LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 24.10.2014

 

10678830_793889513982747_150084365978171488_n

 

Chiều thứ tư, trời mưa. Chiều thứ năm, trời mưa. Có những buổi chiều mưa được ngồi thân mật với bạn bè. Những men say bốc lên đầu, tràn qua lưỡi và réo rắt âm thanh boléro. Hầu như trong nhiều cuộc vui, con người ta lại tìm về giai điệu ấy, ca từ ấy. Hôm ra mắt tập sách ra mắt sách Trảng Bàng phương chí của Vương Công Đức cũng thế. Tường Vân kể lại câu chuyện của người bạn học. Tết năm nọ, nhiều sinh viên ở lại ký túc xá ăn Tết, do không có tiền mua vé xe đò về quê. Lúc gần đến giao thừa, anh em đốt lửa giữa sân, ôm đàn ngồi hát.

Nhiều ca khúc lần lượt đi qua. Chạm đến nỗi nhớ nhà. Nỗi nhớ như gai nhọn: “Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm, mái tranh nghèo không người sửa sang. Khu vườn thiếu hoa đào mừng xuân. Đàn trẻ thơ ngây chờ mong, anh trai sẽ đem về cho tà áo mới, ba ngày xuân đi khoe phố phường…”. Âm nhạc đem lại tiếng nấc. Nỗi lòng rưng rưng. Nhớ nhà da diết. Đột nhiên có chàng sinh viên măng tơ ôm mặt khóc hu hu. Rồi đứng dậy. Anh ta quyết phải về nhà cho bằng được. Thời đó, xe cộ không nhiều như bây giờ. Từ Thủ Đức, anh đi bộ một mạch về đến tận Long Khánh. Đi với sự thôi thúc của nỗi niềm vọng lên từ giai điệu: “Con biết bây giờ mẹ chờ tin con, khi thấy mai đào nở vàng bên nương…”.

Thử đặt ca từ ấy trên môi và hát. Hát lần nữa đi. Sẽ thấy gì?

Thời bộ đội, y cũng thế. Những giao thừa ở rừng K, đồng đội ngồi với nhau đêm giao thừa, bao giờ cũng có người hát ca khúc này. Âm nhạc thời chiến ở hai miền Nam - Bắc khác hẳn. Một bên phục vụ cho sự chiến thắng bằng mọi giá. Một bên thể hiện tâm trạng cá nhân. Cuối cùng, sau khi cuộc chiến đi qua, những gì sẽ còn lại trong trí nhớ? Và bây giờ, trong các cuộc vui hầu như âm thanh boléro cũng được gọi về.

Vừa rồi ca sĩ Lê Uyên trả lời báo PN về chuyện tình Lê Uyên Phương.. Cô bảo: “Nhiều người đặt câu hỏi có phải tình yêu và âm nhạc đã giúp anh Phương có một cuộc sống dài hơn so với những gì mà cơn bệnh anh mang năm 27 tuổi dự báo? Tôi không có kiến thức y khoa để biết, nhưng tôi biết chắc một điều: khi người ta có tình yêu, hạnh phúc thì người ta sẽ sống lâu hơn”. Đúng quá. Viết cũng cũng là lúc thể hiện tình yêu. Với tình yêu vô bờ bến về nơi chôn nhau cắt rốn, dù không phải nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, người ta vẫn có thể viết được những tập sách hữu ích. Những tập sách “tay ngang” ấy, có thể khiến các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp phải giật mình thán phục. Có thể tìm được ở đó những nguồn tư liệu tươi roi rói từ ghi chép điền dã, từ mắt thấy tai nghe ngay, từ khảo cứu sách vở công phu chỉ vì yêu thích, chứ không vì mục đích gì khác.

Trường hợp của nhà giáo Nguyễn Văn Uẩn là một. Do quá yêu Hà Nội, ông dành hết thời gian vào thư viện tài liệu, lang thang ngõ ngách 36 phố phường ghi chép tất tần tật những gì đã nghe, đã thấy. Công việc này ông thực hiện từ năm 1962 đến năm 1984 thì hoàn thành bộ sách Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX, dày 1.164 trang in. Vừa rồi, kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, NXB Hà Nội đã tái bản. Trường hợp của luật gia Vương Công Đức là một. Tập Trảng Bàng phương chí của anh cũng là một đóng góp tương tự về địa phương chí. Anh đã chi ra tròm trèm hàng trăm triệu đồng từ mua tài liệu, đi điền dã v.v… Sách in ra, chỉ 500 cuốn nhưng lại nhận nhuận bút bằng sách. Nếu chỉ chăm bẳm vì tiền, chẳng ai làm. Tự nghĩ, khi thấy ai làm việc tốt, dù không giúp được gì thì ít ra cũng nên có lời động viên, khuyến khích để họ bền lòng đeo đuổi công việc.

Đêm qua, lại ngồi với Cao Xuân Sơn và vài người bạn. Câu chuyện tự nhiên “lái” qua Trảng Bàng phương chí: “Có những tựa sách như Địa dư chí (Nguyễn Trãi), Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán triều Nguyễn), Phương Đình địa dư chí (Nguyễn Văn Siêu), Hoàng Việt địa dư chí (Phan Huy Chú)… lại có quyển ghi Nam Ông mộng lục (Hồ Nguyên Trừng), Kiến văn tiểu lục (Lê Quý Đôn), Tang Thương ngẫu lục (Phạm Đình Hổ-Nguyễn Án)… Đố Q “chí” khác “lục” thế nào?”. Chưa kịp trả lời, Sơn nói luôn: "Khi biên soạn sách mà có ý kiến riêng, chịu trách nhiệm về các thông tin đó, gọi là “chí”; khi biên soạn sách, chỉ ghi chép lại lời kể của người khác, gọi là “lục”. Q thấy sao?”. Thấy gì nữa, bạn mình nói đúng quá. Nào nâng ly. Thì nâng ly. "Thế đố Q đối lại câu đối này : "Về với Mậu Nhai chẳng có gì nhai, chỉ toàn nhai nhau". Nghe vui quá. Sực nhớ lại một người mà y kính trọng. Mậu Nhai, họ Hà trước kia ông làm giám đốc NXB Văn Nghệ TP.HCM, in nhiều sách tốt, sách hay. Dư luận hoan nghênh lắm. Do quý mến ông nên anh em văn nghệ mới đùa bằng vế đối đó. Theo Sơn là của nhà thơ Nguyễn Duy.

Phải công nhận bạn mình có trí nhớ cực tốt. Nhớ vanh vách nhiều thơ. Câu chuyện bàn về văn chương chữ nghĩa lúc bốc đồng ngất ngưởng bao giờ cũng lý thú. Bàn chuyện thơ văn cho nhẹ đầu. Gạt qua bên thông tin chẳng hay ho gì như Cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất vừa được liệt vào danh sách 10 cảng hàng không kém nhất năm 2014 tại châu Á - do website The Guide to Sleeping in Airports xếp hạng. Gạt qua bên thông tin chẳng hay ho như… Mà thôi. Trời đang mưa. Thơ thẩn cho vui đi. Sơn kể về tập thơ của Lưu Quang Vũ do nhà thơ Hoài Anh viết Tựa. Chỉ chuyền tay đọc, đâu khoảng năm 1972. Chưa in. Theo Sơn, Hoài Anh viết Tựa cho tập thơ của Lưu Quang Vũ cũng là bài thơ. Nguyên văn như sau:

Ôi những câu thơ anh

Bán chợ trời không đắt

Thơ rơi không ai nhặt

E thơ nổ què tay


Tôi không khen thơ hay

Tôi không chê thơ dở

Những cái lỗi của đời

Có phần tôi trong đó

Chẳng rõ số phận tập thơ này thế nào? Hôm nào hỏi lại Thơ xem sao. Ngoài trời vẫn mưa. Quán xá ồn ào. Trong câu chuyện, Sơn lại nhắc về nhà văn Trang Thế Hy, thời ở cùng chung cư. Lúc ấy, bước vào căn hộ của ông, thấy có ghi dòng chữ rành rành ngay tầm nhìn: “Khi có tiếng gõ cửa, đề nghị khách không lên tiếng để chủ nhà xử lý”. Tại sao có câu đó? Do ông có chân trong Ban Chấp hành hay Hội đồng Văn xuôi gì gì đó của Hội Nhà văn Việt Nam nên có quá nhiều người đến cầu cạnh. Lại nhắc đến câu nói mà Trang Thế Hy xem như một quan niệm sáng tác: “Khi biết mình không viết được nữa thì đi chỗ khác chơi. Đừng bẹo hình bẹo dạng ở chốn trường văn trận bút để bắt độc giả lỡ yêu mến mình đọc những lời lếu láo”. Chưa kiểm tra lại tài liệu nào nhưng chắc chắn Sơn kể đúng. Từ “bẹo” ấy, Nam bộ lắm. Đã từng xuất hiện trong thơ Trang Thế Hy:

Dung nhan em còn tươi

Anh mừng tưởng đâu đời em vui

Nào hay đây là quán

Em bẹo hình hài rao lên bán

Lan man thế nào lại quay về Ngũ Hành Sơn ở Đà Nẵng. Thời nhỏ, y đã lên chơi nhiều lần. Nhảm nhí nhất hiện nay, người ta làm cái thang máy. Chui vào đó, chỉ cái vèo là lên tận nơi. Còn đâu cái thú ngao du sơn thủy? Lâu lắm không lên nên không biết chi tiết này, Sơn bảo ngày nọ cùng nhà thơ Thanh Quế lên chơi Ngũ Hành Sơn, đến tận Vọng Hải đài. Nơi đó, năm xưa, thi sĩ Phạm Hầu - con trai tiến sĩ Phạm Liệu đã viết bài thơ Vọng Hải đài. Hai câu cuối được nhiều người truyền tụng:

Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận

Chẳng biết xa lòng có những ai?

Lẽ ra phải được khắc trang trọng lên đá Non Nước, người ta làm du lịch bằng cách viết nhồm nhoàm hai câu thơ đó lên cái bảng xi măng: “Tôi trông thấy thảm hại như biển thông báo: “Cẩn thận đoạn đường này có ổ gà, thường xẩy ra tai nạn”. Chán chết đi được”. Sơn cười phá lên trong câu chuyện kể. Y cũng cười lên. Rồi chẳng thể cười được nữa, nếu cứ nhìn vào thực trạng của đời sống đang diễn ra mỗi ngày. Chỉ nghĩ đến đó đã “oải trời đậu”. Vậy thì về thôi. Về tìm quên cái sự đời trong những trang sách mỗi ngày. Cũng là một cách thoát ly thực tế.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment