Có một bí mật, chưa hề tiết lộ với ai: Y rất thông minh.
Dù chưa ai thừa nhận, nhưng y thừa biết đó là điều chắc chắn.
Xin kể mẩu chuyện nhỏ chứng minh: Lâu nay, thỉnh thoảng các nhãn hiệu mỹ phẩm có tặng báo PN một ít sản phẩm. Công đoàn cơ quan chia đều cho anh em. Ai cũng như ai. Thường mỗi lần nhận, y đem về nhà và giao cho mẹ y sử lý. Chẳng hề quan tâm đến. Gần đây, mỗi lần đi hớt tóc, các cô thợ lành nghề đều bảo rằng tóc y cứng còn hơn rễ tre và khuyên nên sử dụng dầu gội đầu. Đừng xài xà bông cục nữa. Vâng theo lệnh, thế là y về nhà tìm lại các sản phẩm đó. May quá còn đúng một bình dầu gội đầu. Mẫu mã đẹp. Sắc màu bắt mắt. Bao bì vừa in tiếng Việt, vừa in tiếng Anh. Với tất cả sự hân hoan, vui vẻ, hào hứng cả tháng qua y đã sử dụng. Y có cảm giác tóc mềm mại hơn da con gái, mượt mà hơn lông mèo. Sáng nay, dầu gội đầu đó đã hết sạch. Phải mua thêm, cũng loại này. Thế là y đem cái bình ra khỏi phòng tắm. Săm soi đọc và ghi lại nhãn hiệu đặng mua cho đúng.
Đột nhiên, y choáng. Một dòng chữ đập vào hai con mắt dòng chữ như sau (nguyên văn): “Nước xả làm mềm vải đậm đặc”. “Concentrate Fabric conditioner”.
Sáng nay lên cơ quan, kể lại chuyện này, các đồng nghiệp nữ cười ngả nghiêng: “Anh thông minh ghê. Bịa chuyện (!?) cũng có duyên ra phết!”.
Chợt nghĩ, bây giờ và sau này dù nhân loại có nghiên cứu bất kỳ công trình khoa học nào, cũng có lúc kết thúc bởi đã khám phá ra bí mật của nó. Duy có thứ mà ngàn đời sau vẫn còn tiếp tục nghiên cứu, cải tiến, bổ sung các tính năng v.v… đó chính là các sản phẩm làm đẹp. Nam thanh nữ tú, già trẻ lớn bé cũng đều cần xài đến. Không chỉ cần mỹ phẩm làm đẹp làn da, họ cũng cần những vết xâm chằng chịt lên da nữa. Nói như thế bởi sáng nay đi làm, bỗng dưng gặp một đám thanh niên trông đầu gấu. Rú ga ầm ầm như giữa chốn đồng không mông quạnh. Chúng xăn tay áo, trời, toàn là những vết xâm trông nhức cả mắt. Thời trước năm 1975, chỉ có thể là dân ba búa. Nay lại khác. Ai cũng có thể xâm, chỉ khác ít hoặc nhiều, hở hang hoặc kín đáo.
Đọc sử, biết rằng người Việt cổ thời Hùng Vương dựng nước đã có tục xâm mình. Do cư dân làm nghề chài lưới, thường hay bị những giống thuồng luồng, thủy quái đe dọa nên Vua Hùng đã dạy dân lấy chàm xâm vẽ lên người để đánh lừa chúng. Từ đời này sang đời nọ cứ thế. Chắc chắn những vết xâm đó đã trở thành gu thẩm mỹ chung. Người ta lấy đó làm đẹp. Đến đời nhà Trần, Đại Việt sử ký toàn ghi: “Lại hồi quốc sơ, quân sĩ đều xăm hình rồng ở bụng, ở lưng và hai bắp đùi, gọi là "thái long" (rồng hoa).Vì khách buôn người Tống thấy dân Việt ta xăm hình rồng, lỡ gặp gió bão thuyền đắm, thuồng luồng không dám phạm tới, cho nên gọi là "thái long".
Thế nhưng tục này bỏ từ thời nào?
Câu hỏi này, đọc sách giáo khoa dạy sử cho học trò chẳng hề thấy nói đến, chỉ rặt các con số cụ thể, các trận đánh chi tiết từng ngày, giờ, tháng, năm nào rất đỗi khô khan. Thiếu hẳn các chi tiết đời thường. Vậy xin trả lời luôn, tháng 8.1229, thượng hoàng Trần Nhân Tông từ núi Yên tử - nơi ngài đang tu thiền về cung Trùng Quang và cho gọi vua Trần Anh Tông đến chầu, ngài dạy: “Nhà ta vốn là người hạ lưu (thủy tổ người Hiền Khánh), đời đời chuộng dũng cảm, thường xăm hình rồng vào đùi. Nếp nhà theo nghề võ, nên xăm rồng vào đùi để tỏ là không quên gốc". “Bấy giờ thợ xăm đã đợi mệnh ở ngoài cửa cung. Vua rình lúc Thượng hoàng quay nhìn chỗ khác, về ngay cung Trùng Hoa. Một lúc lâu, Thượng hoàng hỏi Quan gia đâu rồi, các quan tả hữu thưa là đã về cung Trùng Hoa”. Kẻ khác có hành động ấy chắc đầu lìa khỏi cổ, nhưng quan hệ cha con lại khác. Từ đó, người Việt không xăm nữa là bắt đầu từ hành dộng của vua Trần Anh Tông.
Đọc sử có cái thú là mỗi ngày biết thêm một chi tiết, dù nhỏ nhưng thú vị quá.
Công việc mỗi ngày cũng thế.
Dần dà, đã mất dần thói quen cầm tờ báo để đọc. Trước kia, cả hàng chục tờ báo mỗi ngày, vào cơ quan là đọc ngấu nghiến, nay lại thờ ơ. Bởi đã lướt các thông tin trên mạng từ sáng sớm rồi. Có ngày vào phòng làm việc vẫn thấy từng xấp báo từ mấy ngày qua vẫn “nguyên đai nguyên kiện”. Rỏ ràng, báo điện tử đang “giết dần” báo giấy. Bao giờ báo giấy sẽ kết thúc sứ mệnh? Rồi sách in nữa, có chung số phận không?
Sáng nay, lướt web đọc được thông tin thú vị trên tờ Kinh tế Sài Gòn đã trả lời câu hỏi đó. Bài báo giật tít: “Cuộc chuyển giao đau đớn của ngành xuất bản”. Trong đó, có đoạn: “Việc Amazon tung ra dịch vụ thuê bao đọc sách “Kindle không giới hạn” tuần qua tại Mỹ, đã đẩy cuộc chuyển giao từ xuất bản sách giấy sang kỷ nguyên xuất bản và phát hành sách điện tử vào giai đoạn nhanh nhất, đau đớn nhất... Sách điện tử không còn là chuyện mới lạ. Thế nhưng nếu trước đây Amazon chỉ bán từng bản sách điện tử, thì nay với “Kindle không giới hạn”, phương thức kinh doanh là thuê bao trọn gói (như kiểu gói truy cập xem phim của Netflix): khách hàng đóng phí khoảng 10 đô la mỗi tháng có thể tiếp cận kho sách 600.000 cuốn của Amazon bao gồm cả sách nói”.
Khiếp quá! “Thôi rồi Lượm ơi!”. Cũng theo bài báo này: “Dường như cuộc chuyển giao từ sách giấy sang kỷ nguyên sách điện tử, như Bill Gates đã tiên đoán những năm cuối thế kỷ 20, đã đến hồi quyết định”. Sự việc đã đến nước này rồi ư? Hôm kia, gọi điện thoại cho anh Phan Kim Thịnh, chủ bút tạp chí Văn Học tại miền Nam trước 1975. Để làm gì? Vì y đang xúng xính ít tiền, muốn thương lượng mua lại của anh bộ Văn Học. Mua giữ lại, chứ anh bán dần đi mỗi số thì ít ai có thể lưu trữ đủ bộ. Uổng lắm. Nghe xong, anh cười khà khà: “Đã bán lâu rồi Q ơi. Mấy năm trước, chị Khanh (vợ anh) ốm nặng nên anh bán sạch rồi”. Tự dưng nghe buốt óc tiếng hát não nùng: “Thôi rồi còn chi đâu em ơi, Có còn lại chăng dư âm thôi”. Vậy là xong. Hỏi, anh bán rồi có thấy tiếc không? Anh lại cười: “Tiếc gì, bây giờ trên mạng đầy thông tin, tìm cái gì chả có? Q giữ lại sách báo cũ làm gì cho chật nhà?”. Nghe mà cáu. Cáu thì cáu nhưng anh Thịnh nói không phải là không có lý. Bằng chứng khi cần tra cứu thông tin nào phải tìm lại quyển sách cũ, phủi bụi, lật khẽ từng trang, mất thời gian, thậm chí chẳng thể nhớ quyển sách đang nằm chỗ nào trong kho sách bề bộn. Mất thời gian lắm. Nay chỉ cần vào “gú gồ” là xong!
Nói thì nói thế, nhưng sách in đã đến thời cáo chung chưa? Chưa. Quyết là chưa. Các công cụ điện tử ngày một tân kỳ, tốc độ truy cập nhanh hơn một chớp mắt, độ phủ sóng các thiết bị di động đến tận chân tơ kẽ tóc v.v.. đã ra đời. Nhưng chỉ có thể đã là một cú đánh mạnh vào hệ thống báo giấy toàn cầu. Còn sách lại khác. Tại sao? Sẽ trở lại đề tài này vào dịp khác.
Chiều rồi. Mưa tầm tả. Không ra khỏi nhà. Mở nhạc nghe chơi. Ngẫu nhiên lại đúng bài Cô Thắm về làng của ông bạn nhạc sĩ Giao Tiên. Ối dào, lâu rồi chưa gặp lại. Chưa gặp Giao Tiên hay cô Thắm? Cả hai.
Lê Minh Quốc và nhạc sĩ Giao Tiên - tác giả ca khúc nổi tiếng Cô Thắm về làng
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|