TÍNH SỔ KẾT TOÁN CANH THÌN
Một năm chiến tranh tàn khốc nhất cho nhân-loại
Theo lệ thường cứ hết một năm, chúng ta lại phải ôn lại những chuyện trọng đại đã xảy ra trong năm ấy. Năm Canh Thìn (1940) vừa qua thực đã để lại cho chúng ta biết baóac mộng. Với những ngày xuân vui vẻ, tươi thắm trở lại đây, ta nhớ lại vẫn còn phải hồi hộp, rúng mình. Ta có thể nói rằng năm “Canh Thìn” là năm mà cuộc chiến tranh đã lan rộng hầu khắp thế giới, từ Đông sang Tây, từ Bắc chí Nam, từ miền Phần-lan gần Bắc cực cho đến miền Đông Phi gần xích đạo.
Cũng như mọi năm, năm nay hãng “United Press” lại lựa lấy mười chuyện mà hãng ấy cho là quan hệ nhất trong thế giới. CHuyện thứ nhất là việc ông Roosevelt được bàu lại làm Tổng-thống lần thứ ba - Chuyện thứ hai là cuộc chiến tranh ở nước Anh - Thứ ba là cuộc thất-bại của nước Pháp và vụ đánh phá hạm đội Pháp ở Oran - Thứ tư là những phương-pháp phòng thủ của Tây-bán-cầu - Thứ năm là việc Đức chiếm Nauy, Đan-mạch, Hà-lan, Bỉ - Thứ sáu là trục Bá-linh-La-mã nối thêm đến Đông-kinh và việc mở mang thế lực của Nhật-bản về phía Nam - Thứ bảy là cuộc chiến tranh giữa Ý và Hi-lạp, thứ tám là cuộc tấn côngbằng ngoại giao ở miền Ba-nhĩ-cán - Thứ chín là việc Ý-đại-lợi tham-dự vào Âu-chiến và thứ mười là sự bí mật của Nga-Sô-viết đã ảnh hưởng đến việc mở mang của Nhật ở Viễn-đông thế nào và chương trình của Đức ở Âu-châu và miền Ba nhĩ-cán.
Cách sắp hạng những việc trọng đại trên này là theo óc của người Mỹ họ cho việc bàu cử Tổng-thống Hoa-kỳ là quan hệ nhất trong các việc trọng đại kể trên đây, nhưng theo óc của người Việt Nam chúng ta thì lại khác hẳn : việc quan hệ thứ nhất trong năm 1940 vừa qua ai cũng phải công nhận là cuộc chiến tranh trên đất Pháp rồi đến việc Nhật dự vào hợp-ước Bá-linh được Đức, Ý công nhận cho quyền chủ trương trong việc lập trật tự mới ở Á-đông.
Nhưng việc xẩy ra trên trường quốc tế.
Dưới đây chúng tôi xin ôn lại những việc đã xảy ra trên trường quốc tế theo thứ tự về ngày tháng.
Năm Canh Thìn đã bắt đầu giữa lúc hai quân Nga và Phần-lan đang đánh nhau rất dữ dội trên các bể tuyết ở gần Bắc-cực. Quân Phần tuy thắng nhưng cuối cùng : nagỳ 12 Mars đã phải ký hoà ước với Nga, nhượng cả miền Carélie và nhiều đất ở phía Bắc cho Nga nữa.
Ở Viễn đông, năm “Canh Thìn” đã bắt đầu bằng cuộc ném bom trên đường xe-lửa Vân-nam (Hai-phong – Vân-nam-phủ) vào ngày 1er Février. Ở mặt trận Tây-Âu, năm 1940 đã bắt đầu trong sự yên lặng, uể oải. Quân Anh, Pháp và quân Đức chỉ câm cự nhau ở trên đường cương-giới Pháp-Đức và một đôi khi lại bắn thí nhau một cách dữ dội.
Cuộc hoạt-động đầu năm không phải là sự hoạt-động ở ngoài mặt trận mà là cuộc hoạt-động trên trường ngoại-giao. Tháng Mars vừa bắt đầu thì ta thấy hai nhà độc-tài Hitler và Mussolini gặp nhau ở đèo brenner. Ngày 20 Mars Nội-các Daladier từ chức và ông Paul Reynaud được cử lên tổ-chức một nội các chiến-tranh mà các báo ở Pháp cho là giống hệt với Nộ-các Clémenceau hồi Âu-chiến trước.
Ta phải đợi đến 8 Avril mới thấy xảy ra việc quan trọng ở phía Tây-Bắc Âu-châu: đó là việc quân Đa71c đã đột ngột đem quân xâm lấn hai nước Đan Mạch và Na uy và chỉ sau một ngày đã chiếm được cả xứ Đan-mạch và nhiều nơi trọng yếu ở Na-uy, cuộc can thiệp, của quân đồng-minh Anh, Pháp trên đất Na-uy gặp rất nhiều sự khó khăn nên cuối cùng, các đội quân Anh, Pháp lại phải xuống tàu về Anh.
10 Mai, một ngày quan hệ đáng ghi vào lịch-sử thế-giới
Ngày 10 Mai, Tổng-thống Hitler ra lệnh cho các sư-đoàn cơ giới hoá và bộ binh cùng các đội phi cơ rất mạnh đồng thời tiến công ở mặt trận Tây-âu sang hà-lan, Bỉ và Lục-xuâm-bảo.
Chỉ trong 4 hôm quân Đức chiếm được quá nửa ba xứ đó và quân hà-Lan đã phải đình chỉ cuộc kháng-chiến... tướng kiêm ngoại-giao Nga Molotov sang Bá-linh hội-kiến với Hitler, Ribbentrop.
Về phía Anh, cuộc vận động về ngoại-giao cũng không kém vẻ hoạt-động nhưng mục-đích lại khác hẳn. Ở Ba-nhĩ-cán ta vẫn thấy Thổ và Hi-lạp tuy đã tuyên bố là trung lập nhưng vẫn thân thiện với Anh.
Việc giúp đỡ của Hoa-kỳ đối với Anh càng ngày càng thêm nhiều và có hiệu quả.
Tình hình Viễn-đông và Đông-dương
Tình hình Viễn-đông về năm 1940 không thay đổi mấy, đó là vì các cường-quốc lớn có quyền-lợi ở miền này đều theo thuyết giữ nguyên-trạng miền Đông-Á và Thái-bình-dương.
Phong-trào chính-trị quan-trọng nhất là phong-trào lập nền tảng chính-trị mới ở Nhật và lập nền trật-tự mới ở Á-đông để cho các nước trong miền đó đều có thể thịnh-vượng về kinh-tế và tài-chính.
Năm 1940 cuộc Trung-Nhật chiến-tranh đã bước vào năm thứ ba. Chính-phủ Tưởng-giới-Thạch vẫn kháng-chiến và người Nhật vẫn dùng hết cách về võ-lực và về ngoại giao để giải quyết cho xong vụ Trung-hoa. Trong năm 1940 ta thấy Trùng-khánh, kinh-đô tạm-thời của Trung-hoa, bị phi-cơ Nhật ném bom đánh phá hàng mấy chục lần. Ngoài ra hầu hết các thị-trấn khác của nước Tàu tự-do đều luôn luôn bị đánh phá. Nhật lại cố phong tỏa và chặn hết các đường vận tải lương-thực và chiến-cụ của Trùng-khánh. Vì thế mà ta thấy Nhật yêu-cầu với Pháp và Anh đóng cửa biên giới Đông-dương sang Tàu và đóng đường Diến-điện. Nhật đã được hài lòng lúc đầu nhưng đến Octobre thì người Anh lại bắt đầu mở đường Diến-điện nên ta thấy phi-cơ Nhật nhiều lần đánh phá con đường quốc-tế đó và ném bom vào Côn-minh là thị-trấn cuối cùng trên đường đó.
Cuộc giao-thiệp giữa Nhật và các nước độc-tài Đức, Ý ngày càng thêm thân-thiện và đã kết-liễu bằng hợp-ước liên-minh giữa ba nước ký ngày 27 Septembre 1940 ở Bá-linh. Trái lại cuộc giao-thiệp của Nhật và Anh, Mỹ thì lại càng ngày càng thêm găng và cả Anh lẫn Mỹ đều tăng thêm công cuộc phòng-thủ ở miền Thái-bình-dương. Cuộc giao-thiệp giữa Nga và Nhật mấy tháng nay tuy có cơ khá hơn nhưng trái lại cuộc giao-thiệp Trung-Nga lại không được hòa hảo như trước. Thực là đối với cả Âu và Á, ta thấy Nga vẫn giữ một thái-độ bí-mật rất khó hiểu.
Về nội-tình nước Tàu thì ngày 30 Mars 1940, nhờ có sự ủng hộ của quân Nhật, chính-phủ Nam-kinh của Uông-tinh-Vệ đã thành lập cũng theo đúng hiến-pháp của chính-phủ Trùng-khánh và theo thuyết tạm-dân của Tôn-Văn. Từ hồi cuối tháng Juillet, Hoàng-thân Cận-Vệ lại lên giữ chức thủ-tướng Nhật thay thủ-tướng Mễ-Nội rhì việc điều-đình với Uông-tinh-Vệ càng dễ dàng và ngày 30 Novembre 1940 một hòa-ước đã ký xong Nam-kinh giữa tướng A-Bộ đặc-sứ của Nhật và Uông-tinh-Vệ. Uông lại được tôn lên làm Tổng-thống nứơc Tân-Trung-hoa thân Nhật. Cả Mãn-châu-quốc cũng ký hợp-ước thân-thiện với Nam-kinh.
Người Nhật và họ Uông mong với hoà-ước Trung-Nhật ngày 30 Novembre cuộc giao thiệp giữa hai nứơc sẽ điều-hòa, việc lập nền trật-tự mới ở Á-đông cũng tiến được một bước dài, nhưng liệu người Nhật có sẽ được như ý chăng? Chỉ thời gian mới có thể trả lời ta câu hỏi đó.
Mấy ngày mà dân Đông-dương nên nhớ về năm 1940
Đông-dương và đề-quốc Pháp không khỏi phải chịu ảnh hưởng về cuộc Âu-chiến.
Từ hồi tháng Juin đến nay, ngoài một vài việc hành động của phái de Gaulle ở Phi-châu xích-đạo thuộc Pháp và việc phiến-loạn tại Nouvelle-
Calédonie ở gần Úc-đại-lợi, thì hầu hết cả các xứ trong đế quốc Pháp vẫn tỏ lòng trung thành với chính-phủ Vichy. Cũng nhờ đó mà hầu khắp thế giới đều bị nạn chiến-tranh mà xứ ta vẫn được hưởng thái-bình. Từ hồi tháng Juin đến nay có một vài ngày mà chúng ta nên nhớ kỹ vì có quan-hệ đặc-biệt đến tình hình xứ này. Trước hết là ngày 20 Juillet, ngày quan Toàn-quyền Decoux trọng nhậm-chức Thủ-hiến Đông-dương thay đại-tướng Catroux. Rồi đến ngày 29 Juin là ngày phái-bộ Nhật đến Hanoi để kiểm soát về việc vận-tải khí-giới cho Tàu qua Bắc-kỳ theo cuộc điều-đình giữa đại-sứ Pháp là M. Arsène Henry và bộ ngoại-giao Nhật. Và sau cùng là ngày ký hợp-ước Nhật-Pháp về Đông-dương sau một cuộc điều-đình kéo dài đến ba tháng mới xong.
Theo hợp-ước đó, chính-phủ Đông-kinh công nhận chủ-quyền nước Pháp ở Đông-dương và đảm-bảo cho sự nguyên-vẹn đất đai ở xứ này. Trái lại, Đông-dương cho quân Nhật được hưởng một vài sự tiện-lợi về quân sự ở Bắc-kỳ như đóng quân và được phép dùng ba trường bay ở Bắc-kỳ. Hợp-ước đó vừa ký xong chưa kịp báo tin đi thì xảy ra vụ xung-đột ở Lạng-sơn do quân đội Quảng-tây gây ra. Nhưng cũng may chỉ mấy hôm sau thì việc lôi thôi đã dàn xếp song và ngày 26 Septembre thì quân Nhật bắt đầu theo đúng hợp-ước đổ bộ ở Haiphong. Hiện nay thì việc Lang-sơn chỉ còn như một cơn ác-mộng ở trong óc chúng ta và một phái-bộ kinh-tế Pháp và Đông-dương do quan nguyên Toàn-quyền Robin đứng đầu đang điều-đình về các vấn đề giao dịch về thương-mại giữa Nhật và Đông-dương.
Về cuối năm ở biên giới Thái-lan lại xẩy ra nhiều việc xugn-đột do quân Thái-lan gây ra, có ý để khiêu-khích và tìm cớ đòi lại mấy tỉnh của Cao-miên và các đảo ở trong lòng sông Cửu-long mà Thái-lan nhận là của mình!
Kinh-tế Đông-dương năm 1940 cũng phải chịu ảnh hưởng tai hại của cuộc Âu-chiến và cuộc phong-tỏa do chiến-tranh gây ra. Hiện nay Đông-dương đã mất các thị-trường tiêu thụ sản-vật ở Âu-châu nên đành phải quay về buôn bán với các nước bên Viễn-đông nhất là với Nhật. Chính-phủ Vichy cho Đông-dương được tự-trị về quan-thuế là có ý mở đườngcho cuộc hợp-tác về kinh-tế giữa Nhật và Đông-dương. Tất cả các chính giới ở Pháp và xứ này đều mong cho cuộc điều đình ở Đông-kinh sẽ có kết-quả tốt về tất cả các phương-diện.
Về xã hội, chúng tôi mong rằng những cuộc cải-cách về thanh-niên, về gia-đình, về học-chính, về thể-dục ở Pháp sẽ có ảnh-hưởng tốt đến tình hình xã hội ở xứ Việt nam. Cái khẩu hiệu “Gia-đình, Tổ-quốc, Cần-lao” của Thống-chế Pétain dùng làm nguyên-tắc trong cuộc phục hưng nước Pháp cũng tương-tự với những nguyên-tắc di-truyền làm nền-tảng cho xã-hội Việt-nam: “tu, tề, trị, bình”.
Kết luận
Kết-luận bài này, chúng tôi mong rằng cuộc chiến-tranh đã tàn-phá thế-giới suốt từ 1939 cho đến năm 1940 và thay đổi cả trật-tự ở Âu-châu sang năm 1941 sẽ chóng kết-liễu, người đời từ nay có thể hiểu biết và thân-ái với nhau hơn. Chúng tôi xin nhắc lại lời tuyên bố của đức Giáo-hoàng Pie XII về dịp lễ Noel vừa rồi:
- “Ra khỏi chiến-tranh, cuộc thí nghiệm và bài học đau đớn đó, tinh thần thế giới sẽ khá hơn, nhân-loại sẽ yêu chuộng hòa-bình hơn và chịu nghe theo tiếng gọi của lẽ phải và công-lý. Chỉ có như thế thì thế-giới mới có thể dự vào việc xây dựng một nền trật tự mới căn cứ vào công-lý”.
Một nhà đại văn hào Pháp cũng nói:
- “Cuộc chiến-tranh này dẫu kết-quả như thế nào cũng mang lại cho Âu-châu một nền trật-tự, vì khủng-bố cũng có trật-tự của nó, và tội ác, trong óc một hạng người nghĩ ra nó, thì lại có sức kiến-thiết”.
Chúng tôi mong rằng nền trật-tự mới do chiến-tranh gây ra sẽ có ích-lợi cho nhân-loại và trật-tự đó sẽ là cuộc hoà-bình lậu dài cho thế-giới.
(Ảnh: HỒ HOÀN-KIẾN MỘT CHIỀU SƯƠNG XUỐNG: Những cành liễu thướt tha rủ trên bờ cỏ. Tháp Rua buồn bã soi mình xuống mặt nước êm du, sương chiều lắng xuống làm mờ các rặng cây xanh đằng xa tít, cảnh vật dường như buồn bã nhớ nhung trong cảnh đông về lạnh lẽo.)
HỒNG-LAM
< Lùi | Tiếp theo > |
---|