Chiều hôm qua, anh Lưu Đình Triều đã đi công tác về. Có cầm theo quyển sách do Lưu Khánh Thơ gửi tặng: Biên niên hoạt động văn học Hội Nhà văn Việt Nam (NXB Hội Nhà văn). Chỉ mới tập 1, giai đoạn 1957 - 1975 đã dày đến 1.120 trang in, khổ 16 x 24cm. Lại Nguyên An biên soạn theo đơn đặt hàng của Hội Nhà văn Việt Nam. Chính Vương Trí Nhàn gợi ý đề tài này cho Hội. Bộ sách này là một trong những dự án lớn của Đại hội Nhà văn Việt Nam lần IX (2015). Đọc lướt qua, có mấy thông tin đáng lưu ý:
- Từ ngày 1.4 đến ngày 4.4.1957 tại Hà Nội: Hội nghị thành lập Hội Nhà văn Việt Nam. Hội nghị quyết định 25 nhà văn trúng cử Ban Chấp hành đầu tiên là 25 hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam: Nông Quốc Chấn, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Đình Thi, Tú Mỡ, Anh Thơ, Mộng Sơn, Cầm Biêu, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Huy Tưởng, Hoàng Cầm, Sao Mai, Tố Hữu, Hoàng Tích Linh, Nguyên Hồng, Bửu Tiến, Xuân Diệu, Đoàn Giỏi, Phạm Huy Thông, Tế Hanh, Nam Trân, Vũ Tú Nam, Hoàng Trung Thông, Xuân Miễn, Tô Hoài, Nguyễn Tuân.
Cơ quan ngôn luận của Hội là tuần báo Văn (chủ nhiệm Nguyễn Công Hoan, Thư ký tòa soạn: Nguyên Hồng); NXB Hội Nhà văn (giám đốc Tô Hoài).
-Tháng 3.1958: 304 văn nghệ sĩ nghiên cứu NQ Bộ Chính trị TƯ Đảng (số 30 NQ/TW). Danh sách những người tham gia Nhân văn - Giai phẩm được nêu tên: Thụy An, Nguyễn Hữu Đang, Trần Thiếu Bảo, Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Phan Khôi, Trần Duy, Trần Dần, Lê Đạt, Tử Phác, Đặng Đình Hưng, Hoàng Cầm, Chu Ngọc, Văn Cao, Nguyễn Văn Tý, Phùng Quán, Hoàng Tích Linh, Trần Công, Trần Thịnh, Phan Vũ, Hoàng Huế, Huy Phương, Vĩnh Mai, Như Mai tức Châm Văn Biếm, Hữu Thung, Nguyễn Khắc Dực, Hoàng Tố Nguyên, Hoàng Yến, Thanh Bình, Yến Lan, Nguyễn Thành Long, Trần Lê Văn, Lê Đại Thanh v.v…
-25.5.1958: Ra mắt báo Văn Học (Thư ký toà soạn: Nguyễn Đình Thi) thay thế tờ báo Văn “đã bị tư tưởng Nhân văn lũng đoạn”.
-Ngày 2 và 3.7.1958: Hội nghị toàn thể lần thứ tư BCH Hội Nhà văn Việt Nam. 1. Thi hành kỷ luật đối với một số người trong nhóm Nhân văn - Giai phẩm: a) Khai trừ vĩnh viên ra khỏi Hội: Thụy An, Trương Tửu, Phan Khôi; b) Khai trừ trong thời hạn 3 năm: Trần Dần, Lê Đạt, đình chỉ xuất bản, phổ biến tác phẩm của những người này trong các cơ quan xuất bản, báo chí của Hội trong 3 năm; c) Cảnh cáo trong nội bộ Hội: Hoàng Cầm, Hoàng Tích Linh, Hoàng Yến, Thanh Châu, Trần Lê Văn, Hữu Loan, Huy Phương, Phan Vũ, Chu Ngọc, Nguyễn Khắc Dực, Trúc Lâm, Phùng Quán, đình chỉ xuất bản, phổ biến tác phẩm của những người này trong các cơ quan xuất bản, báo chí của Hội trong 1 năm; d) Khai trừ Hoàng Cầm ra khỏi BCH và để cho Hoàng Tích Linh rút ra khỏi BCH…
- 19.1.1960: Tòa án nhân dân Hà Nội xét xử “vụ án gián điệp” gồm 5 bị cáo: Nguyễn Hữu Đang, Lưu Thị Yến tức Thụy An, Trần Thiếu Bảo tức Minh Đức, Phan Tại và Lê Nguyên Chí. Cáo trạng cho rằng nhóm này, do Thụy An và Nguyễn Hữu Đang cầm đầu, đã tiến hành “chiến tranh tâm lý” phá hoại xã hội miền Bắc mà hoạt chính là xuất bản tờ Nhân văn vào tháng 9.1956 để tuyên truyền chống phá chế độ. Tòa đã tuyên án: Nguyễn Hữu Đang, 15 năm phạt giam, 5 năm mất quyền công dân; Lưu Thị Yến tức Thụy An, 15 năm phạt giam, 5 năm mất quyền công dân; Trần Thiếu Bảo tức Minh Đức, 10 năm phạt giam, 5 năm mất quyền công dân; Phan Tại, 6 năm phạt giam, 3 năm mất quyền công dân; Lê Nguyên Chí, 5 năm phạt giam, 3 năm mất quyền công dân.
Cách làm “biên niên hoạt động văn học” là ghi nhận lại các sự việc cụ thể bằng thông tin chính xác, thông tin thu tập từ nhiều nguồn, càng cụ thể càng tốt. Tuy không có lời bình qua đó người ta có thể hình dung ra tình hình chính trị - xã hội của một thời và nó đã chi phối, ảnh hưởng đến đời sống văn học như thế nào. Trộm nghĩ, nếu muốn có cái nhìn đầy đủ về một sự kiện nào đó, vụ Nhân văn - Giai phẩm chẳng hạn, phải tìm đọc cho bằng hết những bài viết đã in trên báo chí thời đó mà Lại Nguyên An đã chỉ rõ “nguồn”: in báo nào, năm tháng nào, tác giả nào v.v…. Những trang liệt kê của Lại Nguyên Ân cho thấy, ông làm công tác tự liệu rất tốt. Tất nhiên vẫn còn thiếu sót nhiều sự kiện, sự việc. Điều này hiển nhiên thôi. Chẳng ai tài thánh gì có thể làm đầy đủ cả. Nhưng trước mắt, tập sách này là nền móng đầu tiên, chắc chắn hữu ích giúp cho người đi sau tiếp tục công việc gian nan này.
Một tập biên niên hoạt động văn học miền Nam từ 1954-1975, đến nay đã có ai bắt tay thực hiện chưa?
Về “vụ án gián điệp” nêu trên, chỉ 1 người có tên trong tập sách Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan, đó là Thụy An. Một trong những người của Nhân Văn - Giai phẩm hiện nay còn sống, còn sáng tạo dữ dội là nhà thơ Phan Vũ. Ông làm điện ảnh, làm thơ và vẽ như điên. Không rõ, ông thực hiện chế độ ăn uống, luyện tập thế nào mà ngoài 80 xuân xanh vẫn còn có thể phóng xe Honda bạt mạng, nói cười rổn rảng và lúc nào cũng phơi phới nói cười như thanh niên?
Những ngày này, mưa nắng thất thường. Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, bão số 3 (có tên quốc tế là bão Kalmeagi) đổ bộ và ảnh hưởng trực tiếp từ Quảng Ninh đến Hải Phòng, vùng trọng tâm là tỉnh Quảng Ninh.
Cuộc chiến với sư tử Trung Quốc đang đến hồi quyết liệt. Thông tin từ báo chí cho biết, cả nước đang thực hiện chỉ đạo của Bộ VHTTDL về việc đề nghị không sử dụng linh vật, sản phẩm, biểu tượng không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Tuy nhiên, nghệ nhân những làng đá mỹ nghệ nổi tiếng như Ngũ Hành Sơn đang kêu trời bởi họ không biết sẽ thay thế sư tử đá mà lâu nay đã chế tác bằng con gì? Nếu thay thế mà khách không mua chỉ sạt nghiệp, hơn nữa sự tồn đọng sư tử đá được “thanh lý” thế nào để có thể lấy lại vốn đã đầu tư? Bên cạnh đó, vấn đề đặt ra cho cán bộ cơ sở là không phải ai cũng có trình độ kiến thức xác định linh vật có hình dạng như thế nào là “không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam” như ông Lê Quang Tươi - trưởng Ban quản lý khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn phát biểu trên TT sáng nay.
17.9.2014
Trưa nay, đọc tờ Đời sống & pháp luật - cơ quan trung ương của Hộ Luật gia Việt Nam, có thông tin này lạ quá. Ghi lại, sau này, có thể là một tư liệu cần thiết cho những ai muốn làm “biên niên” về tuyến đường sắt Việt Nam: “Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13,05 km đường sắt trên cao với 12 nhà ga từ Cát Linh đến bến xe Yên nghĩa (Hà Đông); đường sắt đôi, khổ 1435mm; tốc độ chạy tàu tối đa 80km/h; thời gian chạy 1 chuyến khoảng 23,6 phút; lưu lượng vận chuyển tối đa 57.000 người/h tương đương hơn 1 triệu người/ngày. Dự kiến, thời gian thực hiện dự án ban đầu là 5 năm (từ tháng 11/2008 - tháng 11/2013), tuy nhiên tới nay, sau khi chậm tiến độ gần 2 năm, BQL Dự án vẫn khẳng định phải tới quý III năm 2015 mới có thể hoàn thành toàn bộ dự án.
Đặc biệt là về mức tổng vốn đầu tư của dự án, theo dự kiến ban đầu thì mức đầu tư là khoảng 435,7 triệu USD, song thời điểm hiện tại, tổng mức điều chỉnh dự án gần 892 triệu USD, có nghĩa tăng thêm hơn 339 triệu USD. Đây được coi là dự án ODA phát sinh nhiều nhất nhất từ trước cho tới nay. Với việc đội vốn này, ước tính chi phí để hoàn thiện đi vào vận hành 1km đường sắt đô thị sẽ tăng từ 33 triệu USD lên tới 68 triệu USD/1km.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Quyền Tổng giám đốc Ban quan lý Dự án Đường sắt khẳng định: “600 người phục vụ 13km đường sắt tuyến Cát Linh - Hà Đông không phải là chuyện đùa, bởi đây là con số đã được tính toán rất kỹ trên toàn bộ quy trình vận hành, bên cạnh đó, nó còn được áp dụng theo công nghệ tiên tiến nhất mà JICA (Nhật Bản) đã tư vấn”.
Lâu nay không gặp Thịnh. Vào trang web motthegioi xem loáng qua môt chút, bởi lẽ đôi lúc nhớ bạn, không việc gì phải điện thoại, nhắn tin chỉ cần lật trang sách đọc lại những gì bạn đã viết; hoặc xem tờ báo bạn đang làm, vậy cũng đủ. Xem mới biết rằng, “mức trung bình làm 1km tàu điện của thế giới chỉ là 20-30 triệu USD, còn tuyến đường đường sắt tuyến Cát Linh - Hà Đông là 70 triệu USD”.
Những con số này nói lên điều gì?
Chiều nay, có hẹn đi chụp ảnh. Ăn mặc đẹp. Phải cười tươi roi rói. Chụp làm gì? Ai chụp? Xem hồi sau sẽ rõ.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|