LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 29.8.2014

tac-pham-van-hoc-tuoi-20

Tác phẩm vào chung khảo và đoạt giải Cuộc thi Văn học Tuổi 20 lần V (2014)

 

Mưa nắng thất thường. Những ngày này, lầm lũi đi, về. Không la cà quán xá. Chẳng một ai í ới réo điện thoại, nhắn tin. Về, trong không gian của bốn bức tường. Mỗi ngày. Quen thuộc. Vách tường nhà, những kệ sách. Trang sách đã cũ. Ngày vẫn mới. Ngày đi qua. Sáng hôm qua, qua báo TT, tham dự trao giải Cuộc thi Văn học Tuổi 20 do NXB Trẻ, Hội Nhà văn TP.HCM và báo TT cùng phối hợp tổ chức. Ít ai biết, trước ngày phát giải, tại NXB Trẻ có tổ chức cuộc gặp gỡ thân mật với các cây bút có tác phẩm vào vòng chung khảo và trưởng đại diện Gia Đình Áo Trắng. Đêm đó mưa kinh khiếp. May mà y đi taxi. Lần đầu tiên gặp những người viết mới. Họ còn trẻ. Gặp lại những bạn thơ cũ như các anh Nguyễn Tấn Sĩ, Nguyễn Thanh Xuân... đến chung vui.

Sáng qua, vào hội trường và ngồi hàng ghế sau cùng với nhà văn Đoàn Thạch Biền - thành viên Ban Giám khảo. Qua trao đổi, anh cho biết: Cuộc thì năm này không chỉ chất lượng như những năm trước, mà còn có phần nhỉnh hơn. Có nhiều tác giả trẻ tham dự, trong dó, có không ít cây bút từng “văn ôn võ luyện” trong “lò bát quái” Áo Trắng. Từ nơi ấy, nhiều người đã thành danh. Anh kể vanh vách từng tên tuổi. Nghĩ mà mừng. Ít ra, “huấn luyện viên” có biệt danh “Ông Biền Áo Trắng” cũng đã nhìn thấy mùa vàng trên cánh đồng đã cần mẫn gieo hạt, chăm sóc hơn hai mươi năm thất thường nắng mưa…

Một cảm hứng sáng tác đôi khi đến bất ngờ. Tình cờ. Không hẹn trước. Lúc lên nhận giải, nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần kể, viết Cơ bản là buồn từ nguyên cớ: “Trong một lần đi ngang qua sân bay Biên Hòa cũ, tôi nghe tiếng máy bay rất lớn trên đầu mình. Tôi nghĩ âm thanh trên bầu trời đó hẳn phải có một mối liên hệ nào đó với mặt đất, trong hiện tại và trong cả quá khứ. Thế là tôi đi tìm ra con người - kết nối giữa bầu trời và mặt đất, giữa quá khứ và hiện tại đó chính là nhân vật cháu bé nạn nhân chất độc dioxin - Hữu Nghị". Tiểu thuyết của Thuần đoạt giải Nhì. Với Người ngủ thuê, cây bút mới Nhật Phi tâm sự: “Tình cờ một lần nói chuyện với bạn mình, bạn ấy kêu là mệt quá, buồn ngủ quá. Lúc đó mình lại rảnh quá. Bạn mình bảo rằng nếu bây giờ mình ngủ thay bạn ấy được, và truyền năng lượng cho bạn ấy để bạn ấy không cần phải ngủ nữa thì tốt quá. Vậy là mình có ý tưởng viết truyện ngắn Người ngủ thuê”.Ý tưởng, cấu trúc một tiểu thuyết đôi khi cũng cần mới, lạ như lúc làm thơ tìm được cái từ độc đáo.

Trong phần giao lưu, nhà văn Nguyễn Đông Thức cho biết, ban đầu Ban Giám khảo ngờ ngợ ý tưởng Người ngủ thuê có thể vây mượn từ điện ảnh, tiểu thuyết nước ngoài chăng? Thế là "ông Goolge" được mời vào cuộc. Hàng loạt các “từ khóa” có liên quan đều được “search” liên tục. Sau kiểm chứng nghiêm túc và có trách nhiệm ấy, mọi người kết luận đó chính là ý tưởng của chàng trai sinh năm 1991 tại Hà Nội. Tiểu thuyết này đoạt Giải Nhất. Phần thưởng 70 triệu đồng, cao hơn giải hằng năm của Hội Nhà văn Việt Nam. Chắc chắn nhiều người đồng tình với phát biểu của nhà văn Ngọc trong đá: “Đây là giải thưởng văn học uy tín nhất tính đến thời điểm hiện nay. Những người đoạt giải này đề trở thành những tác giả tên tuổi, khẳng định được văn nghiệp của mình sau cuộc thi, như: Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyên Hương, Trần Thị Hồng Hạnh, Trương Anh Quốc…”.

Đúng quá, đến nay, cuộc thi này không hề có một tai tiếng gì. Trong khi đó, đã có quá nhiều cuộc thi mà sau khi công bố thiên hạ “ném đá” không nương tay, thậm chí thu hồi giải thưởng; lại có những giải thưởng chỉ tồn tại ngay sau lúc phát giải, sau đó, chẳng ai buồn nhớ đến nữa, dù chỉ tên tác giả. Cho đến nay tại Việt Nam, có lẽ Giải thưởng Tự lực văn đoàn tổ chức từ năm 1935, vẫn có sức sống lâu bền nhất bởi họ trao đúng người. Những người đó về sau đã trở thành tên tuổi ghi dấu ấn trong văn học hiện đại, nhờ thế, giải thưởng càng tỏa sáng, càng "làm sang" cuộc thi.

Nhân đây, làm man một chút. Cuộc thi tiểu thuyết đầu tiên của Việt Nam xuất hiện tại miền Nam, tờ Nông cổ mín đàm của chủ bút Trần Chánh Chiếu tổ chức. Thể lệ công bố trên số báo 262 ra ngày 23.10.1906. Trên số báo ngày 5-3-1907, cuộc thi kết thúc với kết quả được công bố như sau: “Nguyên khi mở hội thi thì có 3 vị vào đơn xin. Song đến hạn nạp thì có 1 vị nạp mà thôi là M. Pierre Eugene Nguyễn Khánh Nhương ở Thủ Đức, tỉnh Gia Định. Truyện của thầy này đặt tên là Lương Hoa truyện, lời nói vừa phải dễ nghe, không cao không thấp. Song việc tiền căng báo hậu còn sơ một thứ. Bổn quán nghĩ vì còn một vị nạp vở thì khó mà sánh tài lắm, cho nên Bổn quán định thưởng “khuyến công” cho M.N.K Nhương là 25 viên bạc (tức 25 đồng) và một năm nhật trình” . Và từ số báo này Lương Hoa truyện được đăng tải lên trên trang 8 của mỗi số báo. Nội dung có thể tóm tắt như sau: “Hai người bạn thân là Bổn và Huy hứa hẹn sẽ kết trông gia với nhau. Bổn có con gái là Hoa, Huy có con trai là Lương. Huy vì gia cảnh nên không đi học được, Huy giúp đỡ cho Bổn cho ăn học nên đỗ cử nhân. Khi Pháp đánh chiếm Nam kỳ, gia đình Huy bị cướp phá. Huy chết. Vợ con lưu lạc gặp nhiều tai ách gian truân. Rồi mẹ con lại gặp nhau, Lương đến nhà cậu nương tựa. Nhớ lời cha dặn, Lương tìm đến nhà ông Bổn để xin đính ước với Hoa, nhưng ông Bổn đã chết. Sau Lương thi đỗ được bổ làm thư ký ở Nam Vang nhưng vẫn mang ý định tìm Hoa”.

Chẳng rõ, có ai chịu khó mày mò vào thư viện tìm đọc lại “tiểu thuyết” này không? Chắc không. Tuy vậy, lịch sử văn học, báo chí vẫn ghi nhận bởi đó là sự kiện có tính tiên phong.

Những ngày này, được tặng sách nhiều. Chưa có thời gian để đọc. Lần lượt sẽ đọc thôi. Chẳng vội gì. Đang đọc lại Phan Khôi - viết và bản dịch về Lỗ Tấn. Kinh khiếp với bút lực của một đại văn hào mà Mao Trạch Đông khẳng định: “Khổng Tử là thánh nhân của thời địa phong kiến; Lỗ Tấn là thánh nhân của thời đại vô sản”. Người Á Đông nhìn chung có tâm lý khi cần thì ca ngợi đến chín tầng mây; khi không cần, xúc đất đổ đi, dẫu chỉ là cái bóng của người ấy. Quyền sách này, con trai nhà văn hóa Phan Khôi tặng từ ngày 6.10.2007 nhưng nay mới đọc kỹ. Cái duyên đọc sách là vậy. Phải đến thời điểm có cảm hứng, mới có thể lật từng rtrang. Bằng không, chỉ đưa mắt nhìn, tay không sờ tới.

Đọc và nghĩ, chỉ riêng A Q. chính truyện, ngàn đời sau, nếu dân tộc Trung Quốc còn tồn tại, năm châu bốn biển còn phải nhớ đến Lỗ Tấn. Ngữ ngôn Trung Quốc đã nảy sinh những danh từ như “A.Q thức”, “A.Q tướng”, “A.Q chủ nghĩa”… mà lúc viết, Lỗ Tấn đã có tham vọng “vẽ ra linh hồn của người Trung Quốc”. Việt Nam có Chí Phèo chăng? So sánh nào cũng khập khễnh. Nhân vật A Q. “tung hoàng” nhiều hơn, sắc nét hơn bởi Lỗ Tấn chọn thể loại khác, cả thẩy IX chương, không bó buộc trong sự câu thúc số chữ của truyện ngắn. Hơn nữa, trong con người A Q. còn có cả tính cách lưu manh thị thành của Xuân Tóc Đỏ. Chí Phèo lại không v.v…

Đọc xong, vẫn còn ám ảnh với nhiều chi tiết. Chẳng hạn, sau khi A Q. bị nhiều kẻ đánh nhưng vẫn tự đắc thắng: “Ta cứ coi như bị con mình nó đánh, thế giới ngày nay thật chẳng ra cái quái gì”. Rồi có lúc A Q. lại bị đánh với sự miệt thị “người ta đánh súc vật”. A Q. vẫn không lấy đó là điều. Hắn “Tự nhận mình là loài sâu bọ” - một một cách khôn ngoan chuyển bại thành thắng! Một nhà văn văn bình thường chỉ có thể nghĩ đến đó, viết đến đó, rồi có thể chuyển sang tình tiết khác. Nhưng với Lỗ Tấn lại lạnh lùng khốc liệt hơn. Dù nhận làm sâu bọ, “Đến lần này, A Q. mới hơi cảm thấy cái đau khổ của sự thất bại”. Vậy làm sao chuyển bại thành thắng? Con chữ dựng lên chi tiết kế tiếp khác nào vuốt từng ngón tay trên lưỡi dao lam sắc lẹm. Càng đọc càng rùng mình: “Song le, trong chốc lát, hắn đã trở bại thành thắng rồi. Hắn giơ tay phải lên, ra sức đánh trên má mình luôn hai cái tát, thấy đau nhức nhối. Đánh xong, hắn thấy trong lòng hòa dịu lại, hình như mình là người đánh, còn kẻ bị đánh là một mình khác; chẳng bao lâu, hắn lại mường tượng như chính mình đánh một người nào, mặc dầu còn đau nhức nhối, hắn cũng thư thả nằm xuống với cái dáng hả hê đắc thắng. Hắn ngủ rồi”. 

Mấy hôm nay, ngủ không ngon giấc. Sáng nay, dậy sớm làm bài thơ. Đã chiều rồi. Lại trống rỗng cái linh hồn. Chẳng rõ nó đang lang thang đến nơi nào?

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment