LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 27.10.2014

 

DSCN0576chon-anh-nayR


1. Bất  chấp tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản bác bỏ đề nghị xây dựng miếu thờ trong Khu kinh tế Vũng Áng nhưng tập đoàn Formosa Hà Tĩnh vẫn phớt lờ và tự ý xây dựng. Có báo đều la toáng vụ này. Chẳng rõ, cuối cùng miếu thờ này có phá bỏ? Trên trang mạng motthegio, đồng nghiệp Hà Văn Thịnh có cho biết một điều hầu như chưa thấy tờ báo nào nói đến:

“Trong Kinh Thánh (The Bible) có đoạn: “Cain nói với Abel. Vả, khi hai người đương ở ngoài đồng, thì Cain xông đến Abel em mình, và giết đi” (Sáng Thế Ký, 4.8). Nhiều ngàn năm đã trôi qua, không ít bậc thông thái đã cố giải mã một trong những điều bí ẩn lớn nhất trong lịch sử loài người, rằng Cain đã nói gì với Abel?

Dan Brown, tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng, trong đó có tiểu thuyết đã được dựng thành phim Thiên thần và Ác quỷ, lý giải rằng: Điều Cain đã nói liên quan đến ba vấn đề gây ra mâu thuẫn ngàn đời của con người, không bao giờ giải quyết rốt ráo được, đó là tranh chấp đất đai, tức quyền sở hữu; quyền tuyệt đối với ‘một nửa của mình’ (ardhanghi - từ được dùng cách đây nhiều ngàn năm để nói về vợ, trong Kinh Védas, Ấn Độ giáo) và, cái miếu thờ.

Dan Brown nhấn mạnh, cái miếu thờ là của tao, tao không thể chia sẻ cho mày được. Cái miếu thờ là văn hóa dân tộc, chủ quyền tinh thần -  bản sắc, thuộc tính không thể san nhượng, cầm cố; mà, nếu vi phạm, bất cứ dân tộc nào cũng có thể tự đánh mất chính mình.

…Không phải ngẫu nhiên mà năm 692, Abd Al Malic đã cho xây Đền Vòm Mỏm Đá ngay trên nền ngôi đền thờ Chúa Trời của cả đạo Do Thái và Công giáo. Các nhà sử học đều nhất trí rằng năm 692 là cột mốc đánh dấu sự ra đời của đế quốc Hồi giáo - Ả rập tại vùng Jerusalem”.

2. Số phận Thương xá Tax - xây dựng từ năm 1880 tại Sài Gòn, được báo chí đề cập đến nhiều trong thời gian gần đây. Từ ngày 25.9.2014, nơi này ngừng hoạt động, một số hạng mục phụ cận đang được tháo dỡ để xây dựng thành một trung tâm thương mại hiện đại 40 tầng. Cảm động với thông tin này, cần ghi lại: “Nền cầu thang được khảm gốm Mosaic, 4 chú gà trống, trái châu và lan can... là những hạng mục lâu đời còn lại của Thương xá Tax được Tổng lãnh sự quán Phần Lan tại TP HCM đề xuất bảo tồn”. UBND TP HCM vừa có văn bản giao các cơ quan liên quan tham mưu đề xuất cụ thể việc bảo tồn một số hạng mục.

3. Đọc thông tin này, cứ tưởng như đang sống vào thời nghĩa quân Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng… hành quân lúc tác chiến đánh đuổi giặc Pháp: Khoảng 7 giờ 30 phút ngày 26.10.2014, ông Nguyễn Chua (SN 1960, ngụ thôn 6, xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) tử nạn khi sử dụng cáp treo để qua sông Krông Ana (đoạn qua địa bàn thôn 6). Trước đó, khoảng 8 giờ ngày 15.8.2014, trong lúc đu dây cáp qua sông Krông Ana để đi làm rẫy, không may bánh ròng rọc chạy trên dây cáp bị trục trặc, dừng đột ngột làm bà Nguyễn Thị Thọ (SN 1962, ngụ xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông) mất thăng bằng rơi xuống mép sông và... nhập viện.

4. Tương tự sau các Thông tư không khả thi như cấm người ngực lép lái xe, cấm bán rượu bia sau 11g đêm, cấm hàng rong trên vỉa hè..., ngày 1.0.2014, Bộ VH-TT&DL có Thông tư “Hướng dẫn đặt tên doanh nghiệp phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc”. Dư luận không đồng tình. Ở đây chỉ nhắc về câu chữ trong văn bản. Theo nhà ngôn ngữ học Nguyễn Đức Dân: “Thông tư này quá tùy tiện về khái niệm nên mơ hồ về từ ngữ. “Sử dụng tên đất nước, địa danh trong các thời kỳ bị xâm lược và tên những nhân vật trong lịch sử bị coi là phản chính nghĩa, kìm hãm sự tiến bộ” (điều 2.2) đều bị coi là vi phạm truyền thống lịch sử dân tộc. Có khái niệm “tên đất nước” không, hay chỉ là “tên nước”? Nếu muốn hiểu “tên đất nước” là tên những vùng đất thì sao còn thêm “địa danh”? (Báo TT 25.10.2014). Rõ ràng, văn bản cấp gia đôi khi cũng cẩu thả về ngữ nghĩa, câu cú.

5. Trong 3.254 câu thơ Kiều đã có đến 42 câu dùng chữ xuân như: Xuân lan thu cúc mặn mà cả hai (câu 162), Giọt sương gieo nặng, cành xuân là đà (176), Đêm xuân ai dễ cầm lòng được chăng (câu 1286)…; 9 câu có chữ xuân với ý nghĩa là cây xuân - có bộ mộc trong Hán tự - dùng chỉ tuổi già, cha già như: Cội xuân tuổi hạc càng cao (câu 673), Xuân huyên chợt tỉnh giấc nồng (câu 759) …; có 10 câu dùng chữ xuân đi với từ khác có ý nghĩa riêng biệt như chỉ người con gái đẹp: Cành xuân đã bẻ cho người chuyền tay (câu 1262), chỉ cảnh gia đình đoàn tụ, hạnh phúc như Vườn xuân một cửa để bia muôn đời (câu 3240)… ; thậm chí còn có đến 3 câu thi hào Nguyễn Du dùng đến hai chữ xuân như Lòng xuân phơi phới, chén xuân tàng tàng (câu 424), Hoa xuân đương nhụy, ngày xuân còn dài (1006), Ngày xuân lắm lúc đi về với xuân (1294).

6. Chí sĩ yêu nước Nguyễn Thông, trước khi mất có ghi lại trong Di chúc: “Sách vở là gia truyền quý nhất, không được đem gửi người khác. Sau khi ta trăm tuổi mỗi khi gặp ngày giỗ thì lấy sách ra bày ở hai bên trên bàn thờ thay cho mâm cúng cơm”.

7. Trong vốn từ tiếng Việt có cụm từ ngộ nghĩnh, lạ tai, hài hước: “Oẳn tà rroằn”. Nếu không đọc truyện ngắn cùng tên, có lẽ chẳng ai biết nghĩ cụm từ này là gì. Trong truyện Oẳn tà rroằn, nhân vật Nguyệt chì chiết, đay nghiến người yêu tên Phong, dọa sẽ tự tử chết nếu chàng có ý định “quất mã truy phong”. Kịch tính của câu chuyện khiến người đọc hồi hộp thương cho Nguyệt, sợ cho Nguyệt trong lúc quẫn trí làm liều. Và đây là lúc Phong vào thăm con: “Té ra thằng bé con chàng nước da lại đen như cái cột nhà cháy. Vậy nó không phải là con Rồng cháu Tiên. Nó là “Oẳn tà rroằn” không biết chống gậy”!

Vậy “Oẳn tà rroằn” là gì? Người đọc cứ ngẫm nghĩ và tự cười một mình vậy.

8. Ông cố nội của nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam là Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ, quê quán ở làng Cẩm Phô, Hội An. Theo nhà “Quảng Nam học” Nguyễn Văn Xuân, cụ Phổ có làm thơ trào phúng và trưng ra một bài thơ yết hậu. Tạm hiểu, thơ yết hậu gồm bốn câu, mà câu cuối chỉ có một chữ, một chữ nhưng phải thâu tóm được ý tứ chính của toàn bài. Sở trường thơ yết hậu và được nhiều người biết đến nhất trong văn học Việt Nam vẫn là Chiêu Lì Phạm Thái. Bài thơ Ngày xuân ngẫu hứng của Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ, nguyên văn như sau:

Ra chùa, uống rượu ăn thịt vịt

Hái mai không có, ngồi gốc mít

Ngó quanh, ngó quất không thấy ai:

                                                       Địt

Bài thơ không thanh tao nhưng đọc dứt câu nghe có âm thanh. Tư cách người làm thơ nằm ở câu “Ngó quanh, ngó quất không thấy ai”. Có lẽ, do ảnh hưởng gen di truyền trào phúng, Nhất Linh đôi lúc cũng cười cợt, hóm hỉnh. Giữa lúc phong trào Thơ mới đang nở rộ, “nhà nhà làm thơ, người người làm thơ”, có người làm bài thơ gửi đăng báo nhưng làm theo lối cũ:

Mặt bẩn sao chưa lau?

Con ra lấy cái thau

Đổ nước, mang khăn mặt:

                                        Mau!

Lập tức trên báo Phong hoá số 31, Nhất Linh bình luận: “Thơ như thế sao gọi là thơ được? Đó chỉ là mấy câu sai con mà có vần. Nó cũng như thơ con cóc mà thôi. Nhất Linh lại xin bắt chước làm bài thơ theo lối ấy:

Trông vào nồi, cơm hết

May còn miếng cháy giòn

Ăn với cá kho mặn:

                                Ngon!

(Lạc quan)

Tay tôi mụn ghẻ đầy

May sao gặp thuốc hay

Bôi được một tuần lễ:

                             Khỏi ngay!

(Mừng khỏi bệnh)"

Đọc lại bộ Ngày nay, ắt tìm nhiều thông tin hay. Tủ sách nhà y trước có lưu trữ vài chục số, đã tặng L.K.T cách đây chừng mươi năm.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment