Báo TRUNG BẮC CHỦ NHẬT (số TẾT 1941) - * NGHỆ THUẬT CHƠI TẾT

Mục lục
Báo TRUNG BẮC CHỦ NHẬT (số TẾT 1941)
* HÃY CAN ĐẢM MÀ BƯỚC SANG NĂM MỚI
* TÍNH SỔ KẾT TOÁN CANH THÌN
* Ngày xuân (VŨ BẰNG)
* Năm Tân Tỵ sẽ đem cho ta những gì?
* NĂM MỚI CHÚNG TÔI XEM CHIẾT TỰ Bốn ông chủ báo hàng ngày
* Nàng mai
* Đảo phi hoa
* Ba vợ chồng táo quân
* Thiếu một cây nêu
* NHỮNG PHONG TỤC LẠ trong ba ngày Tết ở khắp trong nước
* TẾT TÂY Ở TA
* TẾT TA DƯỚI TRỜI MỸ
* TẾT Ở LÀO
* BA CHUYỆN LẠY MỪNG TUỔI LẠ ĐỜI
* Ba mươi Tết của trâu bò gà lợn
* LÀM CÂU ĐỐI ĐỂ CHƠI CHÙA
Những ngày đầu tiên một năm vô duyên (NGUYỄN TUÂN)
* Ý xuân (trích “NGƯỜI MẸ” nữ sĩ Pearl S.Buck)
* Ngày Tết ở Nhật
* THƠ TẾT
* NGHỆ THUẬT ĂN TẾT - đồng bào ba kỳ ăn Tết ra sao ?
* Thơ mán Vẩn-bao
* NGHỆ THUẬT CHƠI TẾT
* Nụ cười đầu xuân
* ĐẦU NĂM XIN THẺ
* CHƠI BÀI
* Các quảng cáo
Tất cả các trang

NGHỆ THUẬT CHƠI TẾT

Y-phục ta mặc  trong ba ngày Tết phải như thế nào ?
Chúng tôi không có ý muốn đặt một cái lệ-luật để cho dân nước phải theo đó mà ăn mặc trong ba ngày Tết.
Không, chúng tôi cho rằng sự ăn mặc, cũng như sự uống là cái sở thích tuỳ theo từng người. Nhưng có ai để ý tới sự ăn mặc của một số người nước ta thì tất đã nhận thấy rằng trong những ngày hội hè đình đám- nhất là trong những ngày Tết trước- có nhiều ông, nhiều bà , nhiều cô ăn mặc khó coi quá, đến nỗi thành dớ dẩn, thành khôi hài, rất có thể làm cho một người ngoại-quốc đến chơi lần đầu tiên ở nước ta phải ngộ nhận dân ta là một dân nhắng, một dân phường chèo vậy.
Nói riêng về đàn ông vận Âu-phục, những áo spencers và redingotes chỉ mặc đi dự tiệc về ban đêm thế mà có người tưởng lầm những áo ấy là lễ phục, muốn mặc giờ nào cũng được, nên sáng mồng một Tết đã mặc những áo ấy đi nghênh ngang ngoài phố.
Về nam phục, nhiều ông lại còn ăn bận lố lăng hơn. Các ngài tất đã trông thấy nhiều ông, nhiều cậu dăm ba tuổi quèn, mặc áo gấm đi guốc kinh, mà lại đội nón dứa, đeo kính trắng hút sì-gà đi lễ Tết chứ gì ?
Kẻ viết bài này một năm kia lại còn cái tai nạn phải nhìn thấy một anh mặc thiết bì, loắt cha loắt choắt như một con bố dù làm xiếc, mặc một cái áo gấm da đồng, chít một cái khăn vàng- tuy ông ta không phải là giặc Khăn-vàng- cầm lù lù một hộp thuốc lá Three Castles như sắp đem cúng cụ đi nghênh ngang ngoài phố hôm mồng một Tết trên một... con ngựa sắt.
Các ngài đã thấy tuyệt-đích của sự lố lỉnh trong cách ăn mặc hay chưa ?
Ấy thế là tôi chưa dám kể nhiều đấy. Đến như đàn bà thì lại càng lắm điều gai mắt, tưởng không sao chịu được. Có bà xuân xanh năm chục ngoại rồi mà còn mặc áo Lemur như thể một đồ vui vẻ trẻ trung; phân đánh bự lên như qué ; có cô ăn mặc rất đứng đắn, diêm dúa, đặc Annam mà không hiểu sao lại “cho”ngay một con cáo to xù xù lên giữa cổ và cứ thế mà đi tễu ở ngoài phố, không chút gì ngượng nghịu...
Đến trẻ con thì thật là một bài thơ khôi hài : có đứa chưa ráo máu đầu, đã chít khăn xếp như cụ già ; có đứa mới nứt mắt mà đã son phấn như một ả gái chơi loã lồ nhất ; có đứa ăn mặc tây. lại cho ta thấy một cái quần dài như thể một ông cụ ở Pháp đầu râu tóc bạc.
Chúng tôi thiết tưởng với ít điều mắt thấy, kể ở trên kia, bạn đọc phương xa tất đã nhận thấy những sự lố lăng về y phục của dân ta trong ba ngày Tết nó lố lăng đến thế nào rồi vậy.
Không muốn để cho quốc dân ta - vốn là những người hiền lành, chân thật, không làm gì mà đến nỗi bị trời đầy - phải khổ sở vì những điều trông thấy đó, chúng tôi bèn mở ra mục này, chủ ý là chỉ để cho độc giả thấy một chút ít về nghệ thuật ăn mặc trong ba ngày Tết Nguyên-đán vậy.
Không ngần ngại, chúng tôi đã viết thư và đến hỏi nhiều người có danh trong xã hội về chuyện này, và đến đâu cũng được anh em và các ngài khuyến-miễn và bảo ban nhiều điều lợi ích về nghệ thuật ăn mặc trong ba ngày Tết.
Theo ý kiến của cụ An-Phước-Nam Vi-văn-Định - một vị quan đã quả quyết bận âu-phục trong khi làm việc ở công đường hoặc đi kinh lý các phủ huyện – thì trong ba ngày Tết cũng như trong các ngày kỵ lạp, các ngày lễ khác, người Annam không nên mặc âu-phục, cứ phải giữ lấy bộ quốc phục để khỏi mang tiếng là người vong bổn.
Nhưng quốc phục nên mặc thế nào ?
Ngày thường ta chỉ nên mặc những thứ quần áo vừa phải, ta nên để dành hoặc cái áo đoạn hoặc cái áo sa tanh thâm thực tốt để đến ngày Tết hay ngày lễ khác.
Nhiều người, mùa rét, ngây hai buổi đi làm cũng mặc áo sa tanh, áo đoạn ; như thế thực xa phí quá, mà ngày Tết, ngày lễ, không còn biết mặc gì cho phân biệt với ngày thường được. Cũng có nhiều người, ngày Tết, ngày lễ cũng ăn mặc xuềnh-xoàng như ngày thường để tỏ rằng mình không lấy Tết làm vui như trẻ con, nhưng thiết tưởng như thế cũng không được. Còn quần, ngày Tết nên mặc quần lụa trắng để phân biệt với quần vải trắng mặc ngày thường.
Khăn nên dùng khăn lượt, nhưng nên ruộm mùi tam-giang để khác với khăn lượt đen đội ngày thường. Bít tất nên dùng mùi đen ; giày nên dùng giày ta da láng. Khi đi ra ngoài nên dùng bí tất tay trắng.
Đó là y-phục thông dụng của những người thường dân, còn ai đã có phẩm, tước, thì sẽ theo phẩm phục mà mặc.
Còn y phục bên nữ giới thì cụ An-Phước-Nam nói rằng không có thể bày tỏ ý kiến được vì các bà, các cô ăn mặc tự do quá, không thể lấy gì làm chuẩn-đích được.
Chúng tôi bèn tới hỏi nhiều bà về y-phục của phụ-nữ và chúng tôi thấy rằng ý tưởng của một số đông các bà tai mắt về vấn-đề phụ nữ gần giống nhau.
Cái ăn cái mặc cũng là chuyện cần cho thân thể, nó tôn giá trị con người cũng như cái đức là món cần thiết cho tinh thần người ta vậy.”
Bà hội Vũ huy Quang nói với chúng tôi:
Vâng, chính thế, sự ăn mặc quả thực là khó lắm. Bây giờ nếu bảo tôi tìm lấy sự chuẩn-đích của sự ăn mặc của phụ nữ trong ba ngày Tết thì thực khộng thể nào mà nói được. Nhưng cứ theo ý riêng của tôi thì đàn bà, ngày Tết hay ngày thường cũng vậy, đều không nên ăn mặc lộng lẫy quá, cốt nhật cho nó lành lặn, thơm tho, nhất là những người đã có chồng và có con rồi thì lại càng phải ăn mặc thế nào cho nhã nhặn.
Theo ý tôi, người đàn bà vào khoảng bốn mươi nên đánh chút ít phấn thôi, nhưng ăn mặc phải kín đáo một chút. Ngoài cái áo cánh ra nên mặc áo mớ đôi: áo dài trong nên dùng màu cẩm thạch hay hoa lý - nếu muốn cho có vẻ xuân sắc một chút cũng có thể dùng màu hồng được.
Áo ngoài nên dùng áo kép màu tam-giang hay màu sẫm, khăn nhung đen, quần trắng. Điều cốt yếu là nên ăn mặc cho nền nếp đừng có dùng kiểu gì chướng mắt quá hay có thể làm cho mọi người phải chú ý đến mình nhiều quá.
Người đàn bà 50 tuổi có thể mặc áo gấm trong, ngoài sa tanh đen, cổ quàng một miếng nhung đen khổ hẹp hơi dài một chút và vấn khăn thì cũng nên vấn khăn nhung đen.
Quần, nên mặc quần màu trắng, nó có vẻ sạch sẽ, nhưng nếu muốn giữ vẻ nền nếp cũ thì vẫn có thể cứ dùng quần lĩnh đen. Người đàn bà 50 không nên dùng manteau, nhưng nếu trời rét quá thì có thể bận một cái áo sa-tanh bông mỏng, hay lót lông cừu ở bên trong. Giày nhung không nên dùng. Tốt hơn hết là đi giầy cườm thêu hay là giầy kinh - nhưng nên đóng đế  cao xu để lúc đi cho êm một chút.
Chúng tôi đã hỏi xong ý kiến cụ Thiếu Vi và bà Hội Quang về lối y phục của những ông, những bà từ lối bốn mươi trở lên rồi, vậy, đến lượt các người tuổi 35 trở xuống cất tiếng về y phục mặc trong ngày Tết:
Ý kiến bà Vũ huy Quang về y phục đàn bà từ 40 trở lên thì thế, bây giờ chúng tôi muốn hỏi ý kiến bà về lối ăn mặc của các thiếu nữ trong ngày Tết nên thế nào ?
Rất nhã nhặn, bà Hoàng xuân Hãn đã viết thư cho chúng tôi và lấy làm tiếc...không thể tỏ bày ý kiến của bà cùng bạn đọc.
Cái việc ăn mặc nó nghiêu khê lắm lắm mà.
Chúng tôi không được nghe lời vàng tiếng bạc của bà Hoàng xuân Hãn , nhưng lối ăn mặc của bà đã làm cho chúng tôi phải nghĩ nhiều.
Kẻ viết bài này, một hôm đi dự một đám tiệc kia đã được thấy bà ăn mặc ra thế nào.
Chúng tôi, nếu không lầm, thì đã đoán ra được một chút ý kiến của bà rồi: ngày Tết, người đàn bà trẻ tuổi hay những cô thiếu nữ có thể dùng những màu sáng sủa để cho vui vẻ lên một chút.
Bà Hoàng xuân Hãn mặc quần trắng, áo dài hoa và cổ cao lối áo Khách...
Đã đành chúng tôi cũng nhận cách ăn mặc đó cũng ưa nhìn, nhưng thiết tưởng không phải người nào cũng mặc được, bởi vì có phải người nào cũng thon người và có cái cổ đủ cao như bà Hoàng-xuân-Hãn đâu ?
Vì vậy chúng tôi phải tới tìm một bà giáo và bà giáo ấy đã nói với chúng tôi rằng:
Người đàn bà trẻ tuổi hay người thiếu nữ cũng vậy, đều không nên ăn mặc lộng lẫy chói lọi quá, nhất là không nên mặc những kiểu áo làm người ta chú ý quá như kiểu áo “vai batông”, cổ tay “hoa sen, hoa khế”, hoặc “cổ thìa, cổ bẻ” nói tóm lại những kiểu áo “đầm lai” quá, những kiểu áo không đứng đắn.
Người lịch sự mặc thế nào cũng vẫn lịch sự như thường, chỉ nên biết thêm rằng nếu người đàn bàtừ 30 đến 40 cần phải có phấn sáp để đem lại cho mình sự hồng hào lúc thiếu thời thì chính những thiếu nữ nên lợi dụng ngay cái sắc đẹp của trời cho, nghĩa là không nên dùng son phấn quá, nên để cái hồng hào của tuổi trẻ lộ ra, nên có một cái đẹp khỏe mạnh, chịu được những hạt mưa phùn hay ánh nắng.
Đó là về thiếu nữ.
Nhưng về thiếu niên thì cách ăn mặc ngày Tết thế nào ?
Chúng tôi đã biết ý kiến cụ An-Phước-Nam “ ngày Tết nên bận quốc phục” là hay, là phải, nhưng tiếc rằng ở nước ta hiện giờ có nhiều thanh niên đã quen vận âu phục mất rồi nên sự ăn vận quốc phục hẳn trong ba ngày Tết cũng là một điều khó khăn lắm lắm.
Người bạn trẻ của chúng tôi là bác – sĩ T.K. – ông có yêu cầu chúng tôi giấu tên – nói với chúng tôi rằng :
Thanh niên ta ngày Tết vận âu phục có nhiều cái lố.
Những cái lố ấy, chúng tôi đã nói ở đoạn đầu bài này rồi... Ông bạn của chúng tôi xét là phải và bàn với chúng tôi rằng ngày Tết ta cứ ăn vận màu đen hay mùi sẫm là hơn cả. Vào khoảng 30 tuổi, người ta có thể dùng màu nhạt và kín đáo. Tuổi 20, người ta có thể mặc nhiều màu, nhưng bao giờ cũng không nên mặc màu rực rỡ hay lố lăng quá.
Tôi, tôi đã khổ vì trong những ngày Tết trước, tôi đã phải nhìn thấy nhiều cậu bé và các cô bé ăn mặc rất “hề”ở ngoài đường.
Có cậu dăm ba tuổi quèn, mặc quần chùng và áo cheviotte; còn các cô bé thì ăn mặc áo nhung, đánh phấn và tô son bự cả mặt ra.
Đó không phải là lỗi ở các trẻ em nhưng chính là lỗi của các bậc làm cha làm mẹ đã làm dáng cho con sớm quá và tập tành cho chúng những thói hư thân.
Tôi chủ trương rằng trẻ con ngày Tết không được phép ăn mặc xa hoa phù phiếm quá.
Các em giai, nên cho mặc quấn cộc và mặc áo len, áo pullover màu rực rỡ...Mặc ta nên cho mặc áo đoạn, giầy tây đen, đội mũ, còn các em gái thì cứ nên cho ăn mặc như thường : quần trắng, giầy đế cao su, áo nhung các màu tóc cúp. Những em nhỏ một chút nữa thì rất có thể cho ăn mặc như đầm: như thế trông có vẻ ngộ hơn.
Như trên kia, đã nói, những ý kiến này không cứ nhất định phải thế, nhưng rất có thể thay đổi đi cho hợp với trẻ, với tính tình của trẻ và với vẻ đẹp của chúng nữa. Có một câu này tôi xin nhắc lại”người ta không nên tập cho trẻ con làm dáng sớm quá” chắc ai cũng đồng ý với kẻ này :
THIÊN-TƯỚNG



Add comment