LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 20.8.2014

 

Ngày cũng ngày. Chẳng gì mới. Tự dưng lại nghĩ đến ca từ “mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”. Phải là tâm trạng của một người yêu đời ghê gớm lắm? Niềm vui ở đâu mà lắm thế? Tiếng ca hoan lạc, đôi khi thốt lên cũng đã khôn ngoan nhìn trước ngó sau. Không như thế. Khó tồn tại. Nhất là trong đời sống hiện tại. Phải còn lâu, rất lâu nữa con người ta mới có thể chấp nhận tiếng nói phản biện. Chưa cần phải thế. Chỉ cần chấp nhận nói đúng những gì đã nghĩ. Chứ không "ăn theo nói leo" có tính chất thời vụ, phong trào. Đôi khi nghĩ rằng, y mâu thuẫn quá. Không muốn đọc báo chí hằng ngày đặng nhìn đời sống nhẹ nhàng hơn. Nhưng rồi, cũng không thể. Biết được thông tin này, thông tin kia, thử hỏi để làm gì? Tự dưng chuốc lấy sự phiền muộn mỗi ngày. Quá vô ích. Quá vô tích sự. Nói thì nói thế, nhưng rồi, mỗi ngày lại đọc.

Buồn cười nhất sáng nay, hầu như các báo đều phản ánh về… lễ sinh nhật Hai Bà Trưng. Theo báo TN: “Hôm qua, UBND TP.Hà Nội có Văn bản 6201 cho biết: “Do nhiệm vụ đột xuất, UBND TP và T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ VN thống nhất chưa tổ chức các hoạt động lễ kỷ niệm 2.000 năm ngày sinh nhật Hai Bà Trưng”, trong khi giấy mời đã được gửi đến các ban ngành, đoàn thể. Trao đổi với Thanh Niên chiều 19.8, ông Phan Đăng Long, Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết trước đó Hội Liên hiệp Phụ nữ VN, UBND huyện Mê Linh và Sở VH-TT-DL Hà Nội đã đề xuất nhân ngày đón nhận di tích lịch sử quốc gia thì kỷ niệm 2.000 năm ngày sinh của hai Bà. Trong hồ sơ công nhận di tích quốc gia đặc biệt với đền Hai Bà Trưng, có nhắc chi tiết hai bà là chị em sinh đôi, sinh ngày 1.8.14 (âm lịch), mất 8.3.43. “Ban đầu thành phố nhất trí đề xuất vì đề nghị này xuất phát từ tinh thần yêu nước truyền thống, nhưng sau đó cân nhắc chuyển sang năm 2015”, vì theo ông Long, có ý kiến của một số người có trách nhiệm nói Hai Bà Trưng khởi nghĩa vào năm 40, sang năm là năm chẵn (1.975 năm) kỷ niệm kết hợp cho đỡ tốn kém. Ngoài ra, trên thực tế với các nhân vật lịch sử, chỉ kỷ niệm ngày hóa, ngày mất, không ai kỷ niệm ngày sinh. Về tính xác thực của ngày sinh Hai Bà Trưng, theo ông Long, “đây là con số từ dã sử, truyền thuyết dân gian nên không thể khẳng định tính xác thực được”.

Lưu ý, phát ngôn trên: “Ngoài ra, trên thực tế với các nhân vật lịch sử, chỉ kỷ niệm ngày hóa, ngày mất, không ai kỷ niệm ngày sinh”. Có đúng "không ai kỷ niệm ngày sinh"  không? Chà, không rõ, tại cớ làm sao mà những cơ quan lớn của nhà nước đến nay vẫn không hiểu ra một lẽ rất đơn giản mà GS Lưu Trần Tiêu đã khẳng định trên báo TT sáng nay: “Ngày sinh của Hai Bà Trưng được nêu ra như một huyền thoại, là những người thẩm định hồ sơ, chúng tôi tôn trọng huyền thoại. Tuy nhiên, không nên nhầm lẫn nó là lịch sử. Không nên để lịch sử và huyền sử lẫn lộn, làm cho tính khoa học của lịch sử bị mai một”.

Về lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng, lâu nay đã diễn ra bình thường. Lễ kỷ niệm hằng năm là kỷ niệm giá trị cốt lõi tinh thần quật khởi của một dân tộc đã khởi nghĩa chống xâm lược đầu tiên do phụ nữ lãnh đạo. Cốt lõi ấy quan trọng nhất, chứ không phải mày mò đi tìm ngày sinh tháng đẻ của vĩ nhân. Ngày sinh, nếu biết càng tốt, nếu không, như trường hợp Hai Bà Trưng từ ngàn xưa đến nay vẫn lễ kỷ niệm trang trọng chứ cần gì phải xác định mơ hồ "sinh ngày 1.8.14 (âm lịch)". Thử hỏi, cụ thể ai là người có “sáng kiến” ký văn bản rằng thì là mà Hai Bà Trưng “chị em sinh đôi, sinh ngày 1.8.14 (âm lịch), mất 8.3.43” (!?). Không chuyện gì là không thể xẩy ra. Các nhà văn dẫu có trí tưởng tượng quái đãn nhất cũng chỉ xách dép chạy theo hiện thực. Càng ngày chúng ta càng quên đi tiếng cười rồi chăng? Nếu không, tại sao không có một nhà văn tầm cỡ như Azit Nêxin đồng hành? Nguyễn Công Hoan là Azit Nêxin của Việt Nam, tất nhiên chỉ với các truyện ngắn trước năm 1945. Ngày kia ngồi lai rai với N.M.N, anh nói cà rỡn: “Vì sao báo cười hiện nay kén người đọc; hoặc có đọc nhưng vẫn không cười nổi?”. Chưa kịp trả lời, anh nói luôn: “Đọc nguồn tin chính thống, có những thông tin đã khiến cười no rồi, cần gì đến báo cười nữa!”. Nói như Tản Đà, anh vừa dứt lời, y bèn “bược cười”!

Những ngày này, dư luận đồng tình với Văn bản 2662 của Bộ VH-TT-DL “về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam”. Thật ra vấn đề này, vài năm trước báo TT đã lên tiếng phê phán rồi. Nay đi đâu cũng thấy sư tử đá Trung Quốc (Quái, có báo chỉ dám nói mé mé “sư tử lạ”, “sư tử ngoại lai”. Sao không gọi đúng tên?). Mấy con sư tử đá đó gương mặt dữ dằn lắm. Cứ như muốn ăn tươi nuốt sống người ta. Theo các nhà nghiên cứu, tính bản địa của tâm hồn dân tộc Việt là con nghê. Tất nhiên còn có cả chó, ngựa, sư tử, cọp… nhưng hoàn toàn khác với nét chạm trổ, điêu khắc của người phương Bắc. Từ sự lên tiếng này, anh bạn Nguyễn Minh Nhựt - giám đốc NXB Trẻ phát biểu nghe được quá: “Sau khi đọc Báo Thanh Niên, tôi nghĩ đến việc cần phải góp phần nhỏ bé trong cuộc đấu tranh chống “xâm lăng văn hóa”. Mình phê bình là đúng rồi nhưng phải góp mỗi người một tay, tham gia xây dựng. NXB Trẻ hy vọng được cùng các tác giả, họa sĩ làm một bộ sách tạm gọi là “linh vật Việt - truyền thuyết và ý nghĩa”. Nếu duyên phận đầy đủ thì Tết có thể ra và phục vụ cho độc giả”.  Đúng quá, các vị tiến sĩ, các nhà nghiên cứu nghĩ gì với lời đề nghị chính đáng này?

Lại thêm một ý kiến của doanh nhân Vũ Linh Phương cũng đáng chú ý: “Một lần nữa, phải cám ơn giàn khoan Hải Dương-981 đã thức tỉnh lòng tự trọng và tinh thần yêu nước của người Việt. Giàn khoan xâm lược đã nói hộ bản chất thật của người bạn láng giềng. Nhờ giàn khoan, bạn xem đài không chết ngộp vì “mở tivi là thấy phim Tàu”. Nhờ giàn khoan, người Việt giật mình nhận ra “sự xâm lấn toàn diện và liên tục nhiều năm qua” của người láng giềng khổng lồ. Họ kiên trì, tinh vi, khôn khéo và cả trắng trợn, bất chấp thủ đoạn. Từ lũng đoạn kinh tế, thao túng thị trường, phá hoại sức khỏe, xâm lăng văn hóa và xâm lược biển đảo. Lúc âm thầm dỗ dành, khi công khai đe nẹt. Nhất nhất mọi lĩnh vực trong cuộc sống của người Việt đều có “dấu ấn Tàu” (Xăm lăng văn hóa - TNO ngày 20.8.2014). Vâng, "dấu ấn Tàu" thể hiện qua vật chất cụ thể thì đã rõ. Chỉ sợ trong tâm thức, nhận thức, suy nghĩ thầm kín vẫn tồn tại "dấu ấn Tàu" thì có cách gì gột rửa?

 

nghe-doi-Le-R

Đôi nghê gốm thời Lê - Mạc, nguyên gốc có bệ đốt trầm bên dưới - Ảnh: Bùi Hoài Mai


Chiều rồi. Tình cờ vào mạng gặp lại người quen: Vương Trí Nhàn. Hôm kỷ niệm 30 năm báo TTC có hỏi anh Lại Nguyên Ân: “Ông Nhàn dạo này thế nào”. Anh lắc đầu bảo, không biết nữa, lâu rồi chẳng gặp mà cũng chẵng thấy xuất hiện nơi đám đông. Thì ra thế. Vào trang cá nhân của anh xem vậy. Sau đây là những dòng Nhật ký xã hội của anh viết viết từ năm 2005 đến 2008. Chọn ngẫu hứng:

“Ngày 21-2.2005: Trước 1975, ở cơ quan tạp chí Văn nghệ quân đội chúng tôi, Nguyễn Minh Châu nổi tiếng là … hay sổ ra những câu ngược đời. Chẳng hạn trong khi ai cũng nói là mùa xuân đẹp mùa xuân mơn mởn sức sống, thì có lần ông cho mọi người thất vọng bằng một câu xanh rờn:- Chính ra ở mình, mùa xuân lại là mùa bẩn nhất. Đấy các ông các bà thử nhìn xem đường xá lầy lội có kinh không? Làng nào còn ít bụi tre, thì xuân này lá tre rụng đầy đường, mà chính các thân tre lại xơ xác trông chán chết đi được!

Lúc nghe, vì quá sốc nên thường chúng tôi không nói gì. Chỉ khổ một nỗi về sau nghĩ kỹ lại, thấy đúng. Đôi khi ngại xuân thật ! Mưa phùn gió bấc, hơi một tí thì lạnh, hơi một tí lại nóng. Vừa trở gió, cửa nhà đã nhoe nhoét vì nồm. Muỗi ở đâu ra mà dầy như trấu. Nỗi sợ viêm họng với sợ sưng phổi làm người ta quên cả ngắm cảnh đẹp. May lắm thì chúng tôi chỉ còn tự an ủi, thực ra mùa xuân quá nhiều vẻ. Nó mang trong mình quá nhiều tiềm năng. Cũng giống như việc đời, nó đỏng đảnh, nó bất trắc. Tức là luôn luôn có thể thế này và có thể thế khác, đẹp đấy mà cũng nhếch nhác ngay đấy.

29-3.2005: Cảm tưởng của một Việt Kiều là bà Thái Kim Lan vốn người Huế sống lâu nay ở Đức ( TT&VH 29-3):“Mỗi khi bước chân ra đường, nhìn thấy thanh niên đông chật trong các quán cà phê ở khắp ba miền, ngay cả Huế nữa, tôi rất buồn. Hình như họ không có đủ tri thức để kiểm soát hành vi sống của mình, họ biến mình thành người nhàn rỗi ( VTN gạch dưới ). Đây là một vấn đề lớn của xã hội mà nguyên do là do chúng ta chưa tạo ra được một nền tảng xã hội thích ứng cho việc giáo dục con người một cách toàn diện.” 

Quả có thế thật. Nhiều người chúng ta đang sống lờ đờ qua ngày, thế nào cũng xong. Không ai đọc sách, rỗi chỉ tán chuyện. Cơ quan hành chính mà 9 giờ còn có người chưa bắt đầu làm việc, nhưng độ 11 giờ đã chuẩn bị cơm nước buổi trưa rồi, cần tiếp ai họ khó chịu ra mặt.

Báo chí đang nói đến chuyện dùng xe công đi lễ chùa và chỉ nhấn mạnh tới khía cạnh dùng xe công ; nhưng tôi tưởng còn phải lưu ý: một số làm việc đó ngay trong giờ công. Nghĩa là họ bỏ bê bao việc.

“20-8.2005: Không kể sản xuất chắc chắn có khó khăn mà đời sống mỗi người dân thường cũng bị ảnh hưởng. Thịt ở các chợ Hà Nội tăng trung bình khoảng 5.000đ một kg. Gửi xe nhiều chỗ đã lên 2.000 đ. Trước sau cái gì cũng lên hết ! Thế nhưng khi tôi tỏ ý lo ngại không biết mai đây ra sao thì một người bạn thuộc dân giáo viên cấp hai đã cho mấy câu ráo hoảnh: -Dào ôi, có mà lo bò trắng răng ! Người ta tăng giá thì mình cũng tăng giá lại. Bà bán phở tăng giá bát phở thì vợ tôi bán thuốc tăng giá thuốc, còn tôi phải quát học phí con các ông các bà cao hơn. Rồi chắc chắn giá mua bằng rởm lớn hơn, tiền chồng cho mỗi vụ chạy quyền chạy chức nhiều hơn. Rồi từ người tham nhũng đến thằng ăn cắp sẽ bớt phân vân khi hành sự. Rồi còn là tiếp tục chặt phá rừng với lại lấn chiếm đất công để kiếm chác. Chả ai chết cả, còn như đất nước có xơ xác hơn, thì đã có cách … cùng nhắm mắt lại, coi như không có, thế là xong chứ gì !
ùn tắc nơi nơi
ùn tắc hàng ngày”

9-1.2006: Bên cạnh sọt rác, các gia đình Hà Nội trước đây thường có thêm thùng nước gạo để chứa các loại thức ăn thừa. Sẽ có người đến đấy lấy để về nuôi lợn. Bù lại, người ta nộp cho chủ nhà mỗi tháng vài cái chổi. Bây giờ thức ăn thừa nhiều hơn, nhưng ở nhiều gia đình, một chỗ để cái túi ny lông rác đã khó, nói chi thùng nước gạo. Nếu không phải tống xuống cống thì cũng vứt vào rác hết. Có lẽ các bạn trẻ nhìn đây là chuyện bình thường, nhưng với lớp già chúng tôi, nhìn cơm thừa canh cặn lẫn với rác cứ thấy ghê ghê. Lại nhớ cái câu các cụ hồi trước vẫn dạy, một hột cơm rơi cũng phải nhạt vào một chỗ, người không ăn thì con gà con lợn nó ăn, vứt đi phải tội. Ngày nay chẳng ai còn nghĩ thế nữa.

10-1.2006: "Nguyễn Công Hoan có một truyện ngắn mang tên Giá ai cho cháu một hào. Một đứa nhỏ đi ăn cắp bị giải về quê. Nó than thở mỗi lần như thế này, nhà nước tốn về nó có đến bảy tám đồng bạc trong khi đó giá có ai cho nó một hào làm vốn, nó có đôi thùng đi gánh nước thuê, thì cũng chẳng đi ăn cắp làm gì. Đại ý thiên truyện: do tiếc những món nhỏ, người ta lãng phí những món rất to mà không hay biết.
Có nhiều hiện tượng có thể làm chứng cho nhận xét trên đây của Nguyễn Công Hoan. Một trong nhiều loại quà tặng mà những người làm nghề như tôi hay nhận được là những cái cặp đựng tài liệu. Mỗi ngày cặp lại được cải tiến cho đẹp hơn. Chỉ tội một nỗi nhiều khi cặp còn đẹp mà khoá đã hỏng. Phải vứt cả cái cặp đi luôn vì bây giờ loại thợ nhận chữa cặp khoá không có và nếu có thì họ cũng chỉ làm quấy làm quá để mình …vứt đi sớm.

21-7.2006: Qua đài và báo,thỉnh thoảng lại thấy nói có huyện lỵ nọ mới chuyển thành thị xã, và thị xã nọ vừa trở thành thành phố. Nhưng cứ nhìn Hà Nội thì biết, thành phố của chúng ta là nơi dân nông thôn đổ lên bán hàng rong và kiếm việc, còn dân đô thị lâu năm sắn sàng bắc bếp than để đun nấu ngoài vỉa hè, và nhiều con đường ở các quận mới thì cả cái vỉa hè theo đúng nghĩa của nó cũng không có nốt.Tức là song song với quá trình đô thị hóa nổi lên thì còn có một quá trình nữa đang âm thầm diễn ra ở dưới bề sâu, đó là quá trình nông thôn hóa các đô thị cũ. Chẳng ai được lợi trong chuyện này cả, đúng ra là chẳng ai muốn song sức đâu mà cưỡng lại được !

22-7.2006: Trong khi đô thị khổ vì sự xâm nhập vô lối của nông thôn thì người dân nông thôn lại đau khổ vì xu thế ngược lại. Trên tạp chí Tia sáng số ra đầu tháng 6-06, tôi đọc được bài viết kể rằng ở Trung quốc hiện nay, người ta nhận ra có cả một xu thế đổ ra thành phố rất đáng sợ. Người giàu đổ về thành phố để buôn bán. Người có tri thức đổ về thành phố để khai thác cho hết tài năng và sống kịp trào lưu thế giới. Nói chung là người khôn ngoan đổ hết về thành phố vì ở đó họ thoát khỏi cuộc sống nghèo khó trước kia. Cho đến đàn bà con gái xinh đẹp giỏi giang cũng đổ hết ra thành phố vì chỉ ở đó họ mới vùng vẫy hết tiềm lực sẵn có. Giống như một thứ bã, nông thôn sẽ chỉ còn những gì cổ lỗ, ù ì, kém năng động và thiếu khả năng thích ứng. Bài viết có cái tên mang tính cách một dự đoán: Nông thôn Trung quốc sẽ ngày càng buồn bã hơn. Tôi đọc mà thấy cám cảnh cho nông thôn Việt Nam ! Chạy đâu cho thoát?!

Có phải nhớ lắm khổ nhiều?

“15.9.2008:Theo nhà văn hóa Phan Ngọc, khi tìm hiểu thư mục di sản văn hóa Hán Nôm Việt Nam thì trong số 6000 quyển sách tạm gọi là tiêu biểu cho tâm thức của trí thức Việt Nam trước khi tiếp xúc với văn hóa Pháp có quá nửa là sách học để đi thi, các bài mẫu, các sách giảng về các kinh truyện, các bài thơ phú viết theo lối văn chương hàn lâm. Không có cách nào chối cãi đây là một nền học vấn để làm quan!
Phần còn lại theo những thư mục như sau: Chính trị 99 quyển nói về bang giao, quan chức; Địa lý 267 quyển nói về bản đồ, địa lý toàn quốc, địa lý địa phương; Kinh tế gồm 90 quyển nói về nông nghiệp, thủ công nghiệp; Lịch sử 964 quyển gồm các quyển sư, các sử liệu, các gia phả; Binh thư có 23 quyển; Tôn giáo, tư tưởng có 898 quyển; sách y dược có 395 quyển.

Và như vậy không có một quyển nào nói về thương nghiệp, về kỹ thuật chế tạo công cụ sản xuất hay máy móc, tàu bè… Đây là cách nhìn quan lại, không phải cách nhìn của người sản xuất.

Tuy nói là trọng nông, nhưng trong 70 quyển thuộc loại nông nghiệp có 9 quyển nói về địa bạ, 4 quyển về cách kê khai ruộng đất, 5 quyển về đê điều, 18 quyển về việc đóng thuế, còn lại là nói về các thổ sản. Toàn bộ kinh nghiệm nông nghiệp của một nước cực kỳ phong phú về mặt này đã không được nhắc đến.

Trong sách về thủ công nghiệp chỉ thấy nói về tiểu sử các ông thành hoàng các nghề, có sự liên kết các nghề ở từng địa phương nhưng không có một chỉ dẫn nào về kỹ thuật trong khi người thợ thủ công Việt Nam nổi tiếng với bàn tay vàng khéo léo. Không có sách dạy nấu ăn tuy các cụ rất thích ăn ngon và cũng chỉ có vài quyển nói về tạc tượng Phật (Theo Phan Ngọc - Bản sắc văn hoá Việt Nam -  NXB Văn học, Hà Nội 2006).

Suy nghĩ của anh Vương Trí Nhàn về những vấn đề trên, nay đã thay đổi rồi chăng? Trời đã chiều. Tiếng chuông bên chùa vọng sang. Nghe buồn buồn.


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment