Đảo phi hoa
của TẢO-TRANG - Nguyễn-Huyến vẽ
Vĩ-Sinh là một danh sĩ đất Sơn-Nam. Văn-thơ rất hay, có cái khí-tượng siêu-thoát và kỳ-vĩ của thầy Trang, thày Tô. Tâm hồn rất khoáng-đạt, hồn nhiên nhuyễn trong tư tưởng cao-siêu của đạo Lão cùng đạo Phật. Chàng là một người phong-lưu nên giao du rất rộng. Sự nghiệp văn-chương cùng tâm tính hào-nhã đã khiến chàng nổi tiếng một thời.
Một buổi sáng mùa xuân, Sinh có hai người khách đến chơi - một vị sư và một nhà văn-sĩ – cùng uống rượu ngắm hoa và chuyện phiếm. Phong cảnh ngoài vườn trong tiết xuân, nhuốm một vẻ êm đềm vui tươi lạ lùng. Ánh mặt giời rắc phấn vàng trên những đoá cúc trắng. Chậu thủy-tiên đầy hoa như những đĩa ngọc-thạch đựng những chén vàng diệp tí-hon. Cánh cánh hoa lê lác đác bay, ngập ngừng lượn vòng như còn lưu luyến cành thơm mà chưa muốn sa hẳn xuống đất. Trong đám ấy, lẩn lút một vài cánh bướm trắng tự-do hơn, phóng-khoáng hơn, lên xuống dịp-dàng như vồn-vã mảnh hoa rơi.
Bên hiên, chủ và khách rượu đã ngà say. Câu truyện ngả dần về văn-chương : vị khách văn sĩ lấy tay chỉ ra vườn vế phía gốc lê rải-rác hoa và bướm mà nói :
- Ngắm cảnh này tôi chợt nhớ đến một câu thơ không biết ở đâu:
Ly biên da hồ diệp
Do thị lạc hoa phi
(Bên rào đàn bướm lượn
Tưởng mấy đoá hoa bay)
Con mắt nhà văn sĩ kể cũng lạ lùng thật ! Nhìn con bướm mà dám tưởng là cánh hoa sau khi rụng đã hoá thành tráo-lộn cả càn khôn như thế ; duy có thi-sĩ là có quyền.
Vĩ-Sinh nói:
Cái nên thơ chính là ở chỗ tráo-lộn muôn vật đó. Những câu thơ bất-hủ thường tỏ rõ cái ngông của thi nhân vốn có một cảm-giác phi-thường bắt ép tạo-vật phải theo trí tưởng-tượng của mình.
Nhà sư gật đầu, tiếp rằng :
Vâng, có lẽ như vậy lắm. Vì thế đạo Phật và đạo Lão thuần những tư-tưởng u-huyền, thoát-tục, đã giúp ích cho các nhà thơ nhiều hơn là đạo Khổng, thiết-thực và khô-khan. Nhưng chưa chắc hẳn là những câu thơ như trên chỉ tả những cảnh không-hư do thi-sĩ tưởng-tượng ra. Biết đâu trong hai mươi tám cõi vũ-trụ này lại chẳng có những dây liên-lạc vô-hình mà mà mắt phàm-tục của người ta không thấy, chỉ riêng cái cảm-giác tinh-tế và và linh-diệu của nhà thơ mới nhận được ? Biết đâu từ đời trước, hay ngay bây giờ nữa, ở một nơi xa lạ nào, bướm chẳng là những cánh hoa ghép thành, mà cái kiến thức hẹp hòi của chúng ta chưa đạt tới ?
...Câu truyện đương nồng nàn, thì có một chú tiểu sang mời nhà sư về Chùa có việc cần. Đồng thời vị khách kia cũng xin cáo-thoái, chủ-nhân lưu lại thế nào cũng không được.
Sau khi tiễn khách đi khỏi, Vĩ-Sinh lại quay vào thư-trai, lặng ngắm những cánh bướm vồn vã bên những chùm hoa và ngẫm nghĩ nhời nhà sư vừa nói...
Bỗng người nhà báo có khách. Sinh vui vẻ ra tiếp thì là một đạo-sĩ lạ mặt. Đạo-sĩ bước tới thi lễ :
- Bần đạo nhân qua chơi đây, mộ cái phong độ cao thượng của ngài nên xin vào yết-kiến, mong không đến nỗi bị khước-từ.
