Báo TRUNG BẮC CHỦ NHẬT (số TẾT 1941) - * TẾT TÂY Ở TA

Mục lục
Báo TRUNG BẮC CHỦ NHẬT (số TẾT 1941)
* HÃY CAN ĐẢM MÀ BƯỚC SANG NĂM MỚI
* TÍNH SỔ KẾT TOÁN CANH THÌN
* Ngày xuân (VŨ BẰNG)
* Năm Tân Tỵ sẽ đem cho ta những gì?
* NĂM MỚI CHÚNG TÔI XEM CHIẾT TỰ Bốn ông chủ báo hàng ngày
* Nàng mai
* Đảo phi hoa
* Ba vợ chồng táo quân
* Thiếu một cây nêu
* NHỮNG PHONG TỤC LẠ trong ba ngày Tết ở khắp trong nước
* TẾT TÂY Ở TA
* TẾT TA DƯỚI TRỜI MỸ
* TẾT Ở LÀO
* BA CHUYỆN LẠY MỪNG TUỔI LẠ ĐỜI
* Ba mươi Tết của trâu bò gà lợn
* LÀM CÂU ĐỐI ĐỂ CHƠI CHÙA
Những ngày đầu tiên một năm vô duyên (NGUYỄN TUÂN)
* Ý xuân (trích “NGƯỜI MẸ” nữ sĩ Pearl S.Buck)
* Ngày Tết ở Nhật
* THƠ TẾT
* NGHỆ THUẬT ĂN TẾT - đồng bào ba kỳ ăn Tết ra sao ?
* Thơ mán Vẩn-bao
* NGHỆ THUẬT CHƠI TẾT
* Nụ cười đầu xuân
* ĐẦU NĂM XIN THẺ
* CHƠI BÀI
* Các quảng cáo
Tất cả các trang

TẾT TÂY Ở TA

Cũng như người mình, cứ về cuối năm người Âu cũng rộn rịp, sắm Tết một cách bận rộn.
Hiện này chiều 31 cuối năm đã nghe thấy tiếng pháo ở một vài nhà ở các phố tây. Tuy không có những tục kiêng như mình, nhưng những người vui vẻ, ăn nói có duyên những câu chúc tụng bao giờ cũng vẫn được hoan nghênh. Bởi vậy nên hôm Tết thường thấy có những chúc từ của con cái đọc để tán dương công đức của ông cha.
Tết của người Âu có ba cái đặc điểm sau này: quà Tết, đi lễ Tết và gửi danh thiếp ngày Tết.
Quà Tết
Bây giờ trở thành một cái lệ chung bên Pháp, và thường thường là của người nhớn cho trẻ con, người già cho người ít tuổi và người trên cho kẻ dưới. Các người nhận được quà không cần phải biếu trả lại. Quà Tết thường là hoa, là kẹo là sách hay đồ vật gì quí giá.
Quà Tết bắt đầu có từ đời vua Tatius Sabinus ở La-Mã. Nguyên là nhà vua muốn lấy may mới nhận của dân biếu những cành cây Mỹ-nữ-anh lấy ở trong rừng cấm của nữ thần Strennia. về sau người ta mới đổi những cành Mỹ-nữ-anh bằng mật ong, chà là, và có ý cho là mong người thân được cái ngọt cái vui trong suốt năm. rồi dần dần người ta thay các thứ kể trên bằng tiền, bằng mề-đay bạc sau rốt bằng các vật quí giá bay giờ.
Đi lễ Tết
Các người làm công thường chúc Tết ông chủ vào ngày trước Tết hay buổi sáng hôm mồng một Tết. Nhưng chính ra hôm mồng một chỉ dành riêng cho các người trong họ và bạn thân, còn các người thường thì trong suốt tháng giêng ngày nào đến chúc cũng được.
Danh thiếp
Danh thiếp.- Danh thiếp thường người chưa vợ hoặc góa vợ gửi trước cho những người có vợ, đàn ông phải gửi trước cho đàn bà, người trẻ phải gửi trước cho người già, người dưới phải gửi trước cho người trên.
Ai nhận được dt phải gửi lại đáp lễ ngay, nhưng một người đàn bà hay thiếu-nữ có thể miễn gửi đáplễ một người con trai chưa vợ.
Gửi danh thiếp bao giờ  cũng phải gửi trước ngày Tết để có đủ thì giờ để cho người ta gửi đáp lễ trả lại. Hiện nay, cứ đến Tết Nguyên-đán dương lịch hay Âm-lịch ở thành thị có nhiều người đã bắt chước người Âu cũng tặng quà Tết, đi chúc Tết, lễ Tết và rất sính gửi danh-thiếp chúc Tết.
Nhưng trong việc in danh-thiếp và những chữ đề trên danh-thiếp cùng cách gửi danh-thiếp nhiều khi rất là lố lăng, buồn cười. Có người trên tấm danh-thiếp vuông hay chữ nhật nhỏ xíu đề đặc đến hàng trăm chữ kể rõ cả đến gia thế, chức nghiệp, phẩm tước, hình như tấm danh-thiếp là vật để khoe khoang những cái “bám vào người” cho công chúng và mọi người đều biết. đã dùng danh-thiếp thì phải theo đúng phép xã giao của người Âu là in danh-thiếp chỉ cốt tên họ, chỗ ở và nếu muốn thì nói một cách rất giản dị về nghề nghiệp, phẩm tước mà thôi.
(Ảnh:  Đi lễ Tết: Mấy cô thiếu-nữ ăn mặc áo quần rực rỡ đang cùng nhau vui vẻ đi lễ Tết)
ĐÀM-KHÁCH

TẾT TA Ở TÂY
của NGUYỄN-HOÀNG    Tranh vẽ MẠNH-QUỲNH
Đây là một bức di-bút của ông Nguyễn-Hoàng đã gửi cho  một người bạn chúng tôi là Yên-Sơn.
Bạn Yên-Sơn có lòng yêu để chúng tôi đăng-tái lên T.B.C.N. là có ý muốn tặng độc-giả một món quà đầu năm của một thanh niên hiếu học đã mệnh một ở dưỡng đường Villeneuve vì nghèo khổ quá nên đã bị trùng lao đục nát hai buồng phổi. Ông Nguyễn-Hoàng đã sống với dân nghèo. Ông đã ăn Tết ở Paris với họ, ông cùng cảm như họ cho nên tuy bức thư này đề từ 1935 mà ta vẫn thấy lúc nào cũng hợp thời. Ở đời nay lúc nào còn người nghèo khó vui cái vui của người khác thì những cái Tết như Tết của ông Nguyễn-Hoàng  kể lại đây bao giờ cũng làm rung động những bạn có một tấm lòng nhân đạo. T.B.C.N.
Anh muốn biết cái Tết của dân nghèo – nghèo đến mức thiếu ăn, thiếu mặc ở Paris? Anh muốn biết cách tổ chức những việc nghĩa làm vào dịp ấy để lấy tiền mua đồ ăn, thức dùng cho đám dân nghèo của mấy hội từ-thiện hay của một cơ quan ngôn luận ở Paris (như một tờ báo của Saigon mấy năm gần đây quyên-tiền độc-giả trồng Cây mùa xuân (Arbre de Noel) để mua đồ ăn, đồ chơi cho bọn trẻ nghèo ?
Tôi rất lấy làm mừng khi thấy cái anh muốn cũng là cái tôi muốn mà chưa có dịp nói ra. Anh phài tin lời tôi nếu anh còn nhớ ngày tôi ở chung với anh trên một căn gác đường hẻm Pellerin, Saigon đầu năm 1930, từ chập tối đêm 30 Tết. vì chịu không nổi cái vui ầm-ỹ - vui bằng những tràng pháo, trận cười của những người hàng xóm ưa động, tôi phải đi ẩn-tránh vào Sở-thú ngồi đến khuya đợi giờ thiên hạ ngủ mới về.
Nhớ lại cái Tết ấy, năm nay tôi muốn làm quà cho anh một cái Tết ở Paris.
Nhưng tả cái Tết huy hoàng, rực rỡ của dân ăn chơi ở Paris thì trước tôi, trên mặt báo Tây Nam của xứ sở, đã có người tả nhiều rồi.
Không biết làm ăn ra sao cả và một người bạn bỏ đi về vùng ngoại-ô, cách kinh thành 8 cây số, ví đây nếu không là chỗ trú ngụ thì cũng là nơi lui tới của dân nghèo.
Chúng tôi đi bằng xe taxi. Xe chạy độ nửa giờ thì đến. Xe ngừng trước vườn hoa “Les Innocent” cách khách sạn Fradin lá khách sạn của dân nghèo, giá tiền trọ mỗi người chỉ có 5 xu, chừng vài trăm thước. Bạn tôi đã có lần đến chơi đây đi trước dẫn đường.
Trong lúc ngồi xe, chúng tôi đã định rõ mục-đích cuộc “thám hiểm”.
Bấy giờ độ 9 giờ. Còn sớm thế mà khách sạn của lão Fradin đêm nay đã đông khách. Nói là khách sạn cho sang chớ mấy gian nhà gác bẩn thỉu tồi-tệ của lão chẳng có gì chỉ được cái rộng đủ chỗ cho 6,7 trăm người nằm ngủ ôm lấy lưng nhau, và quí ở chỗ chủ nhân biết trọng người.
Vào thời tiết này, anh phải biết cái lạnh ở Paris, đêm nào về khuya, tuyết cũng phủ trắng mái nhà, ngọn cây, mặt đường. Mình đi ra ngoài bận thứ quần áo dạ thứ dày, ngoài khoác áo len dầy, cổ quàng khăn thế mà còn thấy lạnh còn phải xuýt-xoa cò-rò...
Rồi anh nghĩ đến cái khổ quần áo không có đủ mặc bánh không đủ ăn của đám dân nghèo ở đây...
Nhưng tôi không muốn nói ra ngoài đề. Trước cửa khách-sạn còn mở hé vừa đủ cho một người đi, đi bách-bộ có đến 50 người, hết thảy là đàn ông, từ 20 đến 50 tuổi, người được lành cái quần thì rách cái áo, áo rách hở cả lần lót, quần không rách thì cũng vá bằng đủ các thứ vải, vá dúm-dó như cái bị, giầy- toàn thứ giầy của thửa không há niệng thì cũng hở gót.
Họ đút tay vào túi đi khom lưng như ông già, hai hàm răng run lập-cập. Chốc chốc lại đưa mắt ngó quanh và hết nhìn những cửa sổ có ánh đèn dầu trên gác lại nhìn cánh cửa mở hé ở bên đường.
Không cần hỏi, tôi cũng đoán hiểu ý muốn của họ- và tôi cứ việc đến gần tấm bảng nhỏ treo trên mặt cửa vào ra- tôi đọc thấy: “Nhờ lòng từ thiện của ông X. và bà Y. 10 giờ đêm nay ở đây có phát quần áo và đồ ăn”.
Vừa thấy mắt chúng tôi- dân nghèo đã tranh nhau đến ngửa tay- chúng tôi chỉ giữ đủ tiền về xe còn bao nhiêu lấy chia cho họ cả.
Số tiền chẳng được bao nhiêu nhưng chúng tôi cũng được vui lòng vì đã giúp năm, bảy người được số tiền trọ.
Khách sạn mỗi lúc một đông, đông đến nỗi người gác cửa thỉnh-thoảng lại phải nhắc chừng bọn xấu số, giờ khách sạn đóng cửa – 10 giờ kém 15 phút.
Họ còn đợi gì nữa ?
Đêm nay nào phải như mọi đêm - mọi đêm người ta ăn chán, chơi chán, rồi không biết làm gì mới tìm đến khách sạn tìm xem cho biết hạng người ngợm của kinh-thành ánh sáng. Đêm nay, đêm vui nhất trong một năm của người-ta, người-ta thiếu chi cách giải-trí, thiếu chi cách mua vui mà phải đến đây để chứng-kiến những cảnh tội-nợ của đám dân nghèo !
Nhìn họ, tôi thấy đã có lắm người để lộ sự thất-vọng ra nét mặt và có người nhăn-nhó như muốn khóc.
Tôi không có can đảm nhìn lâu những dân “trời đầy” ấy.
Tôi phải quay về phía trong khách sạn nhìn đám người đang chuyện nở như pháo rang, đang khoan khoái đợi chờ giờ bố thí.
Nhưng tôi cũng không sao dẹp được sự thổn-thức trong lòng...
Chẳng muốn để tôi suy-nghĩ vì những cái không đâu – nói theo lời bạn tôi - bạn tôi liền kéo tay tôi đi chỗ khác.
Và cao hứng, anh ấy lại thuyết-lý một thôi dài.
-    “Với cái thói nàng Kiều của anh thì đứng đây lát nữa anh sẽ phải khóc. Phải khóc trước cánh cửa đánh ngay sát mũi của mấy chục người ấy. Không có tiền thuê trọ, hoặc có nhưng đến chậm quá, rối những người cơ-cầu ấy muốn tìm một chỗ kín đáo để ngủ sẽ phải đi đâu? Đi đâu cho khỏi bị lính tuần-cảnh xô đuổi!
Dưới gầm cầu, trong xó chợ trên ghế xanh ở phòng đợi khách của nhà ga, thì quanh-quẩn họ, chỉ biết tìm đến mấy nơi này !
Nhưng ở đây - chỗ ba-vạ - họ có mong gì ngủ được yên ? Anh còn phải não lòng hơn nữa nếu anh được thấy cảnh những con ma đói đứng nối đuôi nhau trước cửa một dạ-lữ-viện chầu-chực lấy một chỗ-ngủ, một chén cháo.
Cùng cảnh đói-khổ đáng-lẽ họ phải thương nhau, nhưng một khi họ bị đầy đến bước đường cùng, họ đâu còn biết nghĩ thế, rồi vô-tình họ đã bày nên cảnh tương-tàn, tương-hại. Kiệt liệt không khác gì chó đói tranh xương.
Rồi họ đánh-chửi xâu-xé nhau thường chỉ vì một chỗ ngủ. Và 10 lần như một, muốn tìm cách giải-hoà lính tuần-cảnh cũng phải can thiệp mà can thiệp tức là dẫn các anh về bóp. Về bóp thì các anh có coi ra mùi mẽ gì ! Về bóp còn được chỗ ngủ ấm hơn ở ngoài...”
Tôi vẫn chăm-chú nghe, bạn tôi lại nói tiếp:
Còn nhớ một đêm, cũng là đêm cuối năm thì phải, đi qua cửa dạ-lữ-viện  đường Aix, tôi được chứng-kiến tấn thảm kịch này:
Một bọn chừng bảy, tám ngươi đứng nối đuôi nhau, phần đói, phần rét nên trông sắc mặt và  điệu bộ ai nấy cũng như người chết giá: mắt lờ đờ, môi lập cập thế mà vươn cổ chăm chú nhìn tấm bảng treo trên mặt cửa mở hé.
Bảng yết: “Dạ lữ viện chỉ còn sáu chỗ”. Nhưng ở đây họ có đến bảy, tám người thì biết làm sao ?
Người đứng sau rốt lại là ông già - ông lo buồn lộ ra sắc mặt, ông cứ chòng chọc nhìn chàng trai trẻ ở hàng thứ năm.
Người thứ tư vừa bước vào, cửa chưa mở rộng chàng trai trẻ đã toan bước lên, thì vụt một cái ông già đã giật được mũ chàng và ném tung ra đường cái.
Chàng trai-trẻ mất mũ vội chạy đi tìm, lúc trở về chỗ cũ thì cửa đã đóng.
Thế là chàng bị mắc mưu ông già.
Ông già xem khuôn mặt không có chi ác, mà bảo xấu chơi như thế được.
Nhưng ở đời, có ai học đến chữ ngờ.
Ai chịu xét đến nguyên-nhân sự làm ác của ông già để dung thứ cho ông ?
Thử hỏi: nếu không phải tranh nhau vì chỗ ngủ thì ông đâu có chơi ác ?
Rồi quanh quẩn người ta vẫn nói xấu ông già cững bởi người ta không ai chịu nghĩ: Ta chỉ có thể nói chuyện đạo đức nhân nghĩa khi ta không phải lo thiếu thốn một thứ gì...
... Ngoài ra bạn tôi còn cho biết số dạ-lữ-viện  có trên hai chục mà quá nửa lập nên nhờ lòng từ thiện của tư-gia.
Hai mươi Dạ-lữ-viện  mà còn chưa đủ chứa số dân nghèo của Paris thì ra số này nhiều vô kể, nhiều đến nỗi đwêm nào dưới gầm cầu, trong xó chợ lúc nhúc có hàng trăm người ngồi.
Hàng năm Tết đến, đêm têt như đêm nay các dạ-lữ-viện  của tư gia muốn cho cái đêm vui chung của mọi người, bọn xấu số cũng được vui, vui chút ít- nên viện nào cũng tổ chức cuộc bố thí rượu bánh.
Thì chẳng lẽ trong lúc mọi người đều có Tết anh em lại không có Tết sao ?
Phải làm vậy cho anh em được vui cười, chè chén lấy một ngày chớ ? Rồi ra có phải khổ mấy, nhục mấy anh em cũng cam lòng !
Bởi ai cũng nghĩ vậy nên hàng năm đến đêm này trước cửa dạ-lữ-viện mới có hàng trăm người đứng chờ với những nét mặt hốc hác, thảm sầu.
Bấy giờ đã quá mười giờ.
Nhờ quen chủ-nhân chúng tôi mới được phép vào.
Tiệc ăn vừa xong. Họ có trên 100 người đang ngồi bao vây lấy một ông già; kẻ khoanh tay, người chống gối, ai nấy đều có vẻ cảm phục ông già lắm.
Ông già trên tay khoác cái áo redingote , thứ áo cổ lỗ sĩ - áo dùng lâu đến nỗi bạc cả mầu, mất cả cổ, sờn cả tay và rách lỗ chỗ như tổ ong bầu. Ông đứng gác chân lên thềm gạch, và bằng một giọng kẻ cả ông thong thả lên tiếng:
Đêm ấy cũng là đêm cuối năm (31 Decembre 1918), chúng tôi ở ngoài mặt trận chẳng còn biết Tết là gì, chúng tôi cứ làm việc như thường, làm việc ở dưới hầm gần Arcueil chỗ này cách trại của địch quân không xa.
Chẳng có gì ăn Tết mà nghe nói địch quân thì thừa ăn, thừa uống. Chúng tôi mới bàn nhau quyết đêm ấy đi phá đám.
Đến nơi, cách chừng vài thước, chúng tôi mới cho súng nổ đều một lượt, quân địch đang vui vẻ ăn uống , bỏ chạy tán loạn.
Thế là chúng tôi được bữa chén no say ! Thế là chúng tôi tôi đã ăn Tết giùm cho quân địch !
Câu chuyện chẳng có chi là thật.
Tết năm ấy quân đội của Đức – Pháp đã nghỉ đánh nhau rồi thì có ai phải ăn Tết ở ngoài mặt trận đâu !
Chúng tôi hầu hết đều biết chuyện bịa cũng chịu khó đứng nghe và cũng làm bộ cảm phục như mấy người khác xem ông cao hứng còn nói gì nữa.
Trước quang cảnh đầm ấm vui cười ấy, chúng tôi phải nghĩ thầm: đêm ba mươi Tết, nghèo xác-xơ, nghèo đồng xu không có dính túi, thế mà cũng thích nghe chuyện chiến tranh, chuyện đạo-tình ! Thì ra cái tâm hồn quá ư tê-tái của họ còn cần mơ mộng, cần tình nghĩa nhiều hơn ta. Họ phải tìm quên trong mơ mộng, dẫu biết mơ mộng chỉ làm họ quên trong chốc lát cái quá khứ trong chứa toàn chuyện thảm sầu và cái tương lai cũng chẳng hơn gì !!!
Quá 11 giờ, chúng tôi đợi họ sửa soạn đi ngủ, chúng tôi mới ra về. Biệt họ đi, chúng tôi không quên để lại một đôi lời cầu chúc năm mới mong an-ủi những tâm hồn tàn tạ.
Bạn anh:
NGUYỄN-HOÀNG (Paris)



Add comment