Thiếu một cây nêu
Của Tùng-Hiệp Mạnh-Quỳnh vẽ
Giời lạnh lắm !
Những hạt mưa bay phất-phới trùm lên cảnh vật núi non một bức màn u-ám, mịt mờ ! Ánh đèn điện trên bờ đường chiếu xuống mặt bể thành những vệt trắng dài – tuy giời mới về chiều chưa tối hẳn. Xa xa vài chiếc thuyền nhỏ bập-bềnh theo làn nước nổi trôi...
Cảnh Hồng-kông chiều nay chìm đắm trong một bầu giời lạnh lẽo. Những người đi lại trong phố phường có vẻ vội vàng để mau về được chốn gia-đình êm-ấm, khác hẳn cảnh mưa gió bên ngoài. Và ở giữa đám đông ấy có một người thu thu hai bàn tay vào túi áo,, chậm rãi bước một trên vỉa hè và đưa mắt lơ đãng nhìn cảnh vật bên ngoài với một bộ mặt thẫn thờ của một tâm hồn trống trải.
Chiều nay là chiều ba mươi Tết ở Hồng kông- một kinh-thành rộng rãi, đông đúc, sáng sủa vào bậc nhất Á-đông ! Mọi người ở đây vui quá phải chăng vì – khác người lữ-khách nọ - họ được ăn Tết trên đất nước quê hương ?
Tiếng pháo thỉnh thoảng lại nổi lên từng chuỗi ngắn. Những màu xanh đỏ rực rỡ huy hoàng toả ra qua những cánh cửa vừa sơn lại và mở rộng ra ngoài đường. Một mùi thơm của hương hoa, của trầm đốt làm say đắm lòng người !
Từng làn gió lạnh ở phía bể thổi vào. Người lữ-khách rẽ ra phía bờ bể để dạo qua xem buổi chợ hoa họp từ sáng thâu đêm - một đặc điểm về Tết của đất Hồng kông – và người ấy mua một bó hoa hồng trắng đẹp, trên cánh hoa còn nặng chĩu những hạt nước lóng lánh y như sương sớm lóng lánh dưới ánh mặt giời !
Người lữ-khách tay cầm bó hoa lững thững rẽ đám đông để trở lại nhà. Nhà đây là một gian phòng có ánh đèn êm dịu, có mùi hương đốt thơm thơm, có sắc hoa hồng rực rỡ, có rượu, có bánh, có thuốc lá, có trè Tàu, có đủ những vị cần để gợi một cái Tết y hệt Tết ở quê hương của người lữ-khách nọ !
Không khí hôm nay hình như có chứa một cái gì nặng nề khó thở. Gian phòng những bữa trước người lữ-khách cho là có đôi chút chật hẹp thì chiều nay chàng thấy nó rộng rãi bát ngát lạ lùng.
Mưa bay đập và chẩy thành dòng trên cửa kính.
Nặng nề bước một trong phòng, chàng muốn làm một cử chỉ gì mạnh mẽ để thoát được cái cảnh đè nén của tâm hồn lúc đó. Chàng mở tung cửa sổ và nhìn ra một thửa vườn con con. Ở đó có một cây dừa cao vót, một cây dừa gần chết với thân cây trơ trọi, những lá dừa đã sớm dụng theo gió đông rồi !
Nhìn thấy cây dừa nọ nổi bật lên da giời tím nhạt, một hình ảnh bỗng chạy qua óc người lữ-khách.
Nhi ấy sực nhớ đến cây nêu năm năm cứ mỗi lần Tết đến thường vươn mình đứng trước thửa sân ngay cửa nhà chàng. Cây nêu – linh hồn Tết của người An-nam – lúc này không có ở trước ngôi nhà chàng ăn Tết !
Tết đã đến rồi. Quê hương chàng xa lắm. Giời Hồng-kông lạnh lắm.
- Chỉ thiếu một cây nêu.
Người lữ-khách hồi tưởng lại những cái Tết khi chàng còn nhỏ tuổi, khi còn nhởn nhơ sống những ngày êm đẹp vô-tư trên đất Việt-nam.
Hồi ấy mới lên mười hai tuổi, và đang lúc sống trong luỹ tre-xanh, mỗi lần Tết đến, xuân sang là lòng chàng lại nhộn-nhịp tưng-bừng cùng cây cỏ. Và cứ mỗi ngày 29 Tết là chàng lẽo đẽo theo cha chàng- một ông già gót sáu mươi tuổi đầu – ra sau vườn để xem ông lựa chọn trong rặng tre lấy một cây tre thật cao, thẳng, đẹp, chặt ngay từ gốc rồi phát hết mấu làm cho thân tre nhẵn lì, trên ngọn cùng chỉ còn lơ thơ vài chùm lá nhỏ. Ở ngay ngon, cha chàng buộc một cái vòng cũng bằng tre quấn lạt và vải đỏ. Ở quanh vòng ấy và ở những sợi dây dăng ngang dọc giữa vòng, cha chàng buộc những con cá, những chiếc khánh bằng sành nung đen sẫm, và những tua vải hồng hồng mỗi lần gió thổi lại nhẹ tung bay.
Cha chàng vác cây tre ấy ra giồng ở một nơi quang đãng sạch sẽ ngay trước nhà chàng. Rồi gió nổi lên ; những tua vải khẽ bay, vòng tròn quay lại, quay đi : các con cá, các chiếc khánh sành khẽ chạm vào nhau kêu leng keng như khúc nhạc.
Đó là một cây nêu!
Một cây nêu ! Chỉ có thế. Thật tầm thường giản-dị ! Nhưng đó là tất cả linh hồn chất-phác của dân quê, tất cả thi-vị say sưa của một mùa xuân, của ba ngày Tết...Tất cả một cuộc đời dĩ-vãng, tất cả những chuỗi ngày êm đẹp đã qua rồi...đã qua rồi ! Và không quay về được nữa !
Gió bể thổi dạt-dào ! Người lữ-khách buồn rầu đóng cửa sổ lại !
Trời lạnh... Trời ơi ! Lòng người trống trải, lòng người nhớ Tết, nhớ quê hương chưa đủ lạnh hay sao ?
Năm ấy, khi cây nêu đã dựng trước nhà và các chiếc khánh, các con cá sành đã bắt đầu leng keng lên tiếng, các tua vải đã tung bay trước gió thì đêm ấy cuộn mình trong chiếc áo bông dầy để ngồi sửơi quanh nồi bánh chưng sôi sùng sục, cậu bé con mười hai tuổi kia đã khẽ hỏi cha già:
- Cha ơi, sao cứ mỗi lần Tết đến cha lại giồng cây nêu để làm gì ?
Người cha hiền từ quay mặt lại nhìn con. Ông cầm chiếc điếu cày, cời một que lửa đỏ và làm tung những tia lửa lên cao, đoạn ông hút một hơi dài. Ánh lửa chiếu lên làm mặt ông hồng hào và mắt ông sáng quắc ! Những làn khói ông thở ra đặc sệt nhè nhẹ tan dần trong bóng tối với một màu bàng bạc của sương đêm... Ông đặt điếu xuống, vỗ vào vai con:
- Cây nêu là tinh-thần ngày Tết của dân Annam. Không những thế nó còn là một cái di-tích của một thời-đại có lẽ hoang-đường nhưng không vì vậy mà kém phần thơ mộng...
- Thật vậy sao cha ?
- Phải, phải ! Thời ấy, người ta còn ở trong các khe đá, ăn toàn đồ sống, không mặc áo quần ! Người ta phải luôn luôn vật lộn với đất giời và các thú dữ ! Người đời xưa hầu như không biết sợ, vì giời mưa, nắng, bão táp, người ta đã có hang hốc để ẩn mình. Để chống lại và săn bắn thú dữ người ta đã có khí giới sắc làm bằng đá mài và cung tên, giáo mác làm bằng thân cây vót nhọn. Cuộc đời lúc ấy nếu chỉ có thế thì đẹp đẽ biết bao.
Nhưng buồn thay...
Buồn thay người thường cổ luôn luôn phải giữ mình vì khắp trên mặt đất hồi ấy đều có những giống ma-vương quỷ-sứ ngày ngày đi lùng khắp mọi nơi để bắt giống người về ăn thịt ! Người ta lo lẩn tránh, nhưng số người bị giết ngày một tăng thêm. Các hang động hâu như không còn ai ở nữa và mỗi vhiều khi bóng tà chìm dân xuống đầu non thì trong các khu rừng và trên các đường đá cheo leo giữa núi không một ai dám qua lại.
Sự khốn khổ của loài người lúc ấy may thay bỗng lọt vào mắt một người có phép thần thông quảng đại.
Người đó là đức Phật Thích ca. Ngồi trên toà sen chói lọi, ngài giương cặp mắt tinh thông ra và nhìn rõ thấy cái nguy nan của người đới đang vì sự tàn ác của giống ma-vương quỷ-sứ mà dần dần đi tới sự diệt-vong.
Đức Phật buồn rầu ! và một lòng thương nhân-loại bỗng tràn ngập lòng ngài...
Người đứng lên và từ toà sen nhẹ nhàng bước xuống. Cõi trần bỗng chói lọi sáng ngời và đầy một mùi thơm ngào ngạt.
Đức Phật bước xuống trần. Các ma-vương quỉ-sứ đã từng biết phép thuật cao-siêu của ngài vội vã xô lại gần để ngăn cản. Nhưng hào quang ở người phát ra làm cho lũ quỷ không cất nổi bước. Vua Quỉ đành đứng từ xa hỏi lại:
- Đất này là đất của chúng tôi ! Ngài xuống đây định làm gì ?
Đức Phật điềm tĩnh trả lời:
- Ta muốn mua lại một mảnh đất con con của nhà ngươi !
Vua quỷ lắc đầu:
- Đất cùa Ma , Quỉ chúng tôi không bao giờ bán cho ngài.
Đức Phật mỉm cười:
- Ta chỉ cần một mảnh đất thật nhỏ mà thôi. Bằng một tấm áo Cà-sa này chẳng hạn. Ta sẽ trả lại cho các ngươi rất nhiều vàng bạc châu báu.
Vua quỷ vẫn không ưng:
- Không, không !
Đức Phật giơ tay ra phía trước vẫy liền ba cái và bảo:
- Các ngươi thử nhìn đây kia !
- Dãy núi đen sì hồi nãy giờ đây bỗng biến thành những núi vàng bạc kim-cương. Ánh mặt giời buổi sớm rọi vào đónhững ánh lửa hồng và làm lấp lánh ngàn vạn tia sáng rực trời. Lũ quỷ hét lr6n:
- Trời ơi ! Núi vàng ! Chúng tôi bằng lòng bán đất. Xin đức Phật giải áo cà-sa ra để lấy đất.
Đức Phật nhẹ nhàng cổi chiếc áo cà-sa như-ý và vứt tung ra. Tức thì sấm sét nổi lên và chiếc áo bỗng trở nên rộng nhớn và lan ra bao trùm khắp mặt đất. Lệ đã định rồi: chiếc áo cà-sa của đức Phật che đến đâu thì lũ quỉ phải xa nơi ấy. Bởi vậy trên mặt đất ma vương quỉ-sứ không còn chỗ nương thân. Chúng căm hờn vô hạn và năm năm cứ đến ngày ba mươi Tết, chúng lại trở về tràn khắp mặt đất để lẫn lộn vào các vong hồn khác để đi cướp những đồ lễ cúng bái. Các vong-hồn tuy nghe lời khấn của con cháu để trở về hưởng lễ mà vì vậy cũng chẳng được ăn gì !
Thấy vậy đức Phật lại hiện lên và bảo nhân dân:
Hãy nêu lên một cây tre cao có mảnh khánh buộc ở trên để tỏ ra rằng đất này là đất Phật. !
Ai nấy vội nghe lời. Những cây nêu từ đó Tết Tết bắt đầu thi nhau vươn mình trước ngọn gió xuân. Và các vong hồn lại được yên vui giở về gia-đình cũ để nhìn thấy con cháu, để hưởng những lễ phần và để ngắm lại những nơi êm đẹp xưa kia mình đã sống...
Đêm đã khuya rồi ! Sương mù nổi lên mờ mịt che gần hết những ngọn đèn điện. Mặt biển không còn lấp lánh những vệt sáng dài...Tiếng còi tầu chốc chốc lại nổi lên. Các tiếng pháo vẳng từ xa đưa lại mỗi lúc một thưa dần.
Những mẩu thuốc lá nhiều thêm trên đĩa sứ. người lữ-khách đưa tay lên vuốt mái tóc rồi đứng dậy đi lại trong gian phòng. Hết đi dọc lại đi ngang, người ấy ngồi xuống ghế ngửa mặt lên nhìn chao đèn đang có một ngọn gió vô hình lay động.
Hình ảnh cây dừa trơ trọi ngoài vườn vẫn đeo đuổi người lữ-khách.
Xa nhà, xa đất nước, người lữ-khách buồn bã nhớ cây nêu. Không phải lần này là thứ nhất chàng có cái chán nản của tâm hồn ấy. Chí giang hồ đã thấm vào linh hồn chàng tự lâu.
Hơn một lần rồi, giữa những ngày đông lạnh lẽo của một năm tàn tạ sắp qua, trong những đám mưa bay, sương mù bao toả, trên những con đường đất lội nặng nề chàng đã đóng vai người khách bộ-hành điềm-tĩnh ra đi để vẩn vơ nhìn biết bao nhiêu người khách bộ-hành khác đi trong mưa lạnh mà lòng không lạnh. Vì hơn chàng, họ có một gia đình !
Cứ thế và cứ thế...bao nhiêu ngày ba mươi Tết đã qua. Và mỗi một lần một năm qua chàng lại nhớ đến cây nêu ! Những cây nêu vô tình một cách lạ . Chúng rung động đều đều trong mưa bay, trong sương toả. Những lần đóng vai khách bộ hành như thế chàng tưởng như không cất nổi bước chân đi ! Chàng muốn dừng lại để lặng lẽ nhìn cây nêu, lòng dường như thầm nhủ :
- Gió ơi đừng rung động cây nêu. Tiếng khánh cũng đừng vang lanh lảnh để cho ta đỡ nỗi nhớ nhà...
Giờ đây lại một lần nữa năm sắp hết, chàng lại ăn Tết xa quê...
Người lữ-khách đứng lên, ngồi xuống !
Phải chăng người ấy đã để lại ở quê hương cũ một người cha già ốm yếu, một bà mẹ hiền-từ ngày ngày tựa cửa chờ con...
Hay chàng đã để lại ở quê-hương cũ một người vợ thảo với một đứa con xinh đêm đêm thao thức tưởng nhớ người xưa.
Hay chàng đã để lại một người tình dịu dàng, đằm thắm mỗi lúc sự nhớ nhung đè nén tâm can chỉ còn biết nhìn gió mưa mà lặng lẽ thở dài ?
Người lữ-khách lặng lẽ thở dài...
...Vì chàng biết rằng trong khi ấy ở cách đây xa, xa lắm, những cây nêu vẫn điềm nhiên rung động các khánh sành tiếng vang lanh lảnh...để đem lại cho lòng trăm ngàn người khác những giờ vui vẻ đầm ấm của ngày Tết, của buổi xuân sang, của những giờ họp mặt nào anh em, chú bác, cha mẹ, con cháu, vợ chồng cùng xum họp trong những gia-đình êm ấm mà cỏ cây, non nước của mùa xuân mới dường như đang hứa hẹn một tương lai đầu dẫy những ngày vui đẹp, thắm tươi...
Xa xa pháo nổ từng hồi. Một năm nữa lại qua...
Mai kia đây thành phố Hồng-Kông lại nhộn nhịp tưng bừng thản nhiên sống những ngày mới chan hoà ánh sáng.
Nhưng người lữ-khách thiếu quê hương kia vẫn trơ trọi một mình, “đi đầy” ở giữa cảnh huy hoàng lộng lẫy của thị thành mà tâm hồn thì tràn ngập những hình ảnh người thân xum họp trong một gia đình êm ấm...
Mưa nặng hạt rồi...
Lòng nặng lắm rồi...
TÙNG-HIỆP
< Lùi | Tiếp theo > |
---|