Báo TRUNG BẮC CHỦ NHẬT (số TẾT 1941) - * Ba mươi Tết của trâu bò gà lợn

Mục lục
Báo TRUNG BẮC CHỦ NHẬT (số TẾT 1941)
* HÃY CAN ĐẢM MÀ BƯỚC SANG NĂM MỚI
* TÍNH SỔ KẾT TOÁN CANH THÌN
* Ngày xuân (VŨ BẰNG)
* Năm Tân Tỵ sẽ đem cho ta những gì?
* NĂM MỚI CHÚNG TÔI XEM CHIẾT TỰ Bốn ông chủ báo hàng ngày
* Nàng mai
* Đảo phi hoa
* Ba vợ chồng táo quân
* Thiếu một cây nêu
* NHỮNG PHONG TỤC LẠ trong ba ngày Tết ở khắp trong nước
* TẾT TÂY Ở TA
* TẾT TA DƯỚI TRỜI MỸ
* TẾT Ở LÀO
* BA CHUYỆN LẠY MỪNG TUỔI LẠ ĐỜI
* Ba mươi Tết của trâu bò gà lợn
* LÀM CÂU ĐỐI ĐỂ CHƠI CHÙA
Những ngày đầu tiên một năm vô duyên (NGUYỄN TUÂN)
* Ý xuân (trích “NGƯỜI MẸ” nữ sĩ Pearl S.Buck)
* Ngày Tết ở Nhật
* THƠ TẾT
* NGHỆ THUẬT ĂN TẾT - đồng bào ba kỳ ăn Tết ra sao ?
* Thơ mán Vẩn-bao
* NGHỆ THUẬT CHƠI TẾT
* Nụ cười đầu xuân
* ĐẦU NĂM XIN THẺ
* CHƠI BÀI
* Các quảng cáo
Tất cả các trang

Ba mươi Tết của trâu bò gà lợn


Nhà trên, đèn sáng choang.
Mặt người vui hơn mọi ngày. Đồ vật cũng vui hơn mọi ngày. Ở đây trời tối lạnh.
Đây là chuồng bò, chuồng lợn, chuồng gà.
Đây cũng khác ngày thường. Và cũng xao xuyến. phần thì những tiếng gọi nhau, mắng nhau, tiếng bát đĩa loảng xoảng ở trên nhà đã phá tan cảnh yên lặng của mọi đêm.
Phần thì bởi những việc xảy ra ban ngày làm cho chúng lo sợ. Không như mọi hôm, sáng sớm, sáng sớm người ta không mở chuồng gà cho gà vịt ra ngoài. Rồi mấy người bỗng đến, kẻ thì vào chuồng lợn trói chân lão Ỷ khiêng đi, tuy lão đã hết lời kêu van, hết sức chống cự, kẻ khác thì mở chuồng gà bắt ra từng con một, xách ngược hai chân lên, nắn lườn bóp bụng, rồi mang đi mất hai con gà sống thiến, ba con gà mái tơ và con vịt bầu lớn đầu đàn.
Vì thế suốt cả ngày hôm nay gà vịt lo sợ ; chúng đã biết rằng mỗi lần bị bắt đi như thế, chúng không còn hi vọng gì về với cha mẹ, bạn bè. Và bây giờ, hơi một tiếng động cũng làm cho chúng xáo xác, xô nhau lẫn vào tận đáy chuồng. Trâu bò buồn thương nhớ đến tiếng kêu thảm-thiết của lão Ỷ lúc bị khiêng đi, rồi lại nhớ đến cái thảm trạng đã trông thấy lúc ra đồng ăn cỏ : xác lão Ỷ chặt ra làm năm, làm bảy để giữa cái nong, bên cạnh một bồn máu đỏ. chỉ có thằng lợn con, nó vô tâm quá. Nó chạy quanh cái chuồng ướt át, bùn sâu đến bụng, tìm lão Ỷ để được như mọi khi chui rúc nằm bên, cho thêm ấm áp. Cái óc tồi mò ngu độn của nó đã vội quên rằng sáng ngày lão Ỷ bị khiêng đi rồi và khi nghe thấy tiếng ú ớ của lão ở xa xa, nó thấy lòng nao nao chỉ muốn phá chuồng mà trốn chạy. Bây giờ, nó chỉ hết thở dài, rồi ủn ỉn kêu “Trời rét quá ! rét quá !”
Nó đặt mình nằm vào xó chuồng, chỗ cao nhất. Nhưng thân nó run lên.
Mỗi tiếng kêu của nó, mỗi tiếng chân nó rút ở bùn lên lại làm cho mấy con gà đậu trên chuồng giật mình, xớn xác, xô nhau trong xó đen.
Con bò mộng nằm sát đó, ngừng nhai, càu nhàu:
- Câm mồm đi nhãi con. Mày ủn ỉn nữa, tao húc chết.
- Tôi rét. Tôi sợ. Tôi kêu. Việc gì đến ông ?
- Ừ ! rồi sang năm mày sẽ hết kêu. Mày không thấy thằng bạn mày sáng ngày đó ư ?
Con lợn bỗng rùng mình, nhớ đến tiếng gọi không thành tiếng của lão Ỷ. Nó khúm núm:
- Cháu lạy bác. Sao bác lại bảo cháu không kêu được nữa ?
- Người ta sẽ trói chân mày, lôi mày ra ngoài kia cháu ạ.
- Ngoài kia là gì, hở bác?
- Ngoài ấy à ? Ngoài là sân, là ruộng , là vườn, là đồng cỏ, là dòng sông...
- Bác Mộng ơi ? Sao bác lại bảo người ta trói cháu khiêng ra ngoài ?
- Tại sao ư ? Thế mày không thấy người ta lấy sữa của bò già nhà tao, của con gái tao rồi buộc cả mõm cháu bé tao để tranh ăn của nó đấy ư ? Mày không thấy ngày ngày hai cô gà mái tơ khóc rưng rức vì đẻ được quả trứng nào người ta lấy mất quả trứng ấy hay sao?
Một con gà mái giò, cục cục mấy tiếng nói theo:
- Ông Bò nói đúng đấy. Tôi đẻ bốn lứa rồi mà không lứa nào được ấp ! Các ông đâu biết nỗi khổ sở của lòng người mẹ ao ước được chăn dắt đàn con. Mấy lần trước, tôi đẻ ở ổ thấy mất cả trứng nên lần vừa rồi phải làm lấy ổ ở sau nhà bò đẻ giấu đẻ diếm thế mà người họ cũng chẳng tha, xoi bới tìm cho được thấy ổ trứng mới nghe. Không biết họ có lòng mẹ thương con như chúng ta hay không mà sao họ tàn nhẫn quá thế ?
Bò lắc lư đầu mấy cái, chép miệng rồi trả lời gà:
- Thôi nói chi đấn lòng tàn nhẫn của bọn người. Cũng vì bọn họ mà ta phải điêu đứng khốn khổ đến thế này. Mẹ mẹ tôi nghe các cụ kể chuyện lại rằng ngày xưa, đã lâu lắm, chúng ta vẫn được sung sướng thảnh thơi...
Bò dừng nói, mắt đăm nhìn vào xó tối như theo đuổi một ý tưởng xa xôi...
Con bê con vừa lạnh vừa đói loay hoay mãi mà không bú được vì sợ cái que nhọn buộc chéo ở mồm nó đâm vào bụng con bò mẹ. Nghe ông nó nói, bê vội bắt ngay lời, hy-vọng lấy truyện vui để làm cho khuây đói rét.
- Ông kể chuyện cho cháu nghe đi ông.
Mấy con gà cũng lục cục đồng thanh xin bò kể chuyện cho nghe cảnh sung sướng mà tổ-tiên ngày xưa đã đựơc hưởng. Con lợn cũng ủn ỉn;
- Bác kể truyện cho cháu nghe, xong rồi cháu đi ngủ không dám quấy bác nữa đâu bác ạ...
Nể lời, Bò mộng thong thả bắt đầu nói:
- Ngày xưa, các giống vật sống ung dung ở trong những cánh đồng đầy cỏ non, hoa ngát, không làm gì có những chuồng cũi hôi hám, tối bẩn thế này. Thời ấy, hổ báo đều ăn cỏ, ăn bột như chúng ta. Bò con tha hồ bú sữa mẹ. Lợn tha hồ sục đất tìm rễ thơm, củ ngọt ăn cho béo tròn. Ngựa tha hồ chạy nhảy trên đồng bằng bát ngát và trâu bò hàng đàn vui vẻ, đi hết rừng này sang rừng khác, chọn những ngọn cỏ thơm tho...
Các chú gấu lại thỉnh thoảng lại làm trò cho bọn dê con xem; rắn rết nhiều khi chui vào ổ gà nằm cùng với gà cho đỡ rét.
Ngày ấy, ta đâu có thấy như bây giờ: thú dữ ăn thịt những con vật lành, chim ác đánh giết những con chim nhỏ...
Nhưng một hôm bỗng hiện ra một con vật lạ ở đâu sinh ra không biết, mặt mũi nó nhăn nhó, thân thể nó trần truồng, nó rét run cầm cập và chỉ ôm bụng mà khóc than...
Các giống vật động lòng thương, cứu giúp nó, coi nó như đồng loại. Bò ân cần đến gần, giơ bụ sữa:
- Đây sữa đây, bạn bú đi cho đỡ đói, thằng Bê nhịn sữa một ngày, ăn cỏ cũng không sao
Gà vui vẻ chạy lại:
- Bác xơi vài trứng để lấy sức mà đi kiếm ăn; tội nghiệp chửa !
Cừu hấp tấp:
- Bạn rứt lấy một ít lông của tôi đắp vào mình cho ấm. Thôi, tôi đau một tí cũng chẳng hề gì. Anh em đồng lần bác đừng nên quản ngại.
Ngựa cũng ở xa chạy lại, đon đả hỏi chào:
- Bác còn yếu lắm, để tôi cõng bác lên lưng, đưa bác về tận hang cho khỏi nhọc
Tất cả các giống vật đều đem lòng thương hại giống người vì giống đó là một giống vật khổ sở và ươn-hèn nhất. Nhưng tổ-tiên chúng ta nhầm quá. Đáng lẽ các cụ khônng nên làm thế : từ-bi hỉ-sả của tiềng nhấn chúng ta đã làm cho chúng ta bây giờ phải ngậm-ngùi ở trong cảnh ngục-tù này. Vì loài người thực là giống bất nhân, bất nghĩa...
Trả lại ơn cứu sống và tình thân mật ân cần, của chúng ta, , họ đã bắt ngựa làm nô lệ để kéo xe, chở đồ, họ đã giết bò, cướp trứng gà, vịt, cạo trụi lông cừu, thậm chí tranh ăn cả với những con bê con, giết hại cả những con lợn sữa.
Thế rồi theo gương của giống người, quạ cũng bắt chước đi ăn trộm trứng hay đánh cắp gà con. Hổ báo bắt chước người đi ăn thịt uống máu.
Những cảnh thảm thương giả dối ta thường nghe thấy xảy ra ở trong núi sâu rừng rậm đều là bời cái ảnh hưởng của giống người độc ác kia...
Ai nấy đều im lặng. Tâu già mắt lim dim vẫm bỏm bẻm nhại lại cỏ. Bò cái nhắm mắt, và sẽ thở dài. – Con Bò mộng đăm đăm nhìn vào bống tối, ôn lại cảnh tượng những ngày tươi đẹp thuở xưa.
Lợn bỗng sụt sịt khóc:
- Thế ra ông Y bị họ giết hại rồi ư ? Cháu thoát thế nào được tay những thằng gian hùng quái ác ấy !
Một con bò nhỡ, thở dài chép miệng:
- Chú đừng buồn nữa, chẳng phải là một mình chú có cái cảnh ngộ ấy đâu...Chúng ta rồi cùng chung một số phận cả...Hôm nọ, có mấy người lạ đến vỗ về, nắn bóp tôi. Mai kia họ sẽ đến dắt tôi đi, rồi không bao giờ tôi còn được trông thấy các chú nữa... Nghĩ cho kỹ, đi cho nó thoát, sống ở trong vòng lao lung khổ-sở này thì sống nữa mà làm gì.
Bò mẹ ứa nước mắt, trâu già ngoe ngẩy đuôi, bò mộng đăm đăm nhìn bóng tối gà run run chen nhau lục đục ; lợn sụt sịt nằm bệt xuống bùn lấy giá buốt.
Trâu già thong thả đứng dậy, rồi cất lời:
- Các người đừng sợ. Loài người tàn ác thật nhưng họ chỉ tàn ác được ở chốn này thôi. Một ngày kia trời sẽ xuống cõi đời này giải thoát cho tất cả muôn vật rồi đưa chúng ta đến một thế giới ở đấy những ruộng cỏ mãi mãi đẹp tươi, và bầu trời bao giờ cũng ngạt ngào ấm áp...Rồi ngày ấy hổ báo lại ăn cỏ ; vịt gà lại được tự do ấp trứng, lợn lại ăn no béo mà quên lo sợ, rắn rết lại hiền lành cùng sống một ổ với gà, bò ngựa sẽ lại ung dung nay đây mai đó ở nơi núi đẹp rừng xinh.
Con bò nhỡ cố nén lòng buồn:
- Nhưng bao giờ chúa loài vật ngài mới giáng trần. Được thấy ngài rồi có phải đi tôi cũng xin cam.
- Các người không ngại. Mỗi lần các người đi là chính vì ngài đã cho thiên thần đến đón ; chúng ta rồi sẽ lần lượt mà trở về ở cõi thần tiên. Trên đó chúng ta sẽ lại vô cùng sung-sướng với nhau, chỉ có người là không được lên vì họ khác loài vật là họ không có một linh hồn.
Lợn nuốt nước mắt, ủn ỉn:
- Vậy ra nếu họ trói cháu mang cháu ra ngoài là may cho cháu. Cháu khỏi phải nằm bùn, ăn cám, rét, sợ mãi như thế này. Bây giờ thì cháu muốn được ngay như ông Ỷ...
Rồi nó bỗng thấy trong lòng ấm áp và yên tĩnh, quay lại xó chuồng, nằm xuống đất ướt, nhắm mắt mà mơ tưởng đến cuộc đời sau này sẽ dịu dàng , kiều diễm.
Gà rúc đầu vào cánh nhau, ôm ấp nhau, im lặng.
Bò con, dê con đến nằm ấp bên cạnh mẹ. Bò mẹ, dê mẹ lấy lưỡi âu yếm vuốt ve con. Bò mộng, trâu già để hồn trí vẩn vơ đi tìm thế giới tưởng mộng...
Bên ngoài, gió giật từng luồng mạnh. Lá vàng rụng tới tấp che phủ đầy sân. Màn mây đen gió cuốn về chân trời: không trung vòi vọi bỗng lấp lánh muôn ánh sao. Tiếng pháo giao thừa bắt đầu nổ ầm ầm bốn phía cùng với tiếng chuông trống của các đình chùa, Trên nhà trên, người ta cũng tưng bừng cúng lễ, rồi pháo đì đùng vang như sấm sét của những cơn mưa bão. Song ở đây là im lặng và đêm tối.
Trâu, bò, lợn, gà đều đã nằm yên cả.
Mặc người tưng bừng vui sướng ở trong tàn ác, chúng êm ả nghĩ đến cái thế giới cực lạc, ở đấy loài người sẽ không có quyền được sống, vì họ đã chẳng có một linh hồn.
Bạch-Lâm



Add comment