Lại chuyện sách giáo khoa (SGK).
Ai biên soạn? Biên soạn như thế nào? Vẫn là sự tranh luận không dứt. Cuối cùng, người ta đã “gút” thế nào? Quan điểm của y, cứ như cách làm của miền Nam trước 1975 là tốt hơn cả. Nghĩa là Bộ Quốc gia Giáo dục ban hành chương trình học, học cái gì, cụ thể ra sao? v.v… Sau đó, các giáo viên căn cứ vào đó biên soạn SGK. Cách làm này huy động được chất xám của các nhà mô phạm, trí thức cả nước. Bộ SGK nào có chất lượng tốt, các trường sẽ chọn dạy cho học sinh, bằng không tự nó đào thải. Hơn nữa, cách làm này, cùng một chủ đề do Bộ đề ra nhưng cách triển khai có nhiều góc nhìn, nhờ thế, bài học sẽ phong phú hơn. Chẳng hạn, đây là Chương trình Việt ngữ lớp Nhì:
"Lời dặn: Giáo viên sẽ tùy chủ điểm, tùy địa phương, tùy thời tiết mà dạy các mục sau này, mục nào trước, mục nào sau, tùy tiện.
Ngữ vựng
Thôn quê và thành thị: Công sở, dinh thự. Cách sinh hoạt ở thôn quê và thành thị. Các cơ quan hành chính. Thuần phong mỹ tục.
Nghề nghiệp: Các nghề nghiệp. Đồ dùng của thợ. Các nhà máy.
Thương mại: Cửa hàng. Chợ. Hàng hóa. Việc buôn bán. Sổ sách.
Giao thông: Giao thông và các cách vận tải. Bưu chính (thư từ, điện tín, điện thoại, ngân phiếu, bưu kiện v.v…).
Vũ trụ: Trời. Đất. Các hiện tượng trong trời đất. Thời tiết. Các khí cụ để biết thời tiết. Âm lịch và dương lịch.
Tập đọc - Học thuộc lòng
Tập đọc, giải nghĩa, học thuộc những bài văn hay và ngắn bằng văn xuôi hoặc văn vần, có tính chất luân lý, thiết thực. Nên chọn những bài văn mới, có tinh thần quốc gia hay xã hội. (Tập đọc cho trôi chảy và có ý vị. Đọc tự nhiên đừng ê a, để ý đến các nhỡn tự). Giọng đọc phải thích hợp với ý tưởng, tính cách và tình tiết bài học.
Chính tả - Văn phạm - Chữ viết
Chính tả: Viết trầm những bài ngắn độ 10 dòng, chọn ở những tác phẩm văn xuôi gần đây, có tương quan đến chương trình ngữ vựng và đức dục. Thầy đọc theo giọng thông thường để học trò nghe cho quen, khi gặp người tỉnh khác đọc, khỏi bỡ ngỡ. Để ý đặc biệt đến cách đặt các dấu chữ, chấm câu, dấu giọng, dấu câu cho đúng chỗ, trong bài chính tả cũng như trong bài học, bài làm.
Văn phạm: (Dùng bài chính tả hoặc tập đọc mà dạy).
- Phân biệt các loại tiếng chính (danh từ, động từ…) và để ý về các “loại từ” dùng để chỉ riêng về người, về đồ vật v.v…(con, cái, cây, chiếc…).
- Những điều cương yếu về ngữ pháp: nhận xét các phần chính (chủ từ, động từ, túc từ, trạng từ) và vị trí của mỗi phần trong một câu đơn.
- Câu chỉ việc chủ động; câu chỉ việc thụ động; câu nói thường; câu để hỏi; câu để than (cách dùng những từ ngữ riêng để nói hoặc để than).
Tập viết: Tập viết chữ nhỏ, chữ vừa (lối thường và hoa). Viết những câu ngắn có ý nghĩa.
Tập làm văn
1. Tập dùng những từ ngữ: chỉ… mà thôi; không những… lại còn nữa.
Tập dùng những tiếng: mỗi, mọi, mấy, những, các.
Tập dùng những tiếng: rất, lắm, quá, hơn, thua.
2. Tả đồ vật, cây cỏ, tả cảnh, tả người.
3. Thuật chuyện, viết thư dễ và thích hợp với đời sống hàng ngày của học trò”
(nguồn: Chương trình của Bộ QGGD của Việt Nam Cộng hòa).
Thử so sánh 3 bài tập đọc của học trò lớp Nhì học vào Tuần lễ thứ 14, chủ đề: “Nghề nghiệp: Các nghề nghiệp. Đồ dùng của thợ. Các nhà máy”:
Đập thủy điện Đa Nhim
1. Lễ chính thức khởi công xây cất đập thủy điện Đa Nhim vào ngày 1 tháng 4 năm 1961.
2. Tại quận Đơn Dương, tỉnh Tuyên Đức, lối ba trăm chuyên viên Nhựt và ba ngàn chuyên viên, công nhân Việt Nam đêm ngày làm việc không ngừng để đắp một cái đập vĩ đại ngang sông Đa Nhim. Một đường hầm dẫn nước cũng được đào từ quận này xuyên qua dãy núi Ngoạn Mục đế nhà máy phát diện đặt tại Sông Pha thuộc tỉnh Ninh Thuận.
Từ đây, một hệ thống dẫn điện cao thế đưa về trạm biến điện Thủ Đức dài 252 cây số. Công tác này hoàn thành là một kỳ công của ngành điện lực Việt Nam.
3. Đập Đa Nhim sẽ cung cấp một số điện khí thừa thải cho dân chúng Đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn và khắp cả những tỉnh phụ cận” (nguồn: Quốc văn bộ mới lớp Nhì do Lê Thành Phát, Phạm Trường Thiên và Một nhóm giáo viên biên soạn - NXB Việt Hương in năm 1970, tr.109, tác giả V.P.L).
Nhà máy xay lúa
1. Miền Nam tự do là một vựa thóc khổng lồ ở Đông Nam Á. Vì thế nên nhà máy xay lúa được xây cất khắp các vùng, trên bờ sông và lạch. Lớn nhất là những nhà máy ở vùng Sài Gòn - Chợ Lớn.
2. Nhà máy xay lúa có hai loại máy là máy lửa và máy dầu. Máy lửa lớn và có nhiều động cơ, sức sản xuất khá mạnh nên xay được nhiều lúa (thóc) hơn. Còn máy dầu thì chỉ dùng để xay gạo ăn thôi. Mỗi máy có nhiều cái hộc bằng gỗ hay bằng kim khí nối liền với nhau. Lúc ở máy chuyền sang hộc thứ hai, thóc sẽ biến thành gạo lức. Khi đến hộc thứ ba, gạo đã trắng rồi. Sang đến hộc thứ tư, thứ năm thì máy đã phân biệt hẳn ra gạo, tấm và cám. Lúc đó, các công nhân đem đóng vào bao gửi đi các nơi hay mang vào kho lưu trữ.
3. Những máy xay này thường hoạt động quanh năm, nhất là sau vụ gặt, nhiều máy chạy suốt ngày đêm không nghỉ” (Quốc văn toàn tập lớp Nhì do Bùi Văn Bảo, Đoàn Xuyên biên soạn- NXB Sống Mới in năm 1967- tr.79, tác giả Văn Lâm).
Máy xay
1. Thủy vào trong theo hai chị em để xem tận mắt cách làm việc của chiếc máy xay lúa. Lẫn trong tiếng động cơ rầm rầm, những lớp bụi bay tung tóe. Thủy nhận thấy chiếc máy xay thật là vĩ đại.
2. Từng thúng lúa đổ vào miệng chiếc phễu hình chữ nhật rồi chừng mười lăm phút, hình ảnh của chiếc thùng lúa biến mất, Thủy chỉ còn thấy chảy ra ở một cửa miệng khác của chiếc máy xay lớp gạo mới trắng tinh.Những vỏ trấu đã được đưa theo một đường khác để thành đống ở phia sau nhà máy. Những hạt gạo gẫy vụn được gọi là tấm cũng như lớp phấn bám chung quanh hạt gạo thường gọi là cám đều nhờ cách sắp đặt của chiếc máy tối tân mà được chọn lựa riêng biệt.
Thủy tưởng tượng đến những đêm trăng xay lúa ở thôn quê. Muốn có hột gạo trắng, người ta phải sàng, sảy, giã rồi giần để lấy cám. Hai phương tiện đều chỉ đi tới một mục đích nhưng kết quả khác nhau.
3. Nếu lui về những thế kỷ trước, nhà máy xay lúa ngày nay quả là một phép thần thông biến hoa của con người vậy” (Việt ngữ bộ lớp Nhì do Thêm Hữu Đắt, Huỳnh Hữu Thanh Trường Sư phạm Sài Gòn biên soạn -NXB Nam Sơn 1968 - tr.102).
Các bài tập đọc có khác nhau, nhưng rõ ràng không đi chệnh quy định của Bộ Quốc gia Giáo dục. Cần có nhiều bộ sách gáo khoa cho từng môn học. Vấn đề này ai cũng tán thành vì ích lợi cho con em mình. Thế rồi đến nay, vẫn là câu chuyện thời sự trong nghị trường. Chán là thế. Đâu phải mỗi chuyện này, còn có những chuyện khác cứ dùng dằng mãi. Chán là thế. Riết rồi, chẳng ai thèm quan tâm thêm nữa. Tới đâu hay đó. Chán là thế. Cái nguy hiểm trong suy nghĩ chính là ở đó. Riết rồi, cũng đành tặc lưỡi, cùng lắm buông tiếng thở dài rồi lảng qua chuyện khác. Cho nhẹ cái đầu. Chán là thế.
Mà này, chỉ có mỗi y bi quan thôi. Thiên hạ đâu có thế.
Vậy hả? Nếu thế, may quá. Hy vọng thế để mà yêu cuộc đời này.
Sáng nay, trên TT lại có bài Tranh cãi quanh đoạn trích bài thơ Thương ông của nhà thơ Tú Mỡ in trong sách giáo khoa Tiếng Việt. Bài báo này có đưa ra hai văn bản đã sử dụng trong SGK lớp 2 (28 câu), và đã từng in trong SGK lớp 4 (20 câu). Tại sao? GS Nguyễn Minh Thuyết - chủ biên SGK Tiếng Việt lớp 2 cho biết: “Nguyên bản bài thơ này (trong tuyển tập thơ Tú Mỡ) dài 42 dòng, theo thể thơ 4 chữ. Toàn bài thơ gồm 168 chữ. Nhưng theo nguyên tắc lựa chọn đoạn trích cho học sinh lớp 2, chúng tôi chỉ đưa vào những đoạn trích dài tối đa 120 - 150 chữ. Các câu hỏi kèm theo đoạn trích chỉ tối đa ba câu, mỗi câu hỏi tối đa 10 chữ. Vì thế chúng tôi không thể đưa nguyên vẹn bài thơ mà chỉ đưa đoạn trích đã được lược bớt”.
PV báo TT hỏi thêm: “Nhưng vì sao nhóm tác giả không chọn đoạn trích từng đưa vào SGK lớp 4 vốn được khen rất hay?”.
Ông Thuyết trả lời: “Ở đoạn đầu bài thơ, đúng là rất hay. Nhưng khi lựa chọn cho học sinh lớp 2, ngoài tiêu chí chọn nội dung hay, chúng tôi phải quan tâm tới những yếu tố khác. Đoạn đầu bài thơ có câu “Đi phải chống gậy/ Khập khiễng khập khà”. Từ “khập khà” là cách viết của nhà thơ để gieo vần, nó hợp lý khi nằm trong chỉnh thể bài thơ. Nhưng xét ở mục đích dạy tiếng Việt cho học sinh thì đó là từ không chuẩn và khó hiểu với học sinh lớp 2. Ngoài ra theo quan điểm của nhóm biên soạn, ở phần đầu có một số câu nôm na, không “thơ” bằng phần sau. Đặc biệt ở phần sau khi đứa cháu bảo ông nói “Không đau! Không đau!”, người ông làm theo... là phần rất thú vị, thể hiện tình cảm trong sáng, cách nghĩ hồn nhiên rất trẻ con của người cháu. Theo tôi, cái thần của bài thơ nằm ở đây. Đó là lý do chúng tôi chọn đoạn trích sau”.
Cách trả lời của ông Thuyết không ổn. Hãy khoan nói về sự thẩm định thơ, việc cắt xét như thế đã hợp lý chưa? Chỉ riêng về phép ứng xử với một tác phẩm văn học, nhất là ở nhà thơ nổi tiếng như Tú Mỡ đã là điều không đúng. Bài thơ này đã in Tú Mỡ toàn tập, tập 2, NXB Văn Học - 2008 - tr.703, nội dung như sau:
1. Ông của bé Việt bị đau chân, phải chống gậy và bước đi “khập khiễng khập khà” nên không thể bước lên thềm nhà.
