BA CHUYỆN LẠY MỪNG TUỔI LẠ ĐỜI
1.) LẠY CHẾT ĐỨNG GIỮA SÂN RỒNG VÌ CON RẾT
2.) LẠY QUAN TÀU RỒI LÀM THƠ CHỮA MÌNH
3.) LẠY RƠI TRONG TÚI RA MẤY HỘP THUỐC PHIỆN
Lễ-tục ở chốn triều-đình ta thuở xưa đối với năm mới rất là tôn nghiêm, long-trọng.
Ngay lúc giao-thừa bắt đầu bước qua năm mới, hoàng-đế đem quần-thần lạy nhà Thái-miếu, lạy mừng tuổi hoàng-thái-hậu, rồi thiết đại-triều tại một chánh-điện, trăm quan bài-ban làm lễ bái hạ nhà vua.
Trong những dịp triều-nghi to tát đến thế, nếu một ông quan nào thất-thố, chỉ sai một bước chân, một cái lạy, cũng phải phạm tội bất-kính mà phải giáng chức hay phạt lương.
Còn nhớ hai chục năm trước, mấy bực cố-lão ở Kính, thuật cho tôi nghe câu chuyện buổi đầu niên-hiệu Tự-Đức, một ông quan chết đứng giữa sân rồng.
Hôm ấy cũng nhằm đại lễ năm mới mừng tuổi nhà vua. Với những bộ triều-phục rực rỡ, mũ hia đai hốt chỉnh tề, các hàng bách quan lờn nhỏ, bài-ban làm lễ ở trước điện Cần-chánh.
Quan Lễ-bộ đứng xướng lễ, lấy làm kinh-ngạc khi nhận thấy ở hàng dưới, một vị quan chỉ lạy đâu một hai lạy rồi đứng sững như cây trồng. Cho đến khi bách-quan lễ tất lui ra rồi mà vị quan nọ vẫn trơ trơ nguyên chỗ.
Thì ra ông ta đã chết đứng như Từ-Hải.
Vua truyền ngự-y cứu chữa. Người ta khiêng ông vào một nơi, tháo mũ cổi áo ra cho tiện xem bệnh. Bỗng thấy trong mũ cánh-chuồn của ông, bò ra một con rết to tướng , bằng ngón tay cái.
Thôi phải rồi, chính nó giết ông.
Người ta lượng-đoán nguyên do như sau này, nếu không thật trúng, hẳn cũng không xa.
Ông làm quan ngôi thấp, không có dinh-thự gì, cảnh nghèo lương ít, phải ở nhà lá. Hòm sơn đựng mũ cánh chuồn đã mọt thủng tứ phía, con rết chui vào đỉnh mũ lúc nào ông không biết. Đến giờ sửa soan đi chầu, cứ thế mà đội lên đầu.
Khi ông lạy một hai lạy rồi, làm cho con rết ở trong mũ bị động đậy, bực bội, luồng cuống, muốn tìm đường ra chẳng có, nó cứ nhẻ đầu ông mà cắn. Tuy biết mình bị rết cắn rất đau, nhưng cắn răng mà chịu, không dám nhúc nhích, sợ mang tội bất kính, khi quân. Con rết ấy tất có nọc độc dữ, làm ông chết đứng tại chỗ.
Ai đọc sử cận-đại nước nhà, tất cũng phải biết có ông tên Trương-đăng-Quế, người Vĩnh-lại, tỉnh Quảng nghĩa, là một vị quan có quyền-vị hiển hách trong hai đời vua.
Tục-ngữ nói: Một người làm quan, cả họ được nhờ. Chúng tôi muốn thêm: trước hết là con cháu.
Người con là Trương-quang-Đàn, chỉ đỗ tú-tài và không có tài-năng gì riêng, nhưng nhờ có dư-oai của cha mà được triều-đình trọng dụng.................................... Quang – Đàn được bổ ra Bắc, làm chức Tham-tán Quân-vụ, Phải biết Tham-tán Quân-vụ của ta ngày xưa ngôi to chức trọng, cũng như quân-chế văn-minh đời nay, sung vào bộ Tham-mưu vậy.
Lúc bấy giờ ở Sơn-tây có viên quản tấy đề-đốc là Phùng-Tử-Tài đóng quân, do vua Thanh-triều phái sang. Bề ngoài, tiếng nói là sang giúp đỡ nước Nam, nhưng thực bề trong họ muốn làm cái ngón xảo-quyệt như quân Minh cứu viện nhà Trần thuở trước cốt thừa nguy xâm đoạt Bắc-hà đấy thôi.
Gặp Tết Nguyên-đán, cụ-lớn Tham-tán Quân-vụ ta mặc áo thụng xanh, đến dinh Phùng-tử-Tài thụp xuống lạy Phùng hai lạy chúc mừng năm mới.
Rõ thật lạ đời ! Chức Tham-tán Quân-vụ nước Nam cũng đường bệ oai nghiêm, đâu có hèn mọn, việc gì phải hạ mình bái-chúc một viên đề đốc Quảng-tây ?
Lạy rồi vềTrương-quang-Đàn còn làm tội hồn thơ phải thức dậy để chấp-chểnh ngâm nga một bài bốn câu ba vần, ý muốn ghi chép kỷ niệm một việc lạ đời mình đã làm
“Uý thiên đại nghĩa cổ kim đồng
Nhĩ nhật hà phương bái hạ phong
Tự quý phi-phu yêu dục chiết
Bắc-song cao ngọa tưởng Đào-công
Nghĩa là:
Nghĩa cả xưa nay phải sợ trời
Hôm xưa ta lạy, chẳng ai cười,
Thân hèn riêng thẹn lưng hồ gẫy
Nằm khểnh, Đảo-công hoá thảnh thơi.
Chủ ý họ Trương muốn nói: nước nhỏ phải kính sợ nước lớn như sợ trời là lẽ thường nghĩa cả xưa nay. Vậy họ là quan nước to, tôi hạ mình lạy họ chẳng có làm sao. Nhưng cũng tự thẹn như thế là mình hèn, lạy muốn khòm cả lưng ; thà nằm khểng ở nhà như ẩn-sĩ Đào Tiềm ngày xưa cho sung sướng tấm thân.
Bài thơ này, Trương con cao hứng chép vào tập thơ “Cúc-viên thi tập” của mình, để truyền đời sau.
Có thế, bây giờ chúng ta mới được biết câu chuyện Quang-Đàn lạy mừng năm mới Phùng-tử-Tài.
Hồi đức kim-thượng Bảo-đại mới ở bên tây về thân-chánh, liền hạ dụ bỏ tục “lạy”.
Một ông bạn tôi, người Nam Kỳ, ngỏ ý hân-hoan tán-thành, mặc dầu việc cải lương ấy không liên lạc gì với Nam-trung Lục-tỉnh:
Bỏ lạy đi là phải lắm. Vì có khi nó làm lòi cả sự bí-mật của người ta ra.
Tôi sửng sốt, không hiểu vì sao cái lạy mà “lòi cả sự bí-mật của người ta ra”
Bạn cười và thuật lại một chuyện lạy chính mình đã trải, tôi xin chép lại đưới đây.
Ông đã hiểu trong Nam còn nhiều nhà nho-phong danh-giáo vẫn giữ cổ-tục về Tết. Sáng mồng một, con cháu nội ngoại phải hai lạy mừng tuổi ông bà cha mẹ.
“Gia đình bên vợ tôi là một nhà vào hạng đó. Con cháu nội ngoại khá đông, lại còn ông cụ-cố, đốc phủ-sứ trí-sĩ, gần 80 tuổi mà vẫn khỏe mạnh.
“Còn nhớ sáng mùng một Tết năm đó, tôi khăn áo chỉnh-tề, sang bên nhạc-gia để mừng năm mới. Nhưng tôi đinh ninh trong trí là được miễn lạy, vì đời đã văn-minh cải lương rồi. Khi thấy con cháu nội ngoại đông đủ, bà nhạc tôi bảo:
Các con đưa nhau lên làm lễ mừng tuổi cụ đi.
Làm lễ nghĩa là phải lạy. Tôi giật nảy mình, tưởng như trời nghiêng đất sập. Vì sao ? Vì lúc ở nhà tôi đi sang nhạc-gia, cách vài cây số, ngang qua một tiệm bán thuốc phiện, tôi ghé mua 10 hộp thuốc Luxe để thưởng xuân trong ba ngày Tết chơi.
“Những hộp ấy giờ đang nằm đầy trong hai túi áo cánh tôi đây. Nếu phải lạy, mọp mình quỳ gối, thế nào mấy hộp thuốc cũng bị dốc túi mà văng ra ngoài thì khốn. Nhất là bấy lâu nay tôi vẫn nói mạnh bạo với nhạc-gia là tôi ghét a-phiến như kẻ thù bất cộng đái-thiên, không bao giờ tôi nghiện. Ay thế mới rầy ! Không dám gửi ai cầm hộ mà cũng chẳng kịp giấu đi chỗ nào, tôi đành cứ để trong túi.
“Khổ quá ! lúc sắp sửa lạy, tôi giữ ý tứ nhẹ nhàng hết sức, thế mà vừa cúi mình xuống, chưa được một lạy thì hai ba hộp thuốc đã thoát thân trong túi nhảy ra lăn tròn trong nhà. Mấy đứ trẻ con, em bé của vợ tôi, tranh nhau vồ lấy và cãi cọ rầm lên:
Pháo đùng của anh bà mua cho tao đó, mày à ! đứa này nói.
Không phải pháo, ấy là hộp bánh anh Ba hứa cho tao hôm nọ mà ! - đứa kia cãi.
“Bà nhạc-mẫu của tôi lanh trí, giằng lấy mấy hộp thuốc và mắng lũ trẻ:
Thụốc bẫy chuột, mà dặn anh ba mua cho má đó mà, đưa cả đây.
“Sự thật, bà thừa biết là những hộp thuốc phiện đắt tiền.
“Tôi xấu hổ cuống quýt, đến nỗi không nhớ là mấy lạy nữa. Trong khi những người kia đã xong việc lui ra, tôi còn nghi ngúp lạy mãi. Thì ra tôi đã lạy bốn lạy, chớ không phải hai !
Một lát sau, bà nhạc tôi gọi tôi vô nhà trong, vắng người, đưa trả tôi ba hộp thuốc và nói một câu mát như dầu săng, nhẹ như quả tạ:
Chắc con oán thù cái lạy đáo để !
“Mà thật, tôi oán thù nó ghê ! Không có nó thì làm gì đến nỗi tôi phải lộ-tẩy là thằng nghiện ? Bởi vậy tôi trông mong cái lạy ở khắp nước nhà, đội nón ra đi đâu thì đi cho rảnh !”
Hồn-Phong
< Lùi | Tiếp theo > |
---|