăn ấy, cụ Huỳnh trả lời thế nào? “Ăn thế này còn sang hơn thời ở tù Côn Đảo nhiều lắm”. Một câu trả lời rất đúng tính cách gàn bướng của người Quảng Nam. Viết đến đây, lại nhớ đến mẹ dù mẹ đang ở dưới nhà đó thôi. Nhớ bởi thèm nghe giọng nói của mẹ:

Giọng nói cũng trôi qua mấy chân cầu

Va chạm đủ các âm thanh xa lạ

Đã nhiều lần làm lưỡi Mạ đớn đau

Để giữ lại chút gì đừng tan rã

Còn lũ chúng ta, mỗi ngày mấy lần thay lưỡi? Đã chiều. Ngoài trời vẫn lắt rắt mưa. Tiếng kinh bên chùa vọng sang trầm buồn như mỗi chiều lặng lẽ…

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment