LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 7.9.2014

 

Có mấy thông tin lưu ý:

Ngày 3.9.2014: Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo VN gửi công văn tới Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo VN ở 63 tỉnh thành yêu cầu trụ trì các chùa, cơ sở tự viện - đặc biệt là các di tích lịch sử, văn hóa đã xếp hạng - chủ động tổ chức di dời, không bài trí các tượng sư tử đá và linh vật không đúng với mỹ thuật truyền thống VN ra khỏi cơ sở thờ tự, tự viện; phối hợp với Sở VH-TT-DL tỉnh để có nơi di chuyển đến và xử lý.

Ngày 4.9.2014: Cục Hàng không Việt Nam báo cáo kết quả bay thực nghiệm đường bay thẳng Hà Nội - TP HCM sử dụng không phận Lào và Campuchia, tương đồng với đề xuất “đường bay vàng” theo cách bay kéo thẳng kinh tuyến 1060 Đông từ Hà Nội đi TP HCM. Thử nghiệm trên mô hình buồng lái giả định cho thấy “đường bay vàng” chỉ rút ngắn được 5 phút bay, tiết kiệm được khoảng 190 kg nhiên liệu, tương đương 190 USD song chi phí quá cảnh Lào và Campuchia hiện là 637 USD/chuyến bay.

Ngày 5.9.2014: 22 triệu học sinh (HS), sinh viên cả nước bước vào năm học 2014-2015.

Có lẽ những ngày này, Dự thảo Nghị định về quản lý sản xuất, kinh doanh bia do Bộ Công thương đang soạn thảo (quy định hạn chế bán bia tại một số địa điểm như: trường học, bệnh viện, công sở, vỉa hè…) vẫn là câu chuyện “trà dư tửu hậu” của nhiều người.

Đêm qua, mưa khủng khiếp. Tẹo đi châu Âu về, ghé ngủ lại nhà 1 đêm, chiều qua đã ra sân bay về Đà Nẵng. Chiều qua, ngồi một mình đếm tiếng mưa. Nghe rầu rĩ quá bèn đóng cửa nhà, đi ngủ sớm. Vẫn thói quen đã quen, quen đọc cái gì đó trước lúc ngủ. Vẫn đọc Lỗ Tấn. Đêm qua, mở ra, gặp lại câu trong tạp bút Hồng không hoa: “Những lời nói dối viết bằng mực quyết không che lấp sự thật viết bằng máu. Nợ máu phải trả bằng máu. Hễ mắc nợ càng lâu thì trả lãi càng nhiều”. Nếu soi rọi vào lịch sử Việt Nam, câu này có ý nghĩa gì đối với các triều đại Trung Quốc từ trước đến nay? Đến bao giờ nhà cầm quyền Trung Quốc mới ý thức được như Lỗ Tấn?

Sáng nay, Chủ nhật. Đã lâu rồi. Vẫn chỗ ngồi mỗi ngày. Vẫn gõ bàn phím. Giết thời gian. Thời gian của từng ngày tẻ nhạt. Cũ rích. Ẩm mốc. Cảm tưởng như từng giọt máu trong thân xác này đang khô lại. Từng mạch máu nghẽn. Từng ngày không gì mới. Vẫn nhàn nhạt trôi qua. Đến một lứa tuổi nào đó, con người ta cảm thấy tìm kiếm niềm vui khó khăn lắm. Niềm vui của thời trai trẻ không còn đủ sức hấp dẫn, quyến rũ như trước nữa. Tưởng là thế. Niềm vui xuyên suốt trong đời y, nghiệm lại, hầu như vẫn không gì thay đổi. Ngay từ thơ bé, thuở mười lăm, mười sáu đã có thói quen lang lang đến chỗ bán cân ký các loại sách báo cũ. Y nhẵn mặt ở đoạn đường Ông Ích Khiêm, gần chợ Cồn (Đà Nẵng), đến lục lọi, tìm mua một cách say mê, hứng thú. Vài chục năm sau, vẫn còn giữ thói quen ấy.

Ngày hôm kia, sau khi đi thăm ông bạn già thi sĩ ở cư xá Bắc Hải, lúc về, như thói quen, lại tạt vào tiệm sách cũ trên đường Cách mạng tháng Tám. Mải mê tìm kiếm sách. Lật ra bìa cuối quyển sách nào cũng thấy giá ghi cao quá nên ngần ngừ bỏ xuống. Nơi này, không bao giờ bớt một xu. Chẳng hy vọng trả giá. Đột nhiên, cậu thanh niên, con trai ông già bán sách bước đến: “Anh thích quyển nào? Anh chọn đi. Em lấy giá rẻ cho anh”. Ngạc nhiên quá, hỏi thêm đôi câu. Cậu trai ấy nói, đại khái, bố em bán sách chứ không phải phổ biến văn hóa (!?). Một quyển sách có thể cần thiết cho người này, được nâng niu từng trang; với người kia, trang sách ấy chỉ là giấy lót nồi, không hơn không kém. Vì thế, ai cần quyển sách nào, tùy đồng tiền họ có thể mua mà bán cho họ. Cứ khăng khăng bán giá cao kiếm lãi, thì đâu phải là nghề bán sách (!?). Nghe được những câu lọt lỗ tai ấy, bèn cười: “Nói thế thôi, chắc gì bố em đã đồng ý?”. “Anh yên tâm, bố em vừa đi khỏi nhà rồi. Anh chọn mua đi. Nếu anh thật sự thích, em nhường lại cho anh ngay”. Ơ hay! Nếu ông bố của cậu trai ấy, lúc quay về phát hiện ra thì sẽ thế nào? Ông bố bán sách kiếm sống nên nghĩ khác. Cậu con trai lại nghĩ khác. Ai cũng có lý cả. Đọc Vương Hồng Sển, còn nhớ rằng, cái thú chơi đồ cổ phải “có hậu” - nghĩa là không vì người bán lúc túng quẫn là bắt chẹt, ép giá; không vì biết họ “tay mơ” mà hạ giá như mua một mớ rau ngoài chợ! Cái gì cũng nên thuận mua vừa bán. Nghe những lời bộc bạch của cậu trai trẻ ấy, nghĩ gì? Nên mua hay không?

Đi mua sách cũ đôi khi có những suy nghĩ vẩn vơ ấy. Buồn cười ấy.

Sáng hôm qua, sau khi ăn phở với Tẹo, lại tạt vào hiệu sách cũ, lúc trên đường về nhà. Thấy có bày bán nhiều tạp chí Đối Diện, loại quay ronéo. Thế mới quý. Vì sau khi bị đàn áp dữ dội, không thể in ấn được nên khoảng từ năm 1974 đến tháng 3.1975 nó xuất hiện bằng hình thức đó. 50 ngàn đồng/cuốn. Góp phần làm sụp đổ chế độ Sài Gòn có phần tiếp tay tích cực của loại báo chí tả khuynh này. Còn nhớ, ông cậu ruột của y, dù không là “Việt cộng nằm vùng” nhưng trong nhà có lưu trữ những tạp chí Đối Diện cũng bị bắt bớ, truy vấn về thái độ chính trị. Trí thức miền Nam rất khoái tờ báo này. "Công lao" ấy, sau khi chế độ Sài Gòn sụp đổ sẽ được ghi nhận chăng? Chỉ biết, số phận Đối Diện kết thúc từ số báo cuối cùng 114 - số đặc biệt Giáng sinh 1978 (phát hành 12.1978). Trong đó, có "Lời cáo biệt" của LM Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan cùng ban biên tập và tòa soạn. Sau này, gặp anh Nguyễn Nghị - thành viên ban biên tập Đối Diện, anh cho biết cách thức qua mặt sự kiểm soát của chính quyền Sài Gòn là mọi vật liệu, in ấn, phát hành đều xuất phát từ một nhà thờ ở Thủ Đức. Cách làm báo linh động, độc đáo ấy, có lẽ chẳng còn có cơ hội quay trở lại.

 

so-bao-cuocung

Tạp chí Đối Diện số 114 - số báo cuối cùng phát hành tháng 12.1978 - tư liệu L.M.Q

 

Bây giờ, cách làm báo đã khác. Thông tin lưu truyền, phổ biến cũng đã khác trước. Trong quyển Một nền báo chí phẳng (NXB Trẻ- 2014), anh bạn nhà báo Đỗ Đình Tấn thở dài: “Nếu tin vào những dự báo này thì Internet sẽ là gã bắn phát súng ân huệ cuối cùng cho báo in”; (…) “Theo Tổ chức Bản quyền Trí tuệ thế giới thuộc Liên Hiệp Quốc, sự biến mất của báo chí truyền thông (báo in) được dự báo cuối cùng là năm 2040! Có tác giả còn ấn định tang lễ đối với nhật báo in cuối cùng là tháng 4.2040. Thậm chí có người cho rằng cái ngày này còn diễn ra sớm hơn nữa: báo in chết vào năm 2017 ở Mỹ, năm 2019 ở Anh và 2020 ở Pháp” (tr.186). Nhân tố nào đẩy bao in truyền thống xuống vực thẳm, không còn là “Kinh nhật tụng buổi sáng cho con người hiện đại” (Georg Hegel) nữa? Anh Tấn cho biết 3 nhân tố, có thể tóm tắt sơ lược:

1. Thông tin miễn phí trên internet là cú đập choáng váng vào các doanh nghiệp báo chí truyền thống; thông tin thừa thãi, dễ dàng tìm kiếm thông tin ngoài báo chí…; 2. Kỹ thuật số hóa và thông tin tràn ngập trên internet cắt đứt sự lệ thuộc của quảng cáo vào báo in…; 3. Sự tràn ngập thông tin cùng công cụ tìm kiếm mới góp phần hình thành thói quen mới của độc giả, nhà báo - người chuyên cung cấp thông tin mất đi sự độc quyền, từ nay, ai ai cũng có thể kết nối và tải lên internet những thông tin của mình. Từ đó, cư dân mạng thiết lập nên thang giá trị riêng cho thông tin dựa trên những quan tâm chung và trên trang web và blog mà họ yêu thích v.v… Nói cách khác, “Cùng với sự ra đời của internet, web, bolg và các trang mạng xã hội đã xuất hiện những  “công dân sinh ra với văn hóa web” (digital natives) cùng những nhà báo công dân (những công dân bình thường hay chuyên gia), và họ đang tải những thông tin không do những phương tiện truyền thông đại chúng sản xuất như trước” (tr.187).

Những thông tin này thú vị, bèn ghi lại. Cũng ghi lại chuyện này luôn. Anh bạn nhà thơ, nhỉnh hơn y vài tuổi, những năm gần đây anh chẳng tha thiết gì với đời sống mà anh cho là “ô trọc” nên chỉ thích ngao du sơn thủy. Nay chiêm bái chùa này, mai nghe kinh chùa nọ và làm thơ thiền. Anh ăn chay như cư sĩ tu tại gia. Vợ con anh đồng thuận sự lựa chọn ấy. Ngày tháng êm ả trôi qua. Hôm nọ, anh hoảng hốt báo tin là mọi sự đảo lộn cả. Tại sao? Rằng, anh có làm bài thơ tặng ni cô chùa nọ rồi post lên trang mạng kia. Nào ngờ, vợ anh đọc được. Cơn ghen đùng đùng dậy sóng! Đàn bà kỳ cục thật. Thấy chồng, tặng thơ cho cô khác, dù không phải thơ tình lăng lăng tán tỉnh, là ghen. “Q nói giúp tôi một tiếng”. Tất nhiên rồi. “Anh đã nói gì với chị chưa? Để Q còn lựa lời”. Anh trầm ngâm giây lát: “Một ly nước đang đầy, rót thêm nữa, nước chỉ tràn ra ngoài. Đã hiểu thế, thế thì, nói thế nào đây? Cách nói tốt nhất, đôi khi chỉ là sự im lặng”.

Ngày chủ nhật. Từ Hà Nội, Đoàn Tuấn vừa nhắn tin: "Nắng đang đẹp. Ngày đang vui. Xuống phố đi Q ơi!"


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment