LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 8.10.2014

 

van-lang-1991

 

Những ngày trước ở Sài Gòn, ngày mưa, đang mưa đột ngột có nắng. Nắng mọc lên chói lòa. Rực rỡ. Và mưa thì cứ mưa. Mưa trong nắng. Nắng trong mi7a. Bây giờ, đã khác. Mưa dầm dề không ngớt. Mưa rỉ rả. Nhòe nhoẹt mưa. Chiều thứ tư vừa rồi, họp xong, rời cơ quan. Đi về trong mưa, tự dưng thèm bún bò Huế lạ lùng. Tìm kiếm trong trí nhớ. Tìm mãi. Tìm từ đường Điện Biên Phủ lên đến tận sân bay Tân Sơn Nhất. Vẫn không tìm ra quán nào ưng ý. Cuối cùng, quay về Pasteur. Và lại  phở. Chiều qua vẫn thèm tô sợi bún nhỏ. Ớt thật cay. Váng mỡ màu rêu cua. Thật ngon. Thật đậm đà thương nhớ. Mùi vị của bún bò Huế bám riết không nguôi. Lại đi tìm. Đôi khi thèm ăn một chút gì, lúc mưa. Rồi cũng không thể. Cuối cùng, tạt qua Kỳ Đồng với phở. Nhớ về Đà Nẵng vẫn là những món ăn ngon.

Thương cha nhớ mẹ thì về

Nhược bằng thương kiểng nhớ quê thì đừng

Đành rằng, về quê với nỗi lòng, tấm lòng yêu thương vô bờ bến dành cho đấng sinh thành là đúng rồi, nhưng “thương kiểng nhớ quê thì đừng”? Tại sao lại thế? Có ai giải thích giúp cho không? Thôi thì, tự giải thích vậy. Có những câu ca dao, thế hệ sau sẽ khó “giải mã” nếu không biết rõ hoàn cảnh ra đời của nó. Có lẽ câu ca dao trên ra đời từ thời ông Nguyễn Duy Hiệu - thủ lĩnh  Nghĩa Hội Quảng Nam bị Pháp đàn áp vào đường cùng. Nguyễn Thân - người trực tiếp cầm quân giao chiến với nghĩa binh đã tung độc kế là bắt mẹ Nguyễn Duy Hiệu đặng gây áp lực. Cuối cùng, trong lúc binh mã tan tác, phó tướng Phan Bá Phiến uông độc dược tự vẩn, ông Hiệu phải “bó thân về với triều trình”. Ông bị chặt đầu vào ngày 1.10.1887 tại pháp trường An Hòa (Huế).

Khi cái đầu phi thường của người anh hùng rơi xuống đất, lập tức được triều đình sai chở bằng chuyến xe tốc hành vào Quảng Nam, bêu cho công chúng dọc đường nhìn thấy nhằm uy hiếp tinh thần. Cùng lúc, các trạm phóng ngựa ruổi khắp tỉnh, cầm trên tay một dòng chữ rất lớn: “Hiệu đại thủ lĩnh đã bị giết”! Năm kia, đi điền dã, có ghi chép lúc ông Hiệu bị giam tại Huế: Trong tù, ông yêu cầu được cung cấp 200 tờ giấy lớn để kê khai họ tên của những người tham gia Nghĩa hội! Lập tức một án thư được thiết lập trang trọng để ông khải trình. Cuối cùng, trên 200 tờ giấy, triều đình Huế phải đọc 200 lần với lời khai duy nhất: “Nghĩa hội Quảng Nam, Quảng Ngãi chỉ có mình Hiệu. Từ Hiệu trở xuống đều bị Hiệu cưỡng bức phải theo”. Những chi tiết này cần cho sử học. Ngày nay, trên đường từ Đà Nẵng vào Hội An, vẫn còn thấy đền Nguyễn Duy Hiệu trong một công viên lớn.

Trở lại với câu ca dao trên, ý rằng, nếu vì cha vì mẹ (như ông Hiệu) thì về quê, bằng không thì thôi, đừng về để bảo toàn tính mạng. Do ra đời trong hoàn cảnh có nên câu ca dao mới có lời nhắn nhủ đó.

Giải thích có hợp lý không? Ắt có. Đôi khi y tự “ăn dưa bở” là thế. Mà cũng chẳng sao. Tự mình lý giải, tự mình thích là vui rồi. Chẳng hạn, mấy đọc lại mấy câu tuyệt hay trong văn tế của cụ Nguyễn Đình Chiểu như “Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan”; “Kẻ đâm ngang, người chém dọc, làm cho mã tà ma ní hồn kinh”; “Sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ”... Những từ khó hiểu như  bòng bong, trắng lốp, mã tà ma ní… thì người ta đã giải thích rồi. Giải thích thuyết phục nhất vẫn là ông Nguyễn Dư công bố trên mạng Chim Việt cành Nam. Tuy nhiên, ông Dư bỏ qua “rượu lạt”, không giải thích. Vậy “rượu lạt” là rượu gì? Câu hỏi cắc cớ ấy không phải thừa. Nếu toàn bộ sáng tác của Cụ Đồ bị thất lạc ráo trọi thì chỉ duy Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, cụ cũng xứng đáng đời sau dựng tượng đài.

Thiên hạ nói nhiều, ca ngợi nhiều Tế trận vong tướng sĩ của Nguyễn Văn Thành, đành rằng tuyệt bút nhưng do viết từ những năm Nguyễn Ánh vừa lên ngôi (1802) nên có nhiều từ Hán Việt, điển cố, điển tích mà nay đọc thấy khó hiểu. Trong khi đó, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc do viết sau (1861) nên từ ngữ vẫn gần với thế hệ ngày nay hơn. Sau một cuộc chiến khốc liệt, người xưa đã có những bài văn tế đạt đến sự toàn bích về nội dung và nghệ thuật.

“Phận truy tùy, ngẫm lại cũng cơ duyên; trường tranh đấu biết đâu là mệnh số.

Kẻ thời chen chân ngựa quyết giật cờ trong trận, xót lẽ gan vàng mà mệnh bạc, nắm lông hồng theo đạn lạc tên bay; kẻ thời bắt mũi thuyền toan cướp giáo giữa dòng, thương thay phép trọng để thân khinh, phong da ngựa mặc bèo trôi sóng vỗ.

Hồn tráng sĩ biết đâu miền minh mạc, mịt mù gió lốc, thổi dấu tha hương; mặt chinh phụ khôn vẽ nét gian nan, lập lòe lửa trời, soi chừng cổ độ.

Ôi! Cùng lòng trung nghĩa, khác số đoản tu, nửa cuộc công danh, chia phần kim cổ”.

An ủi thay cho binh lính dưới trướng Nguyễn Ánh, nghe Tế trận vong tướng sĩ cũng ngậm cười chín suối; vẻ vang thay cho nghĩa quân theo cờ nghĩa Trương Định, nghe Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc cũng thỏa lòng mát dạ chốn cửu tuyền. "Uống nước nhớ nguồn", tri ân những người đã bỏ mình vì hòn tên mũi đạn chốn sa trường là cái tình, tấm lòng, nghĩa khí, đạo đức của người Việt từ ngàn đời nay. Sau ngày 30.4.1975 đã có bài văn tế nào ca ngợi người lính Việt Nam cùng máu đỏ da vàng đã bỏ mình vì "Tổ quốc trên hết" đạt đến tầm cỡ nghệ thuật như trên?

Hãy trở lại với “rượu lạt” và thử tìm hiểu xem sao. Có lẽ cụ Đồ Chiểu muốn nói đến loại “rượu vang” đấy chăng? Tính về nồng độ, rượu này nhẹ hơn “rượu đế” quốc hồn quốc túy của dân Nam kỳ nên cụ mới gọi là "rượu lạt". Sở dĩ có suy luận này, vì như ta đã biết năm 1863, phái đoàn Phan Thanh Giản sang Pháp điều đình xin chuộc ba tỉnh miền Đông: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường. Nội tình nước Pháo chia làm hai phe, một, đồng ý cho Việt Nam bỏ tiền ra chuộc đất vì ngân sách đang thâm thủng; một, tiếp tục đeo đuổi cuộc viễn chính chiếm Nam kỳ vì nhiều quyền lợi khác. Trong các quyền lợi đó, còn có cả việc mở rộng thị trường buôn bán hàng hóa, sản phẩm… của người Pháp. Tất nhiên giới thương gia Pháp không đứng ngoài cuộc. Loại rươu vang Bordeaux trứ danh của miền Nam nước Pháp đã theo gót chân quân viễn chinh đến tận trận chiến ở Nam kỳ, cùng với bánh mì, xà phòng… Lúc ấy, chưa biết tên gọi cụ thể là gì, Cụ Đồ gọi “rượu lạt” là vậy.

Suy luận này không phải vu vơ, có những mẩu chuyện ghi bên ngoài chính sử, chẳng hạn, khi nghĩa quân, có thể của Trương Định, Thiên Hộ Dương, Nguyễn Trung Trực… trong các trận đánh đã thu về nhiều chiến lợi phẩm của kẻ thù. Lúc cầm cục xà phòng, nhai thử thấy mắn mặn, mùi vị lại thơm nên nông dân nước Việt cầm súng cầm gươm vì nghĩa lớn đã mạo muội nghĩ rằng có thể ăn được. Họ đã nấu cháo, bỏ vào bánh xà phòng để ăn thử xem ra sao? Đọc sử, mỗi người có thể tiếp cận được tùy theo góc nhìn của mỗi người. Tất nhiên, góc nhìn ấy cho phép suy luận.

Về ngôn ngữ học, có thể suy luận được không? Có thể. Nhưng tìm đến tận cùng từ nguyên vẫn chính xác hơn cả. Câu thơ của Nguyễn Trãi: “Dấu người đi lá đá mòn” hay “Dấu người đi là đá mòn” hay “Dấu người la đá mòn”? Đọc tạp chí Hán Nôm những năm trước đây và nhiều tài liệu khác vẫn thấy các học giả còn tranh luận không dứt. Mới đây, đọc công trình nghiên cứu mới nhất về Nguyễn Trãi: Nguyễn Trãi quốc âm từ điển. Trong đó, Tiến sĩ Trần Trọng Dương có giải thích:La đá: âm cổ của đá khi tiếng Việt vẫn còn tồn tại từ cận song tiết lata” v.v… Ai muốn tìm hiểu kỹ thì đọc ở trang 186. Ở đây, chỉ nói gọn rằng: câu thơ trên của Nguyễn Trãi ta có thể hiểu, người đi đá mòn.

Chỉnh vàng chẳng tiếc danh thì tiếc

La đá hay mòn nghĩa chẳng mòn

Ấy là tâm sự của Nguyễn Trãi, sống ở thế kỷ XV nên cách diễn đạt đã khác thế hệ chúng ta, nhưng ngữ nghĩa vẫn không thay đổi. Trong tập sách trên, Trần Trọng Dương (và nhiều học giả khác) cho rằng câu thơ Bà ngựa già thiếu kẻ chăn” của Nguyễn Trãi, thì “bà ngựa” là từ cổ của tiếng Việt nhằm chỉ con ngựa và anh có đưa ra nhiều dẫn chứng khác, đọc thấy hợp lý. Tuy nhiên, sáng nay, dậy sớm lấy ngẫu hứng trên kệ sách tạp chí Văn Lang (số tháng 2.1991) in ấn phát hành tại Mỹ và đọc giết thời gian. Tình cờ lật đúng trang in bài giới thiệu tập sách Kinh dịch của người quân tử của học giả Nguyễn Hiến Lê, ông Xuân Phúc có viết (nguyên văn):

“Trong Quốc âm thi tập của nguyễn Trãi, bài số 1, có câu này:

Bà ngựa già thiếu kẻ chăn

Ta có thể hiểu được là “nước nhà hiện nay không có vua”, ngựa gầy chỉ nước nhà theo điển của đoạn trong Thuyết quái truyện, chương 11: “Kiền vi thiên, vi viên, vi quân, vi phụ, vi ngọc, vi kim, vi hàn, vi băng, vi đại xích, vi lương mã, vi lão mã, vi tích mã, vi bác mã, vi mộc quả”.

Kiền là trời, là hình tròn, là ông vua, là người cha, là ngọc, là vàng, là lạnh, là băng, là sắc rất đỏ, là con ngựa tốt, là ngựa già, là ngựa gầy, là ngựa vằn, là trái cây (tr.221).

Với cách giải thích này, nghĩa câu thơ của Nguyễn Trãi hoàn toàn khác như những gì đã hiểu. Thử suy luận: Vì sao "vi lương mã, vi lão mã" xuất hiện trong ngữ cảnh này? Chỉ có thể do thời cổ đại, phương tiện di chuyển nhanh nhất, "hiện đại" nhất chỉ có thể là ngựa. "Ngày xanh như ngựa đầu xanh bạc" (Tản Đà), hoặc thường nghe nói "bóng câu qua cửa sổ" nhằm chỉ sự việc vụt qua nhanh chóng, chóng vánh. Theo đó, hình ảnh con ngựa là nhằm chỉ về thời gian. Thời gian gắn với sự vận động "kiền vi thiên", của trời là cách nói quá tài tình của người xưa. Còn bà ngựa trong thơ Nguyễn Trãi thì thế nào? Sao không nói... ông ngựa như ta từng nghe ông cọp chẳng hạn? Yếu tố "bà" ở đây phải chăng là vết tích còn sót lại của chế độ mẫu hệ? Nếu thế, người Việt cổ gọi "bà ngựa" cũng là điều dễ hiểu. Câu thơ "Bà ngựa gầy thiếu kẻ chăn"  có hàm nghĩa như ông Xuân Phúc đã giải thich không? Muốn kết luận phải tìm ra những câu thơ, văn khác của Nguyễn Trãi, cùng hoặc trước thế hệ với Ngyễn Trãi cho phép ta liên tưởng đến nghĩa bóng của nó. Bằng không "bà ngựa" cũng chỉ "bà ngựa". Tuy nhiên nếu xác định như ý kiến của ông Xuân Phúc thì rõ ràng câu thơ đa nghĩa hơn, có chiều sâu hơn.

Đôi khi ước gì được trò chuyện với những người giỏi, giỏi “chính hiệu con vàng”, qua đó, nếu có những thắc mắc mà nghe họ giảng giải thì cũng học được biết bao điều.

Đi làm thôi. Sáng nay, bún bò Huế hay phở? Lại phở.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment