Tạp chí Văn Học số 27 (1.5.1971) phát hành tại miền Nam, số báo đặc biệt về nhà thơ Tú Mỡ. Tư liệu L.M.Q
Mấy hôm nay, bận quá. Vài bài báo vặt vãnh đã xé nát thời gian. Thời gian lủn mủn, vụn, chẳng đâu vào đâu. Sáng hôm qua, Chủ nhật, vẫn phở. Ngang qua chùa Vĩnh Nghiêm, người xe nườm nượp. Có lễ cầu siêu cho những người chết vì tai nạn giao thông: “Tưởng nhớ người đi, vì người ở lại”. Báo TP sáng nay cho biết: “Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, chỉ trong 10 tháng đầu năm 2014, cả nước xảy ra 20.801 vụ tai nạn giao thông, làm 7.475 người chết, 19.937 người bị thương. Nâng cấp hệ thống giao thông nội địa, cả đường bộ lẫn đường thủy, nhất là ở những cung đường thường xảy ra tai nạn, đang là yêu cầu cấp thiết. Các nhà nghiên cứu nước ngoài cho rằng, dù Việt Nam đã nâng cấp nhiều sân bay để thu hút các nhà đầu tư, nhưng sự lạc hậu trong hệ thống giao thông đường bộ và tai nạn giao thông xảy ra nhiều ảnh hưởng tâm lý của họ".
Mấy hôm nay, chủ nhân Khu Du lịch Đại Nam lại ồn ào trên báo chí. Ông chủ Huỳnh Uy Dũng tuyên bố trên một số tờ báo cho rằng tỉnh Bình Dương “chèn ép” khiến ông phải đóng cửa khu du lịch này. Thực hư ra sao? Sư nói sư phải, vải nói vải hay. Y cũng không rành nội tình lắm. Thông tin báo chí cho biết, từ 7g sáng ngày Chủ nhật vừa rồi, hàng vạn người dân từ các ngả đường đổ về Khu Du lịch Đại Nam vì nghe tin khu du lịch này miễn vé vào cổng, miễn vé tham quan và sẽ đóng cửa vào ngày 20.11 tới. Sáng nay, đi ăn phở với N.K.L rồi về quán cà phê L vừa mở chung với người bạn. Lật tờ báo ANTG số ra ngày 8.11.2014, đọc bài L viết về vụ kiện tụng trên. Bài báo này có nêu ý kiến của ông Dũng cho biết, ngoài yếu tố tâm linh, “Còn khu kinh doanh của khu du lịch, tôi cũng chia hết phần lợi nhuận để dành mổ tim cho trẻ em nghèo cả nước”. Sau khi phân tích, L viết câu kết như sau: “Thiết nghĩ, không người tử tế nào lại lấy việc từ thiện của mình để gây áp lực và tranh thủ sự ủng hộ của dư luận. Bởi cái gốc của từ thiện chính là sự thiện tâm”. Đọc câu này, nhớ lại chuyện này. Ngày nọ, có anh chàng trọc phú mới giàu nhờ "luộc sách" của Công ty Trí Việt bị báo chí phanh phui nện một tơi bời đã đến gặp y và bảo: “Tôi muốn đóng góp cho quỹ từ thiện của báo PN số tiền là X”. Nghe cảm động quá. Sự cảm động ấy đột nhiên tan vèo như bãi đờm búng ra khỏi cuống họng: “Bù lại, anh phải viết về vợ tôi một bài lớn in trang trọng trên báo PN”.
Trưa nay, đọc lại Giông tố của Vũ Trọng Phụng. Với y, Vũ Trọng là nhà văn Việt Nam duy nhất, y có thể đọc đi đọc lại nhiều lần mà không chán. Hình ảnh ông nghị trong văn chương nước nhà, nổi tiếng nhất chỉ thể vợ chồng nghị Quế của Ngô Tất Tố, nghị Hách của Vũ Trọng Phụng... Đây là bạn bè bồ tèo, vây cánh, tay sai của nghị Hách:
“Trong bọn ấy, có anh coi đời như canh bạc lớn, làm việc thiện là để quảng cáo cho mình, làm điều ác mà bắt mọi người phải nhớ ơn, đọc đủ cả các báo chí mà không biết gì về văn chương mỹ thuật, tủ sách đầy những tập kỷ yếu các hội ái hữu, nhưng kỳ chung thật không có ai là bạn trên đời, cầm đến tờ nhật trình chỉ xem tin thương trường, tin gọi thầu, các đạo nghị định, tin xuất cảng, nhập cảng, đã từng chủ tọa những cuộc bàn giải văn chương, mà chưa hề đọc hết một cuốn tiểu thuyết.
Lại có anh vừa cổ động kịch liệt cho hội phật giáo, lại vừa xây hàng dãy nhà săm, thấy tin ở đâu bị lụt là lập tức hô hào mở cuộc lạc quyên, để đi cân gạo, thấy tin ông tổng trưởng thuộc địa qua chơi, là viết ngay một bài báo than phiền về nạn hiếu danh và lên kể công doanh thương với quan đầu tỉnh, coi đời là một sự vô nghĩa lý, nhưng đày tớ đánh vỡ một cái bát cũng bắt đền năm xu, giữa đám đông người thì cả mồm chửi những người tàn ác buôn đồng loại, nhưng ngồi một mình thì lại ca tụng mình đã làm được một việc tàn ác một cách có mỹ thuật.
Có anh nữa, đã bị cáo trước vành móng ngựa hàng chục lần, mà vẫn chưa biết ông biện lý ngồi ở chỗ nào, vào đâu cũng khoe mình giỏi pháp luật, khai ở sở liêm phóng là vô nghề nghiệp nhưng, thực ra, không còn nghề gì là không làm, ban đêm đi tiêm thuốc phiện cho người quý quốc, ban ngày đi đòi tiền hộ các sở nặc nô, làm chủ đã ba bốn tiệm khiêu vũ, mà đánh con gái đến hộc máu về tội ăn mặc tân thời, cho vay lãi mười lăm phân thì xót xa, vì đã quá hy sinh cho đời, mà đem vi thành quan trên bạc nghìn, vì đã được cái cửu phẩm còn sợ mình là bội bạc.
Lại có anh vừa là chủ hiệu xe đám ma, vừa là chủ được phòng, bán tem cho hội bài trừ bệnh lao, lại bán cả thuốc lào mốc, chiếm kỷ lục về sự vô học nhưng lại gọi ông Quỳnh, ông Vĩnh là thằng, ấy vậy mà khéo làm tiền, thì lại cứ hơn những kẻ có bằng thương mại chuyên môn... Nói tóm lại một câu, bọn người này là những mẫu hàng đặc biệt của công giới và thương giới.
Bọn ấy đều hoặc là bạn hàng, hoặc là vây cánh hoặc là tay sai của Nghị Hách cả. Người thì lên xin thầu một dãy nhà, kẻ mong điều đình xong một tờ giao kèo, anh thì muốn bán lại một cái mỏ, anh thì đến yêu cầu một sở đại lý độc quyền, anh thì đến bán một ít cổ phần của một công ty đương tổ chức lại, hoặc sắp tan...”.
Đoạn văn trên nhắc Quỳnh là Phạm Quỳnh; Vĩnh là Nguyễn Văn Vĩnh. Thời Tú Xương, hình ảnh ông nghị chưa xuất hiện trong thơ của ông. Trong số các “môn đệ” của Tú Xương, người nối danh không hổ danh thầy là Tú Mỡ (1900 - 1976), người Hà Nội. Tiếng cười độc đáo của Tú Mỡ là biết kế thừa cái hay của các sư phụ đi trước và từ ca dao, tục ngữ. Điều làm nên tên tuổi Tú Mỡ là đã cười rất ác vào các ông nghị... gật mà trước và sau Tú Mỡ chưa có ai vượt qua nổi! Trước năm 1975 ở ngoài Bắc nổi lên những cây thơ trào phúng như Xích Điểu, Thợ Rèn, Nguyễn Đình, Sĩ Giang, Lã Vọng, Búa Đanh, Huyền Thanh, Chính Nghĩa, Búa Tạ, Đặc Công v.v... Tiếng cười của các cây bút này vẫn nặng về xây dựng lối sống mới và chủ yếu là đánh giặc Mỹ bằng những thủ pháp sắc sảo, ấn tượng. Đốt đuốc đi tìm thâu đếm suốt sáng cũng không thể tìm ra bài thơ trào phúng nào của họ đã lôi ông nghị ra nhễu nhại. Trong khi đó, ở miền Nam lại khác, các cây bút trào phúng như Tú Trọc, hà Thượng Nhân, Cả Tếu, Ch. Số Zách, Trạng Đớp, Tú Kếu, Cung Văn... đã từng "nện" ông nghị, chứ không hề né tránh. Quản lý báo chí thế nào sẽ có một nền báo chí như thế. Nhà thơ Tú Mỡ đã vẽ ông nghị thời thuộc Pháp bằng những bức chân dung hợm hĩnh, hài hước với đường nét tiêu biểu nhất, không lẫn lộn với ai khác. Chẳng hạn, đây là một đoạn trong cảnh khuếch trương của các ông nghị trước khi ra bầu cử, ta thấy có giọng châm biếm hài hước của Tú Xương:
Lẳng lặng mà nghe họ diễn thuyết
Công tâm, công ích, lời tâm huyết
Phen này mở hiệu viết văn thuê
Dẫu chẳng làm giàu cũng đỡ kiết
Họ quẳng tiền ra để cạnh tranh
Nghe đầu mỗi vé một “rồng xanh”*
Phen này có lẽ mưa ra bạc
Mà nghị viên ta khỏi phỗng sành !
(Bầu cử)
*“Rồng xanh” giấy bạc thời Pháp thuộc
Nhắn nhủ ông nghị
Áo sa, khăn nhiễu, giầy ban
Kính trắng gọng vàng, tay cắp cặp da
Ấy là ông nghị vùng ta
Xúng xa xúng xính đi ra hội đồng
Mấy lời nhắn nhủ cùng ông
Có ra hội đồng thì miệng phải to
Xin đừng khúm núm co ro
Nói không ra tiếng họ cho rằng đần
Cũng đừng ngẩn mặt tần ngần
Ngồi nghe diễn thuyết ngủ dần thiu thiu
Ông nghị đi hội đồng về
- Ông ơi, ông đi đâu về
Có vẻ phỡn phè, phấn chấn hỡi ông?
- Rằng tôi đi họp hội đồng
Mỗi năm một bận, hết lòng vì dân
Gật gù, nghe đọc diễn văn
Vì dân giáng sức mấy lần vỗ tay
Trăm công, nghìn việc, nặng thay!
Vì dân nên phải đêm ngày miên man
Bao chương dự toán luận bàn
Vì dân sái cổ gật tràn đòi phen
Nhờ trời công việc đã yên
Vì dân phải xuống Khâm Thiên giải sầu
Quản gì thức mấy đêm thâu
Vì dân khai trí mấy chầu tổ tôm
Mỗi năm vất vả mươi hôm
Một bầu nhiệt huyết vẫn ôm kè kè
Khâm Thiên là nơi nổi tiếng với nhiều nhà hát cô đầu thời ấy. Tú Mỡ có viết Khuyên chồng ông nghị khi đi hội đồng, nhại theo bài kinh nghĩa “Khuyên con về nhà chồng” của cụ Bãng nhãn Lê Quý Đôn. Ông mở đầu như sau: “Ông nghị ra nghị viện phải nói, phải năng, đừng câm miệng hến, chớ vì tư lợi, để phụ lòng dân”. Rồi viết hát xẩm Tiễn đưa quan nghị về quê, Gắn bó với quan nghị - theo điệu “Anh Khóa ơi” của Á Nam Trần Tuấn Khải, Hách, Kén chồng ông nghị, Giới thiệu các ông nghị với quốc dân v.v... Thơ trào phúng khó “đứng lại” với thời gian bởi nó gắn liền với yếu tố thời sự, sự việc cụ thể trong hoàn cảnh cụ thể. Tuy nhiên, cũng có sự ngoại lệ, chẳng hạn, thơ trào phúng của Hồ Xuân Hương, Tú Xương… và gần đây Tú Mỡ. Ai dám bảo, những bài thơ viết về ông nghị của Tú Mỡ không còn tính thời sự?
Chiều mai, đi dự hội thảo tập sách Lính thợ Đông Dương ở Pháp (1939 - 1952) - Một trang sử thuộc địa bị lãng quên do NXB Tri Thức tổ chức tại Thư viện Idecaf, TP. HCM. Khánh dịch quyển này. Lâu quá không gặp Khánh. Thỉnh thoảng nhận sách mới của bạn bè, biết họ vẫn say mê làm việc, quà tặng ấy, y thích hơn cả.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|