Lâu nay nghe nói rằng, người Việt thông minh, sáng tạo, khéo tay… Nếu quan sát những mặt hàng lưu niệm hiện đang bày bán tại nhà sách, khu du lịch giải trí thì có lẽ phải thay đổi suy nghĩ ấy. Các mặt hàng ấy nghèo nàn, đơn giản và hầu như không có một chút hấp dẫn nào khiến du khách phải bỏ tiền ra mua. Quanh đi quẩn lại cũng vài cái nón lá, tranh sơn mài mai lan cúc trúc, thú nhồi bông, búp bê, kẹp tóc, tranh thêu, đan lát… Vào Nam ra Bắc hàng lưu niệm cũng giống y chang nhau, chẳng hề có bản sắc riêng của từng vùng miền. Vì thế mới có người vừa hỏi y, sắp chia tay với người bạn nước ngoài thì nên tặng món quà lưu niệm gì? Tặng món quà nào mà theo y tiêu biểu cho tính chất văn hóa người Việt?
Thế đấy, đôi khi bạn bè lại hỏi những câu hỏi khó rồi lại mất thời gian tìm hiểu. Cũng có lúc đang đi ngoài đường, bỗng điện thoại réo rắt bên tai, tưởng ai đó rủ đi nhậu, mừng quá nên vồn vã nghe máy: “Anh ơi! Thành ngữ có câu “dùi đục chấm mắm cáy” nghĩa là gì?”. Trả lời luôn ư? Không thể cẩu thả, phải tra cứ sách vở cho chính xác. “À, phải nói “bầu dục chấm mắm cáy” mới đúng”. “Thế mằm cáy là gì?” v.v… Rồi hôm nọ, phổ xong bài thơ của y, nhạc sĩ Vũ Hoàng gọi diện thoại hát cho nghe thử, hát xong anh bảo: “Q ơi! Câu thơ có chữ “nhọn hoắt” vậy c hay t?”. Thế là từ chuyện âm nhạc lại chuyển sang bàn về chính tả. Cũng như sáng nay, đang bàn về chuyện thời sự linh tinh tự dưng phải gánh thêm câu hỏi tặng quà lưu niệm gì? Phải trả lời ra làm sao?
Trưa nay, nằm đọc lại quyển Lãng du trong văn hóa Việt Nam của cụ Hữu Ngọc, may ra có tìm được gợi ý nào xác đáng không? May quá, có rồi. Theo cụ: “Tôi đã thử nhiều lần tặng khách Âu - Mỹ một đồ rất rẻ, giá trị vài nghìn, bán ở vỉa hè: chiếc điếu cày của nông dân bằng tre. Để cho món quà nhuốm tính chất văn hóa, ta hãy viết bằng mực đen lên ống tre mấy chữ Nôm: “Thân tặng ông (bà) X (viết tên chữ Latinh) để nhớ Hà Nội, 1996”. Khi đưa tặng, có thể thỏa mãn sự tò mò của khách: Thế nào là chữ Nôm? Hút điếu cày thế nào? Tập quán hút điếu cày trong văn hóa Việt Nam? Tốt nhất là cùng với điếu cày, tặng thêm bản đánh máy (bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp) giải thích đại loại như sau:
Nhớ ai như nhớ điếu cày
Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”
Đọc xong gợi ý này, tự dưng cảm thấy chính y hay cụ Hữu Ngọc lẩm cẩm? Trong lúc cả thế giới đang ngày càng có xu hướng hạn chế thuốc lá bởi sự tác hại của nó, thậm chí bao bì các loại thuốc lá hiện nay đã in hình ảnh rợn tóc gáy kèm theo dòng chữ: “Hút thuốc có thể dẫn đến cái chết từ từ và đau đớn”, vậy thì, việc tặng điếu cày có phải thể hiện sự văn minh không? Chắc là không. Biết đâu khi tặng, có người còn không thèm nhận vì không muốn con cái họ phải nhìn thấy cái thứ có thể gợi lên cảm giác thèm thuốc lá ngay trong nhà. Văn hóa của thời mỗi khác và tự nó cũng phải sàng lọc, thay đổi.
