LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 24.8.2014

 

trao-doi--cung-MC-VTC

 

trao-doi-cung-MC-VTC-1

Những cảnh quay cùng MC Kim Hạnh của Đài TH kỹ thuật số VTC sáng 24.8.2014 tại Khu du lịch Bình Quới 1

 

Đã lâu lắm, mới có được ngày chủ nhật thư thả. Không bận rộn. Không phải cắm cúi gõ từng con chữ. Y xuống Khu du lịch Bình Quới 1. Trời mát. Nhộn nhịp. Một thiên nhiên thoáng mát. Cộng tác với đạo diễn Bích Hạnh của Đài truyền hình kỹ thuật số VTC về chương trình món ăn Nam bộ. Y trao đổi với MC Kim Hạnh nghe cũng được đấy chứ? Hầu hết là những gì đã đọc từ trong sách. Đêm kia, người bạn quê Bình Dương còn cho biết thêm, nếu ở miền tây Nam bộ nướng cá lóc bằng rơm thì ở miền Đông Nam bộ lại nướng bằng lá măng cụt, bởi loại lá này giữ nhiệt lâu. Chi tiết này, chưa thấy sách nào viết. Người bạn quả quyết, món này, đã ăn mòn răng từ thời thơ ấu nên hãy tin. Do đó, khi nói về món cá lóc nướng trui, y kể vanh vách ra cách nướng từ thuở khẩn hoang đến thời hiện đại. Rồi khi nướng cá, người ta xiên một thanh tre từ họng cá xuống đuôi và nướng. Tóm lại, do đọc nhiều tài liệu nên y có thể nói chuyện ngon ơ. Đọc cả thơ của Viễn Phương:

Bông súng mùa này đã ra bông

Canh chua điên điển, cá rô đồng

Mắm kho cá lóc, nồi cơm mới

Lửa bập bùng sôi, nhớ cháy lòng

Tình yêu quê hương của mỗi người, luôn gợi nhớ từ món ăn mẹ nấu từ thời thơ ấu. Đại khái, y nói thế. Thời thiếu niên, nhà thơ Đông Hồ có viết câu đối: “Thư thất thăng đối vạn hộ hầu” (Nhà sách đủ giàu, hơn đứt tước hầu vạn hộ). Nghe ra bảnh quá. Về già, ông ngẫm lại rằng câu đó: “có ý hơi xược xược, tầm thường của con nhà đọc sách” (Tân văn số Xuân Kỷ Dậu, tr.91). Đúng vậy. Từ sách đến thực tế luôn là một khoảng cách. Lại nghĩ rằng, dẫu có đọc nhão nhừ cả quyển từ điển, chưa chắc đã thấu hiểu sự việc bằng cách tự trải nghiệm. Nói tắt một lời, một kinh nghiệm thực tế, một vốn sống thu thập được trên đường đời đôi khi ích lợi hơn đọc thiên kinh vạn quyển. Cái món cá lóc ấy, sau khi nướng, còn ngon hơn nữa bởi dân Nam bộ ăn kèm các loại rau sống, mà đặc biệt trong đó có các loại đọt non như đọt sộp, đọt chiếc, đọt vừng, đọt chùm ruột, đọt xoài, đọt cóc kèn… Biết thế, nói thế nhưng y đã bao giờ được ăn các loại đột non ấy? Nhất là được ngồi ăn món cá lóc nướng trui giữa ruộng đồng trù phú, gợi cảm gợi tình ở đồng bằng sông Cửu Long, ở “miệt vườn”? 

Sau khi đã nói về món ngon cá lóc nướng trui là thao tác thực tế. Đạo cụ trước mặt y đã có con cá lóc mà thanh tre vạt nhọn hai đầu xiên từ miệng cá xuống đuôi. Nếu chỉ vạt nhọn một đầu thì dễ quá, cứ thể cắm thẳng xuống đất, phủ rơm và nướng là xong. Đàng này, cả hai đầu đều nhọn cả, cứ như đang thử trí thông minh của y. Chẳng ngần ngừ. Chẳng ngần ngại, y lại cắm vạt nhọn thanh tre từ đuôi cá! Thao tác ấy trật lấc. Càng nướng càng thấy rằng lẽ ra phải quay ngược lại, cắm đầu cá chúc xuống đất mới hợp lý hơn. Cái chuyện dễ ẹt ấy, đứa trẻ nào lên năm ở nông thôn lại không biết?  Đấy, đọc sách cho lắm vào. Với nhà văn, lời dặn dò: “Sống rồi hãy viết”, chẳng đời nào thừa cả.

Đọc hàng trăm cuốn sách, thậm chí còn viết cả hàng trăm bài báo tư vấn hôn nhân, tình yêu cho thiên hạ nhưng đến chuyện của mình lại ngắc ngứ. Cứ như gà mắc dây thun. Chiều qua, trả lời phỏng vấn của đồng nghiệp Diễm Chi về quan niệm tình yêu. Lâu lắm rồi, mới có dịp ngồi trò chuyện với nhau và tận mắt chứng kiến bạn mình vẫn còn giữ được phong cách của một nhà báo chuyên nghiệp. Nghĩa là, cô nghiên cứu kỹ về nhân vật, chuẩn bị trước các câu hỏi, rồi trong quá trình trò chuyện lại bổ sung thêm câu hỏi khác. Nhờ vậy sẽ có một bài báo hay, nhiều thông tin lý thú, sống động mà bạn đọc cần biết. Các nhà báo trẻ, bây giờ khác hẳn, họ phỏng vấn nhưng lại không tìm hiểu nhân vật, vì thế người nghe hỏi dễ chán! Đã thế, còn có lúc nghe một đàng nhưng họ ghi một nẻo. Nhiều người cẩn thận bảo, cứ email câu hỏi, sẽ trả lời bởi sợ các nhà báo trẻ ghi sai ý phát biểu của họ.

Những ngày này, nhiều người nổi tiếng qua đời như nhà văn Anh Đức, nhạc sĩ Xuân Giao và bà Võ Thị Thắng - người nổi tiếng với nụ cười tự tin sau khi nghe tuyên án tại tòa án Sài Gòn năm 1968. Thông thường những lúc tang ma, các nhà báo hoặc nhanh chóng viết bài, hoặc đặt người khác viết tin bài chia buồn. Tất nhiên, người được đặt bài phải hiểu, thân tình với người quá cố. Đêm qua, anh bạn nhà thơ cũng là nhà báo kể lại câu chuyện, nghe xong nhói lòng. Ở đây, cho phép y giấu biệt thời gian diễn ra, tên tuổi cụ thể. Rằng, anh đã gọi điện thoại đặt bài đến 8 người từng quen biết, cùng thế hệ với người đã khuất. Thế nhưng cả thẩy đều từ chối phắt. Gặng hỏi mãi, họ úp mở đại ý, thời còn sống người đã khuất ấy từng sát phạt đồng nghiệp dữ quá. Do đó, bây giờ không việc gì họ phải khóc - dẫu rằng khóc bằng một bài viết có nhuận bút hẳn hòi! “Nghĩa tử, nghĩa tận” đâu rồi? Từ câu chuyện có thật này, y nghĩ khi còn sống hãy sống thế nào để lúc mất đi được các bằng hữu, người dưng nước lã khóc cho một tiếng là điều đáng suy ngẫm.

Đã chiều. Trời đã chiều. Ngòai trời đang mưa. Ghi lại một chi tiết nhỏ. Cũng thú vị.

Như đã biết, phong trào Nghĩa hội ở Quảng Nam do Tiến sĩ Nguyễn Duy Hiệu lãnh đạo, ông bị triều đình Huế xử chém vào ngày 1.10.1887; phong trào Cần Vương do ông vua kháng chiến Hàm Nghi khởi xướng tổn thất nặng nề khi ông bị bắt vào đêm 30.10.1888 rồi bị đày ở Algérie. Tình hình chính trị ở Trung kỳ lúc ấy tương đối ít nhiều “lập lại trật tự”. Triều đình Huế lại mở khoa thi. Chuyện này, bình thường thôi. Có đáng nhắc lại không?

Thì đây: “Khoa thi hương Mậu Tí, Đồng Khánh năm thứ ba, hai trường Thừa Thiên, Bình Định thi chung tại trường Thừa, gọi là “Thừa Bình hiệp thí” lấy đỗ đến 50 cử nhân, 150 tú tài, làm cho sĩ phu rất là mãn nguyện, dư luận rất là thỏa thiếp. Họ đua nhau ca tụng ông vua mới vẽ mày vẽ mặt cho họ mà quên bẵng ông vua cũ vừa bị đày đi. Họ cũng không còn nhớ mới vừa rồi cơn quốc biến mà vì đó họ đã khởi nghĩa cần vương. Tôi nói thế, bởi tôi thấy trong đám họ có người năm trước ra đầu thú rồi năm sau thi đậu” (1). Qua mẩu hồi ký của nhà văn hóa Phan Khôi, thấy rằng, làm chính trị như “con rồng tre” Đồng Khánh là siêu quá, phải không? Chỉ cần hào phóng ban cho một chút tẹo danh phận là có thể “thu phục nhân tâm” được tầng lớp trí thức cứng đầu, đại diện cho lớp người “có học” trong xã hội. Chỉ ban bố một chú xíu lợi lộc là họ có thể nhanh chóng  “trở cờ”, thay lưỡi “đổi giọng” ngay đấy thôi.

Hạng “kẻ sĩ” ấy, thời nào cũng có chăng?

 

L.M.Q

(1) Lại Nguyên An - Phan Khôi tác phẩm đăng báo 1937, NXB Trí Thức -  2014 - tr.173).

Chia sẻ liên kết này...

Add comment