Ý xuân
Trong cuốn tiểu thuyết bất hủ “NGƯỜI MẸ” nữ sĩ Pearl S.Buck có viết:
“Một lần nữa, mùa xuân lại đến...
“Người thiếu phụ đi đường thấy trong lòng mình tràn-ngập một cách khác thường, bởi cái êm dịu ngày hôm ấy. Từ trước đến giờ, cái cảnh nơi thung lũng này luôn luôn phô bày trước mắt nàng, mà nàng thì làm ăn kham khổ đến nỗi không bao giờ nghĩ đến sự ngẩng đầu lên mà nhìn quang cảnh ngoại-vật. Nàng chỉ hoàn-toàn chăm chú đến những đồng-ruộng của mình, đến nếp nhà của mình, nàng lúc nào cũng bận việc tố mày tắt mặt.
“Nhưng bây giờ nàng mới mở mặt mở mày và nàng mới nhìn rõ : những cây dương-liễu xanh rì lá non bóng mỡ, những bông hoa lê mãn-khai cánh tung trước gió ; chỗ này, chỗ kia, màu lửa lựu chói trong chồi xuân; gió mơn nhẹ mà đầm-ấm, thoảng lên từng cơn rồi lại dịu đi ngay. Người thiếu-phụ lòng tự hỏi lòng : cái im-lặng âm-thầm và ấm cúng kia, mỗi khi gió đứng, hương của đám đất-ruộng cày toả lên, mà đem so sánh với những đợt gió nhẹ nhàng thơm phưng-phức nào biết thứ nào êm hơn, thứ nào dịu dàng hơn. Từ cái bình-thản đến cái sôi nổi đột nhiên của khí trời, nàng phải nhận thấy, phải hiểu thấy là mình có một thân thể mạnh mẽ, bừng-bừng sự sinh sống Nàng lại thấy mình có một lòng muốn mênh-mông được gặp đàn ông...”
Đó, cái buổi xuân ấm-áp nhẹ-nhàng đưa lại cho người ta bao nhiêu cái rạo-rực của xác-thịt. Nhưng phải chăng là một cớ khiến ta có thể thoát-ly bổn-phận – dù là trong một ngày xuân - được không ?
Thiên truyện ngắn của bạn Huyền-Hà dịch đăng ở dưới đây sẽ cực tả cuộc xung đột thiên thu đó một bên là tiếng lòng, một bên là bổn phận thiêng liêng, một bên là nhục dục, một bên là tinh-thần cao cả.
Người đàn bà sẽ đi về phía nào ? Bổn phận bao giờ cũng là trọng mà tiếng gọi của xác thịt bao giờ cũng là khinh Người đàn bà biết thế lắm, hiểu thế lắm, nhưng như lời Somer-set Maugham đã nói “Bao nhiêu lời triết lý đều vô ích cả”. .Linh hồn bị sa ngã..Một sự hối hận mênh mông. Người đàn bà có thể lầm lỗi và nếu lầm lỗi một lần nữa thì vẫn có thể bị lầm lần nữa, như thường, nhưng, như Marie ở trong truyện các bạn sắp đọc đây, thực quả đã sống trong một cảnh rất mờ ám của linh hồn, và bao nhiêu lý lẽ nàng viện ra để che đỡ tội lỗi của mình, đều là gắng gượng, đều bị đổ cả trước “Bổn-Phận” viết bằng chữ lửa
Marie nói: “Dù tôi muốn đến đâu, tôi cũng không thể gợi trong lương tâm bới lấy một tí chút hối hận. .” Nàng tưởng thế mà thôi, chứ thực ra chính những lúc người ta không ngờ nhất thì hối hận lại với người ta và “nói rằng không hối hận ấy tức là hối hận rồi” !
Chúng tôi xin có lới nói trước với bạn đọc rằng cái nghệ thuật của A.t’ Serstevens tác giả truyện này rất cao siêu, thuần tuý Vậy bạn đọc đọc bài này xin chớ nghiêm khắc mà xét đoán vội vàng, nhưng phải nên hiểu cao lên cho một tầng...
Marie là một người đáng thương hại có một tâm hồn không yên ổn nhưng không phải là một cái gương để bạn gái ta bắt chước ; Marie là một người ghê tởm mình vì đã lừa chồng ; một người có học nhưng không át nổi thú-tính trong người vậy.
Người ta thực sự người nào cũng giống người nào hết. Chỉ có hai chữ này là phân biệt được họ thôi: Hy-Sinh và Bổn-Phận Ai là người biết đặt hai chữ đó lên trên hết cả thì là “Người” - Người, theo cái nghĩa rất rộng rãi, rất uyên thâm của chữ ấy trong cuốn tự vị nhân sinh vậy.
T.B.C.N.
Thư Marie gửi cho Lucien
Quý hữu,
Tôi có thể gọi anh như thế được không, dù xưa nay tôi vẫn khó chịu vì những lý-thuyết của anh cho rằng tình bằng-hữu giữa đàn-ông, đàn-bà không thể nào có được. Anh hãy cứ tạm nhận là có, ít ra trong lúc anh đọc bức thư này. Tôi sẽ kể với anh như là kể với một ông thầy rửa-tội. Nhưng anh sẽ là một vị thầy-cả chưa chịu phép-tắc riêng gì, mà lại là một người đầy dẫy tội lỗi hơn là kẻ này đi ăn-năn tội nữa.
Anh đã biết đời của tôi rất sung sướng đầy đủ. Bao giờ tôi cũng yêu chồng tôi lắm. Mà về đường xác thịt, đối với chồng tôi, chắn-chắn là bao giờ tôi cũng có lòng quyến-luyến mãnh-liệt.
Chúng tôi ở Biarritz được mười hôm rồi; mười ngày ấy dùng vào một cuộc đời ngoài tôn-giáo, dùng để mặc đồ tắm, hay áo quàng để vung vẩy trong làn nước, trong cát vàng, trong ánh nắng, đẻ mà chung đụng với những sức-mạnh căn-bản của sự sinh sống.
Ngày thứ ba, khi tôi uống chè ở ngoài hiên hàng bánh ngọt thì thấy một chàng trẻ tuổi đi qua. Trông cũng khá, không đến nỗi nào, cặp mắt thì xinh đẹp, trông chàng ngon lành lắm ; nói rút lại, chàng không có vẻ gì là khác thường, nhưng chàng là hiện-thân của cái quan-niệm của tôi về người đàn-ông, mà tôi vẫn thích nhìn cho sướng mắt, từ khi lên mười tuổi. Thế nghĩa là từ chưa quá hai-mươi-nhăm năm, anh có thể tin là đúng đấy. Nhưng mà tôi vẫn thấy cảm-động trước vẻ đẹp thuần-khiết của người đàn-ông, tôi sôi nổi như một người đàn-bà bốn-mươi tuổi có thể sôi-nổi được.
Chàng chăm chú nhìn tôi. Và từ lúc ấy, trên đời tôi coi như không còn có ai nữa. Một giờ sau, Jean, chồng tôi, giới-thiệu chàng với tôi. Tôi không dám giấu anh đâu. Chàng là tài tử hát cao-thanh ở bọn ca-kịch diễn trong Câu-lạc-Bộ. Tôi cũng sắp phải dạo đàn piano ở đấy.
Trong ba hôm, trái tim của tôi đập mạnh đến nỗi cái sôi-nổi của nó, cái tiếng động của nó làm tôi thao thức cả đêm. Đầu tôi dường như đau rức vì bao ý thèm thuồng.
Trong ba ngày ấy, tôi có gặp chàng nhiều bận. Có lẽ, khi nói chuyện, tôi đã đi quá nửa đường cái điều mình muốn giải bày - bởi vì tôi thực tính. Sau cùng, chàng mới ngỏ lòng. Chúng tôi đã hẹn-hò nhau hai lần rồi, nhưng đều lỡ cả, vì sự tinh ý của một đứa con hát, nó vốn là nhân-ngãi của chàng. Nó quả là một đứa ngu dại, chỉ biết nghĩ đến sự ghen tuông bằng súng lục, bằng nước cường-toan. Vả lại, chúng tôi chẳng còn có thì giờ nữa. Đến lúc sau cùng, chàng có khẩn khoản để tôi viết cho chàng một bức thư... Mà cái bức hoa-tiên khéo mới là một cách tỏ-tình sao nhỉ ! Tuy vậy tôi không muốn hứa hẹn gì cả. Nhưng thật ra, tôi cũng không hiểu biết tôi là cái gì nữa. Anh hãy khen thầm cái ranh mãnh oái-oăm của bước đời : từ mấy tháng nay, Jean và tôi đã dự định đi chơi Marseille vào trung-tuần tháng mưới, Jean thì đi đến đấy có việc, và gánh hát của chàng kia cũng đi vòng qua đấy !
Trời ơi ! Tôi bây giờ ra làm sao ? Xưa nay tôi vẫn khinh ghét cái tình-yêu nhục-thể, mà bây giờ tôi chỉ thấy có tình-dục thôi, mà tình dục ấy lại còn được biểu-dương lên nữa ! Tuy vậy, tôi vẫn có những triệu -chứng về một đường tinh-thần thuần-tuý nhất ; tôi hiểu sự vật, tôi hiểu cái đẹp một cách mới-mẻ, tôi thấy mình luôn luôn bằng lòng, hả hê mãi mãi như một tia nước vô tận, tôi có những tư-tưởng đẹp, ví như những tăm nước trong veo sủi trên gương nước của tâm-hồn. Đối với Jean, những cảm-tưởng từ xưa của tôi vẫn không có gì là thay đổi. Nhưng về phần vật chất, tôi cho là chồng tôi không còn nữa, xác thịt của chồng tôi thật là xa lạ. Xưa kia chồng tôi còn ghen bóng gió với những người mà tôi không hề nghĩ đến, thế mà ngay lúc đó chồng tôi cũng mù quáng không thấy gì, nhưng cũng phải ngạc nhiên, từ hồi ấy, về sự lạnh-lùng của tôi. Chồng tôi phải lưu lại ở Bordeaux lâu ngày. Sự xa vắng ấy làm tôi vô cùng dễ chịu.
Anh vẫn nên biết rằng tôi vẫn chưa thể tương tượng chỉ sống cuộc đời với một mình chồng tôi thôi. Tôi nghĩ đến sự chung đụng một giờ với anh chàng nọ, cái ý nghĩa ấy tôi cho là vô nghĩa-lý thật, nhưng nghĩ đế sự không bao giờ trải qua cái giờ ấy, tôi cho là đời sẽ tối tăm quá lắm. Anh nên hiều rằng cái giớ ấy đến ngày mai, hay trong sáu tháng nữa, sự ấy tôi không lấy gì làm quan ngại...
Anh hãy giảng - nếu có thể - cho tôi biết tôi bây giờ ra làm sao. Anh cho tôi một điều khuyên. Nên thú hết với Jean ư ? Nhưng chồng tôi cần có tôi nhiều lắm, tôi nào kể hết cái cần ấy cho anh được. Bảo cho chồng tôi biết là vợ chồng từ nay chỉ sống trong nghĩa bạn bè ư ? Chồng tôi tất không bằng lòng đâu ! tôi nhớ ra câu này của “cái-nhà-ông triết-học Nietzche” của anh : :Muốn thắng sự cám-dỗ, chỉ có một cánh là chiều theo sự cám-dỗ”.
Anh tất sẽ bảo rằng tôi bước theo một con đường dốc xâu xa, nhưng tôi không tin là thế đâu. Năm mười-sáu tuổi, tôi có yêu dòng-dã hai năm trời – anh muốn hiểu hay không, tuỳ ý - một người đã có vợ rồi,và hơn tuổi tôi nhiều lắm. Y chỉ ban cho tôi một cái hôn môi. Chỉ có cái hôn ấy, mà tôi sống hai năm thú-vị trong nhục-tính, sống trong kỷ-niệm của nó.
Tôi bắt đầu hiểu thế nào là ái-tình rồi ; bản-chất của nó vốn mỏng như tờ, nó lìa chúng ta chính vào lúc ta muốn lâu dài cố-kết với nó. Thật là cả một mùa xuân sống lại trong lòng tôi. Hồi còn con gái, tôi đã thừa-nhận cái triết-lý của Platon cho phù-hạp với sự nhu-cần của lòng: tôi coi cái phút độc-nhất như một phút thần mà ta không thể đo lường được, nó không giống với phút nào khác và nó không thể bao giờ trở lại. Sau nữa, cái tính vốn lành của tôi xui tôi xây dựng trên đám đất hoang của luân-lý Gia-Tô một toà nhà nhỏ hẹp, tôi ở đấy rất là mãn ý. rồi toà nhà ấy cũng đổ nốt, tôi đứng trên cõi đất trơ-trọi, gió đập vào mi-mắt tôi. Có phải là tự bao nhiêu năm rồi, tôi tự dối lòng tôi chăng ? Có lúc tôi tin rằng trong thâm-tâm của tôi có một con vật nho nhỏ nó vùng vậy, nó vô-tư-lự và hoàn-toàn ưa thích nhục-dục. Hay là tôi giống như những kỹ-nữ Hy-lạp mà anh vẫn thường nói đến, họ thuyết-lý với các nhà triết-học – nói cho đúng, bọn triết-học đó là anh đấy, tuy là anh đâu có đức-độ bằng Socrate nhỉ ! – nhưng họ vẫn yêu thương các gã thanh-niên thịt bắp, vai u ?
Có lẽ số-kiếp sẽ gánh đỡ hộ tôi cái khởi-ý quyết định kia. Thực ra, chàng đợi một là giao-kèo ở bên Mỹ, và có lẽ chàng sẽ ra đi trước ngày gặp tôi ở Marseille. Tôi không chắc rằng trong trường-hợp ấy tôi sẽ cám tạ số kiếp đâu. Rồi mãi mãi, tôi sẽ tự hỏi rằng: “Tại sao tôi không yêu ai bằng cái anh chàng chỉ biết ca hát, cái người mà tôi không có lấy đủ mưới điều ý-hợp tâm-đầu ?” Một hôm, chàng bảo tôi rằng chàng có đa-mang đứa con hát kia, nhưng chẳng có tình gì cả, chỉ tại “sự cần dùng về xác thịt”. Thí dụ anh mà có nói thế, tất tôi sẽ mích lòng, sẽ ghê tởm anh gớm lắm. Nhưng ở miệng chàng nói ra, tôi không thấy thế đâu. Khi chàng nhìn bóng tôi in xuống nước, tôi thấy rõ răng cái tâm hồn muốn thắng cái xác-thịt, nó như muốn thay đổi cả cái hình-hài đầy khuyết-điểm của tôi vậy.
Anh hãy giữ lấy bức thư này. Có lẽ một ngày kia, tôi sẽ hỏi xin lại anh. Nếu tôi viềt thư cho anh, là có lẽ tại anh hơi có chút trách-nhiệm về cái việc xảy ra cho tôi. Mỗi một khi chúng ta nói chuyện, mỗi một lý thuyết của anh về cái tình hoàn-toàn vật-chất, đều ghi vào lòng tôi một chút hồ-nghi, bây giờ tôi mới nhận ra thế ! Tôi giả nhời cho anh, nhưng chính thực thì tôi giả nhời cho lòng của tôi biết. Xưa kia tôi vẫn ghê tởm sự dối-trá, mà bây giờ tôi khám phá là tôi là tôi có thể dối-trá vô cùng.
Anh cho tôi biết ý-kiến của anh.
MARIE
II
Thư Lucien gửi cho Marie
Tôi thật khó mà giả-nhời bức thư của bà chị. Bởi vì nế`u tôi là tự xưng là bạn của chị- có lẽ không còn chữ gì có thể tỏ đúng cái tình của tôi đối với chị - còn điều chắc chắn là tôi là bạn của anh Jean nữa.
Tuy vậy, tôi không thể cho chị một bài học về luân-lý được. Chị sẽ bảo là tôi chỉ có luân-lý để thuyết với người ta thôi. Vả lại tôi cũng gần tin chắc rằng tôi sẽ mang những câu châm-ngôn của tôi đến chậm trễ quá. Chị đã quá chân trong cái ham-mê chốc lát mất rồi, tôi có khuyên-giải cũng không gỡ ra được. Mà tất cả những lời răn của những nhà triết-học cũng không đủ để mà tháo gỡ, chết một nỗi nữa là bà chị cũng biết cách để hiểu những lời khuyên ấy theo ý muốn của mình. Cái tình-thế này phải là nghiêm-trọng lắm, bởi vì bà chị không là người rởm chữ. Trời ơi, không phải thế đâu ! – mà cũng còn phải kêu cầu đến Platon và Nietzche, đấy là không kể đến tôi là một Socrate vụng về.
Chị yêu cái anh kép hát nhỏ của chị, mà chị lại khoan-khoái kể cho tôi biết. Có lẽ không phải chính cái tình cảm, mà là sự thú-tội ấy nó bày ra cái cảnh không thể hàn gắn kia. Nếu trước bà chị nghĩ là có thể thoái hồi không mơ tưởng nữa, tất bà chị không bao giờ nói gì cho tôi biết đâu.
Đã hay rằng chị tự khám-phá thấy mình có một kho dối-trá vô-tận, chị cứ tha-hồ dùng nó để mà che mắt anh Jean. Hạnh-phúc anh là ở trong tay chị. Chị hãy cố sức đối đãi với anh trước sau như một, trong cái lúc vui chơi khoảnh khắc này. Ở trường-hợp này, cái điều mà ta gọi là lòng chính-trực, nó chỉ là ích-kỷ và ác tâm mà thôi. Người ta mua lấy sự thư thái trong lòng bằng cách giày xéo trái tim kẻ khác. Nói cho cùng, không có gì dễ hơn là theo con đường mà thói quen đã vạch san trong bốn năm trời duyên nợ. Chị sẽ bảo tôi : có lẽ đó là một cử chỉ hèn nhát. Tôi cũng không rõ. Dù sao, giá nó có hèn nhát chăng nữa, nhưng đối với chị, nó đã thành ra một bổn-phận rồi.
LUCIEN
III
Thư Marie gửi cho Lucien
Than ôi, quý hữu ạ, không, tôi không thắng nổi lòng tôi đâu. Tôi bắt buộc phải thú với anh, vì anh đã lấy thân-tình mà chịu nghe câu chuyện ấy, vì anh đã giả nhời cho tôi.
Ồ, tôi không nhắc lại nhiều đường nhiều nẻo về cái đầu-đề lãng-mạn này: cả một cái cục-diện thế-gian đã thay đổi chỉ vì một người đàn ông đã ôm ấp tôi trong lòng. Nhưng tại sao tôi lại thân-mật ngay lập tức trong phạm-vi vật chất với một người xa lạ (anh có hiểu tôi muốn nói gì không ?), ôi lại giao cảm xác thịt nmột cách sung sướng mà dễ dàng, cái đồng thanh đồng khí ây tôi đâu dám ngờ là có thể chia sẻ với người nào được ? Ở thời đại cổ-sơ mà Ái-tình chưa có tên gọi, với những sự cao quý của nó, với những khúc-triết của nó, chàng kia có lẽ chỉ là đàn ông của tôi, thế thôi...
Mặc dàu những điều anh đã nói với tôi, anh nên tin rằng tôi không yêu chàng kia đâu, theo cái nghĩa chữ yêu.Lấy việc này ra làm thí dụ: chúng tôi xa nhau đến nay được mười lăm ngày rồi, mà tôi không thèm muốn chàng tí nào, hay là tôi chưa có muốn tái-ngộ với chàng. Có là thư của chàng đợi tôi ở nhà dây-thép, mà tôi cũng không buồn đi lấy về. Có cần gì thư với từ để nhớ đến nhau đâu, nếu tôi còn giữ trên mội hương-vị cái hôn của chàng, nó như một đoá hoa vô hình ảnh. Dường như trên đời này chỉ có tôi với chàng mà thôi. Đối với tất cả bất cứ những người, những sự vật khác, tôi có cảm giác mình là hư không, còn tất cả chỉ là hình-thức. Dù tôi muốn đến đâu, tôi cũng không thể gợi trong lương-tâm bới lấy một tí chút hối-hận : lòng tôi chỉ tràn-ngập một sự đầy đủ vui thích, cái dễ dàng trong sự làm việc mà tôi đã quên lãng đi rồi bây giờ lại quay trở lại, tôi đàn lại tất lá các bản đàn của Mozart. Đã hẳn ca tôi thư-thái trong lòng khi tôi chỉ nghĩ đến tôi thôi, hay nói cho đúng khi tôi nghĩ là tôi chỉ có một mình, không ai khuấy rối. Vì anh đã thừa đoán là cái mặt trái của cuộc đời nó chẳng hay-hớm gì. Tôi vẫn âu yếm Jean, vẫn mang một tình đùm-bọc cho nhau, tôi chỉ nhìn và hiểu cuộc đời thực-tế với một mình chồng tôi thôi.
Còn cái anh kép-hát nhỏ của tôi, giá nhìn xa, thì cũng không đến nỗi ngốc-nghếch như các cậu nhân-tình người ta tạo nên. Chàng có duyên lắm, trơ-tráo một cách tự nhiên, khoẻ khoắn, chàng có khối óc thiên về bản năng. Dù sao, sau mười lăm hôm chung đụng với chàng, rồi tôi cũng sẽ buồn. Nhưng tôi không thể tự giấu lòng rằng trong hai giờ đồng hồ tôi phó thác thân tôi cho chàng, đâu có được thực-thà tha thiết như tôi đã phó thác thân tôi cho anh Jean từ bốn năm trời nay.
Nếu ngày mai tôi có chết đi, chỉ có chồng tôi là đáng kể trong cái ký ức của tôi về sự vật chất. Tình âu-yếm của chồng tôi dù không khéo léo cho lắm, nhưng nó là lần đầu tiên mà thân thể tôi được hiểu là xác thịt sinh ra để làm gì.
Nếu trong câu tâm-sự của tôi có điều gì hơi quá đáng, làm anh mích lòng, anh cứ đổ lỗi cho những nàng tiên đỡ đầu cho tôi, có lẽ các bà ấy quên không nặn cho tôi hai sự hổ thẹn nhi nữ về hồn, về xác cho nó đi đôi với nhau (anh chắc cũng chẳng lạ gì cái xác thịt trần truồng của tôi, suy rằng chúng ta chỉ mới trao đổi những cái bắt tay). Để đền bù cho sự quên lãng của các cô tiên đỡ đầu ấy, có lẽ một ngày kia tôi sẽ được làm một bà cu già bé nhỏ tươi ròn đấy ! Ở trong cảnh này, tôi chỉ thấy có một chước mà thôi : nói dối, nói dối bằng lỗ miệng, nói dối, than ôi ! bằng thân-thể của mình ! Tôi chỉ muốn có thể nói ra rằng: cái tình thoảng qua của tôi đã qua rồi. Nhưng tôi nào có biết nếu tình cờ khiến tôi được gần chàng, tôi nào có thể giữ mình không về với chàng, cũng như ngọn suối không thể không chảy về nơi thung-lũng. Tôi thực tình mong mỏi - rằng sự ngẫu-nhiên không chơi khăm như thế đâu. Tôi ghê tởm không muốn lừa dối chồng nhiều hơn nữa.
Nhưng, hỡi ôi ! bạn ơi, khi nào tôi thấy lẻ loi, tôi đến phải cắn răng mà không nhắc đến tên chàng nữa.
MARIE
Tái bùt. – Mà rồi, câu chuyện đó có quan hệ gì đâu, phải không ? Chung quanh tôi, mọi vật đều bồn chồn giống in như cảnh-ngộ của tôi giống một cách dị kỳ. Anh sẽ bảo tôi, rằng cái cục diện thế gian đâu có suy-suyễn vì một vài cái hôn yêu... Dù sao, trong mấy lúc ngắn ngủi, tôi đã hiểu nhiều hơn là trong cả một đời...
HUYỀN-HÀ
< Lùi | Tiếp theo > |
---|