LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 23.9.2014

 

Bước vào tiệm sách, một điều dễ dàng nhận ra nhất là hiện nay có quá nhiều các tập sách thuộc thể loại, tạm gọi chung là tạp bút, tản mạn, tùy bút, tản văn… Ngay cả trên các trang facebook cá nhân cũng vậy. Bất kỳ ai cũng có thể viết đôi dòng cảm xúc, những suy nghĩ thoáng qua. Có tác giả trẻ, có tác giả già. Mỗi người mỗi phong cách. Tuy nhiên, sự định danh vẫn chưa nhiều. Chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay vài người. Còn lại chỉ mới dừng lại cảm xúc bâng quơ hoặc cảm xúc ấy rất học trò, dù chẳng có gì mới mẻ nhưng vẫn cố ý đạt đến vẻ “triết lý’ bằng câu chữ rối rắm, cầu kỳ. Chà, cái ông Võ Phiến mới là ghê. Câu văn cực kỳ bình dị, không ngoa ngôn nhưng hầu như bài viết nào cũng ẩn chứa những cảm nhận sâu sắc, phân tích chi tiết và có sự so sánh rất đáng nể. Đọc Võ Phiến, dường như lúc nào y cũng có thể chia sẻ với ông một, hai điều lý thú gì đó. Có ai đó đã nói, lúc viết tạp bút, Võ Phiến đã thể hiện khả năng “chẻ sợi tóc làm tư”. Muốn như thế, viết thể loại này, tưởng là dễ, ai cũng viết được nhưng điều quan trọng là phải có kiến thức rộng và nhất là vốn sống.

Mấy hôm nay, Đoàn Tuấn vào Sài Gòn dạy những vấn đề liên quan đến điện ảnh tại công ty nọ. Quà tặng từ Hà Nội cho y là quyển Bát phố (NXB Hội Nhà văn) của Nguyễn Bảo Sinh. Chỉ đọc trong một đêm, trước giờ ngủ, là đủ sức ngốn hết 350 trang sách. Vì nó hay. Nó lôi cuốn. Câu chữ bình thường, không bay bướm nhưng bù lại có nhiều chi tiết quá hay. Nói cách khác, tập sách này hay là do tác giả có vốn sống về Hà Nội từ thập niên 1950 đến nay. Nhiều chi tiết lạ, nhất là phần viết về chơi thơ, gà chọi, chơi chó, bát phố đờ mi thiền… Đọc xong, khó quên. Rồi thỉnh thoảng, nhẫn nha thêm vài câu thơ “dân gian” của ông cũng thú vị. Chi tiết nào hay? Cứ đọc, ắt rõ. Không việc gì phải kể lại trong Nhật ký. Nói thì nói thế, chã nhẽ chẳng kể lại gì? Thì kể chuyện về cụ Nguyễn Hữu Mão - bố của Nguyễn Bảo Sinh vậy:

“Một lần ốm nặng đến gần đất xa trời, cụ gọi chú ba tới bên giường nói lời trối trăng:

- Có người bảo thơ tôi hay hơn thơ anh, có người bảo thơ anh hay hơn thơ tôi, anh thấy thế nào?

Anh con trai cầm tay bố:

- Thơ bố hay hơn là cái chắc.

Cụ bật dậy cầm tay con:

- Thế là anh đã báo hiếu cho tôi được rồi, từ nay tất cả mọi sai lầm của anh tôi đều bỏ qua hết.

Sau đó cụ khỏi hẳn bệnh.

Khi ốm sắp mất, cụ thường tra tấn mọi người bằng cách ngồi hầu thơ cụ hàng giờ, mỏi rã rời, khi hết hơi cụ xua tay thì người nghe mới thoát tù:

Giang hồ tặc tử con không sợ

Chỉ sợ về nhà bố đọc thơ”

Thêm một thú vị là thỉnh thoảng đọc đôi câu thơ của Nguyễn Bảo Sinh. Thơ rằng:

Vào chùa lễ Phật thấy sư

Người người cúi lạy chiếc lư hương đồng

Miệng cầu sắc sắc không không

Đầy trời sắc, thế còn không đâu rồi?


Ta như mây trắng giữa trời

Ngắm nhìn thiên hạ đang ngồi máy bay


Không mong đến, chẳng cầu đi

Không phân khôn dại còn chi để buồn

Tâm như nước chảy trên nguồn

Soi hình tạo hóa mà không lưu hình


Ung dung khắc đến khắc đi

Còi to cho vượt, tranh gì trước sau

Bước chân dù chậm hay mau

Đường ta đi giữa hai đầu tử sinh


Rượu chè cờ bạc gái trai

Là thuốc trường thọ ông trời cho ta

Chính trị là thứ tránh xa

Bàn nhiều đoản thọ hoặc là đánh nhau


Đông vui già chớ chen vào

Gái tơ huých nhẹ chỗ nào cũng đau

Ngắm hoa lại nhớ tới câu:

Hoa kia chẳng nở cho người già nua


Sống mà phải xã giao nhiều

Mệt hơn phò phạch phải chiều lắm anh


Cuối cùng tất cả chúng ta

Đều lên nóc tủ ngắm gà khỏa thân

Có thể trích dẫn thêm nữa. Mà thôi. Ghi dăm câu thơ như một cách cám ơn tác giả Bát phố đã có những trang viết mua vui được cho đêm qua khó ngủ. Người Việt Nam vốn mê thơ và mê Truyện Kiều. Mê nàng Kiều nhất chỉ có thể nhà nho Chu Mạnh Trịnh. Cụ thắp nến, khấn nhang nguyện nàng bước ra khỏi trang sách về ở với mình, nguyện xây nhà vàng cho Kiều. Áng văn đó chấn động tâm thức người đời một thời. Nay, còn có người mê Truyện Kiều không kém gì ai, ấy là ông bạn già Phạm Đan Quế, sinh năm 1936 tại Hải Dương. Tính đến nay ông đã viết cả thẩy 15 tập sách nghiên cứu. Mà các tập sách ấy chỉ nhằm bàn về Truyện Kiều. Phải mê lắm nên ông mới có thể chọn từ, chọn chữ đã xuất hiện trong 3.654 câu thơ Kiều để viết thành bài thơ thất ngôn bát cú như sau:

Ngần ngại đổ chuông chiều nguyện cầu;

Sắc hương vàng nắng ngả rơi mau.

Vần xoay gió bão đầy năm tháng;

Lỗi nhịp Kiều đời trắng bể dâu.

Nhân ái cảnh thiền sai ước thệ;

Mộng tình Kim ấp ủ còn đâu.

Dần xa dõi bóng Từ oan khuất;

Nhân nghĩa Phật tiên chốn nhiệm màu.

Trong bài thơ này, chỉ 2 từ không xuất hiện trong Truyện Kiều: “bão”“dõi”; có tới ba nhân vật trung tâm Thúy Kiều, Kim Trọng, Từ Hải. Bài thơ trên, nếu bỏ 2 chữ đầu của mỗi câu sẽ thành bài ngũ ngôn. Và ông Phạm Đan Quế đã sắp xếp được cả thẩy…1.728 bài thơ gần như có cùng một nội dung. Khiếp chưa?

 

doi-ban-Dinh-Thu-Hien-Nguyen-bao-Gnagh
Nhà thơ Đinh Thu Hiền và nhà thơ Nguyễn Bảo Giang

 

Đêm qua lẩn thẩn lơ thơ với thơ, sáng nay lại thơ. Y nhận lời làm MC buổi ra mắt tập thơ Nỗi nhớ chẳng may tìm đến của Nguyễn Bảo Giang. Ra mắt tại quán X trên đường nọ. Chừng hai mươi năm trước, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp lúc đang đình đám trên văn đàn, anh có mở quán Hoa Ban. Nhiều người ái mộ đến thưởng thức, họ hỏi chủ quán: “Quán anh, món nào ngon nhất?”. Anh nửa đùa nửa thật: “Món ngon nhất là cái mặt tôi”. Nói như thế vì thời ấy, nhà văn có giá không thua kém gì các mẫu hậu quý bà, hoa hậu phường Cây Mít. Thiên hạ ùn ùn kéo nhau đi xem mặt nhà văn rầm rộ không kém gì các fan cuồng ngày nay đi đón ca sĩ Hàn Quốc vậy. Sáng nay có suy nghĩ nghiêm túc rằng, khác với quán Hoa Ban của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, cái quán X mà y đến sáng nay thì món dở nhất, kém nhất vẫn là cái bổn mặt chủ quán!

Bù lại, sáng nay vui bởi câu chuyện xoay quanh chỉ là thơ. Nhiều anh em bè bạn chung vui vì tinh thần cổ động nồng nhiệt. Nhiều câu thơ lục bát của Nguyễn Bảo Giang vang lên trong không khí rất thơ. Vậy là vui. Ngày nay, thơ kén người đọc. Tuy thế, vẫn còn có nhiều người yêu thơ và làm thơ. Trở lại với cụ Nguyễn Hữu Mão, Ngyễn Bảo Sinh cho biết: “Thần tượng của cụ là Hồ Xuân Hương nên cụ lấy bút danh Xuân Phong. Cả nhà: Vợ và 19 con cả dâu lẫn rể đều rất ghét thơ. Thằng chắt đích tôn cụ Mão có lần được khen là nó làm thơ hay, nó đập đầu vào tường đôm đốp, nói: 

- Nếu mà phải làm thơ thì thà chết đi còn hơn”.

Biết thế nào được? Lật ngẫu nhiên tập Bát phố, gặp câu thơ này:

Làm thơ phải có vân thơ

Như vân tay ở trên tờ chứng minh

Làm tình cũng có vân tình

Vân tình in ở chỗ mình đắm say


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment