CHƠI BÀI
Mục-đích:
Trò chơi mà chúng tôi hiến các bạn dưới đây để giải trí trong dịp Tết gọi là “Bài xếp Quốc-ngữ Trung Bắc Chủ Nhật”. Đánh “Bài xếp Quốc-ngữ T.B.C.N”, các bạn có thể chắc chắn được vui vẻ luôn luôn. Ngoài cái ý định đó,chúng tôi còn có một ước muốn cao hơn là làm cho tiếng Quốc-ngữ được phổ thông và bành trướng ra khắp mọi nơi.
“Bài xếp Quốc-ngữ T.B.C.N” đối với các trẻ em sẽ là một cách dạy trẻ em chóng biết Quốc-ngữ vì vừa chơi vừa đùa thật dễ hiểu. Đối với các bạn nhớn tuổi“Bài xếp Quốc-ngữ T.B.C.N” sẽ làm cho các bạn học cách viết Quốc-ngữ cho đúng chữ và làm cho các bạn vừa vui chơi vừa biết thêm những cái tinh hoa của chữ mẹ đẻ của chúng ta, bởi vì chúng ta cũng có một lối chữ riêng – như tất cả các nước văn minh khác trên mặt đất.
T.B.C.N
Cách làm bài:
“Bài xếp Quốc-ngữ Trung Bắc Chủ Nhật” có 52 cây. Các bạn lấy bìa cứng cắt ra 52 cây bài, mỗi cây bề dài 8 phân tây, bề ngắn 3 phân. Bài gồm có 23 chữ cái Quốc-ngữ, thêm 6 chữ nguyên-âm (voyelle) có dấu: ă, â, ô, ơ, ư và 5 dấu: nặng (.), sắc (́ ), huyền (`), hỏi (?), ngã (~).
Mười hai cây bài mỗi quân có đề chữ:
B-D-Đ-G-K-L-P-Q-R-S-V-X
Mười bảy chữ sau này, mỗi chữ đề trên hai quân bài, cộng là 34 cây bài:
A-Ă-Â-C-E-Ê-H-I-M-N-O-Ô-Ơ-T-U-Ư-Y.
Những thứ sau này nhiều gấp ba lần những chữ ở trên là vì được dùng đến luôn luôn ở trong tiếng Quốc-ngữ.
Còn lại 6 cây bài nữa thì lấy hai cây, mỗi cây đề hai dấu: một dấu hỏi (?)ở trên cây bài, một dấu ngã (~)ở dưới, đoạn lấy hai cây bài mỗi cây có đề hai dấu huyền (`) và sắc (‘). Còn hai cây nữa thì ở một cây trên đề chữ A, dưới đề dấu nặng (.), một cây trên đề chữ O dưới đề dấu nặng (.). Phải đề thêm hai chữ A và O như thế vaì hai chữ này dùgn luôn luôn trong tiếng Quốc-ngữ.
Tổng cộng là 52 cây bài.
Cách chơi:
“Bài xếp Quốc-ngữ Trung Bắc Chủ Nhật” có hai lối chơi, và có thể chơi từ hai đến sáu người. Bài chia đều cho mọi người, những quân lẻ sau cùng không chia đủ cho mọi nhà thì để lại vào giữa và coi là bỏ đi.
LỐI CHƠI THỨ NHẤT:
Chia bài ra cho các nhà. Lấy những cây bài của mình chắp thành tiếng. Ai được nhiều tiếng nhất thì thắng cuộc. Nhỡ có hai nhà cùng chắp được một số tiếng ngang nhau thì người nào còn lẻ ít cây bài nhất thì ăn.
Thí dụ: Bốn người chơi. Mỗi người có 13 cây bài. Một ngừơi chắp được hai tiếng Chỉnh và Lưỡng kể cả hai dấu ngã và hỏi nữa thế là dùng được 12 cây bài, còn lẻ có 1 cây.
Một ngưòi khác chắp đựơc 3 tiếng Đem, O: và Sấu, trên tay còn lẻ những bốn cây bài nhưng vì chắp được những 3 tiếng nên ngừơi sau này được. Chỉ trừ ra như khi một người chắp được ba tiếng Dầy, Lôi, Xoa còn lẻ ba cây bài, và một người khác cũng chắp đựơc ba tiếng Đòn, Mua, Vặt chẳng hạn nhưng chỉ lẻ có hai cây bài thì người lẻ hai cây này được.
Nên nhớ: Chỉ những chữ Quốc-ngữ chắp có nghĩa mới được kể. Những chữ vô nghĩa như Pánh-Boe-Kiu-Lun vân vân ... thì không được kể.
LỐI CHƠI THỨ HAI:
Chia bài cho các nhà. Lần lượt mỗi ván một người được đánh trước và đánh theo vần khuy áo. Người đầu đánh ra một cây, người thứ nhì phải đặt luôn ra đó một cây khác cho thành nghĩa, người thứ ba đặt theo người thứ nhì ... bao giờ cho thành hẳn một tiếng thì thôi. Khi tiếng quốc-ngữ đã thành hẳn rồi thì ngừơi ngay sau tiếng ấy phải góp vào một phần đã định từ trước rồi nhường cho người sau mình đánh.
Thí dụ: Bốn người là Xuân, Hạ, Thu, Đông đánh bài. Xuân vứt ra một chữ B, đến lựơt Hạ đánh tiếp một chữ O, Thu đặt ra chữ N, Đông đặt chữ G: thành chữ Bong, lại đến lượt Xuân đánh nữa, Xuân cho thêm vào đó cây bài có dấu sắc (‘) thành ra chữ Bóng. Khi chữ Bóng đã thành thì Hạ phải góp một phần đã định rồi để cho Thu bắt đầu vứt ra một chữ khác.
Khi nào đến lượt mình mà tiếng chắp chưa thành nghĩa mà mình không có chữ đặt vào được nữa thì mình phải góp phần rồi để cho người ngay sau mình đánh nối. Người sau mình có quyền đánh nối chữ ấy hay bỏ đi mà đánh một chữ bắt đấu của một tiếng khác được.
Thí dụ: Ba nhà đã họp thành chữ Nha rồi đến lượt Đông, nếu Đông không cho được một dấu hay một chữ gì vào cho tiếng Nha thêm nghĩa thì Đông ;hải góp phần vào nhường cho Xuân đi. Nhưng Xuân không phải bắt buộc đi thêm chữ hay dấu cho tiếng Nha thêm nghĩa. Xuân có quyền gạt tiếng Nha đi và bắt đầu đi một chữ khác để cho Hạ phải đi theo. Cứ thế cho đến khi người nào đi hết bài trên tay TRƯỚC NHẤT thì được thu cả các phần của những người bị phạt vừa góp.
LỜI DẶN RẤT CẦN. _Bao giờ cũng phải đi từ trái sang phải nghĩa là đi xuống dưới chứ không được đi lên trên. Thí dụ đã đi thành chữ Han rồi thì phải đi xuống sau chữ N để thành ra Hang chứ không được đi lên trên chữ H để thành chữ Than chẳng hạn.
Những tiếng Quốc-ngữ vô nghĩa không được kể nhưng những tiếnng vô nghĩa như Kin, Gưn, Ng và Th cũng được phép đi vì những chữ đó có thể thành tiếng, nhưng nếu người sau mình không có chữ để đi tiếp vào hay không muốn đi tiếp vào thì những người đã họp thành các chữ dở dang kể trên kia phải cũng đóng một phần đã định vào. Nghĩ thì thiệt nhưng các bạn đã đi bớt được một quân bài rồi. Chỉ trừ những tiếng Boe, Ling, Coa vân vân ... thì không được kể vì những tiếng đó dù có thêm chữ hay thêm dấu vào cũng không thành nghĩa lý gì.
Lãng-Hồ và Tùng-Hiệp
(Giữ bản quyền, cấm sao lục và bắt chước)
Trò chơi Hốp-Hốp
Rất dễ và rất buồn cười. Có thể chơi được nhiều người. Đầu tiên định rằng: “Con số 6 hay số 7, gì đó”.
Một người đầu đếm to: Một, người sau phải đếm Hai... cứ lần lượt như thế đến 100. Người nào đến lượt mình có con 6 hoặc số nhân lên của con 6 hoặc một số có chữ 6 thì phải keu hốp thật to. Người sau đọc luôn con số tiếp.
Thí dụ chơi về con số 6 thì những số này phải kêu hốp: 6-12-18-24-26 vân vân ...
Con số 7 thì những số này phải kêu hốp: 7-14-17-21-27-28 vân vân ...
Thí dụ một người đếm 26, người thứ nhì phải kêu hốp và người thứ ba cũng kêu liền hốp, người thứ tư đọc luôn 29 ... vân vân ...
Phải đọc nhanh không nghỉ. Người nào đọc nhầm số hay đến chỗ phải hốp mà quên không kêu hốp hay kêu hốp nhầm lúc thì phải ra ngoài. Người nào không nhầm còn lại sau cùng là được cuộc.
Chơi giỏi rồi thì có thể đếm liền cả hai con số 6 và 7 - hoặc con số 6 và 8 vân vân ...
Lối chơi này rất chóng giỏi cửu chương.
ANH-ĐẠT
Giả-nhời bài:
ĐẦU NĂM TÂN-TỴ
(Ở trang 60)
TÁM CHỮ THIẾU LÀ:
Hãy can đảm tiến bước sang năm mới
BỨC TRANH PHỤ BẢN
Để tạ lòng độc giả, chúng tôi định cho ra kèm theo số TẾT TÂN TỴ này một bức tranh phụ bản tuyệt đẹp của nhà nhiếp ảnh Võ-an-Ninh. Chúng tôi không ngại công trình, nên từ nửa tháng trước khi số Tết này xuất bản, chúng tôi đã tìm khắp Hà Thành một thứ giấy tốt nhất đẹp nhất, một thứ giấy lụa giống như giấy lụa của Nhật để in bức tranh quý giá kia trước là để làm món quà đầu xuân tuyệt đẹp kính tặng những bạn đọc thân yêu, và sau là để đền đáp tấm lòng tốt của bạn Võ-an-Ninh có lòng yêu mến chúng tôi đã riêng tặng Trung Bắc Chủ Nhật bức tranh phụ bản hàng năm vậy.
Không may, thứ giấy ấy như các độc giả thấy đây, trông thì thực lạ, thực quý và thực đẹp, chẳng ngờ lúc in ra thì lại thấm mực, hai ngày sau khi in xong thì dầu mực loang ra làm giảm mất cả vẻ mỹ quan của bức tranh phụ bản mà các bạn vẫn ó lòng yêu trông đợi. Không biết làm thế nào khác trong lúc cấp bách này, chúng tôi đành cứ phải in ra và đính theo số này.
Mong các bạn xét tình cho và chúng tôi lại có lời xin lỗi cả bạn Võ-an-Ninh nữa. _ Ra giêng, trong số báo ra ngày mồng 7 tháng giêng tức là 2 février 1941 chúng tôi xin in lại trên báo vào một thứ giấy Norvège thực trắng, thực tốt để đáp lại thịnh tình của các bạn và các bạn sẽ thấy hết cả cái tài tình nhiếp ảnh của bạn Võ-an_Ninh thân mến.
T.B.C.N
Trung-Bắc Chủ-Nhật ra giêng
Nhiều tranh đẹp, nhiều bài hay, lại kém thêm một phụ bản “Người đẹp trong rừng Cúc” in trên giấy Norvège thực trắng và thực đẹp. T.B.C.N. số 46 ra ngày mồng bảy tháng giêng tức là 2 Février 1941 sẽ làm cho độc giả vui sống với mùa xuân tươi thắm.
< Lùi | Tiếp theo > |
---|