Báo TRUNG BẮC CHỦ NHẬT (số TẾT 1941) - * Ngày xuân (VŨ BẰNG)

Mục lục
Báo TRUNG BẮC CHỦ NHẬT (số TẾT 1941)
* HÃY CAN ĐẢM MÀ BƯỚC SANG NĂM MỚI
* TÍNH SỔ KẾT TOÁN CANH THÌN
* Ngày xuân (VŨ BẰNG)
* Năm Tân Tỵ sẽ đem cho ta những gì?
* NĂM MỚI CHÚNG TÔI XEM CHIẾT TỰ Bốn ông chủ báo hàng ngày
* Nàng mai
* Đảo phi hoa
* Ba vợ chồng táo quân
* Thiếu một cây nêu
* NHỮNG PHONG TỤC LẠ trong ba ngày Tết ở khắp trong nước
* TẾT TÂY Ở TA
* TẾT TA DƯỚI TRỜI MỸ
* TẾT Ở LÀO
* BA CHUYỆN LẠY MỪNG TUỔI LẠ ĐỜI
* Ba mươi Tết của trâu bò gà lợn
* LÀM CÂU ĐỐI ĐỂ CHƠI CHÙA
Những ngày đầu tiên một năm vô duyên (NGUYỄN TUÂN)
* Ý xuân (trích “NGƯỜI MẸ” nữ sĩ Pearl S.Buck)
* Ngày Tết ở Nhật
* THƠ TẾT
* NGHỆ THUẬT ĂN TẾT - đồng bào ba kỳ ăn Tết ra sao ?
* Thơ mán Vẩn-bao
* NGHỆ THUẬT CHƠI TẾT
* Nụ cười đầu xuân
* ĐẦU NĂM XIN THẺ
* CHƠI BÀI
* Các quảng cáo
Tất cả các trang


Ngày xuân

Ngày xuân em hãy còn dài
(Nguyễn Du)

Năm nào cũng thế, cảnh vật vào dạo này lại thay đổi, đem mùa đông già cỗi đi nơi khác để mùa xuân thắm thiết thay vào.

Mùa xuân như một tiếng nhạc...như một cô con gái tỉnh giấc trong sương...Mùa xuân như một đội quân ra trận - tin chắc ở mình, tin chắc ở sự đắc thắng- mà hàng tiền đạo thì là cái dân tộc hoa đào xâm lấn hết đất đai ở thôn quê, và, cùng với mưa phùn, gió đông, tràn ngập cả những phố xá thị thành với một làn sóng thơm kín đáo. Những bãi cỏ bắt đầu xanh rờn đến chân trời. Hoa cúc, hoa mai, hoa trà, như có một bàn tay phù-thuỷ đụng vào, cùng một lúc nở bung ra ; người ta thấy sự vuốt ve, rất lạ, lững lờ bay ở không trung ; những cành lá chớm ra như những điểm hy vọng ở trong óc người ta vậy. Có thể bảo rằng Hoá-công đã đem phép màu nhiệm lay động cảnh vật cho sống lại. Những ngày trong sáng dài hơn, những đêm thơ mộng êm đềm hơn và khi nào bóng tối mờ đi thì người ta thấy loè ra ở đỉnh cây ngọn cỏ những vệt ánh sáng mỗi lúc một giống những thứ hoa lạ ở trong cái màn mờ của buổi bình minh.

Ấy là giờ tôi thích nhất trong một ngày : người ta chưa biết cái thời gian huyền ảo đó sẽ đem lại cho ta những gì, nhưng cái ánh sáng lan dần, rõ dần ở khắp đó đây thì chứa đựng hàng trăm nghìn lời hứa hẹn về cái ngày đương nở.

Bao nhiêu nỗi lo sợ vẩn vơ về đêm tối tiêu-tan với ánh sáng trong sạch như được trời rửa lại. Mặt người nào cũng hớn hở, vì dù ở tình thế nào người ta cũng phải can đảm mà kêu gào hạnh phúc.
Hạnh phúc, ta phải có gan chờ nó.

Cũng như ở buổi bình minh của một ngày, bao giờ đến mùa xuân - bình minh của...- tôi cũng coi như là một sự tái tạo, một mối hy vọng mới, một sự bay bổng về tương lai.
Tôi tiếc những thì giờ đã mất, tôi tiếc những mùa xuân tươi đẹp khác đã qua nhưng không bao giờ tôi âu sầu.

Một nhà làm báo đã viết vào đầu năm Canh-Thìn một câu : “Mùa xuân năm nay đã đến hơi sớm quá. Tôi không ưa sự vội vàng ấy của Hoá công, tôi nghi ngờ làn gió xuân nhẹ ngàng quá, cái làn gió lành lạnh đem đến cho ta mùi đất, mùi đất thó, cái làn gió có một mùi Số-mệnh...”

Mùa xuân năm nay- Tân-Tỵ - Số-mệnh đã định rồi. Mùa xuân không làm cho ta sợ hãi như năm ngoái nữa. Sự tái tạo không báo cho ta chết chóc bởi vì chúng ta đã ở trong cảnh đó rồi. Trái lại, sự tái tạo chỉ báo cho ta sự Hồi-sinh và Hoạt-động.

Tôi cảm phục câu nói ấy, nên, đầu xuân năm nay, tôi lại càng thấy lòng tin tưởng của tôi dũng mãnh hơn, tôi thấy cuộc đời tưng bừng một cách lạ và tôi muốn đi khắp các phố để xem cái sống nó lộng lẫy, nó nên thơ đến thế nào...

Tôi đi mãi, tôi đi mãi. Tôi đi vào xem các phiên chợ Tết, tôi đi qua bãi cỏ, cánh đồng ; tôi đi cùng khắp các phố để xem những người đi sắm Tết. Một khối nặng từ ở linh hồn tôi rơi xuống. Tất cả mọi người đều nhìn tôi với một con mắt thân yêu, tất cả mọi người đều sung sướng, tất cả mọi người đều thấy cửa vàng mở  rộng để đón mình vào trong.

Chao ôi, tôi cảm động không biết chừng nào nữa ! Cuộc đời về mùa xuân, phút chốc biến thành tươi đẹp, khoẻ khoắn và thắm thiết đã làm cho tôi nhớ đến những người con gái nhà nghèo, ăn không no, ngủ không đủ, tiều tuỵ đến làm cho ta phải thương hại, thế mà bỗng chốc trở nên đẹp đẽ, mỹ miều, khả ái.
Anh sẽ phải hỏi cái sức huyền bí gì đã đem ngọn lửa thần vào các cặp mắt kia, thoa màu hồng vào đôi má kia và làm cho những cái ngực thanh-tân phồng lên giẹp xuống nên thơ như vậy. Phải, phải, ai đã ném sự tươi tắn vào nụ cười ? Ai đã làm cho sự vui vẻ loè lên như chớp nhoáng? Ai đã đem cái đẹp ấy dâng cho những người con gái kia ?

Tôi đã đoán biết người đó là AI rồi. Nhưng tôi nghĩ “ Ngày tháng qua đi không ai biết. Biết đâu ngày mai ta lại chẳng trông thấy những nét mặt xanh xao hồi trước, mắt mờ những lệ, nụ cười héo hon và những cử chỉ e rè, sợ sệt : người ta bảo đó là dấu vết của sự lo nghĩ, sự âu sầu, sự hối hận ; đó là dấu vết của sự “sớm nở tối tàn”. Ta sẽ phải tiếc rằng “xuân đi mau quá, sắc đẹp tàn vội quá. Chao ôi, ta chưa đủ thì giờ để yêu !”

Tôi vừa đi vừa nghĩ nên về hơi chậm. Một giờ khuya. Sự thắc mắc làm cho tôi ngại bước. Nhưng đến một cái cửa sổ gác nhà kia, tôi thấy trong ánh đèn một người con gái tay trắng như ngà cầm một bó hoa- áng chừng hoa xuân- đưa cho một người đàn ông và cả hai đều cười trong cái im lặng của một đêm xuân im lặng.

Tôi giật mình một chút và thấy vững tâm hơn. Càng thấy mình trơ trọi bao nhiêu, tôi càng thấy bóng người trên gác đương cười với bó hoa xuân có cái ý nghĩa rõ ràng là thiên hạ đều vui vẻ trong ngày xuân mới : người viết báo nghĩ một mình, nhưng sung sướng với người khác bởi vỉ đã thấy người khác sung sướng vậy.

VŨ BẰNG



Add comment