Ba vợ chồng táo quân từ tục thượng quỷ đến chuyện hai ông một bà
Cứ đến Tết là người ta phải nói đến vợ chồng ông già này
Cũng một óc sùng-thượng quỉ-thần như người Tàu, trong sự sinh-hoạt hàng ngày, người mình từ xưa vẫn tin là có năm vị thần luôn luôn soi xét sự hành-động của mỗi người từng phút, từng giây không thể che giấu được, tức là : thần cửa, thần giếng, thần bếp, thần cổng, thần mái gianh. Vì vậy người xưa đặt ra có ngũ tự, nghịa là năm chỗ thờ ở trong nhà. Trong năm vị thần ấy, riêng có thần bếp, người ta lại gọi là tư mệnh thần, nghĩa là vị thần hiểu biết sự sống chết của người ta, lại thay quyền Thượng-đế xem xét các điều thiện ác của từng người đã làm trong mỗi ngày, người thiện thì cho được hưởng phúc lành, kẻ ác thì bắt phải chịu tai vạ. Do ở điều tin tưởng ấy, trong năm vị thần dần dần người ta thờ ơ hẳn với bốn vị kia mà chỉ chú trọng về một thần bếp, trong mỗi nhà đều có đặt một bàn thờ Táo-quân với thổ công suốt mấy ngàn năm nay, óc tin tưởng và sự thờ cúng không hề sao-nhãng. Theo tục truyền, mỗi năm cứ đến ngày 23 tháng chạp, Táo-quân đem các tấu tập trong có ghi các điều thiện ác của từng người trong mỗi nhà rồi cưỡi các lên Thiên-đình tâu bày với Thượng-đế, vì thế ngày 23 tháng chạp mới thành một ngày quan-trọng, gọi là Tết ông Táo, đến ngày ấy nhà nào nhà nấy xô nhau mua những các chép gọi là ngựa ông Táo, cùng sắm sửa mũ áo và sắp đặt cỗ bàn để cúng tiễn Táo-quân lên giời, trong lòng chỉ nơm-nớp lo sợ, nếu có một chút không kính, không thành, đắc tội với Táo-quân, tai vạ sẽ đến ngay liền, trong sự thờ cúng như ngụ ý hối lộ, nếu đã trót có điều chi làm ác mong Táo-quân đổi trắng thay đen.
Xét cái vi-ý của cổ-nhân đặt ra có ngũ tự, cũng chỉ là dùng thần-đạo để thiết-giáo, muốn cho ai nấy trong sự sinh-hoạt hàng ngày, bất cứ lúc nào hay ở đâu, cũng đều phải cẩn-trọng giữ gìn, ngay như một chỗ xó bếp là nơi tối tăm thầm kín, nếu coi thường mà làm điều gì càn quấy, sẽ có Táo-thần xét biết ngay. Cổ-nhân chỉ có một ý mượn chuyện quỉ thần để khuyên răn, ngờ đâu đã vì đó mà gây nên một cái óc mê tín cho trăm ngàn đời về sau, câu chuyện Táo-quân này là một, trong dân gian mỗi nơi lại có những truyện mê-tín đáng nên tức cười.
Không biết căn-cứ vào đâu, người Tàu họ lại chỉ ra được các tính danh Táo quân nữa mới kỳ cho chớ. Sách Cổ-chu-lễ nói: Ông Chúc-Dung làm Táo-thần. Hoài nam-tử nói: Vua Hoàng-đế làm ra bếp lấy chỗ nầu nướng, sau khi chết làm Táo-thần. Ngũ-kinh dị-nghĩa nói; Táo-thần họ Tô tên là Cát-Lợi, phu nhân họ Vương, tên là Bác-Đầu. Dậu-dương tạp-trở nói: Táo-thần họ Ngỗi, hình-dáng như con gái đẹp. Lại có họ là Trương, tên là Đan, tên tự là Tử-Quách, phu nhân tên tự là Khanh-Kỵ, sinh ra sáu con gái đều gọi tên là Sát-Trị, Còn nhiều chuyện nữa, đều là những chuyện quái-đản hoang-đường, tóm lại đó chỉ là do những kẻ hiếu-sự hay những kẻ “thần-côn” lợi dụng óc mê-tín của dân ngu để làm kế mưu-sinh đã bịa đặt ra cả, không phải là sự thực đáng tin.
Về chuyện Táo-quân ở nước Tàu lại có một tục rất ngộ-nghĩnh và có vẻ khôi-hài, là tực Tuý-tư-mệnh. Nhiều nơi ở miền Hoa-Bắc họ tin rằng Táo-quân là một vị thần sinh thời có tính nghiện rượu, khi ngài đã say tít rồi chẳng còn biết giời đất là gì nữa, ngày 24 tháng chạp là ngày ngài lên giời, đến đêm nhà nào cũng đua nhau đốt hàng đống tiền giấy, gọi là “tiền thế mạng cho cả nhà”, dán tranh ngựa lên tường bếp, rồi dốc từng hũ rượu ra nền bếp và cửa bếp như dội nước, họ làm như vậy là để Táo-quân say mèm, say khướt, lỡ có điều gì ác, khi lên thiên-đình ngài cũng bứ miệng ra chẳng còn biết lối nào mà tâu nữa. Thế ra người Tàu họ lấy rượu mà đánh bả Táo-quân, các Táo-quân Tàu đã vì tham miếng ăn, miếng uống mà làm hỏng cái trách-nhiệm nặng-nề do Thượng-đế đã giao-phó cho.
Tục thờ Táo-quân của người mình cũng chẳng khác chi người Tàu, chỉ khác một chỗ người Tàu thì lấy ngày 24 tháng chạp là ngày Táo-quân triều thiên, mà người mình thì lại lấy ngày 23. Chỗ khác nhau đó chẳng hay vì cớ gì, theo óc mê-tín, có lẽ nước Nam mình đã được thượng đế ban cho một ân điển đặc biệt, được lên chầu trước Táo-quân Tàu một ngày chăng ? Đi bước trước được nhiều cái may, nếu quả như lời nói ấy, thì ta cũng tự lấy làm vẻ vang cho các cụ Táo của chúng ta lắm nhỉ.
Chỗ hơn kém trước sau nhau một ngày ấy ta lại thấy rõ trong hai bài thơ của hai thi sĩ Bắc-Nam
Bài tho “thập nhị nguyệt nhị thập tứ nhật tống Táo” của Lu-Ẩn đời Đường có câu:
Nhất trản thanh trà nhất lũ yên
Táo-quân Hoàng-đế thương thanh thiên
Nghĩa là:
Một chén trà, một nén hương.
Tiễn đưa cụ Táo thăng đường lên mây
Bài thơ tiễn ông Táo của Tú-Xương có câu:
Hôm nay tháng chạp hai mươi ba:
Ông Táo lên trời mách chuyện ta
Một điều nữa, ta lại nhận thấy ông Táo ta khác với ông Táo Tàu, cái điều lẩn thẩn và chẳng hay gì tức là chuyện “hai ông một bà” chẳng rõ kẻ hiếu-sự nào đã đặt điều cho các ông, hay các ông đã cố ý làm cái việc nếu phải là người trần tất đã bị các ông tâu với trời để trách phạt. theo tục truyền thì có nhiều chuyện lắm, duy có chuyện sau này người ta có thể còn nguyên tình được cho các ông. Họ nói xưa kia có hai vợ chồng nhà nghèo rất thương yêu nhau, sau vì một cớ, người chồng phải bỏ nhà đi phương xa, trước khi đi chồng dặn vợ nếu quá ba năm không về thì được phép đi lấy chồng khác. Sau khi vắng chồng, người vợ ở nhà chăm chỉ làm ăn, thấm thoát đã ba năm không được tin tức chồng ra sao, rồi bốn năm, năm, sáu năm nữa, cũng không thấy tăm hơi gì, nhiều người khuyên dỗ đi lấy chồng, người vợ chỉ khóc than thương tiếc người xưa, nhất quyết ở vậy không ôm cầm thuyền khác. Sau vì cảnh nhà nghèo mẹ già không tiền cung dưỡng, có một ông già nhà giàu hiếm con, thường vẫn cung cấp cho mẹ nàng, cảm ơn ấy, trước khi chết bà mẹ dặnphải lấy ông già ấy để báo ơn và lấy nơi nương tựa. Tới khi mẹ mất, lại cần có tiền lo chôn cất, bất đắc dĩ nàng phải vâng lời. Vừa vui duyên mới được hai tháng giời thì người chồng cũ ở đâu dẫn về. Thấy cơ sự đã xoay ra thế, chàng chẳng trách vợ, chỉ trách mình đã vô tài để cho vợ vì cảnh nghèo mà phải bán mình, xiết bao hổ thẹn và đau khổ trong lòng rồi thắt cổ chết. Thấy vậy người vợ cũng tự trách mình rồi đâm đầu xuống sông chết theo. Ông già nghĩ chỉ vì mình đã rẽ duyên người lại làm cho hai người cùng phẫn uất mà chết, càng nghĩ càng thấy mình không phải rồi cũng tự tử nốt. Cả ba oan hồn xuống đối chất dưới diện Diêm-la, Diêm-vương xét rõ tình thực của từng người, tâu lên Thiên-đình xin định đoạt. Thượng-đế hỏi người đàn bà đối với hai tình ra sao, nàng tỏ ý đối với người xưa vẫn một lòng yêu mến vì đã bao năm nghèo khổ có nhau, đối với người sau cũng một dạ kính yêu vì đã có ơn chu cấp cho trong khi cùng quẫn. Xét rõ chỗ khó xử ấy, Thượng-đế liền hạ chỉ cho nàng được hưởng ơn đặc biệt, nhận cả hai người làm chồng và cho cả ba được làm Táo-quân, cùng xum-họp cả trong một nhà.
SỞ-BẢO
< Lùi | Tiếp theo > |
---|