Đời sống ôi buồn như cỏ khô
Này anh, em cũng tợ sương mù
Khi về tay nhỏ che trời rét
Nghe giá băng mòn hết tuổi thơ
Thơ của Nhã Ca. Đã cỏ khô, vẫn là may. Ít ra lúc ấy con người ta không phải tư duy, nghĩ ngợi gì. Có những ngày lòng đìu hiu như giọt mưa rơi trên tàu lá chuối. Âm thanh não nề. Thê lương. Lê thê tiếng thở dài. Ngày đẹp quá mà trong lòng quạnh quẽ quá. Thắp lên một niềm vui, loay hoay mãi. Gió thổi tắt ngúm. Những ngày này, đi đâu cũng nghe thiên hạ đàm tiếu, cười cợt về một bài báo rất "phản động": Gái miền Tây và ba chữ “N” nổi danh thiên hạ. Bài báo này mở đầu: “Về độ “ngon”, độ “ngoan” thì tôi dám quả quyết không gái miền nào địch được gái miền Tây. Nhưng còn về độ “ngu” thì phần lớn gái miền Tây cũng là những cô gái “ngu dốt” vô đối”. Cộng đồng mạng phản ứng dữ dội. Bài báo này đăng trên bản tin lưu hành trong hố xí chăng? Không, nó xuất hiện công khai trên Báo điện tử Tri Thức Trẻ ngày 12.8.2014. Hiện nay, Bộ Thông tin & Truyền thông đã chỉ đạo xử lý.
Phân biệt, kỳ thị vùng miền là đầu óc của kẻ nô lệ. Những kẻ lúc nào cũng vỗ ngực cho rằng nơi mình sinh ra là “địa linh nhân kiệt”, hơn hẳn vùng đất khác cũng là suy nghĩ của kẻ nô lệ. Y rất ghét cái gọi là tình cảm “đồng hương”. Dân tộc Việt là một. Xương máu thống nhất một khối. Đoàn kết một khối thống nhất còn chưa ăn ai, huống gì cứ phân chia, phân biệt vùng miền. Thời buổi này, vẫn còn những kẻ có đầu óc bệnh hoạn ấy thì lạ quá. Có thể đó là một chiêu để “câu view” của Trí Thức Trẻ chăng? Đã qua rồi cái thời, chỉ viết bởi mình muốn, ai đọc hay không cũng chẳng cần quan tâm. Miễn là viết được những gì mình nghĩ trong đầu. Dần dà, thế giới mạng đã thay đổi suy nghĩ đó. Đừng nhìn đâu xa, cứ soi rọi từ trang facebook cá nhân sẽ rõ. Nhiều "tín đồ" fb cho biết, mỗi ngày vào fb, nếu notes của mình không ai ngó ngàng tới là tự nhiên lòng buồn bã như vừa mất sổ gạo. Lòng bồn chồn không yên. Muốn thiên hạ chú ý phải làm gì? Làm gì cũng có thể, thậm chí được “ném đá” lại càng hay! Càng ầm ĩ, lại càng “nổi tiếng”. Oải quá, thế là y lẳng lặng rời khỏi chốn ấy.
Cả tuần này bạn bè nhắn tin, hỏi thăm không xuất hiện trên fb nữa? Có người còn bảo, em vừa đọc bài báo thấy anh ca ngợi tác dụng của fb lắm mà: “Nhà thơ Lê Minh Quốc có cái nhìn khá toàn diện về mảnh đất trù phú cho thơ ca trong thời đại số: "Nếu một bài thơ công bố theo phương thức truyền thống, dù tâm đắc đến cỡ nào, bạn đọc cũng khó có thể lập tức bày tỏ ý kiến, cảm xúc đến tác giả. Thế nhưng khi công bố trên Facebook, do nhờ phương tiện kỹ thuật với các chức năng hỗ trợ, ngay sau lúc đọc bài thơ đó, người đọc đã tạo được sự tương tác, giao lưu giữa "tác giả - tác phẩm - bạn đọc" bởi những Comment, những Like … tạo ra sự phản hồi chỉ trong nháy mắt. Điều này khiến chúng tôi nghĩ rằng "hạt giống thơ" hôm nay phải "gieo" bằng một hình thức khác. Có như thế sức lan tỏa của thơ mới rộng hơn, sâu hơn và đến với công chúng nhiều hơn" (Báo CAND ngày 12/08/2014). Đúng thế, y có nói thế. Nhưng vẫn không thích sử dụng fb nữa. Lý do duy nhất vẫn là mất thời gian quá. Thế thôi.
Trở lại với bài báo tệ lậu của Báo điện tử Thế Giới Trẻ kia, hôm nọ người bạn đặt câu hỏi, vì sao đồng bằng sông Cửu Long vốn vựa lúa trù phú nhất nước nhưng con người ta nơi ấy lại nghèo đói, thất học nhiều đến thế? Các cô gái mới lớn lại nhắm mắt lấy chồng ngoại cũng nhiều đến thế? Tại sao? Có người quả quyết, đi từ Nam ra Bắc hễ nơi nào có xông hơi, massage, đấm bóp thư giản, tẩm quất thì nhiều nhất vẫn các cô gái miền Tây phục vụ! Thông tin này, chính xác đến đâu không rõ. Vì khi đưa ra một kết luận nào phải từ điều tra xã hội học, chứ không thể phát ngôn cảm tính. Báo Dòng đời các số vừa qua đã in loạt phóng sự về cơ sở massage Tô Châu: “Tập đoàn massage kích dục lớn nhất Cần Thơ”. Chẳng rõ, khi đọc loạt bài ấy, các vị quan chức ở đó có suy nghĩ gì?
Sáng đi họp. Trưa về nhà. Nằm đọc tờ TT, trang 1 có bài Kỷ luât cũng như không. Tác giả viết chính luận mà cứ tưởng đang viết “chuyện như đùa”. Theo tác giả, “Mấy ngày qua, báo chí đưa tin hàng loạt “quan chức bị kỷ luật”, thể hiện thái độ cương quyết của người đứng đầu các bộ, ngành. Được nhắc đến nhiều nhất là bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải với hàng loạt vụ việc “phê bình nghiêm khắc”; “Tương tự, lãnh đạo Bộ Công thương cũng vừa áp kỷ luật hành chính khiển trách phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường và “phê bình nghiêm khắc” nguyên cục trưởng (đã được luân chuyển về làm phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ) liên quan đến vụ “lộ đề thi, cháu cục phó trúng tuyển”; “Không chỉ ở hai bộ này, hình thức “phê bình nghiêm khắc” dường như đã và đang bị lạm dụng, khiến việc người nhận “kỷ luật” như chưa hề “bị kỷ luật”. Tại sao? Tác giả lý giải: “Điều trước tiên cần phải khẳng định là trong Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật cán bộ công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành không hề có hình thức kỷ luật hành chính nào được gọi tên là “phê bình nghiêm khắc”. Cho dù các “quan chức” là đảng viên thì theo quy định, cũng không hề có hình thức kỷ luật Đảng nào là “nghiêm khắc phê bình”.
Đọc xong, y có suy nghĩ gì?
Chiều nay đi ra mắt tập thơ Trong thế giới ngụy trang (NXB Trẻ) của bạn thơ Phùng Hiệu. Ra mắt tại trụ sở Hội Liên hiệp VHNT TP.HCM. Nhìn đi nhìn lại cũng vài gương mặt cũ. Một cuộc chơi đã đến hồi tàn lụi và kết thúc rồi chăng? Còn mấy ai quan tâm đến thơ, có thể bình tâm đọc hết một bài thơ? Ôi, thơ! Vẫn biết thế, nhưng anh em ấn hành tập thơ mới là y lại đến chung vui. Trong tuần này, ngoài tập thơ của Phùng Hiệu, còn được tặng các tập thơ khác: Thiên Di (Nguyễn Minh Hùng), Lục bát tình (Hoàng Yên Xuân - Hoàng Xuân Việt), Đôi cánh ca dao (Hà Nguyên Dũng), Đèn thức cho ai? (Vương Hoài Uyên), Gió mặn (Trần Huy Minh Phương); riêng tập Thơ thủ thỉ của Văn Thùy do tác giả chép tay.
Trời chiều. Mưa tầm tã. Đường phố ngập nước. Xe vẫn chạy ùn ùn. Khiếp quá.
Tập thơ của bạn bè do Lê Minh Quốc vẽ bìa
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|