Vĩ-Sinh khiêm tốn mời ngồi. Câu truyện của hai người mới quen biết dần trở nên thân mật như đôi bạn cố-cựu. Rồi nhân lúc cao hứng. Sinh đem kể lại câu thơ lúc nãy cùng nhời bàn của vị sư. Đào-sĩ nghe xong mỉm cười nói:
Câu nói của nhà-thiền có nghĩa-lý lắm và nhân thể muốn tạ lòng ưu đãi của ngài, bần-đạo xin giúp ngài thấy một chứng cứ rõ ràng.
Đoạn, đạo-sĩ lấy trong bọc ra một vò rượu nhỏ đặt lên chiếu mà nói :
Rượu này tên là bách-hoa-lộ. Uống nó khả dĩ khiến tâm hồn thanh sảng và đối với một người có căn duyên như ngài, tinh-thần có thể trở nên sáng suốt như một vị tiên, nhưng công hiệu chỉ trong một thời khắc ngắn mà không được mãi mãi. Nếu ngài không chối từ, chúng ta hãy cùng uống một vài chén, rồi tôi xin đưa ngài đến một cảnh rất tươi đẹp.
Vĩ-Sinh khái-nhiên nhận lời.
Rượu rót ra trong suốt như pha-lê, mùi thơm thoảng như hoa-lan. Uống vào miệng vị rất ngọt và hương như thấm vào da thịt. Một hai chén đã thấy say, say nhẹ nhàng như tưởng chừng tê dại, hình như say không vì men rượu mà vì hương thơm, thứ hương êm nhẹ mà dễ làm cho ngây ngất.
Chốc lát vò rượu hầu cạn. Đạo-sĩ đứng dậy chìa tay mời:
Nào, bây giờ đôi ta cùng đi.
Vĩ-Sinh nhanh nhẹn bước theo người khách lạ, bước đi như chỉ lướt trên mặt đất. Thân thể cảm thấy nhẹ bỗng tưởng không còn là thịt xương. Giác quan cũng thấy minh-mẫn hơn, cảm nhận một cách rõ rệt cả những cái rung động rất tế nhị của sự sinh sống muôn loài. Đường lối khác lạ hẳn, không còn phải ở trong thôn xóm chàng thường đã sống tự thửa trẻ thơ. Một chốc, đến một làn nước rộng lớn, nước trong suốt và êm lặng. Gần bờ có một con thuyền nhỏ sẵn sàng như đón chờ ai. Đạo-sĩ dắt Vĩ-Sinh xuống thuyền. Rồi chẳng cần chèo lái, thuyền cứ từ từ trôi đi nhẹ nhàng, gần như huyền ảo trên một mặt hồ êm lặng tựa như một tấm gương. Không khí như trong nhẹ hơn và đượm một mùi hương ngát không biết từ đâu đưa lại. Lắng nghe sẽ thấy một điệu nhỏ nhẹ quá, hầu như tiếng gợn sóng trên mặt nước trong một giấc mơ nào. Thuyền đi rất thong thả, thế mà lúc quay lại phía sau, Vĩ-Sinh ngạc nhiên khi thấy bờ đã xa tít và không còn nhận rõ được nữa trong khoảng sương mù. Một lúc sau, thuyền ghé bên một cái đảo khá lớn. Hai người bỏ thuyền bước lên và Vĩ-Sinh cảm rằng hương thơm và cả âm-nhạc nữa có nhẽ đã phát nguyên tự chốn này.
Từ lúc ra khỏi nhà, đạo-sĩ vẫn giữ nét mặt rất điềm-đạm và Vĩ-Sinh cũng không muốn hỏi. Chàng muốn im lặng để hưởng cái thú sống hồi hộp trước những sự đột ngột xảy ra giữa một thế giới thần-dị. Trong trí lởn vởn những hình-ảnh mơ-hồ của những chuyện truyền-kỳ về Từ-thức hay Lưu- Nguyễn thời xưa. Mãi đến lúc bước lên bờ, đạo-sĩ mới chỉ tay bảo rằng:
Đảo này tên là đảo Phi-Hoa. Ngài thấy mọi chỗ đều là hoa, trên cành, dưới đất và cả ở không trung nữa cũng có những cành hoa bay bên cạnh những bướm lượn.
Vĩ-Sinh đứng lặng nhìn. Chàng đương ở trong một bàu trời đầy hoa thắm. Dưới đất những cánh min rơi chồng chất đủ các màu như một tấm thảm nhung sặc sỡ. Ở trên là những cành cây hoa phủ kín: có cái hàm tiếu, có cái còn là nụ, có cái đã nở hẳn. Những cánh hoa tàn bay rơi lả tả như một trận mưa, quyến luyến nhường mơn trớn thân người du-khách. Trong đám hoa rụng ấy có những cánh hoa linh hoạt hơn, bay lượn lên xuống rất nhẹ nhàng : đó là những con bướm nhỏ. Đạo-sĩ lấy tay chỉ miệng nói tiếp:
- Ngài có nhìn thấy những con bướm kia không? Nếu chúng không bay lên, ta sẽ tưởng chỉ là những cánh hoa rời rã. Nhận kỹ hơn ta sẽ thấy một vài cành hoa vừa lìa cành được chốc lát nếu may gặp một cành hoa khác :đôi mảnh hoa sẽ dính liền nhau mà cùng lượn bay lên : chúng đã hoá ra bướm. Ngài thấy chưa ? Câu thơ “Ly biên da hồ diệp. Do thị lạc hoa phi” không phải là bịa đặt và đảo Phi-Hoa này cũng có tên nữa là đảo Hồ-Điệp.
Vĩ-Sinh đứng lặng, chàng ngẩn người nắm cảnh chung quanh mình ; những cây muôn màu sắc, những cánh hoa rơi trong hương thơm, những con bướm sinh ra do một sự gặp gỡ bất kỳ. Và tiếng nói của đạo-sĩ bên tai, chàng tưởng như tiếng đồng vọng mơ hồ ở đâu đưa lại. Đạo-sĩ dắt tay chàng và cười chỉ đằng xa ;
Thôi ta đi thăm cảnh đi thôi. Ở trong còn nhiều chốn đẹp khác.
Chung quanh hai người chỉ là tấm đệm bằng cánh hoa chồng chất lên nhau. Vĩ-Sinh rụt rè không biết đặt chân vào đâu, không nỡ làm đau đớn những vật mỏng nhẹ mềm mại ấy dưới gót giầy. đạo-sĩ thấy vậy lại cười mà bảo:
Ngài không ngại. Rượu bách-hoa-lộ đã khiến thân thể nhẹ nhàng chẳng khác gì khinh-không bước đi dù nhanh hay mạnh cũng chẳng làm cánh hoa nhàu nát. Chúng ta đi mau lên thôi. Và kia là nhân vật trong đảo Phi-Hoa.
Vĩ-Sinh nhìn theo phía tay đạo-sĩ trỏ. Chàng nhận thấy trong đám cánh hoa bay ẩn hiện có những bóng người thong thả đi lại. Quần áo họ mặc đều là những màu khá tươi, lẫn trong sắc hoa, họp thành một bức vẽ sướng mắt vô cùng.
Bỗng một người trong đảo đi qua gần đó. Đạo-sĩ cúi mình thi lễ, Vĩ-Sinh cũng chào theo, và người kai kính cẩn đáp lại. Đạo-sĩ ngỏ ý muốn nhờ dẫn đường thăm cảnh thì khách lạ vui vẻ nhận lời.
Vĩ-Sinh để ý nhận kỹ thấy khách là một người đứng tuổi nét mặt điềm đạm, đôi mắt trong sáng, phong cách rất thanh kỳ. Y phục như làm toàn bằng lá cây còn giữ nguyên màu tươi tốt. Mũ là một cái lé sen gập đôi rồi cụp lại. Áo dệt bằng những sợi tơ xanh biếc mịn màng của cây liễu. Dưới áo dài hé lộ đôi ống quần óng ả mà Sinh đoán là lá chuối nõn. Giấy màu vàng như do sợi dây tơ hồng dệt thành...Từ lúc này bao nhiêu thứ khác thường đã xảy ra, Vĩ-Sinh đều bình tĩnh đón tiếp, vui vẻ nhưng không muốn suy nghĩ bận bịu sợ làm giảm cái tình cảm hồn nhiên khi nhận những lạc thú tân kỳ.
Người khách dẫn hai người đi thăm đảo. Bầu trời có một màu asáng lờ mờ như sữa. Mặt trời không thấy đâu, mọi vật tắm trong một ánh sáng êm dịu mơ hồ, phiếu-diểu như trong một làn sương. Hết thảy là êm đềm, yên tĩnh nhẹ nhàng. Bỗng tiếng khách cất lên, thong thả và nhỏ dịu :
Đảo này có tự thủa khai thiên lập địa. Sau khi thượng-đế tạo xong vũ trụ rồi ngài mơ tưởng một nơi nào vượt ra ngoài sự thay đổi quá rộn ràng, bèn lập ra chốn này. Ở đây mặt trời mặt trăng không có, đêm ngày không phân biệt rõ rệt. Mưa gió khôn hề đếnn rung động làn không khí lúc nào cũng trong trẻo êm đềm như ánh bình minh. Ở đây chỉ có những vật sống trong sự yên thản, trong sự bình tỉnh không giới hạn, hầu như trong hư vô : hoa và bướm...
Đạo-sĩ mỉm cười nhìn khách nói tiếp:
Hoa và bướm và những kẻ nào đã quên lãng cả sự thăng-trầm của đời người cùng quên cả sự náo động của tâm hồn, phải không thưa ngài ? Cái mộng của thấy Trang-Chu thủa xưa thấy mình hoá bướm, chỉ là một sự thật hiển nhiên. Bướm là hoa và những người tiên là hiện thân của hoa và bướm. Nhưng người đời có hiểu đâu thế ! Phải sáng suốt nghĩa là phải bình tĩnh – có bao giờ mặt hồ được trong suốt mà không yên lặng ? - mới óc thể nhận rõ những dây liên lạc giữa muôn loài !
Vĩ-Sinh lắng nghe những nhời nói của hai người, lòng đột nhiên tưởng như bừng sáng. Chàng không muốn góp chuyện, tin rằng khoái lạc sẽ đầy đủ hơn nếu được lắng mãi dưới đáy tâm hồn yên tĩnh. Không khí chung quanh chàng hình như đọng lại, và cả mảnh hoa bay, cả cánh bướm liệng trên đầu chàng nữa, chúng có một dịp rất êm nhẹ, rất đều đặn gần như bất động ! Chàng hiểu lắm, hiểu tại sao ở trên trần gian huyên náo kia người ta lại không nhận thấy rằng bướm là do những cánh hoa biến ra. Người ta trông thấy sao được sự liên lạc điều hoà giữa vạn vật, vì chính mình đã thiếu sự điều hoà trong tâm hồn !
Rồi dần da giữa cảnh đương êm đẹp một cách huyền hồ, chàng thấy trong lỏng cũng thênh thang, thanh thản như một dải hồ rộng lớn không chút gợn sóng. Chàng bước đi một cách chậm rãi vô ý-thức dường như quên cả thân mình. Hương thơm quanh quẩn cạnh người như một làn khói say sưa. Chàng lặng yên trước cảnh vật, không cảm giác, không ý nghĩ, triền miên trong mộ giấc mộng đẹp muốn mãi mãi kéo dài...
Chàng đã ở trong cái cảnh hoàn toàn không-khoáng của tâm hồn đã được bao nhiêu lâu rồi, nào ai có biết ? Nhưng Sinh bỗng thấy thấy thân mình dần dần như nặng hơn lên, chàng chợt nghĩ tới câu nói của đạo-sĩ mà giật mình, tưởng rằng rượu tiên uống vào trong người đã bay, đã hả rồi và gót chân nặng nề của đời tục sẽ dẫm xéo nhàu những cánh hoa mềm-yếu. Chàng quay lại định tìm đạo-sĩ thì không thấy ai quanh mình. Hoảng sợ - chàng càng hoảng sợ thêm khi thá6y một đàn bướm rất đông ở đâu bay tới, xúm xít quanh chàng khiến chàng tối tăm mặt mũi. Chàng kinh hãi, khoa tay chống cự.
Vĩ-Sinh giật mình tỉnh dậy. Chàng kinh ngạc khi thấy mình vẫn nằm dưới mái hiên thư trai, trông ra vườn. Mặt trời đã khuất sau rặng tre già. Đạo-sĩ không thấy đâu, nhưng trên chiếu, bàu rượu cạn vẫn còn, và bên miệng bàu bay liệng vòng đôi, ba con bướm trắng như mê mải tìm một ít hương thừa. Khắp cả phòng còn thoang thoảng một mùi thơm ngát. Nhất là áo chàng tưởng chừng đã được ướp trong một rừng hoa nào.
Và trong khoảng mấy mươi ngày sau, như hình ảnh những cảnh thần-tiên còn phảng phất trong trí nhớ, hương thơm vẫn tản-mạn mơ hồ nơi phòng văn của Vĩ-Sinh.
Tảo-Trang
< Lùi | Tiếp theo > |
---|