Đọc Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ, biết rằng một trong cái thú chơi sang hào hứng nhất của bọn quan lại giàu sụ hợm hĩnh thời Lê - Trịnh vẫn là cây cảnh. Bỏ ra khối tìm tiền, thuê người lên rừng lên rú đào tận gốc cây cổ thụ kia, tỉa tót thẩm mỹ cẩn thận rồi trồng lại ở vườn nhà. Thậm chí: "Họ dò xem nhà nào có chậu hoa cây cảnh, chim tốt khướu hay, thì biên ngay hai chữ “phụng thủ” vào. Đêm đến, các cậu trèo qua tường thành lẻn ra, sai tay chân đem lính đến lấy phăng đi rồi buộc cho tội đem giấu vật cung phụng để dậm dọa lấy tiền. Hòn đá hoặc cây cối gì to lớn quá, thậm chí phải phá nhà hủy tường để khiêng ra. Các nhà giàu bị họ vu cho là giấu vật cung phụng, thường phải bỏ của ra kêu van chí chết, có khi phải đập núi non bộ hoặc phá bỏ cây cảnh để tránh khỏi tai vạ. Nhà ta (Phạm Đình Hổ) ở phường Hà Khẩu, huyện Thọ Xương, trước nhà tiền đường có trồng một cây lê, cao vài mươi trượng, lúc nở hoa, trắng xóa thơm lừng; trước nhà trung đường cũng trồng hai cây lựu trắng, lựu đỏ, lúc ra quả trông rất đẹp, bà cung nhân ta sai chặt đi cũng vì cớ ấy". Chơi thế mới là sang. Lấy thế mới làm thú. Nửa cuối thế kỷ XX, lại có thú chơi là chưng bày vài cái ngà voi, treo vài cái đầu thú rừng trên tường nhà, cỡ như sừng tê giác lại càng oách! Những thú chơi nhằm đạt đến đẳng cấp trưởng giả trước kia là vậy; hoặc tệ hơn thì ít ra nơi đẹp đẽ nhất trong nhà phải chưng cái tủ rượu Tây, ai cũng thấy sang, thấy đẹp. Nhưng ngày nay chắc chắn chẳng ai đồng tình, chẳng ai thấy nó biểu hiện cho cái đẹp nữa. Đẹp cái quái gì khi cây cối trên rừng nhằm ngăn lũ lụt bị chặt phá vô tội vạ; các con thú thuộc loại quý hiếm lại bị săn bắn bừa bãi? Nói thì nói thế, ai muốn chơi gì thì mặc họ. Có điều cái thú chơi ấy trong quan niệm ngày nay đã khác trước.
Vậy thú chơi nhằm phô trương sự giàu có hiện nay là gì? Là trước nhà phải chưng vài con sư tử Trung Quốc trông gớm ghiếc chăng? hay nuôi "thú cưng" tính bằng tiền đô mà dân nghèo mửa máu dẫu sống ngàn đời cũng không sờ được vào cái lông của nó? Chuyện vặt. Trên báo TT, anh bạn nhà báo Huy Thọ có viết bài báo Khi Hermes vẫn tươi cười ở Việt Nam, có đoạn: "Cách đây không lâu, một cô người mẫu nổi tiếng của VN kể cho nghe một chuyện như thế này: cửa hàng Hermes ở Hà Nội nhập về mười bộ túi xách thời trang mới nhất. Mỗi bộ gồm bốn chiếc mang bốn màu khác nhau. Giá của một bộ bốn chiếc túi này là 140.000 USD, và người ta chỉ bán bộ chứ không bán lẻ! Nghe đến đấy đã vội trợn tròn mắt hỏi cô người mẫu là mười bộ túi xách ấy chắc chỉ để trưng, chứ ai mua nổi? Cô người mẫu cười cho biết: “Loáng một cái là hết sạch. Nhiều người còn trách móc tay quản lý cửa hàng là sao không để dành cho mình. Hermes không bao giờ sản xuất với số lượng nhiều. Mười bộ túi xách cho thị trường VN là một sự ưu ái lớn, nên quản lý cửa hàng này chảnh lắm”. Trời ạ, mười bộ túi xách trị giá 1,4 triệu USD (tương đương 29 tỉ đồng VN) bán vèo một cái là hết! Nghe cứ tưởng như chuyện đùa. Nhưng đó là thông tin đáng tin, và chính ông chủ tịch của Hermes đã nói với giới báo chí rằng: Hermes tại VN vẫn tăng trưởng đều từ 20-30% trong những năm qua! Chúng tôi hỏi tiếp cô người mẫu nổi tiếng rằng ai mua những chiếc túi xách ấy? Có lẽ chính các cô chứ ai? Cô ấy cười và trả lời: ”Bọn em làm gì dám rớ tới, chỉ đến và nhìn thôi. Cho dù có cặp bồ với đại gia cũng chẳng có ai dám mua tặng”. Vậy thì ai mua? “Các phu nhân với các tiểu thư thôi”, cô người mẫu trả lời" (TT 21.10.212/ http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/thoi-su-suy-nghi/20121021/khi-hermes-van-tuoi-cuoi-o-viet-nam/517004.html).
Mấy hôm nay, mỗi chiều lại mưa. Không vui cũng không buồn. Đêm đêm đọc lại Duyệt vị thảo đường bút ký của Kỉ Quân (Kỷ Hiếu Lam), Tử bất ngữ của Viên Mai và Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh. Đọc xen kẽ, hứng đâu đọc đó. Đọc những chuyện ma quỷ, hư thực, huyền ảo mơ hồ chẳng biết đâu là thật, đâu là giả cũng là điều lý thú. Mỗi mẩu chuyện không dài, chỉ chừng dăm trang. Đọc, dễ ngủ. Chẳng phải nghĩ ngợi gì nhiều:
Nói láo mà chơi! Nghe láo chơi!
Dàn d¬ưa lún phún hạt mưa rơi,
Chuyện đời hẳn chán không buồn nhắc,
Thơ thẩn nghe mưa đọc mấy lời!
Đó là tứ tuyệt của Vương Ngư Dương đề từ Liêu trai chí dị, Tản Đà dịch. Đọc lai rai lai vài quyển sách trên và nhận xét rằng, Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh vẫn xếp hàng thứ nhất. Chưa ai có thể vượt qua . Đêm qua, bên cạnh chuyện ma quái kỳ dị, mượn chuyện ma để nói chuyện đời, có đọc mẩu chuyện này, đại khái, có chàng Phó Hiền nọ rất mê đọc sách, cả ngày chỉ cắm mắt chúi đầu vào sách, làm theo sách. Ngày nọ, anh ta đi tìm người bạn, tìm gặp rồi vẫn đứng yên thong dong thở ra thở vào một hồi đến nổi người bạn sốt ruột hỏi:
- Anh tìm tôi có việc gì thế? Nói đi xem nào?
Anh ta mới thong thả:
- Tiểu đệ vừa trông thấy chị vợ nhà huynh đang ngồi thêu ở gốc cổ thụ, cạnh cái giếng. Có lẽ do mệt quá nên chị ngủ quên hay sao ấy. Đúa con trai nhỏ nhà huynh chơi ngay bên cạnh giếng, chỉ cách miệng giếng chừng một mét, thật là đáng sợ. Nhưng tiểu đệ nghĩ đến câu “nam nữ hữu biệt” bên không tiện đến đánh thức chị vợ của huynh. Cho nên báo cho huynh biết.
Người bạn nghe hoảng hồn, vội vã ba chân bốn cẳng chạy tới nơi thì than ôi đã nghe tiếng vợ khóc gào thảm thiết. Kỉ Quân bình: “Ham mê đọc sách vốn là chuyện tốt lành, nhưng đọc sách mà không hiểu thấu đạo lý, nghĩa lý nói trong sách, vận dụng một cách hợp tình hợp lý những điều trong sách vở vào cuộc sống thực tế, thì thật là tai hại. Hơn nữa trường hợp như trên đây của Phó Hiền, thì không đọc sách còn đỡ mang đến tai họa. Có bao nhiêu người đọc sách, có bao nhiêu học giả giống Phó Hiền trên đời này từ khi có sách vở chữ nghĩa?”.
Câu hỏi ấy vẫn còn tính thời sự chăng?
Có lẽ nên kể lại thân phận của Kỉ Quân bởi bạn đọc Việt Nam ít nghe nhắc đến nhà văn này. Ngày nọ, vua Càn Long đến Tứ khố toàn thư quán, có trò chuyện với Kỉ Quân. Đôi bên trò chuyện tâm đắc. Kỉ Quân bèn đem chuyện xưa tích cũ, dẫn chứng từ thời Tam đại, Tần Thủy Hoàng… khuyên rằng: “Hoàng đế, cốt yếu là ở việc giữ cho thần trí trong sạch, dùng người hiền, trừ kẻ bất tiếu thì rồi thiên hạ sẽ đại trị, không việc gì phải tuần thú”. Lời khuyên này cũng có lý bởi mỗi chuyến đi của nhà vua tốn kém vô kể, khổ sở dân tình phục dịch v.v… Nghe xong, nhà vua nổi giận, mắng: “Mi bất quá chỉ là thằng học trò mà dám vọng ngữ chuyện quốc gia đại sự”. Đâu riêng gì ở Trung Quốc, sực nhớ, cụ Phạm Phú Thứ có lần thấy vua Tự Đức ham vui chơi, lơ là việc triều chính nên cụ dâng sớ can gián, đọc xong, nhà vua tức giận cách chức và tống giam ở nhà lao Thừa Phủ (Huế).
Câu mắng của Càn Long và hành động của vua Tự Đức, ngẫm nghĩ lại vẫn còn có tính thời sự chăng?
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|