LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 10.8.2014


Cảm giác vẫn không khác gì mấy.

30 năm trước. Thời còn sinh viên. Những dịp nghỉ hè, tết về quê thì bao giờ cũng vậy. Lúc quay vào, phải mất một thời gian dài mới có thể làm quen với nhịp sống Sài Gòn. Làm quen với sự nhộn nhịp, công việc tất bật mỗi ngày. Phải đi lại từng bước đầu tiên rồi mới có thể rướn người chạy marathon theo thời gian. Về Đà Nẵng là nghỉ ngơi, tiếp nhận năng lượng sống cho những ngày sắp tới. Nhịp sống chậm rãi. Đường phố vắng. Sống lại ngày tháng hoa niên.

Vừa đến sân bay Đà Nẵng, anh Lê Nguyên Vỹ ra đón. Anh là người trước nhất “sáng chế” ra cách in hình trên đá, trên lá rất kỳ công mà Kỷ lục Việt Nam công nhận vào năm 2007. Anh rủ đi chơi. Đi thì đi. Y cùng anh Vỹ và anh bạn thơ Phạm Chu Sa phóng xe lên núi Sơn Trà. Con đường lên núi dài, rộng thênh thang luôn tạo ra sự hưng phấn. Một quán ăn lưng chừng núi. Một con gà luộc thật ngon. Một ít rượu thật nồng. Một không gian riêng biệt. Một khí trời thoáng đãng. Nghe tiếng sóng vỗ. Bạn bè đàn hát. Những câu chuyện đầu cua tai nheo. Không đầu không cuối. Trưa, leo lên võng. Ngủ một giấc. Trong giấc ngủ vẫn nghe loáng thoáng tiếng gà tục tác. Trưa bình yên. Tưởng như xa rời cõi người.

14 giờ chiều xuống núi.

Đi họp. 30 năm thành lập nhà xuất bản Đà Nẵng. Gặp lại nhiều bạn bè. Chúc mừng bạn thơ Nguyễn Kim Huy vừa lên chức phó giám đốc. Anh cười: “Chưa mừng được anh ơi. Tình hình xuất bản còn khó khăn quá”. Trời nóng bức. Không thể ngồi họp chung với mọi người. Chui vào phòng máy lạnh đọc sách. Những phát biểu, những lễ nghi diễn ra thế nào cũng chẳng rõ nữa. Chiều, trời dịu hơn. Bao giờ cũng thế. Họp xong là liên hoan. Thịt bò Cầu Mống trứ danh của xứ Quảng được thui tại chỗ. Bia như sông suối. Lại chuyện trò hỏi han nhau. Cuối cùng vẫn là: “Đang viết gì?”Sắp tới in gì?”. Những gương mặt thoáng qua. Những gương mặt đọng lại. Chẳng lẽ, ngồi mãi này? Dù đang vui, dù hàn huyên tâm sự còn dài. Nhưng đã sắp tối. Lập tức, đứng dậy. Quay về nhà và rủ vài bạn học cũ đi lai rai. Nghĩa và Sanh. Ngồi lề đường. Đèn đường đã lên. Ngắm nhìn thời gian. Bia lại rót. Uống chậm rãi. Nhớ lại những câu thơ đã viết từ mươi năm trước. Nhớ nhớ quên quên. Đã in trong tập Yêu em, Đà Nẵng:

ngọn đèn đường vàng như con mắt tím

hay là em đang nhìn xuống tôi?

mờ mịt và lẻ loi

dẫn tôi đi qua con đường có xe lửa chạy

nghe gió hư không hiện hữu trong đời

nghe tôi làm thơ trên mùa lá rụng

nghe ve kêu náo nức những mùa thi

nghe đến tận cùng con đường sẽ đến

là quay về nơi xuất phát chân đi

Đã hơn mười giờ khuya, kéo nhau về quán Dòng Thời Gian. Hát và nghe hát với nhau. Ở Sài Gòn, trong các quán hát với nhau bao giờ trên bàn của khách cũng có những cánh hoa hồng. Khi nghe ai hát, nếu thích, cứ đem hoa lên tặng, tất nhiên có kèm theo tiền, dù không nhiều. Tiền đó dành cho quán. Anh Thành, chủ quán bảo: “Người Đà Nẵng chưa có thói quen tặng hoa có kèm theo tiền. Và cũng chưa thật sự có nhu cầu bước lên bục hát trước mọi người”. Quán vắng khách. Chỉ vài ba người. Lặng lẽ. Đã khuya. Quán đóng cửa. Anh lại bảo: “Đêm nay thu về cả thẩy 1 triệu rưỡi, vừa đủ trả mọi chi phí. Không phải bỏ tiền túi ra là may rồi”. Kéo nhau đi ăn bún bò Huế. Tô bún sợi nhỏ. Ngồi lề đường. Về nhà vào lúc 12 giờ khuya. Một giấc ngủ nhẹ nhàng của một ngày đã sống trọn vẹn với Đà Nẵng. Thành phố của tuổi thơ. Dù thật sự chỉ sống tròn 18 năm nhưng Đà Nẵng là chốn để quay về. Một chỗ nghỉ ngơi bình yên, an toàn và ấm áp nhất trong đời y. Chắc chắn là thế. Hạnh phúc của con người ta là còn có chốn để quay về. Dù về trong trong phút chốc rồi lại tiếp tục viễn du. Nếu không, điều gì sẽ níu giữ tình cảm của con người với nơi chôn rau cắt rốn? Ngủ một giấc. Vẫn thèm ngủ nhưng vẫn dậy thật sớm. Để sống lại với kỷ niệm của ngày tháng cũ. Ngày cũ ấy, với không gian còn lờ mờ sương. Đường vắng ngắt. Vài người bạn ngồi trầm ngâm bên ly cà phê nóng. Chẳng nói năng gì. Rồi cảm nhận buổi sáng đang bước đến dần. Từ những tia nắng sớm. Từ những giọt đắng đã cạn dưới đáy ly.

Ngày hôm qua, buổi sáng ở Đà Nẵng dài quá.

Cà phê sáng với bạn bè văn nghệ: Nguyễn Minh Hùng, Tần Hoài Dạ Vũ, La Thanh Hiền, Trần Trung Sáng, Hoàng Hương Việt. Nguyễn Minh Hùng tặng tập thơ Thiên di của anh mới in. Anh Hoàng Hương Việt tặng khá nhiều sách do anh chủ biên hoặc biên soạn. Chia tay nhau, lại tiếp tục cà phê ở quán khác với anh Trương Công Báo - giám đốc NXB Đà Nẵng, anh Nguyễn Hữu Cứ - công ty DVVH Hương Trang. Vẫn không hết buổi sáng. Có điều lạ, quán xá ở Đà Nẵng không hề có thẻ giữ xe. Vậy mà vẫn đâu ra đó. Lại về Dòng Thời Gian ngồi tán gẫu với anh Thành. Buổi sáng ở Đà Nẵng dài quá. Trưa về nhà, cơm nước rồi ngủ. Hai giờ chiều thức giấc. Nhận được tập sách Có 500 năm như thế của Hồ Trung Tú do anh gửi tặng. Cùng anh bạn thơ Phạm Chu Sa phóng xe đi rảo khắp nơi. Đi qua cầu mới xây. Qua con đường mới mở. Đi những nơi chưa đến. Đi những nơi chưa qua. Đi và đi. Cứ thế mà đi. Chẳng vội vã gì. Đi và ngắm nhìn. Vừa gần gũi, vừa xa lạ. Rồi chiều ra biển Mỹ Khê. Ngắm sóng vỗ. Nghe sóng reo. Không gian êm ả khiến người ta mở lòng nhau hơn. Anh kể lại những câu chuyện tình. Như một cuốn tiểu thuyết. Nhiều chi tiết thú vị. Anh bảo: “Cuộc tình mỗi giai đoạn trong đời người là một dấu ấn khó phai. Tưởng rằng là thế. Rồi cũng phai bởi ai cũng phải sống với đời sống của hiện tại”. Giây lát sau, anh Lê Nguyên Vỹ tìm đến. Anh trao tặng tấm chân dung của y đã in trên lá. Sóng vẫn vỗ. Gió vẫn mát. Nhưng rồi phải cương quyết đứng dậy. Ra sân bay. Một chuyến bay đêm. Ngồi ngay hàng ghế sau chót. Không trễ giờ đã là may.

Vào lại Sài Gòn lúc nửa khuya. Ngay từ ngoài cửa, vẫn tiếng chó sủa mừng, quấn quýt bên chân; vẫn tiếng mèo thờ ơ kêu meo meo. Bước vào trong nhà, mẹ vẫn chưa ngủ.

Sáng nay, dậy sớm. Ngồi bần thần trước bàn phím. Tự dưng có cảm giác xa lạ với công việc đã quen thuộc mỗi ngày. Vì thế, phải viết đôi dòng Nhật ký như một cách bắt nhịp lại công việc.

 

le-mihquoc-qua-tac-ph-m-c-a-le-nguyen-vy-R

Lê Minh Quốc qua nghệ thuật in ảnh trên lá của nghệ nhân Lê Nguyên Vỹ  (Đà Nẵng) - ảnh chụp tại núi Sơn Trà ngảy 8.8.2014

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment