Báo TRUNG BẮC CHỦ NHẬT (số TẾT 1941) - Những ngày đầu tiên một năm vô duyên (NGUYỄN TUÂN)

Mục lục
Báo TRUNG BẮC CHỦ NHẬT (số TẾT 1941)
* HÃY CAN ĐẢM MÀ BƯỚC SANG NĂM MỚI
* TÍNH SỔ KẾT TOÁN CANH THÌN
* Ngày xuân (VŨ BẰNG)
* Năm Tân Tỵ sẽ đem cho ta những gì?
* NĂM MỚI CHÚNG TÔI XEM CHIẾT TỰ Bốn ông chủ báo hàng ngày
* Nàng mai
* Đảo phi hoa
* Ba vợ chồng táo quân
* Thiếu một cây nêu
* NHỮNG PHONG TỤC LẠ trong ba ngày Tết ở khắp trong nước
* TẾT TÂY Ở TA
* TẾT TA DƯỚI TRỜI MỸ
* TẾT Ở LÀO
* BA CHUYỆN LẠY MỪNG TUỔI LẠ ĐỜI
* Ba mươi Tết của trâu bò gà lợn
* LÀM CÂU ĐỐI ĐỂ CHƠI CHÙA
Những ngày đầu tiên một năm vô duyên (NGUYỄN TUÂN)
* Ý xuân (trích “NGƯỜI MẸ” nữ sĩ Pearl S.Buck)
* Ngày Tết ở Nhật
* THƠ TẾT
* NGHỆ THUẬT ĂN TẾT - đồng bào ba kỳ ăn Tết ra sao ?
* Thơ mán Vẩn-bao
* NGHỆ THUẬT CHƠI TẾT
* Nụ cười đầu xuân
* ĐẦU NĂM XIN THẺ
* CHƠI BÀI
* Các quảng cáo
Tất cả các trang

Những ngày đầu tiên một năm vô duyên
của NGUYỄN-TUÂN  NGUYỄN-HUYẾN vẽ

Cái năm âm lịch ấy, y như là không có tên gọi - độ số chẳng cần tính theo sự gặp gỡ của thập can thập nhị chi. Năm ấy là Canh Tuất ? là Tân Hợi ? là Nhâm Tý ? là Quý Sửu ?
Cậu Tám có cần biết mà làm gì. Cậu Tám chỉ biết năm ấy là một năm Vô duyên. Vô duyên từ giây phút giao thừa, vô duyên kéo qua ngày khai hạ và cứ thế mà ăn lấn thông mãi xuống ngày Nguyên-Tiêu và mãi và nữa.
Cái năm gì ấy, năm mở đầu toàn bằng những trò vô duyên. Những cái vd vốn không nên đeo lấy một cái tên. Cậu Tám cũng nghĩ vậy, nên mỗi khi còn nhắc đến chuyện của ngày vô duyên cũ, cậu chỉ lấy tuổi mình ra mà gọi năm - lấy ngay cái ngày tháng của thân thế mình ra mà điền vào Thời Gian.
Cái năm em ba mươi, sao mà vô doan đến thế. Thậm vô doan ! Những cái triệu xúi, gở vá ác của một năm mở đầu đã như thế thấy mà hãi quá, các bác ạ. Năm ấy, em tưởng em không tài nào đi tới cho trọn thấu được cái tuổi tam thập. Vậy mà cái năm vô doan ba mươi ấy cũng đi qua xong xuôi cả”
Cậu Tám vốn kiêng chữ duyên, đọc chạnh ra doan. Có một người con hát tên là Duyên. Người ấy lúc giở về già, đã là mẹ cậu Tám. Mỗi lần máy môi đọc kiêng tên mẹ, trông hai cái môi cậu Tám đỏ như son - đỏ như trái hồng chứng chín mọng- lại càng có duyên tệ. Nhưng cái duyên ấy chỉ là chút duyên của người mệnh mỏng, mỏng y như cái đời mẹ cậu. Và con người ta chẳng cứ gì phải là hẳn đàn bà mới được làm người bạc mệnh.
Những bậc đại khoa có tuổi nghe đến tiếng cậu nói, tiếng cậu cười, lại nhớ đến cả một thời thi cử của mình, những lúc chờ ngày nhập trường, những lúc yết bảng rồi, thường được nghe mẹ cậu Tám đàn hát gõ phách ở các tỉnh ấy.
Có những bậc đại khoa, nhớ lại hồi đó cậu Tám mới có một dúm tuổi đầu, nằm lọt vào lòng mẹ, nghe mẹ ngõ phách đến đâu là cười sằng-sặc đến đấy. Mẹ hát đến bài Tỳ Bà cho quan khách nghe, cậu Tám oà lên khóc, rồi nhìn làn khói thuốc lào, thuốc lá của các nhà truy hoan, cậu lại cười và giơ tay đỏi bắt những cái vờn tia khói.
Đứa trẻ đa cảm ấy, tuy là con con hát, nhưng lần lần lớn lên, cũng được học sách thánh hiền, học đến đâu thì nhớ chôn được chữ váo bụng. Rồi cũng thơ, cũng phú, ngâm vịnh một cách tao nhã đường hoàng chẳng kém gì các bậc thiếu niên tai tuấn của cái xã hội lương thiện thời bấy giờ.
Nhưng rủi thay, có tài học đến thứ nào đi nữa, cậu Tám cũng chỉ là con một người con hát – nghĩa là khi người ta là con cháu cái đám xướng-ca thì không còn có đường tiến thân nữa. Mặc dầu cậu thông minh, tài tuấn, kinh sử lầu lầu năm xe, xã hội bấy giờ cũng chỉ liệt cậu vào ngang hàng con cháu thằng mõ
Việc trường ốc triều đình, có bao giờ người ta được thấy con phường hát, con thằng mõ, ..........................được đeo một cái ông quyển mà nhập trường ! Khối người rầu rầu chặc lưỡi hộ cho cậu Tám.
“Cậu ta có được đi, nơi bảng vàng thì chưa chắc nhưng với bảng phấn thì sao sao cũng vớ được một cái cái gì”
Xã hội đã chặt chẽ bất công như thế, không cho cậu Tám tiến thân bằng cái vốn đèn sách mười năm thì lần lữa và lay lứt sống mãi đến cái năm ba mươi tuổi ấy, cậu Tám đã làm những gì để đánh dấu mình vào cuộc đời bấy giờ ?
Cậu Tám đã làm toàn những việc mà những người đứng đắn đạo đức không tha thứ cho. Cậu đã đem cái thân phẫn uất ra mà đánh đổi lấy giang hồ. Cái huyết tính của mẹ chừng như đã định đoạt nhiều cho những đoạn đường lang bạt kỳ hồ này của cậu.
Mẹ Tám vốn hoàn lương đã lâu, thấy con bỏ nhà hoài, nhiều đêm nhớ đến chuyện phách đàn xưa cũ, chỉ biết có than thầm với một cái bếp nhà rộng vắng quá, với một cái vũng nước tù ở cái ao trước nhà cũng rộng vắng quá. Ao sen nở, ao sen lại tàn.
“Thằng Tám nó yêu cái giống bạch-liên này lắm. Lúc không có sen trắng thì ước ao. Lúc mẹ chắt bóp hàn gắn được, dựng nhà, đào ao thả sen cho con chơi, thì con ôi con lại đi xa. Năm ấy và năm khác.”
Một lần nòng nực nọ, thấy sen trắng nở kín cả mặt nước ao, mẹ Tám tiếc của trời, bơi chiếc thuyền thúng bé con lách vào đám hoa lá, cốt bứt lấy hết nhị hoa về ướp chè để dành cho cậu Tám ít vò và còn thừa thì đem bán cho cái đám phong lưu hành lạc râu tóc phơ phơ thỉnh thoảng vẫn còn tìm đến để hỏi bà về một vài làn hát thất truyền.
Mẹ Tám đã thảng thốt rồi lo phiền khi nhận ra rằng cả một ao sen trắng đã biến ra thành hoa quỳ, nghĩa là thiếu hẳn cái từng bách diệp cánh lăn tăn ở trong. Thế tức là điềm gở. Thế tức là vận nhà sắp buông đến nơi. Mẹ Tám bất giác lại nhớ đến người chồng bất hạnh – lúc gần nằm xuống, ao sen nhà chồng cũng ngả ra ao quỳ.
Bà liền nhắn nhời khắp kẻ chợ thôn quê tìm cho được cậu Tám.
Cậu Tám đã trở về.
Hai mẹ con, mỗi ngày nửa vò rượu đậu. Buổi sớm, buổi tối, lặng nhìn nhau, một chén lại một chén. Mỗi ngày, ngoài chén rượu, cậu Tám lại còn kèm vào một chén thuốc, lấy thứ cỏ khô thả hơi sương mà làm thang bỏ thêm vào. Trong một cái nhà, có một người ốm, kể cũng còn hơn là không có bóng người. Cái bận bực rộn ràng của việc thuốc thang vẫn còn quý hơn cái yên tĩnh của thui thủi.
Mãi đến cuối tháng chạp, cậu Tám mới thật là khỏe. Nơi lưng bàn tay tháp bút, đã hết hẳn những cái gân xanh ngòng ngoèo.
Mẹ cậu Tám thấy vui trong lòng, đem cỗ phách mốc ra xóc thử mấy khổ. Cậu Tám lại cười như thuở bé. Và cũng ngâm theo một bài phú. Chưa lúc nào mẹ con được hể hả đến như thế.
“Trình để đẻ mừng cho con. Từ nay có lẽ con không quặt quẹo nữa. Tiếng con ngâm phú tròn và ấm đến như thế, đẻ cũng hiểu đấy chứ ? Ba năm nay, con thất thanh, tiếng cứ đục chìm hết cả ; thỉnh thoảng vui anh em, cất tiếng hát một câu, thì giọng Bắc đố mà bắt được. Chỉ toàn hơi Nam thôi...Từ bây giờ con ở nhà luôn với đẻ cho đẻ đỡ buồn.”
Mẹ con lại càng chén tạc chén thù.
Như thế rồi năm hết. Buổi trừ tịch, ngồi chờ lúc giao thừa, cậu Tám đợi những triệu cát tường đến cho thật nhiều để đánh dấu vào cái tuổi sớm mới chỉ một lát một chập nữa là đã ba mươi.
“Thử xem cái năm nay, rồi có khác mọi năm không ?”
Cả một buổi sớm mồng một, cậu Tám chờ mãi, đợi mãi vẫn chưa thấy gì. Cậu nhìn trời, cậu lắng không khí. Không khí chỉ sặc nồng một mùi khói diêm sinh của bao nhiêu vạn pháo thiên hạ đón chúa Xuân.
Chưa muốn xuất hành vội, chưa biết nên làm gì, cậu hãy lấy một mảnh hoa tiên lòng trứng vẽ đôi chim yến ra để khai bút.
Những dòng chữ vẫn sương kính, và đôi ba chữ lại có cái chấm thuỷ rất hồn hậu. cậu Tám nghiêng đầu ngắm nghía, lấy làm bằng lòng và tự ước thầm:
“Nếu đời mình từ cái tuổi tam thập nhị lập này trở đi, lúc nào cũng được tươi sáng, tròn như những con chữ khai bút này.”
Lòng khấp-khởi, cậu ký tên, kèm thêm cái tên hiệu Ấu Mai Bát Lang. Bỗng quản bút chụt khỏi tay cậu, nhấn mực xuống xoá nhèm cả mấy chữ cuối cùng. Cậu Tám biến sắc mặt. Và lặng lẽ buồn như một kẻ sĩ ngồi dưới một cái lều thi một khoa thi cuối cùng của buổi giao thời, nhỡ làm tì ố mất quyển bài. Việc khai bút đầu năm đã đem lại một cái buồn vô hạn rất có tính cách nghiệp-dĩ.
Cậu Tám dìm cái buồn ấy vào nửa vò rượu. Tàng tàng chén xuân, cậu mới bói đến hoa. Thì mấy chậu lan Trần Mộng đã bị rệp đốt từ những năm ngoái, bao nhiêu cuống rò đều nẫu cả. Cậu ngán ngẩm nhìn lũ lan gầy phô những cái màng hoa teo tóp và thâm sì. Chênh vênh trên cái vườn lan xấu số là một cái chuồng chim bồ câu lỗ nào cũng trống trải.
“Cái đàn chim, hồi tháng tám, chẳng hiểu tại sao mà chúng rủ nhau bỏ đi hết, mẹ lo quá. Lại cái điềm không hay gì đây.”
Cậu Tám suy nghĩ nhiều về một câu của mẹ nói vào khoảng năm ngoái, lúc cậu uống thuốc ghé bổ.
Thế là cả một ngày mùng một, hai việc Bút và Hoa đã làm cho Ấu Mai Bát Lang lo nghĩ hết cả một đêm xuân.
Ngày mùng hai. Cậu Tám xuất hành. Làng vốn có sông bọc ở phía dưới, ngăn làng với cái chợ Huyện ra làm hai. Cậu Tám chọn phương hướng, thấy phương Nam là lợi. Đi về hướng Nam tức là đi Chợ Huyện và phải qua con đò ngang bến sông Dâu. À, thôi phải rồi, cậu sẽ bói đò. Những người buôn bán sau một năm ròng phát tài, thường nhắc đến những lúc bói may được gặp đò chuyến lúc đầu năm
Cậu Tám tiến ra nẻo sông. Chưa đến bến, nhìn qua cái lỗ hổng nơi luỹ tre to bằng cái nong, cậu đã thấy thấy một con đò lừ lừ ra giữa sông, trên mạn đò, vô khối là áo đỏ, quần đỏ, khăn đỏ. Thế là định bói đò thì được nhỡ ngay đò ! Đã sướng chưa, hở Trời !
Rượu li bì, đem cái dở tỉnh ra mà nhắm với cái say, cậu Tám chẳng còn biết xuân là của ai nữa.
Cách đấy ít ngày, một đêm thức giấc, cậu nghe thấy tiếng trống tuồng. Sắm sửa khăn áo, cậu tấp tểnh lần theo tiếng trống mà tìm tới đình làng, đầu nặng nhẹ những hơi men. Làng hát bội, tội gì mà không bói. Tích tuồng Sơn-Hậu đệ nhị. Sao lại đệ nhị ? Thường niên, hát khai xuân, thiên hạ ai cũng cho hát Sơn Hậu đệ tam kia mà ! Lớp đệ tam là lớp phục quốc, nhà Tề trung hưng ngay sẽ thắng gian và những người đi bói tuồng sẽ không lo sợ điềm xấu.
Nhưng thôi, cậu Tám cũng cứ vào.
...Trên sân khấu, có một người cụt đầu, chùm cái áo bào xanh đang cầm một ngọn nến, vừa bỏ bộ lom khom vừa ngậm một giọng bạch:
“Phất phơ cùng gió than cùng gió ứ.. ứ.
“Phảng phất nương mây tựa với mââây !”
Đấy là một giọng tuồng ngâm gióng một và cái làn hát ấy gọi là “giọng hát ma”
. À, vậy ra cậu Tám đã bói tuồng vào giữa lúc Khương-Linh-Tá bị Tạ-Ôn-Đình chém mất đầu. Cậu Tám thèm một cái mặt đỏ của một vai tuồng trung nghĩa. Số phận đã cho cậu bói đúng vào một chiếc bào màu xanh lè không có đầu. Rượi ngấm, gió đêm xuân thổi lọt vào ; ngọn đèn treo giữa đình và ngọn nến nơi tay Khương-Linh-Tá đều nháy theo một nhịp, một chiều. Cậu Tám thấy lạnh. Trên sân khấu bày cảnh đèo núi lúc khuya, Kim Lân đang dẫn bà phi tị loan, có hồn Linh-Tá hiện lên dẫn lối. Cậu Tám bỏ ra về. Mấy câu hát sầu thảm rờn rợn còn đuổi theo cậu.
“Đường tăm tối tiếng ai trong ấy ?
“Kim Lân anh ơi, Linh Tá em đây.
“Em nay đã về miền dị lộ...”
Từ buổi xem tuồng ấy, cậu Tám đâm ra ốm lại. Nhớ ngày hôm ấy là Tết nguyên tiêu, cậu cũng cố lần ra chùa làng để xin một quẻ thẻ bình yên đầu năm. cậu thành kính quỳ xuống trước bệ thờ, xóc thẻ lâu lắm mà không thẻ nào rớt xuống chiếu. Cậu lắc mãi ống, lắc mãi ống. Nén nhang cúng Phật đã cháy hết một nửa. Sau cùng cậu Tám bình thân lại, không xóc nữa, đành rút lấy một thẻ trong số sáu chục thẻ nơi ống vậy. Không hiểu tại sào, cậu lại rút phải một cái thẻ không có số hiệu quẻ bói.
Cậu Tám quyết bỏ nhà, vào một ngày của tiết Lập-Xuân, định lại đem cái vô duyên của mình mà đổi thêm nốt nữa cho giang hồ vậy.
Đi khỏi làng đã xa, cậu đã dừng lại bên đường một lúc lâu. Vì nơi cái chõng tre quán hàng nước, ấy, lại có một củ thuỷ tiên lá ngồng vượt lên trên một cái bát đàn. Nép bên khóm hoa vô duyên đặt không xứng chỗ là một bà già mặc cái áo cánh bông rách ngồi sợ lạnh bên chiếc chõng vẹo.


Nguyễn Tuân



Add comment