NHỮNG PHONG TỤC LẠ trong ba ngày Tết ở khắp trong nước
Trên thế-giới này, từ các dân tộc dã man, bán khai cho đến các dân tộc cực điểm văn-minh, đã biết chia ngày, giờ ra làm tháng, làm năm, lấy năm làm một cái mốc để đánh dấu trên con đường đi của thời-gian, hết thảy đều có tục ăn Tết trong lúc năm cũ đã qua nhường chỗ trên khoảng thời-gian cho năm mới. Người ta thường lấy những ngày đầu năm làm những ngày vui mừng nhất có thể nghỉ ngơi, ăn chơi cho thoả-thích sau một năm làm việc khó nhọc. Giữa những ngày xuân tươi đẹp đó, người đời ai cũng như thấy mình có quyền tạm nghỉ chốc lát sau 365 ngày cần lao như một người đi đường đến một cái trạm dọc đường, có quyền nghỉ chân vậy.
Ở nước ta, tục ăn Tết Nguyên-đán có từ thời lập quốc mấy nghìn năm về trước, hoặc trước nữa, khi dân ta mới nhóm thành những bộ-lạc nhỏ ở giữa những thung-lũng, hoặc trong rừng núi. Ta cứ xem ngay hồi Hùng-Vương ở ở nước ta cũng đã có tục ăn Tết bằng bánh chưng bánh dày. Một cái tục mà dân ta vẫn giữ cho đến mãi ngày nay và vẫn coi là một tục đáng bảo-tồn mãi mãi. Ta có thể nói phong-tục là một đặc tính của một dân tộc, một xứ. Ngay trong một xứ, một dân tộc, như dân tộc Việt-nam ta cũng có nhiều nơi mà phong-tục khác nhau nên tục ăn Tết Nguyên-đán cũng khác hẳn nhau.
Những tục đó là do tập-quán hoặc di-truyền gây ra, người ta vì tôn-giáo hoặc vì óc bảo-tồn cổ-tục nên vẫn giữ nguyên từ đời này qua đời khác.
Ba ngày Tết đối với dân ta không những là những ngày nghỉ ngơi, vui chơi trong một năm mà lại còn là những ngày thiêng-liêng biểu-hiện cho tinh-thần gia-tộc. người Việt-nam ta từ xưa đến nay vẫn cho ba ngày Tết là những ngày con cháu tỏ lòng nhớ đến tổ-tiên ông cha - những người đã có công với gia-đình. Những nén hương nghi ngút, mùi thơm ngạt ngào, những đèn nến sáng trưng rọi vào những đồ thờ bằng đồng đánh sáng bóng hoặc bằng gỗ sơn son thiếp vàng, tất cả những thứ đó bày một cách có thứ tự trong một cảnh lộng-lẫy hoặc giản-dị, tuỳ từng nhà một, nhưng dẫu sao cũng giữ một vẻ rất trang-nghiêm, tĩnh-túc để tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ đến những người đã quá-cố trong gia-đình.
Đó là cái cảnh bàn thờ của một gia-đình đặc Annam trong ba ngày Tết, một cảnh đặc-sắc nhất của gia-đình Việt-nam đã làm cho tất cả người Việt-nam mỗi khi trông thấy như nghĩ đến tổ-tiên, những lúc ở nơi đất khách phải nghĩ đến quê hương, làng nước và phần mộ, ông cha.
TẾT, đối với người Nam không những là “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, nêu cao, pháo nổ, bánh chưng xanh” mà lại còn có vẻ thiêng liêng nhắc lại cho người Nam nhớ đến tinh-thần gia-tộc.
Cũng vì thế mà đối với phong-tục về Tết, hàng trăm, hàng năm, người ta vẫn bảo-tồn không muốn bỏ. Nhân dịp “Trung-Bắc Chủ-Nhật” ra số Tết về năm Tân-Tỵ chúng tôi có mở cuộc điều tra về những phong-tục lạ trong ba ngày Tết, được nhiều bạn đọc ở khắp ba kỳ rất hoan nghênh. Những thư của các bạn đọc gửi về giúp chúng tôi về cuộc điều tra đó rất nhiều không thể nào đăng hết lên báo được, chúng tôi chỉ lựa chọn những bức thư nói về những phong tục lạ nhất để làm món quà quí tặng các bạn đọc thân yêu vậy.
T.B.C.N
Tết Hanoi
Bắt đầu từ mùng một tháng Chạp đã thấy ở Hàng Bồ và chợ Đồng-xuân la liệt những hàng tranh và hàng thuỷ tiên, ấy là chưa kể tháng trước, các phố hàng Ngang, hàng Đào đã tấp nập những người mua the, lụa, gấm vóc, giầy giép, để may mặc về dịp Tết sắp tới. - Rồi đến ngày hai mươi ba, là ngày ông táo lên chầu trời. – Sáng sớm đã nghe bên tai văng vẳng những tiếng rao: “Ai mua cá ông Táo ra mua” Đến trưa, trong nhà đã thấy có mũ áo ông Táo và đã thấy cúng. - Nếu bước chân ra phố thì thấy quang cảnh rất là nhộn nhịp, nhất là mưa xuân đã thấy lớt phớt bay và hai bên bờ hè cùng giữa đường, hồi đó chưa giải nhựa như bây giờ, nên bùn lầy lõm bõm, làm cho sự đi lại rất khó khăn bẩn thỉu, tuy vậy mọi người vẫn chen chúc nhau giữa đường bùn lầy để sắm Tết. Từ ngày ấy các hiệu thợ cạo đã bắt đầu tăng giá ; các cành đào đã thấy vác bán rong ngoài phố và các hàng hương, hàng pháo đã thấy bày đầy hè ở các phố hàng Giép, hàng Ngang, hàng Đường, - Rộn rịp như vậy cho mãi đến trưa ngày 30. Phải chỉ đến chưa, chứ không đến chiều hôm 30 như bây giờ vì chiều hôm 29, đi chơi qua các phố ta đã thấy lắm nhà đặt cánh cửa ra ngoài đường, rội nước để rửa cọ. Sáng ngày 30 đã có nhiều nhà dán hai câu đối ở hai bên tường, và cánh cửa. Đến trưa ba mươi đã có nhà đốt pháo đón ông vải về ăn Tết rồi.
Về cái tục dán câu đối ở tường và cánh cửa hồi đó rất thịnh hành, đi ngoài phố, trông vào nhà nào cũng chói lọi câu đối thì một màu đỏ rực, và nếu nhà nào không có, trông có vẻ trơ trẽn hình như thiếu thốn một cái gì. Nhất là theo tục nhà nào có đại-tang thì không dán câu đối đỏ vì vậy nhà nào không có câu đối dán cửa mấy hôm Tết thường bị coi như nhà có tang.
Sau vì báo hô hào cổ động bỏ lối chơi câu đối ấy viện lẽ câu đối làm bằng giấy hồng điều mua của người Tàu như vậy là “gánh vàng đi đổ sông Ngô” cho nên ngày nay, về dịp Tết, trong trăm nhà, hoạ ta mới thấy một hai nhà chơi câu đối thôi.
Chiều ba mươi khi trong các phố đã bật đèn, thì phố đã gần như vắng tanh, trong nhà đèn nến sáng chưng trên bàn thờ, và con cháu đã quây quần chung quanh ông bà , cha mẹ.
Vào quãng tám, chín giờ đã thấy tiếng súc sắc, súc sẻ hoà với tiếng ống tre đựng vài đồng xu đập trên mặt đất, của những kẻ nghèo đi chúc Tết kiếm xu từng nhà. Lúc bấy giờ là lúc người cha hoặc người con trưởng khăn áo chỉnh tề lên lễ trước bàn thờ ông vải rồi ra đi, trong túi dắt sẵn bao diêm với bánh pháo. Đi đâu ? Đi lễ Giao-Thừa. Đi ra đình để hội họp với các ông bạn cùng một mục đích như mình, chờ giờ tốt lành trở về nhà xông đất. Nếu không phải là dân đình nào thì họ ra đền Ngọc-Sơn, Bạch-Mã v.v. đứng xem tế để chờ giờ Giao-Thừa về nhà. Khi người cha hoặc người anh ra đình, hoặc chùa hay đền vắng, thì ở nhà cửa đóng hẳn không một ai được ra vào, dù có thiếu vật dụng gì, đi mua cũng không được.
Lễ Giao-thừa, thường thường bằt đầu từ 12 giờ đêm. Đến giờ đó các đình, chùa và các tư gia đều đèn hương chỉnh tề, và tiếng pháo bằt đầu nổ, tiếng xa tiếng gần nghe thật vui tai. Lúc bấy giờ là lúc trong các đình các đền bắt đầu tế lễ. Tế xong ai về nhà nấy xông đất. với vẻ mặt hoan hỉ người ta đi tế lễ về lúc này mới gọi cửa lấy diêm ra đốt pháo, và làm lễ ông bà ông vải, chúc mừng ông bà, cha mẹ vợ con, anh em, xong xuôi cả nhà quây quần ngồi ăn mâm cỗ đã làm để cúng giao thừa.
Sáng mộng một, dù cho co muốn ngủ trưa cũng khônmg được, chưa mở mắt đã nghe thấy tiếng pháo nổ ran khắp mọi nơi mà pháo đốt càng lúc càng nhiều, nhất là về buổi trưa pháo đốt càng dữ hơn cho mãi đến 7,8 giờ tối mới ngớt. Sáng hôm đó ai nấy đều cố hết sứclàm ra vui vẻ, dễ tính, vì theo tục năm mới phải kiêng mọi sự không hay: kiêng xô sát kiêng nói tục, kiêng cứng đầu cứng cổ v.v.
Đêm giao thừa đã xông đất rồi, thì hôm nay có thể mở cửa đón khách. những người khcáh tới trước tiên thường thường là đôi vợ chồng trẻ gánh nước trên vai, đi ngoài đường thấy nhà nào mở cửa là tự do tiến vào, miệng chúc câu : “Năm mới vợ chồng tôi chúc ông bà năm nay của vào như nước”. Chủ nhà hoan hỉ, vui mừng, để cho cặp vợ chồng người gánh nước đổ vào chum, rồi mở hàng cho vợ chồng người gánh nước, răm bảy xu một hào, lại đèo thêm miếng giầu điếu thuốc. Nhưng không phải hàng nước nào cũng vào nhà được đâu. Nếu đi gánh nước một mình với bộ áo rách rưới, bộ mặt rầu rầu thì đừng màng chủ nhà mở cửa cho vào.
Sau hàng nước đến các người ban thiếp. Tay cầm một tập giấy hoa tiên viết mấy chữ “Cung chúc tân niên”, “Nhất bản vạn lợi” tiến vào miệng cũng chúc câu: Năm mới...
Trong khi đó ở ngoài phố, như hàng Ngang hàng Buồm chẳng hạn thì có tụi Khách đến trước cửa từng nhà đánh trống thổi kèn tầu chúc mừng. bọn này thường được chủ nhà phần nhiều là khách ở những phố đó phong bao rất hậu.
Trong các gia đình. mỗi người một việc, vợ trông nom nấu nướng cỗ bàn, chồng đèn hương bàn thờ. Công việc xong xuôi chồng đi lễ và đáp lễ, vợ ở nhà tiếp khách, và các con thì đi chơi chùa, cứ rộn rịp như vậy suốt ngày.
Tối đến cả nhà ngồi quây quần nói chuyện hay đánh tam cúc.
Mồng hai, mồng ba cũng như mồng một, nhưng kém vẻ rộn rịp, tấp nập và tiếng pháo cũng thưa dần, tuy vậy Tết vẫn kéo dài tới mồng bảy là ngày hạ cây nêu ở chốn thôn quê.
Ngay bây giờ cái Tết cũng không khác mấy cái Tết 20 năm về trước, tuy lòng người ta, vì luật tiến hoá đã thấy coi thường cái Tết, nhưng tục lệ về Tết vẫn còn, các sở vẫn được nghỉ ba ngày và vẫn được vay trước nửa tháng lương, các nhà buôn vẫn kiêng kỵ cẩn thận, vẫn chọn ngày tốt lành để mở cửa hàng, và Pháp-luật vẫn thấy nới tay trong mấy ngày Tết nghĩa là ba ngày trước Tết và bảy ngày sau Tết không cho tống đạt hoặc thi hành bản án nào cả.
TÙNG-QUÂN
< Lùi | Tiếp theo > |
---|