Hôm qua, lúc 12g45 đã chính thức nhấn nút send. Thở phào nhẹ nhỏm. Gần nửa tháng qua, thực hiện thời khóa biểu như sau: Sáng, 5 g thức dậy, sau đó ngồi gõ phím; chừng 9 giờ, đi ăn sáng; quay về nhà, gõ phím đến đến 13g, nghỉ trưa; 14g30 lại gõ phím đến 17 giờ, tắt máy, đi ăn tối. Quay về nhà, 22 g hoặc sớm hơn là ngủ. Công việc đều đặn. Chẳng ai thúc ép. Đã nhận lời, đã ký giao kèo rồi thì viết.
Viết cái gì thế hả Q?
Thế này, ngày kia vào hiệu sách lấy bộ Hào khí Đông A, dự định ngay đó tặng anh A. Vừa nghĩ đến đó, anh A điện thoại: “Q rảnh không? Ghé qua anh chơi”. Thì qua. Ngồi cùng anh là cô gái xinh đẹp, gọi anh A bằng chú, gọi y bằng anh. Y sướng nhé. Đại khái, cô đại diện công ty nọ này đặt anh A viết một bộ sách chủ đề nọ nhưng anh từ chối vì đang viết dang dở tác phẩm mới. Hơn nữa, anh nói: “Viết loại này cần phải có thêm tài liệu nghiên cứu, tham khảo mà chuyện đó thì nghề của Q mà. Vậy Q nhận lời đi”.
Ngặt một nỗi thời gian ngắn hạn, lại trong mùa báo Xuân, báo Tết nữa. Rồi công việc mỗi ngày của cơ quan nữa. Ngày nào lại không viết một bài, dù ngắn dù dài cho chuyên mục NYS, rồi cộng tác với tờ nọ tờ kia, đã thế anh em trong tòa soạn thỉnh thoảng í ới, nhờ viết cái này, cái nọ. Cứ như có con mọn. Nay thêm việc, liệu có hoàn thành không? Suy nghĩ một lúc, y nhận lời.
Ngày hôm qua, hồi họp nhấn nút send, cả thẩy 27 ngàn 878 chữ. Thở phào nhẹ nhỏm. Yêu Q quá. Y tự nhủ thế, bởi đã hoàn thành công việc. Những tập tiếp theo còn tiếp tục, chắc chắn không phải sử dụng thời khóa biểu này nữa. Trở lại nhịp bình thường của mỗi ngày.
Mấy hôm nay, đời sống xã hội có gì vui không? Nói thật, y không quan tâm lắm. Chúi mũi gõ phím cả ngày, chẳng có thời gian ngẫm nghĩ chuyện gì khác.
Trưa qua, tan cuộc họp bàn kế hoạch 40 năm Hội Khoa Văn học & Ngôn ngữ/ Ngữ văn 2015, trên đường về cùng Trương Nam Hương ghé thăm anh Phan Kim Thịnh - chủ nhiệm, chủ bút tạp chí Văn Học trước năm 1975. Loay hoay tìm mãi trên đường Bùi Đình Túy bởi ở đây số nhà cực kỳ lộn xộn, hẩu lốn không theo bất kỳ một quy tắc nào. Nhiều con đường tại Sài Gòn cũng đang trong tình trạng này. Cuối cùng, nhờ anh ra đón mới có thể vào tận nhà.
Chẳng biết nói thế nào. Những gì tưởng của mình, nhưng rồi có giữ được không? Anh cho biết bộ đủ Văn Học cả thẩy 205 số, đủ bộ Sử Địa là 29 số rồi nhiều bộ tạp chí khác nữa, kể cả thư viết tay, hình ảnh các nhà văn, tài liệu văn chương,sách quý khác lưu trữ lúc làm báo, anh đều bán sạch. Dạo ấy, vì việc riêng gia đình rồi chị Phương Khanh - vợ tai biến ngã bệnh, biến chứng thêm nhiều thứ bệnh khác, dăm ba lần thay đổi nhà trọ, hàng trăm thứ thúc bách sau lưng nên anh không thể giữ lại những gì đối với anh là quý nhất. Vậy mà, trưa qua anh vẫn cười hề hề khi nhắc lại chuyện cũ. Vẫn hào hứng kể chuyện đang viết kiếm sống mỗi ngày.
Sực nhớ lại ngày mới vào nghề báo, thỉnh thoảng đến nhà anh ngay đường NKKN, ngồi ngoài sân nhìn ra ngoài đường xe cộ nườm nượp. Vậy mà giờ anh lại ẩn thân ở hóc bà tó này. Hóc có nghĩa là chỗ kẹt, chỗ xó, chỗ cùng, ở trong xa, ở trong cùng; hóc hiểm là chỗ khó đi tới. Âm Hán Việt đọc là “hốc” (cốc) nghĩa là hang núi. Vậy “bà tó” là cái gì vậy trời?
Ngày đó, chưa mấy rượu bia, chỉ uống trà bàn chuyện phiếm, được anh cho mượn đọc tại chỗ các tài liệu quý, nhất quyết không được đem về nhà. Y quen biết khá nhiều người làm văn nghệ Sài Gòn cũ cũng từ anh. Thỉnh thoảng, cần hỏi ai, chuyện gì anh đều sẵn sàng. Anh kể, số báo Văn Học ế nhất là sộ đặc biệt về cụ Nguyễn Văn Tố, có lẽ do ngày ấy ít ai biết đến vị học giả đáng kính này chăng? Số báo bán chạy nhất là số do nhà văn Vũ Bằng rút tít giật gân, đại khái, Nhà thơ kháng chiến Quang Dũng là con trai Tản Đà. Sự tróe ngoe này khiến báo chạy ầm ầm. Thủ thuật làm báo mỗi khác.
Chắc ít ai nhớ thuở đang ăn làm ra, chính anh Thịnh - với tư cách chủ biên tờ Văn Học đã đứng ra tổ chức mừng thọ 70 xuân của nhà Tam Lang - tác giả Tôi kéo xe mở đầu thể loại phóng sự ở nước ta. Cuộc tri ngộ mừng thọ này diễn ra vào ngày 20.2.1971 tại nhà hàng Thanh Thế. Đọc lại Văn Học số 124 (15.3.1971), còn cảm kích với cái tình văn nghệ thuở ấy. Bữa tiệc chừng 20 người có Vũ Bằng, Tam Lang, Phạm Cao Củng, Lãng Nhân, Phạm Duy, Hoàng Ly… GS Thanh Lãng tặng 2 chai Cognac, họa sĩ Tú Uyên vẽ tặng bức tranh lụa vẽ một cành đào có trái đào lớn - tượng trưng tuổi thọ, dưới để trống cho các thân hữu ký tên. Nhìn bức tranh tặng, Tam Lang viết bài thơ Cảm tạ, nghệ sĩ Linh Điểu ngâm:
Đào tiên trao đến tay phàm
Phẩm tiên xin giữ để làm của ghi
Ân tình các bạn tương tri
Ân thâm tình nặng lấy chi tạ lòng
Nợ văn chương trả chưa xong
Nợ ân tình lại đèo bòng nợ thêm
Tà dương bóng đã xế thềm
Còn bao năm nữa cái đêm lạnh lùng
Chờ cho vẹn nghĩa thủy chung
Hãy xin cạn chén tương phùng đêm nay
Bạn uống đi! Uống thật say!
Tửu phùng tri kỷ phải đầy chớ vơi
Sau tuyên bố lý do là hát hò, ngâm thơ, đọc thơ. Cái tình văn nghệ thuở ấy sao mà đẹp.
Trưa qua, không ngờ chị Phương Khanh, vẫn nhớ hai bạn nhỏ tuổi của chồng - dù đã lâu không gặp. Ngồi trò chuyện, chị kể, ngày ngã bệnh, vào bệnh viện này bệnh viện nọ các bác sĩ trả lui vì không thể cứu sống được. Lúc tuyệt vọng nhất, con gái chết, không còn nhà trú thân, không có tiền, anh Thịnh phải bán dần các bộ sách quý. Lúc thập tử nhất sinh ấy, tình cờ có người bảo nấu lá đu đủ đực uống mỗi ngày xem sao. Chị dùng thử. Còn nước còn tát. Kỳ lạ thay, từ một người mỗi lần đi phải có người dìu, chị đã tự đi được. Bệnh tật lùi dần. Đã khỏe. Mừng cho anh chị. Do ngẫu nhiên, do cơ địa chăng, do cái gì? Chị bảo: “Nhờ ơn Chúa”.
Chẳng rõ có đúng vậy không?
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|