2. Bé Việt nói ông vịn vào vai cháu mà bước bước lên thềm. Người ông khen cháu khỏe, thương ông.
3. Thử đặt câu hỏi: Bé Việt làm việc tốt vừa rồi là do đâu?
Cả 2 văn bản đều bỏ đi cái ý này: “Khi nào ông đau/ Ông nhớ lấy câu/ Bố cháu vẫn dạy/ “Không đau, không đau”/ Dù đau đến đau/ Khỏi ngay lập tức”. Rõ ràng, nhờ giáo dục của bố mà Việt có hành động đó, chứ hoàn toàn không ngẫu nhiên. Chủ tịch Hồ Chí Minh có câu: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Không phải ngẫu nhiên, Tú Mỡ lồng vào ý trên.
4. Thêm một tứ thơ độc đáo nữa, cả 2 văn bản đều lượt bỏ là khi nghe cháu nói như thế, người ông không cãi, tin lời dạy của bố cháu nhưng hành động đáng yêu của người ông, tác giả nhấn mạnh ở chỗ “phì cười”. Rồi: “Ông bèn nói liến:/ "Không đau không đau”/ Và ông gật đầu:/ “Khỏi rồi, tài nhỉ!”. Khổ thơ này mới thật sự xuất sắc: Nghe cháu “khuyên”, ông làm theo vì cháu hồn nhiên quá, ngây thơ quá, trong sáng quá. Do đó, ông phải gật gù cháu... nói đúng. Người lớn nào không ứng xử như thế?
5. Cuối cùng, lại có một chi tiết thú vị, nếu không muốn nói thú vị nhất, trẻ con nhất, đáng yêu nhất và thể hiện rõ tình cảm Việt thương ông là lúc: “Việt ta thích chí/ Cháu đã bảo mà/ Và móc túi ra/ Tặng ông chiếc kẹo”. Văn bản SGK lớp 2 thì có, lớp 4 thì... không.
Sự tùy tiện của 2 văn bản trên, hoàn toàn không phù hợp với môi trường giáo dục. Nếu bài thơ quá dài, không phù hợp độ tuổi học sinh thì chọn bài thơ khác. Việc gì phải cắt xén? Thử nghĩ, sau này đứa trẻ lớn lên, đọc nguyên bản bài thơ Thương ông của Tú Mỡ, nó sẽ có suy nghĩ gì khi thuở ấu thời đã tiếp nhận một văn bản “đầu cua tai nheo” trong SGK? Nói “đầu cua tai nheo” vì cách "lắp ghép" ấy không phải trích đoạn. Trích đoạn có nguyên tắc của nó. Mà dù trích đoạn hay cắt xén cũng đều phản ánh không đầy đủ cấu tứ trong thơ Tú Mỡ. Láo toét. Dạy không đúng nguyên bản cho con em mình làm chi? Tội nghiệp các cháu. Hỡi ôi!
Bàn mãi chuyện này cũng chán.
Chép thêm bài trong SGK của miền Nam liên quan đến Thương xá Tax vừa bị đập bỏ. Việc làm đó đã dậy sóng trong lòng mọi người. Một phần cũng do ngay từ bé, người Sài Gòn đã được học, được cảm nhận về “Thương xá Nguyễn Huệ”, nguyên văn như sau:
"1. Tầng dưới của tòa buynh-đinh rộng lớn nằm tại đại lộ Nguyễn Huệ và Lê Lợi được dùng làm thương xá.
2. Gặp ngày nghỉ lễ, thương xá đông nghẹt những người! Các lối đi thênh thang bên trong sáng rực đèn ống, đèn màu. Gian hàng trần thiết rực rỡ, chưng bày nhiều ngoại phẩm quý giá, đắt tiền. Vài cặp vợ chồng trẻ dìu nhau ngắm nghía mấy áo len đủ màu, đủ loại hoặc khẽ cười với nhau khi trầm trồ mấy viên hồng ngọc rực rỡ bên trong tủ kính. Một cô bé thích thú reo lên khi chợt nhìn thấy con búp bế xinh xinh.
3. Đây đó, nhạc vui trỗi lên lồng lộng như mừng đón khách hàng” (nguồn: Quốc văn bộ mới lớp Nhì do Lê Thành Phát, Phạm Trường Thiên và Một nhóm giáo viên biên soạn - NXB Việt Hương in năm 1970, tr.109, tác giả V.P.L - tr. 117).
Ô hay, ngày xưa, “Một cô bé thích thú reo lên khi chợt nhìn thấy con búp bế xinh xinh” là hình ảnh chị y đấy ư?
"Mắt biếc năm xưa nay đâu?"
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|