Có lẽ rồi cũng phải tự sắp xếp lại những cuộc "ăn chơi nhảy múa". Không gì đáng chán hơn cho những cuộc vui, hễ lúc đang say xỉn thì mười lần như chục: không người này thì người kia canh ngay lúc cả bọn đang lừ đừ cái mặt, lù đù đi đứng là chụp lia chụp lịa rồi post ngay lên facebook. Hay ho gì các hình ảnh tầm thường đó? Thời buổi này, xích lô, xe thồ, xe ba gác, đầu trộm đuôi cướp, thất nghiệp, đâm cha giết chú, mãi dâm, bia ôm, lầu xanh… tóm lại bất kỳ ai cũng có thể nhậu được kia mà. Nhậu có là cái gì ghê gớm đâu, chỉ cần vài ngàn bạc với một xị rượu đế là đã có thể say quắc cần câu. Thế mà, vẫn có những người hễ đã nhậu là post hình của chính mình, của bạn nhậu lên facebok đặng phát tán khắp nơi. Vẫn biết rằng, thỉnh thoảng ngồi với bạn bè một chút, tán gẫu vô thưởng vô phạt, hỏi han công việc viết lách của nhau cũng cần thiết. Nhưng rồi, hà cớ gì phải khoe khoang cái chuyện ăn nhậu bình thường, thậm chí tầm thường đó?
Mà có phải ngày nào y cũng nhậu? Quyết là không. Nhưng rồi, chỉ cần đôi lần nhìn trên facebook chình ình mặt mày tối tăm, đờ đẫn mặt mũi ấy thì y như rằng sáng hôm sau bước vào cơ quan là các nữ đồng nghiệp góp ý nhẹ nhàng như không: “Chú Q dạo này nhậu quá nghen”. Một đồn trăm, trăm đồn ngàn. Cơ quan y, cơ quan chủ quản của y phần đông là nữ, tất nhiên họ không hài lòng gì khi thấy cánh nam nhi trong cơ quan ăn nhậu bù khú dù bất kỳ lý do gì.
Có lần một nữ đồng nghiệp kéo tay y ra ngoài sân, nói khẽ như sắp tiết lộ thông tin thuộc hạng “bí mật quốc gia”: “Bạn bè chú rồi cả chú nữa, bộ mấy chú điên khùng hết rồi sao? Cứ ăn nhậu là “bắn” hình lên facebook làm gì? Để làm gì? Chú trả lời đi? Bên Thành hội mấy chị cũng sử dụng facebook nếu nhìn thấy mặt chú sẽ đánh giá chú thế nào?”. Y bèn chống chế: “Thỉnh thoảng chú mới lai rai”. Cô mỉm cười thông cảm: “Cháu biết, nhưng liệu có cần phải khoe không? Ai cũng biết chú đã viết nhiều bài trên phê phán tác hại của chuyện ăn nhậu. Nay thỉnh thoảng mở facebook ra lại thấy chú đàn đúm ăn nhậu, ai dám tin chú nữa?”.
Nghe ra, chột dạ quá.
Sáng nay, nữ đồng nghiệp hỏi: “Bà cụ khỏe rồi hả anh?”. Y ngớ người ra, chuyện gì vậy ta? “Thì hôm trước anh nói với em là nếu sếp có hỏi vì sao không vào cơ quan thì nói giúp anh đưa mẹ đi khám bệnh. Bà cụ đang ốm nặng mà. Anh quên rồi à?”. Mới sực nhớ là do dẫn chương trình thơ vào buổi sáng, không vào cơ quan nên mới nại ra cớ ấy. Cớ ấy hợp lý quá đi chứ! Nhưng than ôi, rồi qua facebook, sếp lại thấy y chình chình ngồi trên bàn nhậu, cằn nhằn: “Đồng chí nhà mình có hiếu quá, bảo mẹ ốm nặng mà ăn nhậu thâu đêm”.
Nghe thế, chột dạ quá.
Trong thế giới chật hẹp này, hầu như ai ai cũng có trang mạng riêng, động tĩnh gì trên facebook thì lập tức làng trên xóm dưới đều biết cả. Hay hớm gì chuyện ăn nhậu đó mà phải khoe, phải “tự sướng”? Y chẳng phải đạo đức gì, gương mẫu gì nhưng thú thật, tạo cho y cảm giác chán ngán nhất vẫn là lúc nhìn hình ảnh của ai đó đã chìm trong men say. Chuyện say xỉn là quyền tự do của mỗi người nhưng đừng quên rằng nó chỉ có tính cách hết sức riêng tư. Đã chuyện riêng tư có cần phải “báo cáo” cho thiên hạ cùng biết? Nào đâu phải riêng y mà người trí não bình thường khác cũng đều không có nhu cầu phải biết, phải xem, phải nhìn, phải ngó hình ảnh của bất kỳ ai trong ngày đó đã ăn nhậu ở đâu, ăn nhậu với ai, ăn nhậu như thế nào...
Có những kẻ vô công rỗi nghề, bất tài vô tướng đã ăn nhậu thuộc loại chuyên nghiệp, ngày nào cũng nhậu. Mở mắt ra là nhậu từ sáng sớm đến khuya mịt. Nhậu hết két bia này đến hàng chục chai rượu nọ. Nhậu để giết thời gian như đã tồn tại một cách vô ích trên đời. Thế nhưng không những chẳng ai biết đến thói xấu ấy mà lại còn được khen là người đứng đắn. Bởi họ không dại gì khoe đã hoặc đang nhậu. Trong khi đó, y và bạn bè y cả một ngày, cả một đời cắm mặt xuống trang viết. Đôi lúc viết không kịp thở. Viết để sống. Sống với trang viết. Tự nhủ, phải sống thế nào cho có ích. Chăm chỉ, cần mẫn, miệt mài với công việc từng ngày. Quý thời gian từng giây. Rồi có đôi lúc nhậu chơi như một cách thư giản, hàn huyên, chia sẻ công việc vậy mà trong mắt thiên hạ lại chỉ ngang hàng với những kẻ nát rượu. Tại sao? Cũng là do hình ảnh riêng tư ấy đã bị post lên facebook một cách vô tội vạ, thiếu kiềm chế. Tưởng chẳng hại gì, nhưng rồi hình tượng đẹp đẽ bấy lâu trong mắt thiên hạ đã rơi tuột thảm hại. Nếu Đức Phật, Chúa Jesus hoặc các bậc thánh khác xuất hiện trong trạng thái đang say quắc cần câu thì chúng sinh sẽ nhìn bằng con mắt thế nào? Còn lũ chúng ta? Lũ chúng ta chỉ người trần mắt thịt nên lẽ nào dám quên câu "tốt khoe xấu che"? Đành rằng có những cuộc nhậu chưa hẳn là xấu nhưng có cần phải khoe khoang huếnh hoáng - nhất là trên mạng cộng đồng? Quyết là không.
Tuy nhiên, nhiều người ngồi chung với y lại không hiểu thế, hễ đã nhậu thì phải khua chiêng gõ mõ cả thế giới cho bằng được. Thú thật, y chẳng phải đạo đức gì, gương mẫu gì chỉ xin rằng những lúc đã bù khú thân tình với nhau (nếu có dịp), ai muốn khoe cảnh ăn nhậu như một chiến tích vẻ vang đáng hãnh diện cho bản lĩnh đàn ông thì cứ việc tự nhiên, cứ việc post nhưng nếu thương lấy y, quý mến y, vì cần câu cơm của y thì xin hãy chừa cái mặt của y ra ngoài.
Thật ra, y nhậu không bằng Lưu Linh uống ráng thêm vài giọt, nhưng khổ nổi cứ nhìn hình ảnh đó trên facebook là các nữ đồng nghiệp nghĩ y phải thuộc loại hủ chìm “thần sầu quỷ khốc”. Sáng xỉn chiều say! Một người sáng xin chiều say thì có đáng tin cậy không? Vì lẽ đó, thỉnh thoảng y lại bị họ “mắng” cho vài câu nếu thấy hình ảnh ăn nhậu nằm tênh hênh, trơ trẽn trên facebook mà có cái mặt y. Cũng chẳng oan ức gì. Vì thương, vì quý nên họ mới nhắc nhở đấy thôi. Câu nhắc nhở hay nhất vẫn là: “Mỗi lần chồng em đi nhậu về là giấu như mèo giấu cứt, vậy mà…”.
Đắng đót chưa?
Cùng các đồng nghiệp trong cơ quan (nhân 1.8.2014)
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|