LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 11.10.2014

 

quaduadoR

Tiểu thuyết Quả dưa đỏ của Nguyễn Trọng Thuật - tư liệu L.M.Q

 

Trở lại với Nhật ký ngày hôm qua. Bạn bè quan tâm và thích nên mới có ý kiến “phản biện”. Y rất thích điều này. Có như thế, mới có thể tiếp cận vấn đề sâu sát hơn. Mà qua đó, còn là cái tình dành cho nhau. Hằng ngày mở mắt dậy, lập tức ngồn ngộn thông tin ùa vào trong mắt. Đọc gì? Chối bỏ cái gì? Không hề dễ dàng. Vì cái tình nên mới có ý kiến trao đổi lại, tự nhiên lòng thấy vui. Anh N.N.A trao đổi mấy ý như sau:

1.“Quốc rà lại coi "Quả dưa đỏ" "Tố Tâm" cuốn nào ra trước nha!”: Nhà văn Vũ Ngọc Phan: “...Ai cũng phải nhận rằng ông (Nguyễn Trọng Thuật) là một nhà văn có chí hướng, và lúc nào cũng muốn cho văn chương Việt Nam có cái đặc tính Việt Nam... Có một điều nên biết là Đông Dương tạp chí, chưa có truyện dài do người Việt Nam soạn, và Nam Phong tạp chí cũng thế, phải đợi cho đến khi Quả dưa đỏ của ông ra đời mới có truyện dài do người Việt Nam viết để đăng, còn trước kia người ta chỉ đăng toàn tiểu thuyết dịch, thỉnh thoảng mới có một vài truyện ngắn viết. Như vậy, trong buổi đầu, thật có rất ít người Nho học lại có óc sáng kiến như Nguyễn Trọng Thuật. Nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân: “...Với tác phẩm Quả dưa đỏ, Nguyễn Trọng Thuật được coi là một trong những nhà văn tiên phong viết tiểu thuyết bằng Quốc ngữ ở miền Bắc”.

Sở dĩ anh A có câu hỏi này, có lẽ do thông tin y đưa ra dễ gây tranh cãi: Tố Tâm của Song An Hoàng Ngọc Phách ấn hành năm 1925 được ghi nhận là tiểu thuyết đầu tiên, mở đầu cho văn học Việt Nam hiện đại.

Được biết, Quả dưa đỏ của Nguyễn Trọng Thuật cũng in năm 1925, được giải thưởng của Hội Khai Trí Tiến Đức, giải nhì (không có giải nhất); ngoài ra còn có 2 tác phẩm khác được nhận “lời khen”, chứ không trao giải thưởng là Kim Anh lệ sử của Nguyễn Văn Ích; Nho phong của Nguyễn Tường Tam (sau này ký bút danh Nhất Linh).

Cùng ấn hành trong một thời điểm, không nhận bất kỳ giải thưởng nào nhưng Tố Tâm có một vị trí khác: ngay từ lúc mới in từng kỳ trên tạp chí của Hội Cao đẳng Ái hữu năm 1923 rồi hai năm sau in thành sách, Tố Tâm lập tức tạo nên dư luận dữ dội. Đọc lại tài liệu cũ, ta thấy hầu hết trên mặt báo, các nhà văn đương thời đều có bài phê bình, nhận định khen chê đủ mọi chiều. Sau đó, Tố Tâm còn tái bản nhiều lần, theo Hoàng Ngọc Phách - đường văn và đường đời (NXB Văn Học -1996) chỉ tính đến năm 1988 đã có 24 lần in (chưa thống kê đầy đủ). Bổ sung thêm: Năm 2000, soạn giả Nhị Kiều đã chuyển thể Tố Tâm thành tuồng cải lương, sản xuất dưới dạng băng video, nghệ sĩ Ngọc Huyền đầu tư vốn. Tố Tâm nổi tiếng do lần đầu tiên có một tác phẩm văn học đòi hỏi tự do luyến ái, đặt vấn đề xung đột giữa tình yêu và bổn phận, cá nhân và gia đình.Tố Tâm ứng vào cái điệu sầu của thời đại” (Phạm Thế Ngũ). Nhân vật Tố Tâm không lấy Đạm Thủy vì hiếu với mẹ, song ái tình đeo đuổi khiến cô đổ bệnh thổ huyết mà chết. “Đọc Tố Tâm ta phải nhận thấy chỗ  kém hèn của luân lý nhà nước, vì nó mà một vị giai nhân phải giả từ trần thế để lại một bực tài tử sông mà nuốt lệ” (Thiếu Sơn).

Quả dưa đỏ lại khác hẳn, Nguyễn Trọng Thuật quay về với nhân vật An Tiêm với các tình tiết đã có từ cổ tích. Mà cách viết vẫn chưa thoát khỏi tiểu thuyết chương hồi, thỉnh thoảng đang miêu tả phong cảnh, tác giả bèn cảm tác: “Thật là:

Bốn bề sóng vỗ như non

Đảo tròn một quả rập rờn như phao”

Hoặc đang lúc đối thoại nhưng “An Tiêm bèn ngâm rằng…”. Thơ lục bát xen kẽ khá nhiều trong các câu văn du dương rất hợp với tiêu chí chọn bài của tạp chí Nam Phong thuở ấy - thuở các ông Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục, Nguyễn Bá Học… viết văn. Tố Tâm khác hẳn. Từ văn phong đến kết cấu đã rành rạch và “Tây” hơn nhiều. Không phải ngẫu nhiên, nhà nghiên cứu Nguyễn Huệ Chi khẳng định Hoàng Ngọc Phách, với Tố Tâm: “Ông là người cắm mốc quan trọng cho trào lưu văn học lãng mạn, cũng là một đại biểu khởi đầu đích thực của tiểu thuyết hiện đại Việt Nam” (SĐD, tr.9); quan điểm này còn có thể tìm thấy trong Từ điển văn học (bộ mới).

Trước đây, năm 1968 tại miền Nam, NXB Mặc Lâm do thi sĩ Đông Hồ chủ trương có tái bản Quả dưa đỏ. Phần cuối có in thêm bài thơ ông viết năm 1927 tặng Nguyễn Trọng Thuật:

Cầm gươm xới đất trồng dưa

Quản chi dãi nắng dầu mưa giữa trời

Quốc hoa nở nhụy ra đài

Quốc văn để lại cho ai tấm lòng

v.v…

Dường như nhà văn Tô Hoài cũng lấy cảm hứng từ nhân vật An Tiêm thì phải. Một tác phẩm ra đời, giá trị của nó không nằm ở giải thưởng, thậm chí ở thời điểm phát hành xê xích vài năm, vấn đề cốt lõi nhất là nó phải phản ánh được không khí, hơi thở, tiếng nói, tâm tư của thời đại đó. Để nâng lên tầm kiệt tác, tác phẩm đó phải vượt ra ngoài thời đại. Số đỏ của Vũ Trọng Phụng là một thí dụ. Từ Đông sang Tây, thời đại nào lại không có những thằng Xuân Tóc Đỏ - đứa con ra đời từ cuộc “hôn phối” của giá trị cũ đang rệu rã, thậm chí trở thành trò cười trong cơn lốc hiện đại hóa với toàn bộ mặt trái chó đểu, lưu manh, ba que xỏ lá của nó?

2.Câu này :"Trưa qua, bất ngờ khi đọc thấy cụm từ mới “Bò lai sim”! “Sim” là từ mới du nhập, từ khi có điện thoại di động. Thế thì, tại sao “bò” lại có thể lai với “sim”? Vô lý quá, phải không?" "Sim" sao là từ mới du nhập được? "Cây sim rừng sim" đã có từ lâu. Chỉ là du nhập nghĩa mới của từ "sim" thôi. HeheTongue out”.

Anh A nói đúng. Từ “sim” đã có từ lâu, đi vào thơ ca nhạc họa mà nổi tiếng nhất có lẽ Màu tím hoa sim (Hữu Loan), Thu hát cho người (Vũ Đức Sao Biển)… Từ khi có điện thoại di động, lập tức, “sim” trở thành đồng âm dị nghĩa. Tra cứu lại một loạt từ điển gần đây, kể cả từ điển bao gồm các từ mới, hoàn toàn không thấy ghi nhận từ “sim” với ý nghĩa: “SIM viết tắt của cụm từ: Subscriber Identification Module = vật được tiêu chuẩn hóa nhằm nhận dạng người đăng ý thuê bao điện thoại”. Chà, y học tiếng Anh lúc nào mà giải thích ngon cơm ngọt canh quá ta? Không đâu, nhờ nàng trả lời giúp. Rõ ràng, từ điển luôn đi sau sự ra đời của các loại từ mới, hoặc từ cũ mang nghĩa mới.

Nhân đây, cũng trở lại với các nhà văn tiên phong Nam bộ. Trong Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan còn bỏ sót nhiều lắm. Không thể trách, bởi ngày trước sự giao lưu văn hóa chưa thuận tiện như hiện nay nên ông không thể có đầy đủ các tài liệu để ghi nhận, đánh giá… Ông xếp “Những nhà văn tiên phong” gồm có "các nhà biên khảo: Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Lê Dư, Phan Khôi, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Quang Oánh, Nguyễn Văn Tố, Đào Duy Anh; các nhà văn: Hoàng Ngọc Phách, Hồ Biểu Chánh; các nhà thơ: Nguyễn Khắc Hiếu, Đoàn Như Khuê, Dương Bá Trạc, Trần Tuấn Khải”. Danh sách đó chỉ có 1 nhân vật của Nam bộ là Hồ Biểu Chánh. Mà khi phê bình, ông chỉ dựa vào tác phẩm của Hồ Biểu Chánh đăng trên Phụ Nữ tân văn (PNTV), chứ không từ một tác phẩm cụ thể đã in. Điều đó cho thấy, sách truyện in tại miền Nam đầu thế kỷ XX chưa phát hành rộng rãi ra Bắc hoặc nếu có, số lượng cũng không đáng kể.

Thời đó, báo PNTV tại Nam kỳ đang giai đoạn “đỉnh cao” nên được độc giả ngoài Bắc chú ý là cũng phải thôi. Sở dĩ như thế, một phần do PNTV in ấn tại Nam kỳ nên được hưởng quy chế báo chí “xứ thuộc địa”, thoáng hơn những người làm báo ở “xứ bảo hộ” Bắc kỳ và Trung Kỳ. Ai đời, cuộc khởi nghĩa lừng lẫy Yên Bái do anh hùng Nguyễn Thái Học lãnh đạo gây tiếng vang sang tận Pháp, một ký giả người Pháp đã viết sách ca ngợi hết lời gây chấn đông Đông Dương nhưng độc giả ngoài Bắc chỉ có thể biết rõ thông tin từ tờ PNTV trong Nam phát hành ra Bắc! Người miền Nam làm báo giỏi nhưng làm lại không mấy ai chịu khó tổng hợp, phân tích, hệ thống lớp lang một giai đoạn báo chí hoặc văn học. Vì lẽ đó, về các nhà văn tiên phong Nam bộ, thế hệ sau căn cứ vào Nhà văn hiện đại là vậy, dù còn nhiều thiếu sót.

Dăm năm trước nhà nghiên cứu Cao Xuân Mỹ đã bắt tay làm tuyển Văn xuôi Nam bộ đầu thế kỷ 20 (NXB Văn Nghệ TP.HCM - 1999). Chỉ mới dừng lại 2 tập nhưng đã lên đến gần 2.000 trang in với các nhà văn:  Nguyễn Trọng Quảng, Hồ Biểu Chánh, Phú Đức, Nguyễn Bửu Mọc, Việt Đông, Lê Hoằng Mưu, Nguyễn Chánh Sắt, Nguyễn Quang Nghiệp, Sơn Vương, Tuấn Anh và Bửu Đình.

Dù còn thiếu nhưng nếu so với danh sách của Vũ Ngọc Phan, ta thấy gì?

Ủa, sao cứ nói chuyện văn chương chữ nghĩa vậy hè? Y hỏi y và y tự trả lời: Thì văn chương đang là “thời thượng” đó cưng à. Bằng chứng, sáng nay báo TT rút tít to đùng ngay trang 1: “Dùng môn văn xét tuyển ngành y?”. Theo đó, “Tại hội nghị Hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH y dược tại Hà Nội ngày 10-10, lãnh đạo một số trường ĐH y đề xuất sử dụng môn văn để xét tuyển vào trường y.Việc thi theo khối lâu nay khiến thí sinh học lệch”. Bà Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Môn văn rất cần cho cán bộ ngành y, giúp việc nói năng lưu loát, diễn đạt văn bản rõ ràng, đúng ngữ pháp. Không nói đâu xa, nhiều đồng chí chuyên viên ở bộ làm công văn vẫn sai ngữ pháp. Có lúc tôi nói vui: rất dễ đứt mạch máu não khi đọc nguyên bản những văn bản này”.

Rằng hay thì thật là hay...

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment